Việt Nam xử ông Đinh La Thăng trong một vụ án mới (RFI, 19/03/2018)
Hôm 19/03/2018, ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục bị đưa ra xét xử tại Tòa Án Hà Nội trong một vụ án thứ 2 liên quan đến việc tập đoàn dầu khí Việt Nam góp vốn 800 tỷ đồng vào ngân hàng Đại Dương.
Ông Đinh La Thăng đứng trước tòa án Hà Nội ngày 19/03/2018. VNA/Doan Tan via Reuters
Ông Đinh La Thăng bị truy tố vì trong thời gian là chủ tịch hội đồng quản trị và hội đồng thành viên tập đoàn Dầu Khí Việt Nam từ 2005-2010, ông đã ký các quyết định góp 800 tỷ đồng vào ngân hàng Đại Dương dẫn đến việc thất thoát toàn bộ số tài sản trên của Nhà Nước.
Ngân hàng tư nhân này làm ăn thua lỗ và đã bị Ngân Hàng Nhà Nước bắt buộc bán lại với giá 0 đồng. Ở vụ án này, ông Thăng bị cáo buộc tội danh " Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản". Đây là tội danh tương tự như ông Thăng đã bị cáo buộc trong vụ án bị đưa ra xét xử hôm 08/01 vừa qua liên quan đến việc quản lý đầu tư xây dựng trong tập đoàn PVN và Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC). Trong vụ án đó, ông đã bị tòa xử 13 năm tù vì tội "cố ý làm trái".
Anh Vũ
**********************
Cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng hầu tòa vụ OceanBank (RFA, 19/036/2018)
Cựu Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng, vào ngày 19 tháng 3 bị đưa ra tòa xét xử về vai trò trong vụ án bị cho là gây thiệt hại 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Ông Đinh La Thăng trong phiên tòa ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 8 tháng 1 năm 2018. AP
Đây là vụ án tham nhũng thứ hai mà ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN bị đưa ra xét xử. Trước đó, hồi hạ tuần tháng Giêng năm 2018, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án ông Đinh La Thăng 13 năm tù giam về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Cáo buộc cho rằng ông Đinh La Thăng chỉ định PVC là nhà thầu duy nhất thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, dù biết rõ PVC không đủ năng lực về cả tài chính lẫn kinh nghiệm, gây thiệt hại 119 tỷ đồng cho PVN.
Trong vụ án PVN đầu tư vào OceanBank, cáo trạng nêu rõ ông Đinh La Thăng vào tháng 9 năm 2008, đã ký thỏa thuận hợp tác với Chủ tịch Hội đồng quản trị của OceanBank, ông Hà Văn Thắm, để đầu tư số tiền 800 tỷ đồng, tương đương 35 triệu đô la Mỹ vào OceanBank. Tuy nhiên quyết định đầu tư này đã không thông qua Hội đồng quản trị của PVN và Thủ tướng Chính phủ.
Các công tố viên cáo buộc ông Đinh La Thăng đã "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 165 và đã "Lạm dụng chức quyền, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", theo Điều 280 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Đinh La Thăng tại tòa là ông làm theo chỉ thị của thủ tướng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Theo tội danh bị truy tố, ông Đinh La Thăng có thể đối mặt với bản án lên đến 20 năm tù giam.
Reuters dẫn lời Luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho biết sức khỏe của ông Thăng tốt và phiên tòa dự kiến diễn ra đến ngày 31 tháng Ba này.
*************************
Ông Đinh La Thăng có thể bị tuyên thêm 20 năm tù (VOA, 19/03/2018)
Ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, hôm 19/3 tái hầu tòa tại Hà Nội trong phiên sơ thẩm xử vụ án gây thiệt hại 800 tỷ đồng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), và có thể đối mặt với bản án thứ nhì lên tới 20 năm tù giam, theo Reuters.
Ông Đinh La Thăng, tái hầu tòa hôm 19/3/2018.
Hãng tin Anh trích lời ông Nguyễn Huy Thiệp, luật sư của ông Thăng, nói rằng với tư cách là người đứng đầu PVN, ông Thăng bị cáo buộc có trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại trên.
Ông Thăng và 6 bị can khác là các cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN bị xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999).
VnExpress đưa tin rằng ông Đinh La Thăng điềm tĩnh trả lời các câu hỏi của chủ tọa trong vụ án thứ hai bị xét xử. Báo điện tử này miêu tả rằng cựu bí thư thành ủy TP HCM mặc áo sơ mi màu sáng gắn băng tang bên ngực trái. Cha của ông Thăng qua đời hồi tháng Một, ít lâu sau khi ông bị kết án 13 năm tù cũng về tội "cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" trong một vụ khác.
Theo trang CafeF, trong phần xét hỏi, ông Thăng nói chỉ chuyển tiền vào ngân hàng OceanBank sau khi được đồng ý về chủ trương, cụ thể là xin ý kiến của thủ tướng. Ông Thăng nói nhận ông được văn bản đồng ý của thủ tướng vào tháng 10, năm 2008.
Báo chí Việt Nam không nêu đích danh ông Nguyễn Tấn Dũng, người đảm nhận chức Thủ tướng chính phủ, trong thời gian xảy ra vụ án này.
Hãng tin AP nói vụ xử Đinh La Thăng là một phần trong cuộc chiến bài trừ tham nhũng chưa có tiền lệ do Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo. Hãng này cho rằng ông Trọng có thêm quyền lực kể từ khi tái đắc cử vào năm 2016, sau khi hất cẳng ông Dũng ra khỏi chính trường.