Mục tiêu công nghiệp hóa : Việt Nam tiếp tục giấc mơ ‘hóa rồng, hóa hổ’ (VOA, 11/01/2020)
Cách đây gần 1 thập kỷ, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020. Mục tiêu này được Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 vào năm 2011.
Múa rồng tại lễ hội Gò Đống Đa ở Hà Nội. Việt Nam đã không thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa và vẫn tiếp tục giấc mơ "trở thành con rồng Châu Á".
Trong 10 năm qua, quốc gia cộng sản của Đông Nam Á được thế giới ca ngợi với đà phát triển kinh tế mạnh trong nhiều năm liên tiếp và tiến từ một quốc gia có nền kinh tế dựa trên nông nghiệp sang một nền kinh tế phát triển bằng các hoạt động công nghiệp.
Nhưng theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam cho tới thời điểm này không phải là một nước công nghiệp hóa.
"Mục tiêu đưa ra trước đây không rõ thế nào là một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Không có mục tiêu rõ ràng nên không ai xác định được là đạt được hay không và đến bây giờ thì không ai nói đến việc là đến năm 2020 Việt Nam (trở thành) nước công nhiệp hóa cả".
Giấc mơ về nền kinh tế công nghiệp hóa đã được các đại biểu quốc hội "thắp lên" rất nhiều lần tại các diễn đàn của cơ quan lập pháp cao nhất của Việt Nam trong suốt 2 thập kỷ qua. Ở kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11 năm ngoái, "giấc mơ" này lại được nhắc tới khi một đại biểu của Phú Thọ nêu lên khát vọng đưa đất nước trở thành nền kinh tế công nghiệp trong khi trước đó nhiều đại biểu khẳng định mục tiêu hiện đại hóa đất nước vào năm 2020 đã thất bại.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã không còn đề cập đến mục tiêu này nữa, vì theo bà Lan, người từng là thư ký và phó chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mục tiêu "đề ra không có cơ sở" và "không có căn cứ".
Nhận định về những nguyên nhân vì sao Việt Nam không thể trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020, bà Lan, người từng tham gia nghiên cứu xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 cùng với Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng nền nông nhiệp vẫn chiếm một phần lớn trong nền kinh tế Việt Nam trong khi năng suất lao động thấp mặc dù tỷ trọng công nghiệp có tăng lên trong những năm gần đây nhưng chưa cao như những nước khác.
"Những năm vừa qua, (Việt Nam) có tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn theo mô hình tăng trưởng trước đây là mang tính chất truyền thống nhiều hơn, tức là dựa vào lao động giá rẻ, dựa vào lao động tài nguyên thiên nhiên, rồi đổ rất nhiều vốn đầu tư vào cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Có nhiều nhân tố làm cho Việt Nam, dù là có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao về GDP, một phần là do xuất phát điểm thấp, chưa thể trở thành nước công nghiệp hóa được".
Bà Lan cho rằng Việt Nam chưa có tốc độ tăng trưởng cao hàng năm liên tục, như Hàn Quốc đã từng làm để trở thành nước công nghiệp hóa.
Báo các của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết kết quả tăng trưởng của Việt Nam dù tăng cao nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong giai đoạn tăng trưởng nhanh để trở thành những "con rồng, con hổ" của Châu Á như Hàn Quốc hay Singapore. Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế trung bình 7,14% trong 30 năm sau khi tiến hành ‘đổi mới’ (từ 1991-2020) trong khi Hàn Quốc tăng trưởng trung bình khoảng 8% một năm trong 4 thập niên từ 1961-2000.
Thay vào đó, bà Lan cho biết, các nhà lãnh đạo Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành "một nước thịnh vượng" vào năm 2030 và "đến năm đó phấn đấu trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao".
Báo cáo Việt Nam 2035 của WB và chính phủ Việt Nam thực hiện nêu ra mục tiêu rằng Việt Nam phấn đấu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại trong 15 năm nữa. Tuy nhiên, theo bà Lan để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam còn "vất vả lắm".
"Theo quan niệm của báo cáo, phải có công nghiệp và dịch vụ đạt khoảng 80-85% GDP và lực lượng lao động chủ yếu phải làm trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, cũng như những chỉ tiêu khác như là năng suất lao động, thu nhập đầu người, đô thị hóa và chỉ số phát triển con người".
Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm chưa tới 70% nền kinh tế Việt Nam, theo số liệu 2019 của Tổng cục thống kê.
Theo bà Lan, những chỉ tiêu nêu trên phải đồng bộ với nhau và phải đi cùng với việc bảo vệ môi trường và xây dựng một xã hội mang tính chất công bằng hơn để bớt đi sự phân cách xã hội.
Ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề lớn mà Việt Nam phải đối mặt trong những năm qua khi các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh luôn trong số những thành phố có không khí ô nhiễm nhất thế giới và vụ ô nhiễm ở vùng biển miền Trung do chất độc thải từ nhà máy thép Formosa.
