Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Công an Tân Bình : Sẽ xử lý 20 người có hành vi gây rối trật tự công cộng ở Vườn rau Lộc Hưng (RFA, 16/01/2019)

Báo điện tử Soha ngày 16/1 cho biết, công an quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đang củng cố hồ sơ xử lý với gần 20 người có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối lực lượng và chống người thi hành công vụ ở khu đất vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình.

rau1

Cảnh đổ nát sau cưỡng chế tại vườn rau Lộc Hưng -Courtesy FB Vườn Rau Lộc Hưng

Công an cũng cho hay đã xác định các đối tượng cầm đầu và đang củng cố hồ sở xử lý nghiêm trước pháp luật, tuy nhiên không cho biết tên cụ thể những người này.

Theo người dân, trong 2 vụ cưỡng chế ngày 4/1 và 8/1/2019, lực lượng cưỡng chế đã bắt giữ hàng chục người dân ở đây khi quay hình, chụp ảnh cuộc cưỡng chế.

Một người trong ban đại diện Vườn rau Lộc Hưng là ông Cao Hà Trực bị bắt vào sáng sớm ngày 8/1 khi vừa ra tới tượng đài Đức Mẹ. Những người này đều được trả tự do ngày chiều tối cùng ngày.

Công an Tân Bình cho rằng, khu vực đất vườn rau có 134 hộ đã đăng ký kê khai sử dụng đất nông nghiệp. Hai đợt cưỡng chế khoảng 112 căn nhà, công trình vào ngày 4 và 8/1 mà quận thực hiện đã được báo cáo, xin chủ trương và được thành phố chấp thuận.

Trong khi đó, vào ngày 15/1, công an quận Tân Bình nói với báo chí trong nước rằng quá trình cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng đã "Phát hiện tài liệu tuyên truyền xấu !".

"Sau khi tháo dỡ công trình, chúng tôi cũng phát hiện tại đây có phòng cách âm với các thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ cho các hoạt động truyền thông và nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền xấu", một lãnh đạo Công an quận Tân Bình không nêu tên cho hay.

Mạng báo Sài Gòn Giải Phóng lấy nguồn tin từ công an quận Tân Bình khẳng định, các công trình bị tháo dỡ vừa qua được xây không phép trên đất nông nghiệp nên các trường hợp cư trú trong các công trình này không đủ điều kiện được giải quyết đăng ký tạm trú.

Công an quận nói với báo chí trong nước là khu vực này có nhiều đối tượng hình sự ; đối tượng "hoạt động chống phá" trú ngụ vào ban đêm.

Công an cũng nói sau cưỡng chế phát hiện phòng cách âm, máy ghi âm, máy quay phục vụ cho truyền thông và tài liệu có nội dung tuyên truyền xấu nhưng không nói rõ là tài liệu như thế nào.

Nhà báo Phạm Đoan Trang viết trên Facebook cá nhân ngụ ý cho rằng, "tài liệu xấu" mà công an nói tới là 2 cuốn sách "Chính trị bình dân" và "Học chính sách công qua chuyện đặc khu" mà tác giả một cuốn này là nhà báo Phạm Đoan Trang và cuốn còn lại cô đồng tác giả với 2 nhà hoạt động nhân quyền là Nguyễn Anh Tuấn, Trịnh Hữu Long.

*******************

Hơn 100 hộ dân Lộc Hưng gửi đơn kêu cứu lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước (RFA, 16/01/2019)

Hôm 15/1/2019, hơn 100 hộ dân Vườn rau Lộc Hưng ở phường 6, quận Tân Bình vừa ký đơn kêu cứu gửi lên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan thẩm quyền Trung ương, thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan báo chí.

rau2

Cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng hôm 4/1/2019 - Photo : RFA

Những người dân này nói trong đơn rằng họ là "những người bị ảnh hưởng hưởng trực tiếp, chịu thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tổn thất trầm trọng, bị mất đất, mất nhà, mất nguồn sống từ việc cưỡng chế thu hồi đất và đập phá, tháo dỡ nhà do chính quyền Phường 6, quận Tân Bình gây ra".

Trong hai ngày 4/1 và 8/1, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu Vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha. Chính quyền địa phương cho biết việc cưỡng chế chỉ thực hiện đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chứ không thu hồi đất. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương trước đó cũng cho biết khu đất này là khu đất công và đã được quy hoạch để xây trường học.

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp, người dân Vườn rau Lộc Hưng khẳng định đất vườn rau thuộc Hội truyền giáo việt Nam (Hội thừa sai Paris). Khoảng diện tích 4,8 ha bị cưỡng chế được dành cho bà con giáo dân Sơn Tây di cư vào Nam sử dụng để trồng rau từ những năm 1954 – 1955. Họ khẳng định vẫn còn giữ các giấy tờ về thỏa thuận sử dụng đất.

