Giáo sư Chu Hảo chính thức tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản (RFA, 29/10/2018)
Giáo sư Chu Hảo, người bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng ra kết luận đề nghị kỷ luật, chính thức tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam. Tuyến bố bằng văn bản về việc này của giáo sư Chu Hảo được công khai vào sáng ngày 29/10 trên các trang mạng gồm Dân Quyền, Dân Luận cũng như tài khoản Facebook cá nhân của Giáo sư Hoàng Dũng.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo Courtesy VietTimes, RFA edit
Tuyên bố vừa nêu được Giáo sư Chu Hảo ký vào ngày 26 tháng 10 tức là một ngày sau khi có kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng ông này "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Theo tuyên bố được công khai thì Giáo sư Chu Hảo gọi việc thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng hôm 25/10 là "thiếu dân chủ, đi ngược lại hoàn toàn với ý kiến của các đảng viên và các cấp ủy đảng của Liên hiệp các hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam sau cả bốn lần thanh-kiểm tra vào các năm 2009, 2016 và 2018".
Ông cho rằng, đây là một bản cáo trạng vô căn cứ và thâm độc nhằm không những đe dọa riêng ông mà cả những người đồng chí hướng. Giáo sư Chu Hảo bày tỏ ý kiến cực lực phản đối và không chấp nhận bản Kết luận đó của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo tuyên bố được công bố, bản thân Giáo Sư Chu Hảo gia nhập đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) từ 45 năm về trước "với lý tưởng cao quý là đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì Dân chủ và Phát triển đất nước".
Tuy nhiên, ông cho rằng càng ngày ông nhận ra được rằng, tổ chức chính trị mà ông tham gia vào "không có tính chính danh, hoạt động ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại".
Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức, tiết lộ, đến nay ông đã có đơn xin từ nhiệm và đã có người thay thế ở Nhà xuất bản Tri Thức, vì vậy ông có thêm lý do để có quyết định mới.
Hôm 25/10, Ủy ban kiểm tra trung ương đảng công bố kết luận, đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với Giáo sư Chu Hảo với lý do đưa ra là ông này đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Theo kết luận, Giáo sư Chu Hảo sinh năm 1940, trước đây từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng về sau ông có những bài viết, phát ngôn mà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam cho là không phù hợp với tư cách đảng viên, nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, điều lệ, chỉ thị, quy định Đảng, cũng như chính sách và pháp luật của nhà nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, nhà văn Nguyên Ngọc và một số đảng viên khác sau đó tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam để bày tỏ sự ủng hộ với ông Chu Hảo và phản đối kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương.
***************
Các trí thức trong số gần 13 người vừa tuyên bố bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam nói với VOA rằng họ "quá bức xúc" vì Đảng "không còn phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc", Đảng "đã chọn sai đường", và họ dự báo rằng con số thoái đảng "sẽ gia tăng sau hiệu ứng Chu Hảo".
Ngay sau khi Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị xem xét kỷ luật giáo sư Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri Thức, vì "suy thoái tư tưởng chính trị", giới trí thức phản ứng mạnh bằng cách tuyên bố công khai từ bỏ đảng, thậm chí từ chức.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang, một trí thức Hà Nội có trên 54 năm tuổi Đảng và nhiều năm làm việc ở Viện Khoa học-Giáo dục, tuyên bố ra khỏi Đảng hôm 26/10, nói với VOA rằng việc giáo sư Chu Hảo bị xem xét kỷ luật là "đòn đánh vào giới tinh hoa của Việt Nam nhằm triệt tiêu những tư tưởng tiến bộ".
"Giáo sư Chu Hảo, một trí thức tiêu biểu và đã đóng góp trí tuệ cho sự tiến bộ xã hội, đùng một cái bị Đảng kỷ luật. Tôi nghĩ đây là một chủ trương đánh vào giới trí thức, giới tinh hoa của xã hội, những người muốn khai dân trí, chấn dân khí. Họ muốn triệt tiêu những tư tưởng tiến bộ và muốn triệt phá việc truyền bá những tư tưởng này vào quần chúng. Để phán ứng lại việc kỷ luật đó và để chia sẻ với anh Chu Hảo, tôi tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam".
Bản thân giáo sư Chu Hảo cũng đã thoái Đảng, trong một tuyên bố ngày 26/10 ông viết : "Tôi tự nguyện từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ hôm nay, để tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn : Góp phần nâng cao dân trí theo tinh thần Khai sáng của Phan Châu Trinh : Dân tộc, Dân chủ và Phát triển ; chủ yếu thông qua các hoạt đồng văn hóa và giáo dục. Đề nghị Chi bộ, và các cấp ủy xóa tên tôi trong Danh sách Đảng viên".
