Làm sao Mỹ biết Việt Nam lạm dụng thương mại ‘tồi tệ hơn cả Trung Quốc’ ? (Người Việt, 01/07/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Việt Nam là nước lạm dụng chính sách thương mại của Mỹ "tồi tệ hơn cả Trung Quốc" và dọa sẽ có biện pháp trừng phạt. Nhưng làm sao chính phủ Mỹ biết được điều này ?
Công nhân của "nhà sản xuất" Asanzo lắp ráp các bộ phận của chiếc tivi nhập cảng từ Trung Quốc rồi dán hàng chữ "Made in Vietnam". Công ty này bị tố cáo đánh lừa người tiêu thụ là "hàng Việt Nam chất lượng cao". (Hình : Kinh Tế Tiêu Dùng)
Hôm 26/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn Fox Business Network nói rằng ông biết : "Nhiều công ty (Trung Quốc) đang chuyển (sản xuất) sang Việt Nam (để tránh bị Mỹ đánh thuế quan trừng phạt), nhưng Việt Nam lợi dụng chúng tôi còn tệ hơn Trung Quốc".
Khi được hỏi ông có định áp đặt thuế quan trừng phạt với Việt Nam như với Trung Quốc hay không thì ông Trump không phủ nhận.
"Chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam. Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhiều, nhưng họ gần như là kẻ lợi dụng tệ nhất so với những nước khác". Lời ông trong cuộc phỏng vấn.
Dịp này, tổng thống Trump than phiền việc một số công ty Trung Quốc chuyển tới Việt Nam để tránh bị đánh thuế quan trừng phạt của Mỹ là tình trạng "đáng quan tâm".
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đã vượt quá 20 tỷ USD kể từ năm 2014, đạt 39,5 tỷ USD vào năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 1990, theo dữ liệu của Cục Ðiều tra Dân số Hoa Kỳ được Bloomberg trích dẫn.
Cuối tháng 5/2019, Tổng cục Thống kê của Bộ Công thương cho hay, Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 109,2% ; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 58,4% ; hàng dệt may tăng 9,8%.
Nhưng làm sao các chuyên viên đảm trách mậu dịch quốc tế của Mỹ biết được hàng hóa từ Việt Nam xuất cảng sang Mỹ không thật sự sản xuất tại Việt Nam ?
Một trong những căn cứ để xác định là dựa vào các con số thống kê xuất nhập cảng của Việt Nam với Trung Quốc và giữa Việt Nam với nước Mỹ.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập cảng một số lượng máy điện toán và đồ điện tử từ Trung Quốc trị giá 5,1 tỉ USD, gia tăng hơn 80% so với cùng thời kỳ này của năm ngoái. Cũng vào thời gian vừa kể trên, những loại hàng hóa tương tự mà Việt Nam xuất cảng sang Mỹ gia tăng gần 72%, theo báo tài chính WSJ.
Như các con số do Tổng cục Thống kê Việt Nam đưa ra, nhờ xuất cảng tăng vọt trong 5 tháng đầu năm, ước lượng tổng sản phẩm quốc gia (GDP) của Việt Nam gia tăng 7,9% nhờ gia tăng xuất cảng sang Mỹ và Trung Quốc.
Khi tin tức về hàng Trung Quốc được tuồn sang Việt Nam với xuất xứ được in sẵn là "Made in Vietnam" rồi chuyển vận sang thị trường Mỹ đề cập trên báo chí quốc tế những tháng qua, Hà Nội đã phải thúc giục các cơ quan trong nước cũng như các công ty nội địa, tránh các trò gian lận để Việt Nam bị vạ lây vì Mỹ trừng phạt. Dù vậy, cái mối lợi ngay trước mặt khó làm giới con buôn bỏ qua.
Hồi năm 2017, Việt Nam đã bị Mỹ phạt vì thép xuất cảng từ Việt Nam sang Mỹ tăng vọt trong khi nhập cảng thép từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng tương ứng. Cũng từ đối chiếu thống kê giữa các nước liên quan mà giới chuyên gia Mỹ nhìn thấy ngay thép Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam để nhập vào Mỹ.
Sau khi bị ông Trump đả kích, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng "chữa cháy".
"Với quan điểm hai nền kinh tế có thể bổ trợ cho nhau, Việt Nam chủ trương thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Mỹ theo hướng tự do, công bằng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi".
Bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay hôm 28/6 được các báo trong nước dẫn lại.
Bà Hằng chống chế rằng, Việt Nam "đã có nhiều nỗ lực cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước, thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Mỹ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ muốn hoạt động tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh tại Mỹ".
Đồng thời "Việt Nam cũng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, chống gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác. Việt Nam và Mỹ thường xuyên trao đổi thông qua các cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (TIFA) để hình thành chiến lược hợp tác lâu dài và toàn diện, tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh", lời bà Hằng.
Theo hãng tin Bloomberg, Việt Nam sẽ ký một biên bản ghi nhớ với Bộ Năng lượng Hoa Kỳ mua khối lượng lớn khí đốt hóa lỏng từ Mỹ để giảm bớt chỉ trích cũng như tránh bị trừng phạt. (TN)
**********************
Hoa Kỳ "hy vọng Việt Nam sẽ sớm thực hiện các biện pháp để giải quyết những quan ngại" mà Tổng thống Donald Trump vừa nêu về quan hệ thương mại hai nước, TTXVN trích lời phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết hôm 1/7.
Trả lời phỏng vấn Fox Business hôm 26/6, ông Trump nói rằng Việt Nam đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ông Trump nói : "Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả các nước".
Phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam sáng 1/7 cho TTXVN biết : "Tổng thống Hoa Kỳ quyết tâm theo đuổi các điều khoản đầu tư và thương mại tự do, công bằng và trên cơ sở đôi bên cùng có lợi cho các doanh nghiệp, nông dân và người lao động Hoa Kỳ trong quan hệ với tất cả các đối tác kinh tế của Hoa Kỳ, trong đó có các nước bạn hữu như Việt Nam".
"Chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn với các đối tác Việt Nam về sự mất cân bằng thương mại và hy vọng Việt Nam sẽ sớm thực hiện các biện pháp để giải quyết những quan ngại này của chúng tôi trên tinh thần xây dựng", phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ nói thêm.
Trước đó, hôm 28/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng Hà Nội muốn phát triển quan hệ thương mại "công bằng" với Mỹ sau khi bị Tổng thống Donald Trump cáo buộc là đang lạm dụng Mỹ về thương mại "tệ hơn cả Trung Quốc".
Trả lời qua email về chỉ trích của ông Trump, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói với VOA rằng "Việt Nam chủ trương thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ theo hướng tự do, công bằng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi".
*********************
Báo Trung Quốc dùng EVFTA ‘an ủi’ Việt Nam sau đe dọa của Tổng thống Trump (VOA, 01/07/2019)
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Việt Nam "là kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất", Hoàn Cầu Thời Báo, một ấn bản của tờ Nhân Dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có bài viết cho rằng thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có thể xem là một "phản ứng" đối với chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ với tác dụng làm giảm tác động tiêu cực của thuế quan Mỹ "ngay cả khi ông Trump áp thuế lên hàng hóa của Việt Nam".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông đến Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 27/2/2019.
Bài viết trên ấn bản tiếng Anh của tờ báo Trung Quốc hôm 27/6 cho rằng mặc dù Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với hầu hết các nước Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, nhưng cuộc chiến thương mại đang diễn ra đã khiến cho các nền kinh tế này nhận ra rằng sự phụ thuộc quá mức vào thị trường tiêu dùng Mỹ là một đường hướng không bền vững để phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu.
"Việt Nam là một láng giềng gần gũi của Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ có lợi trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang quốc gia Đông Nam Á, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế song phương", tờ báo nhà nước Trung Quốc nói.
Bài viết trên Hoàn Cầu Thời Báo được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business hôm 26/6 chỉ trích Việt Nam là "kẻ lạm dụng tồi tệ nhất" khi lợi dụng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ.
Trong khi truyền thông Việt Nam hoàn toàn im lặng về sự kiện này, thì tờ báo của nhà nước Trung Quốc lại có bài viết nhắc đến chỉ trích của Tổng thống Mỹ đối với Việt Nam và cho rằng cho dù Mỹ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng Châu Á, nhưng cuộc chiến thương mại đang làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ, và chuỗi cung ứng này đang định hình lại.
"Một khi quá trình này hoàn tất, ảnh hưởng của Mỹ đối với nền kinh tế Châu Á sẽ bị phá vỡ", Hoàn Cầu Thời Báo nói, đồng thời nhận định thêm rằng cuộc chiến thương mại đã "không diễn ra như ông Trump mong đợi", khi nhiều công ty đã di chuyển sang Việt Nam thay vì sang Mỹ sau khi Washington áp thuế lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Vẫn theo Hoàn Cầu Thời Báo, thỏa thuận thương mại tự do (FTA) và thỏa thuận bảo vệ đầu tư (IPA) mà Việt Nam ký kết với Châu Âu sẽ giúp làm giảm tác động tiêu cực của thuế quan Mỹ trong trường hợp Tổng thống Trump quyết định áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Phạm Chí Dũng, một chuyên gia kinh tế và nhà báo độc lập tại Việt Nam, thì EVFTA khó có thể "bù đắp" thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam trong một sớm một chiều, mặc dù ông dự đoán mức nhập siêu của Việt Nam vào thị trường Châu Âu sẽ tăng lên và xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có thể tăng từ 4-5% sau khi có EVFTA.
Lý do, theo TS. Phạm Chí Dũng, là vì cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thâm hụt quá cao, với giá trị nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc gấp đôi giá trị xuất siêu của Việt Nam vào Liên minh Châu Âu, lên tới khoảng 50 tỉ đôla mỗi năm. Vì vậy, để EVFTA có thể mang lại một sự bù đắp khả dĩ cho những thiệt hại gây ra từ việc Việt Nam làm ăn với Trung Quốc, thì phải cần có thời gian và biện pháp mạnh.
Ông nói : "Nếu Việt Nam có được EVFTA với Châu Âu sẽ cũng phải mất một thời gian rất dài và với những biện pháp rất quyết liệt, đặc biệt ngăn chặn hàng Trung Quốc dán nhãn hàng Việt Nam để xuất sang Châu Âu và Mỹ, đồng thời ngăn chặn cả làn sóng đầu tư công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc di chuyển vào Việt Nam sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra".
TS. Phạm Chí Dũng cũng cảnh báo rằng nếu không cẩn thận và có các biện pháp "quyết liệt" đối với hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam, thì Việt Nam có nguy cơ trở thành quốc gia tiếp theo phải đối diện với "bức tường thuế" rất cao mà Mỹ dựng lên để ngăn chặn hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong bốn tháng đầu năm đạt 17,1 tỉ đôla, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là do tác động tích cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên xuất khẩu của Việt Nam.
Song TS. Phạm Chí Dũng cho rằng chủ thuyết "Việt Nam hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung" đang trên đà phá sản vì lý do một số quan chức Việt Nam đã "tiếp tay" cho Trung Quốc lũng đoạn thị trường Mỹ, sau khi lũng đoạn thị trường Việt Nam nhiều năm qua.
Khánh An