Những người bị cưỡng chế cũng cho biết trong suốt quá trình sử dụng đất canh tác ở Lộc Hưng, họ chưa bao giờ nhận được thông báo bằng văn bản của chính quyền địa phương hiện nay về việc khu đất này thuộc diện nhà nước tiếp quản, quản lý, và trên thực tế họ vẫn nộp thuế đất đầy đủ cho Ủy ban nhân dân phường.

Người dân Lộc Hưng cho biết họ đã kêu gọi người có trách nhiệm đứng ra đối thoại với người dân, đồng thời cung cấp những văn bản liên quan đến việc cưỡng chế nhưng yêu cầu này đã bị lờ đi, trong khi lực lượng cưỡng chế đã ‘xông vào trấn áp bà con, bắt giữ mười mấy người dân đưa về trạm giữ tại trụ sở công an các phường trong quận Tân Bình" trong đợt cưỡng chế ngày 4/1/2019.

Đơn kêu cứu của người dân Lộc Hưng kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan thẩm quyền ở trung ương và thành phố kịp thời quan tâm chỉ đạo giải quyết các yêu cầu, khiếu nại và tố cáo của người dân liên quan đến quyền sử dụng đất đai tại vườn rau ; yêu cầu UBND quận Tân Bình và phường 6 ngừng ngay việc cưỡng chế khu đất trái pháp luật ; đề nghị công khai văn bản, quyết định và chủ trương của cơ quan Nhà nước về dự án tại khu vườn rau ; yêu cầu bồi thương thiệt hai do việc cưỡng chế trái pháp luật gây ra cho người dân.

******************

Người dân Lộc Hưng nói không cần nhận tiền hỗ trợ của chính quyền (RFA, 16/01/2019)

Truyền thông trong nước hôm 16/1 nói nhiều hộ dân trong số 124 gia đình bị cưỡng chế đất, đập phá nhà cửa ở khu vực vườn rau Lộc Hưng đã đến kê khai hiện trạng sử dụng đất và đã được nhận tiền hỗ trợ của chính quyền quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

rau3

Bản đồ khu vựcc Vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh trước khi bị cưỡng chế vào hai hôm 4 và 8/1/219. RFA

Tuy nhiên, ông Cao Hà Trực, đại diện gần 200 người ký đơn khiếu kiện việc chính quyền tiến hành cưỡng chế, khẳng định rằng họ không nhận bất cứ sự hỗ trợ nào nào từ phía UBND quận Tân Bình.

Chính thức những người khiếu nại khoảng 200 hộ đến ngày hôm nay rồi vẫn chưa nhận được bất cứ một cái gì từ chính quyền hết.

UBND quận Tân Bình nói những hộ dân sau khi được rà soát, đối chiếu với các đợt kê khai đất vào những năm 1991, 1995 và 2005 mà không thay đổi về chủ sử dụng, diện tích đất và vị trí đất thì sẽ được giải quyết ngay và nhận 50% kinh phí từ quận hỗ trợ trước Tết Nguyên Đán.

Giá hỗ trợ được nói theo mức đất nông nghiệp khoảng 7 triệu đồng/m2, với tổng kinh phí hỗ trợ đất cho toàn khu khoảng 350 tỉ đồng.

Một lãnh đạo UBND phường 6, quận Tân Bình trả lời truyền thông trong nước vào chiều 15/1 rằng có 32/35 trường hợp được mời kê khai đã đồng ý nhận tiền hỗ trợ. Người này nói đang vận động những hộ dân khác hợp tác để đảm bảo quyền lợi.

Người đại diện các hộ dân vườn rau Lộc Hưng khẳng định chỉ có một số hộ không thuộc diện khiếu kiện đã làm việc với công an.

Họ rỉ tai nhau, đưa công an đến vài nhà xung quanh bảo kí đi. Có những người đất nằm ở bờ mương ngày xưa các cha móc để nước chảy về sau bị san lấp. Họ tự đặt tên cho những người ở đối diện thành có đất ở đó luôn vào khoảng 2002, 2004. Trong đó có 8 hộ thì ngày hôm nay họ kêu ra nói ký đi. Người ta đâu có bị gì đâu, bảo ký thì ký thôi.

Lãnh đạo quận Tân Bình trong buổi làm việc liên quan vụ việc chiều ngày 14/1 quả quyết việc cưỡng chế là để ngăn chặn hành vi chiếm dụng đất, xây dựng trái pháp luật vốn diễn ra rất phức tạp ở khu vực.

Vụ cưỡng chế đất Lộc Hưng xảy ra vào hai hôm 4 và 8/1/2019 khi gần 200 căn nhà của giáo dân, phần lớn là những người Bắc di cư 1954 làm nghề trồng rau ở khu vực, bị đập phá.

Đại diện quận Tân Bình cho biết vụ cưỡng chế chỉ áp dụng với 112 căn nhà xây dựng trái phép, nhưng thực tế người dân nói hàng trăm căn đã bị đập phá bao gồm cả những nhà trọ, kinh doanh mua bán, chăn nuôi mà người dân xây từ chục năm qua.

Published in Việt Nam