Theo đánh giá của WB, sự phát triển và công nghiệp hóa nhanh chóng của Việt Nam đã để lại nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Ngân hàng này cũng cho rằng, việc đô thị hóa và sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và dân số của Việt Nam đang gây ra sự tăng cao về những thánh thức ô nhiễm.
"Báo cáo Việt Nam 2035 : Hướng tới thịnh vượng, sáng táo, công bằng và dân chủ" nhấn mạnh đến thông điệp phải cải cách thể chế để phát triển kinh tế, theo bà Lan. Báo cáo này còn đề xuất Việt Nam đảm bảo bền vững môi trường cũng như tăng cường sự tham gia của người dân và sự kiểm soát và cân bằng giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp.
*****************
Việt Nam kêu gọi sử dụng các nguồn tài nguyên sông Mekong công bằng và bền vững (RFA, 10/01/2020)
Việt Nam yêu cầu các quốc gia trong khu vực sông Mekong cùng hợp tác sử dụng nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác một cách công bằng và bền vững.
Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán nặng năm 2016. Ảnh chụp tại tỉnh Sóc Trăng ngày 08/03/16. AFP
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết như vừa nêu, tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 9/1, khi trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến những tác động khi Trung Quốc tiến hành chạy thử đập thủy điện Cảnh Hồng từ ngày 1 đến ngày 4/1.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh "Việt Nam tin rằng cùng với những lợi ích hợp pháp trong việc sử dụng nguồn nước sông Mekong cho sự phát triển thì các nước trong vùng phải có trách nhiệm tương hỗ trong việc sử dụng nguồn nước cũng như các nguồn tài nguyên khác một cách công bằng và bền vững nhằm đảm bảo các lợi ích cân bằng cho tất cả quốc gia vì sự thịnh vượng và sự phát triển bền vững trong khu vực".
Bà Lê Thị Thu Hằng còn cho biết Việt Nam luôn giám sát, nghiên cứu và đánh giá mọi hoạt động liên quan đến nguồn nước sông Mekong.
Trước đó, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc ra thông báo đập Cảnh Hồng sẽ giảm lượng xả từ 1.200-1.400 m3/s xuống 800-1.000 m3/s trong thời gian chạy thử nghiệm, từ 1-3/1/2020 và lượng xả nước sẽ tiếp tục giảm xuống còn 504-800 m3/s vào ngày 4/1, sau đó sẽ trở lại mức bình thường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, vào ngày 31/12 cảnh báo rằng việc chạy thử đập Cảnh Hồng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng xấu đến đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam do nằm ở vùng hạ lưu.
Trong thời gian qua, giới khoa học Việt Nam cũng lên tiếng phản đối và cảnh báo Việt Nam đã ủng hộ Lào trong dự án xây đập thủy điện Luang Prabang, là đập thủy điện lớn nhất trong số 9 con đập dòng chính trên sông Mekong, được dự kiến khởi công vào tháng 7/2020.
Thông tin từ MRC Ủy Hội Sông Mekong cho biết Công ty quốc doanh PetroVietnam Power Corporation là nhà đầu tư chính trong dự án xây đập thủy điện Luang Prabang. Giới chuyên gia cho rằng quyết định đầu tư này của Chính phủ Việt Nam sẽ làm cho cuộc sống của 20 triệu cư dân ở đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng nề hơn.
******************
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang ông Triệu Tài Vinh bị kỷ luật bằng hình thức Khiển trách (RFA, 10/01/2020)
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 10/1 đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang vì liên quan đến vụ gian lận thi cử năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.
Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh - Courtesy of Hội Nhà Báo Tuyên Quang
Theo Bộ Chính trị, ông Triệu Tài Vinh chịu trách nhiệm người đứng đầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy về để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang ; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, xem xét, phát hiện, xử lý ; chấp hành không nghiêm quy định của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bộ Chính trị cũng kết luận trong sai phạm của ông Triệu Tài Vinh là có em gái vi phạm trong kỳ thi nêu trên. Sau khi phát hiện, ông Vinh đã né tránh trách nhiệm, vi phạm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo Quy định của Trung ương Đảng.
Trước đó, em gái ông Triệu Tài Vinh là bà Triệu Thị Giang – Phó phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh bị kỷ luật khiển trách vì đã tự nhắn tin nhờ nâng điểm cho con ông Vinh thêm 5,4 điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
**********************
Hà Nội gỡ bỏ hơn 500 clips vi phạm pháp luật (RFA, 09/01/2020)
Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội mới đây đưa ra đề xuất với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cần đề nghị xử lý 3 tài khoản Facebook và gỡ bỏ 505 clips trên Youtube có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam.
Ảnh minh họa. AFP
Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cho biết thông tin vừa nêu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của cơ quan này, diễn ra vào sáng ngày 9/1 và được truyền thông trong nước loan đi cùng ngày.
Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cho biết trong năm 2020 sẽ phối hợp với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và truyền thông để gỡ bỏ các clip trên Youtube vi phạm pháp luật, đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đề ra những phương án chống lại các quan điểm, luận điệu sai trái, chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, hồi tháng 6 năm 2019, cho biết Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clips xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Cục này nhưng vẫn còn khoảng 55.000 video clips xấu độc khác trên YouTube.
