Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bộ Công thương thừa nhận tình trạng tro xỉ ở Nhiệt điện Vĩnh Tân (RFA, 16/11/2018)

Bộ Công thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng chính phủ, thừa nhận tình trạng tro xỉ gây ô nhiễm và dự kiến quá tải của các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

tro1

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận -  RFA

Truyền thông trong nước loan tin hôm 16/11 cho biết Bộ Công thương xác nhận ba nhà máy Vĩnh Tân 2, 4 và ‘4 mở rộng’ dùng chung bãi chứa tro, xỉ có diện tích 38 ha, sức chứa khoảng 9,3 triệu m3. Hiện nay bãi đã chứa khoảng 4,5 triệu m3 tro, xỉ và dự kiến sẽ đầy trong 2 năm tới với lượng thải phát sinh thiết kế là 3,8 triệu m3/năm cho mỗi nhà máy.

Bộ Công thương xác nhận vị trí bãi tro, xỉ nằm gần đường quốc lộ và vận chuyển bằng ô tô nên ‘tiềm ẩn rủi ro’ gây bụi bởi gió biển và phát tán tiếng ồn.

Văn bản của Bộ Công thương nói lượng tro, xỉ thải phát ra nhiều nhất từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và 2 với lý do là vì dùng than antraxit. Nhà máy Vĩnh Tân 1 đã được Thủ tướng cho phép lưu tro, xỉ dài hạn, còn Vĩnh Tân 2 đang chịu ‘áp lực’ lớn vì không tiêu thụ được tro, xỉ.

Nhà máy Vĩnh Tân 2 được nói đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư Mãi Xanh trọn đời dự án sản xuất gạch không khung. Công ty này mới lắp đặt 3/28 dây chuyền sản xuất và chỉ tiêu thụ được 450 tấn tro, xỉ mỗi ngày ; trong khi đó hiện nay mỗi ngày Vĩnh Tân 2 thải ra 4.500 tấn tro, xỉ mỗi ngày.

Các cam kết tiêu thụ tro, xỉ tại Nhà máy Vĩnh Tân 2 được đánh giá khó có khả năng thành hiện thực vì khó khăn về tài chính, công nghệ, và sản phẩm gạch không nung khó tiêu thụ vì giá thành cao.

Trung tâm điện lực Vĩnh Tân có 5 dự án nhà máy nhiệt điện : 1,2,3,4 và 4 mở rộng. Nhà máy Vĩnh Tân 2 do Tổng công ty Phát Điện 3 và Vĩnh Tân 4 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động. Nhà máy Vĩnh Tân 4 do Trung Quốc đầu tư dự kiến phát điện từ tháng 9/2018. Nhà máy Vĩnh Tân 4 mở rộng dự kiến vận hành chính thức từ tháng 12/2019 và Vĩnh Tân 3 đang thực hiện các thủ tục đầu tư.

Năm 2008, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có vốn đầu tư dự kiến là 32.200 tỷ đồng ; nhưng đến 2017, con số này đã tăng lên 104.900 tỷ đồng.

Cư dân địa phương ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, nơi các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân được xây dựng, suốt nhiều năm qua đã lên tiếng phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường do các nhà máy này gây ra. tháng 4/2015, người dân đã chặn Quốc lộ 1A ; nhiều người bi cho quá khích đã dùng đá, bom xăng tấn công lực lượng chức năng.

***************

Khi nợ nước ngoài của Việt Nam đến ngưỡng tối đa… (RFA, 16/11/2018)

Nợ nước ngoài của quốc gia sắp chạm trần sẽ làm Việt Nam đối mặt những khó khăn gì, trong khi vẫn đang căng thẳng với tình hình nợ công ?

tro2

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 12 tháng 9 năm 2018. AFP

Sẽ ảnh hưởng hàng loạt vấn đề về đầu tư

Ủy ban Tài chính Ngân sách vừa trình Quốc hội ‘Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018’, trong đó cho biết tỷ lệ nợ công trên GDP đã giảm nhẹ trong những năm gần đây, tuy nhiên nợ nước ngoài của quốc gia lại đang tăng lên hàng năm đến gần mức trần cho phép là 50% GDP.

Cụ thể theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, nợ nước ngoài của Việt Nam năm 2017 là 45,2% GDP ; năm 2018 là 49,7%GDP và dự kiến năm 2019 là 49,9 %GDP.

Theo Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài quốc gia gồm nợ nước ngoài chính phủ, các khoản vay nước ngoài được chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp. Tuy nhiên Luật Quản lý nợ công cũng quy định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ hạn mức vay của doanh nghiệp.

Khi nợ nước ngoài của Việt Nam gần chạm trần cho phép là 50% GDP sẽ dẫn đến hệ quả gì ? Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, Hiệu phó trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết :

"Thật ra thì cái nợ nước ngoài sắp chạm trần, thì nó cũng thì nó cũng có khả năng vượt trần. Đó là cái điều chúng ta không mong muốn nhưng có thể nó vẫn xảy ra. Như vậy là nó sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề về đầu tư cũng như những công việc khác của chính phủ, nó sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi vấn đề tài chính gặp khó khăn".

Giáo sư Vũ Văn Hóa cho rằng, không một chính phủ nào mong muốn như thế, nhưng do tình hình tài chính trong nước đang gặp khó khăn, cho nên cần vay của nước ngoài. Việc đó là bất khả kháng của một nền kinh tế đang gặp khó khăn. Ông nói tiếp :

"Tất nhiên là nó sẽ ảnh hưởng đến việc cân đối tài chính trong nước, bởi vì tất cả những khoảng nợ nước ngoài trước đây cũng đã đến hạn trả một số rất là lớn. Cho nên bây giờ vay nước ngoài nữa thì nó làm cho vấn đề tài chính càng gặp khó khăn hơn. Và nếu không trả nợ nước ngoài đúng hạn còn ảnh hưởng vấn đề uy tính với các tổ chức tín dụng hoặc các quốc gia cho Việt Nam vay".

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn lại không tỏ ra lo ngại về tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP của Việt Nam hiện nay :

"Tổng số nợ nước ngoài của Việt Nam theo tôi là nằm trong vòng kiểm soát và không gây áp lực quá nhiều đối với vấn đề thanh toán của Việt Nam. Cho nên mức trần nợ nước ngoài của Việt Nam là một giới hạn tượng đối an toàn".

tro3

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội, ảnh chụp hôm 20/9/2018. (Ảnh minh họa) AFP

Ông Huỳnh Bửu Sơn chỉ lo ngại việc vay nước ngoài bằng ngoại tệ đặt ra một nhu cầu cần phải có ngoại tệ để thanh toán. Điều đó tạo ra một áp lực khá lớn đối với chính phủ. Theo ông, nếu vay trong nước thì việc thanh toán khoản nợ đó bằng tiền nội tệ tuy cũng là một áp lực nhưng dù sao đây cũng là đồng nội tệ nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có thể chủ động để có tương đối dễ dàng !?

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, nợ trong nước cũng đã có nhiều và đang tăng lên, nên không thể vay thêm nữa hoặc không dám vay thêm nữa vì lo ngại mất cân đối kinh tế trong nước.

Khi trình Quốc hội ‘Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018’, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm gần đây : năm 2017 là 62,6% GDP, năm 2018 có thể giảm còn 61,4% GDP và dự kiến xuống còn 61,3% GDP trong năm 2019.

Tốc độ tăng nợ công hiện vẫn rất cao

Tuy nhiên theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế ở Hà Nội thì tốc độ tăng nợ công hiện vẫn rất cao :

"Hiện nay tỷ lệ nợ công cũng như bội chi ngân sách thì giảm so vơi trước thôi, chứ tốc độ tăng hiện vẫn rất cao. Nợ nước ngoài hay trong nước mà cao thì đều ảnh hường và rủi ro cả, nhưng tất nhiên nợ nước ngoài thì nhiều áp lực hơn nợ trong nước".

Theo số liệu Ủy ban Tài chính Ngân sách công bố vào cuối tháng 10 năm 2018, số tuyệt đối về nợ công vẫn tiếp tục tăng : nợ công năm 2017 là 3,13 triệu tỷ đồng ; năm 2018 ước tính khoảng 3,41 triệu tỷ đồng, tăng hơn 280 ngàn tỷ đồng.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho biết :

"Tôi đánh giá tình hình nợ công của Việt Nam đang là căng thẳng và nợ nước ngoài cũng không thể xem thường. Cách chúng ta tính toán và xử lý cho đến nay thì vẫn ở trong một tình hình rất căng thẳng, chứ chưa phải là có sự cải thiện đáng kể gì. Tôi rất mong chính phủ tiếp tục cải cách ngân sách, tái cơ cấu ngân sách, giảm các khoản chi thường xuyên, giảm bộ máy nhà nước để làm sao có một đề án tái cơ cấu ngân sách một cách hiệu quả hơn, và giảm tỷ lệ nợ công".

Hiện khả năng huy động vốn trong nước của Việt Nam cũng bị hạn chế, mặc dù huy động vốn trong nước thì lãi suất cao hơn vay nước ngoài rất là nhiều. Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, trong điều kiện lạm phát, bội chi ngân sách và thâm thủng như hiện nay thì lãi suất trong nước sẽ luôn luôn là cao. Chính vì vậy, Việt Nam luôn cố gắng huy động, cũng như vay ở nước ngoài nếu có điều kiện cũng như mức lãi suất phù hợp.

Vào ngày 12 tháng 11 năm 2018, Quốc Hội Việt Nam thông qua nghị quyết điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, Việt Nam sẽ gia tăng vay vốn ODA nước ngoài thêm 60.000 tỷ đồng cho đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và sẽ giảm nguồn vốn vay quốc nội để bảo đảm an toàn nợ công.