****************
Thiếu tiền mặt ảnh hưởng tới đầu tư ở Việt Nam (VOA, 09/01/2020)
Các doanh nghiệp tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt vốn đang ngăn cản khoảng 24 tỉ đô la có thể đầu tư vào nền kinh tế trị giá 250 tỉ đô la của Việt Nam, theo một cuộc nghiên cứu của PwC Việt Nam.
Nhân viên ngân hàng đếm đồng đô la Mỹ tại một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội ngày 16/5/2016.
Công ty dịch vụ tài chánh này phân tích 500 doanh nghiệp tại Việt Nam với lợi tức cao nhất được đưa lên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong ít nhất 4 năm qua. Các nhà phân tích của PwC Việt Nam cho biết "chu kỳ chuyển thành tiền mặt" của những công ty này đã gia tăng, có nghĩa là họ phải chờ đợi lâu hơn từ mốc bắt đầu chu kỳ kinh doanh, khi khởi sự đầu tư, cho đến khi đầu tư sinh lợi dưới hình thức doanh thu.
"Chúng ta tiếp tục thấy lưu lượng tiền mặt bị hy sinh để đạt được những mục tiêu hàng đầu tại Việt Nam, không bền vững cho các doanh nghiệp trong dài hạn", ông Mohammad Mudasser, người đứng đầu khâu về quản lý vốn lưu động tại PwC Việt Nam, nói. "Quản lý vốn lưu động là một trách nhiệm liên hệ đến nhiều người", ông nói thêm.
Trong quá trình chuyển tiếp hiện nay, Việt Nam mở cửa cho các công ty nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước và gần đây nhất là các công ty khởi nghiệp.
Hy sinh tiền mặt cho các mục tiêu doanh thu thường có nghĩa là các công ty sẵn sàng đầu tư bằng tiền mặt sơ khởi, thường là mua hàng tồn kho để có thể bán sinh doanh thu. Tuy nhiên chu kỳ chuyển thành tiền mặt kéo dài cho thấy có một số điểm không hiệu quả, chẳng hạn như chờ đợi lâu hơn từ khi gởi hóa đơn đòi tiền khách hàng và thực sự thu tiền.
Dù không có chu kỳ kinh doanh hoàn hảo, cuộc nghiên cứu của PwC Việt Nam cho thấy các công ty ở Việt Nam có thể giải quyết một số điểm kém hiệu quả bằng cách mở khóa các tiềm năng thêm nữa trong nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng.
Trong năm 2018, Việt Nam có một trong những chu kỳ chuyển thành tiền mặt lâu nhất tại Châu Á, ở mức 67 ngày, tăng 2 ngày so với năm 2017, theo PwC Việt Nam, so với trung bình 58 ngày tại Châu Á, và đặc biệt 64 ngày tại nước láng giềng Thái Lan và 54 ngày tại Malaysia. Điều này có nghĩa là các nước khác tại Đông Nam Á có thể chuyển đầu tư thành tiền mặt sớm hơn Việt Nam.
Một trong những lý do các công ty không muốn có một chu kỳ lâu dài như vậy là làm cho họ dễ mắc nợ. Khi phải chờ đợi lâu để được khách hàng trả tiền thì một số công ty phải đi vay mượn để trang trải chi phí.
"Các công ty tăng trưởng nhanh cũng tăng nợ ngắn hạn cao hơn đáng kể, cho thấy những rủi ro trong việc tăng trưởng bền vững của những công ty này", PwC Việt Nam, một công ty tư vấn chuyện cung cấp dịch vụ về thuế và kế toán, nói trong một thông cáo báo chí.
Nếu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ gia tăng lãi suất trong năm tới, như một số nhà kinh tế dự đoán, các thị trường mới nổi như Việt Nam có thể nối gót. Việc này sẽ gia tăng chi phí vay mượn của các công ty làm tăng khả năng mắc nợ cho họ và có thể hạn chế tiềm năng kinh tế.
Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam tăng 6,9% trong năm 2019 và sẽ tăng 6,8% trong năm 2020.
PwC Việt Nam nhìn vào hàng trong kho, chi phí, và những hóa đơn chưa được trả tiền của 500 công ty được phân tích. Dựa vào đó, PwC Việt Nam ước tính có 24 tỉ đô la "bị kẹt trong vốn lưu động thuần".
Tuy nhiên PwC ước lượng chỉ có một phần của số vốn này có thể được giải tỏa, tức 11 tỉ đô la, vì một số vốn phải nằm trong chu kỳ kinh doanh. Các nhà phân tích nói hàng tồn kho và những hóa đơn chưa được thanh toán, còn được xem như là những tài khoản có thể nhận được, là những đầu mối để cải thiện tính hiệu quả. Điều này có thể đưa đến tình trạng quá nhiều hàng tồn kho được giữ lại hoặc các công ty phải phải chờ rất lâu để được khách hàng trả tiền.