Nhận xét về điều này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết :

"Nếu mà không vay ODA thì vẫn có thể vay thương mại, nhưng vay thương mại thì lãi suất sẽ cao hơn là vay ODA. Tôi chưa rõ các nguồn vay ODA như thế nào, nhưng Việt Nam hiện nay đạt mức thu nhập trung bình, tức thu nhập khoảng 2.400 USD một đầu người. Và như vậy sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi như trước kia".

Việc Quốc hội quyết định cho vay thêm vốn ODA của nước ngoài và giảm vay trong nước, thì Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng cũng sẽ làm giảm chi ngân sách vào lãi suất. Nhưng giải pháp cơ bản hơn là phải tái cơ cấu ngân sách, giảm vay nợ và giảm bội chi ngân sách. Theo ông, biện pháp này không dễ dàng và đòi hỏi một quyết tâm rất cao, cũng có thể phải chịu đau, nhưng ông cho rằng thà chịu đau sớm, còn hơn để tình hình tiếp tục căng thẳng hơn thì lúc bấy giờ sẽ còn bất lợi hơn.

************************

Bộ Công an đề nghị cung cấp hồ sơ khu đất 8-12 Lê Duẩn (RFA, 16/11/2018)

Bộ Công an vào ngày 16 tháng 11 có cuộc làm việc với Sở Tài nguyên – Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu cung cấp hồ sơ cấp giấy và chuyển nhượng khu đất 8-12 Lê Duẩn.

tro4

Lô đất 8-12 Lê Duẩn. Courtesy of soha.vn

Báo mạng Pháp Luật loan tin trong cùng ngày. Theo đó khu đất 8-12 Lê Duẩn thuộc sở hữu của nhà nước, rộng gần 5.000 m2 được đánh giá là khu đất vàng vì vị trí ngay trung tâm thành phố.

Tin cho biết, khu đất này đang được Sở Tài nguyên – Môi trường tiến hành thu hồi vì những sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2016.

Theo đó, nhiều Sở, Bộ Công thương, và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có sai phạm trong việc chuyển quyền và cho thuê khu đất này không đúng quy định. Thay vì tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên khu đất, ban lãnh đạo thành phố đã phê duyệt cho Công ty Lavenue thuê khu đất này trong 50 năm để xây khách sạn cao cấp và căn hộ cho thuê.

Vào ngày 30/6/2016, Công ty Lavenue sau đó đã nộp tiền theo yêu cầu và được cấp giấy sử dụng đất. Nhưng phía Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu thu hồi khu đất này để bán đấu giá.

Phía chủ đầu tư dự án đã gửi đơn khiếu nại lên Thủ tướng chính phủ đề nghị không thu hồi và tiếp tục để công ty thực hiện dự án.

Trong buổi họp báo vào ngày 1/11 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chánh văn phòng Võ Văn Hoan khẳng định vẫn đang tiến hành thu hồi, dù phía Công ty Lavenue dọa sẽ kiện Ủy ban Nhân dân Thành phố nếu phía công ty không được tiếp tục sử dụng khu đất.

************************

Trung Quốc tiếp tục thu mua kiểu tận diệt (RFA, 16/11/2018)

Cá Lìm Kìm gai, một loài cá sống được cả ở nước ngọt lẫn nước lợ, đang được Trung Quốc thu gom mua một cách bất thường.

tro5

Cá Lìm Kìm gai khô. Photo courtesy of zing.com

Theo truyền thông trong nước thì hiện nay nhiều người dân Cà Mau bỏ bê công việc đồng áng kéo nhau đi bắt cá suốt ngày đêm để bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao ngất ngưởng chưa từng có.

Cụ thể, với cá Lìm Kìm gai tươi được mua với giá từ 500.000 đồng/kg đến 1,3 triệu đồng/kg, tùy kích cỡ. Cá Lìm Kìm gai khô giá 3-4 triệu đồng/kg. Loại cá này trước nay không ai để ý vì không có giá trị kinh tế cũng như không được người dân dùng làm thực phẩm.

Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã mời Chi cục Thủy sản đến lấy mẫu gửi về Đại học Cần Thơ để xác định chủng loài, xem nếu bị tận diệt thì có ảnh hưởng gì cho môi trường hay không.

Trong khi đó thì ở Quảng Nam, thương lái Trung Quốc lại thu mua một loại cây dại có tên Dó Liệt. Người dân nơi đây lại đổ xô đi chặt loại cây này để bán với giá 2.500-3.000 đồng/kg (mua cả gốc, rễ, thân, cành). Trước đây, loại cây dại này chỉ được người dân chặt về làm củi khô.

Chuyện thương lái Trung Quốc thỉnh thoảng sang thu mua một loại cây hay một loài sinh vật nào đó với giá cao ngất ngưởng và người dân thu gom để bán không phải mới xảy ra. Trước đây Trung Quốc từng thu mua móng trâu/bò, đỉa, rễ cây hồ tiêu, lá điều, thậm chí mua đọt và lá khoai lang non.

Và chuyện người dân thu gom xong thì thương lái Trung Quốc biến mất không mua cũng đã từng xảy ra.

Published in Việt Nam