Ông Trần Nam, trung tá Quân đội Việt Nam, sau hơn 18 năm gắn bó với Đảng, đã tuyên bố từ bỏ Đảng hôm 26/10 vì đã quá "giác ngộ".
Ông chia sẻ với VOA về vai trò lãnh đạo của Đảng hiện nay :
"Tôi nghĩ rằng họ có một vai trò quan trọng, nhưng vai trò đấy dường như không phải phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của dân tộc, mà chủ yếu là phục vụ cho việc giữ chính thể để làm sao cho nó tồn tại".
Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho biết đã xuất hiện "hiệu ứng Chu Hảo" do số người "chán Đảng, khô Đoàn" rất nhiều :
"Số người ‘chán Đảng, khô Đoàn’ nhiều lắm nhưng không biết có thành phong trào hay không. Nhưng tôi biết có vài người đã tuyên bố ra khỏi Đảng, như vậy là đã có hiệu ứng. Sau khi tôi tuyên bố ra khỏi Đảng thì nhà văn Nguyên Ngọc, một nhân cách đáng kính, cũng đã tuyên bố ra khỏi Đảng. Tôi biết có ít nhất 4 người : một cán bộ giảng dạy Đại học Khoa học tự nhiên Đại học quốc gia Hà Nội, một trung tá quân đội, một kỹ sư, một cán bộ trẻ vào Đảng được 3-4 năm đã tuyên bố ra khỏi Đảng. Tôi nghĩ có lẽ đó cũng là hiệu ứng !"
Nhà văn Nguyên Ngọc, Đại tá quân đội nhân dân và là Cựu Tổng biên tập báo Văn nghệ, với hơn 60 năm tuổi Đảng, đã công khai tuyên bố từ bỏ tổ chức chính trị có bề dày lãnh đạo gần 90 năm tại Việt Nam.
Tác giả của "Đất nước Đứng lên" giải bày trên mạng xã hội Facebook hôm 26/10 : "Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, "tự diễn biến" thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy".
Ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chia sẻ trên Facebook : "Án kỉ luật đưa ra nhiều lý do, nhưng theo tôi mục đích thật là nhằm trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo về những vấn đề nóng bỏng của đất nước, đồng thời qua việc ra tay này muốn răn đe và bóp nghẹt những nỗ lực của giới trí thức cả nước".
Sáng ngày 29/10, Tiến sĩ Phạm Gia Minh, Phó Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) tuyên bố từ chức, sau khi cùng hơn 150 người ký tên vào bức Thư ngỏ gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản và Bộ Chính trị nhằm bảo vệ Giáo sư Chu Hảo.
Trong bức thư ngỏ đề ngày 27/10, các cựu thành viên của Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) cho rằng những lý do mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đưa ra trong quyết định kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, là " không chính đáng, không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của ông về những vấn đề nóng bỏng của đất nước".
Trên Facebook cũng xuất hiện các trí thức và viên chức bỏ Đảng như : Giảng viên Đại học Khoa Học Tự Nhiên Trần Thanh Tuấn, Trung Uý Quân Đội Nguyễn Hữu Chiến, Nguyên phó chủ tịch Huyện Bình Chánh Hà Quang Vinh, Giảng viên Học viện Âm nhạc Huế Dương Bích Hà, đảng viên trẻ Nguyễn Việt Anh, Luật sư Lê Văn Hòa, nhà văn Mai Tú Ân…
Ông Trần Nam dự báo rằng sẽ có nhiều từ bỏ Đảng vì Đảng đã gây ra quá nhiều bức xúc trong nhân dân.
"Tôi thấy rằng Đảng không làm theo những gì Đảng thường nói. Có nhiều vấn đề Đảng gây bức xúc cho nhân dân. Tôi nhận định rằng với tình hình này thì càng ngày càng có nhiều rời bỏ hàng ngũ Đảng để quay về với nhân dân".
Vào tối hôm 29/10, đài Truyền hình Trưng ương Việt Nam VTV đã có một phóng sự được cho là "đấu tố" Giáo sư Chu Hảo, cho rằng ông đã được góp ý nhưng không "nhìn vào thực tế của đất nước".
*********************
Việt Nam : Các cựu thành viên IDS lên tiếng về vụ Chu Hảo (RFI, 29/10/2018)
Trong một bức thư ngỏ đề ngày 27/10/2018, các cựu thành viên của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cho rằng những lý do mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đưa ra trong quyết định kỷ luật giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng bộ Khoa Học và Công nghệ, là "không chính đáng, không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của ông về những vấn đề nóng bỏng của đất nước".
Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, tại văn phòng ở Hà Nội, ngày 31/08/2010. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam
Bức thư ngỏ nói trên được gởi đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương và được phổ biến rộng rãi, sau khi vào tuần trước, ủy ban này đã thông báo quyết định kỷ luật giáo sư Chu Hảo, hiện là Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức và nguyên cũng là một thành viên của IDS.
Theo bản thông báo, ông Chu Hảo bị xem là phải chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri Thức phát hành một số cuốn sách "có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy".
Nguyên thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ còn bị xem là đã "có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước". Nói chung, theo đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, giáo sư Chu Hảo "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa".
Trả lời phỏng vấn RFI, ông Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện IDS, cho biết :
"Mục tiêu của thư ngỏ không phải là nói với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tuy lá thư này là gởi cho ủy ban đó, mà những người soạn thảo muốn kêu gọi các đảng viên và giới trí thức, những người còn đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước, những người có thể nói không khác gì chúng tôi, có khi còn nói mạnh hơn nữa, nhưng bảo họ ký một cái gì đấy, lên tiếng một cách tập thể, thì họ có thể còn ngần ngại.
Thật sự là trong hội của chúng tôi, họ đã muốn kỷ luật nhiều người rồi, nhưng kỷ luật không được, vì những người đó đòi phải đưa công khai và có một vài người cuối cùng đã từ bỏ Đảng, nhưng những trường hợp đó không gây ra bức xúc như trường hợp của anh Chu Hảo, vì tự họ nêu ra những lý do không đúng sự thực và nhắm một mục đích ngược lại với sự phát triển của đất nước. Đây là một sự đe dọa đối với trí thức.
Từ Nhân văn Giai phẩm cho đến bây giờ, những kiểu hành xử như vậy của Đảng cộng sản thì không lạ gì đối với người Việt Nam, nhưng trong trường hợp này thì họ đơn phương đưa ra. Chúng tôi biết họ kiểm điểm, thanh tra anh Chu Hảo nhiều năm rồi. Lần này, họ đưa ra một cái như thế thì đã vấp phải một sự phản ứng rất mạnh mẽ của giới trí thức, vì Nhà Xuất bản Tri Thức là một nhà xuất bản mang lại nhiều sách hay cho độc giả Việt Nam".
Trong một tuyên bố đề ngày 26/10/2018 và được phổ biến trên mạng, giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đã thông báo "tự nguyện" từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam, sau khi ông bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật vì "tự diễn biến".
Trong tuyên bố nói trên, giáo sư Chu Hảo cho rằng thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng là "một bản cáo trạng vô căn cứ và thâm độc, nhằm không những đe dọa riêng tôi, mà cả những người đồng chí hướng". Ông Chu Hảo "cực lực phản đối và không chấp nhận"quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng và tuyên bố "tự nguyện" từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam "để tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn : Góp phần nâng cao dân trí theo tinh thần Khai sáng của Phan Châu Trinh".
RFI chưa liên lạc được với giáo sư Chu Hảo để được xác nhận về việc ông tuyên bố từ bỏ Đảng.
Xin nhắc lại là để phản đối việc giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật, ngày 26/10 vừa qua, một số đảng viên kỳ cựu, trong đó đặc biệt có nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã ra tuyên bố từ bỏ đảng. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, Đảng cộng sản Việt Nam nay đã trở thành một tổ chức "chuyên quyền", "phản dân hại nước".
Thanh Phương
******************
Tiến sĩ Chu Hảo gửi thư thông báo đến chi bộ "tự nguyện từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam" sau khi có tin ông bị "Ủy ban kiểm tra trung ương" của Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị "kỷ luật" vì "tự diễn biến".
Tiến sĩ Chu Hảo tuyên bố bỏ đảng. (Hình : Tễu Blog)
"Tôi tự nguyện từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ hôm nay, để tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn : Góp phần nâng cao dân trí theo tinh thần Khai sáng của Phan Châu Trinh : Dân tộc, Dân chủ và Phát triển ; chủ yếu thông qua các hoạt động văn hóa và giáo dục. Đề nghị Chi bộ, và các cấp ủy xóa tên tôi trong Danh sách Đảng viên". Tiến sĩ Chu Hảo viết trong lá thư thông báo đề ngày 26/10/2018 gửi cho Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua chi bộ Nhà xuất bản Tri Thức.
Blog Tễu của ông Nguyễn Xuân Diện phổ biến phóng ảnh thư bỏ đảng của ông Chu Hảo cùng với tin có nhiều đảng viên tuyên bố bỏ đảng ở nhiều lãnh vực khác nhau, già có trẻ có.
Trong bức thư thông báo bỏ đảng, ông Chu Hảo nêu lý do cái đảng chính trị mà ông gia nhập 45 năm trước "không có tính chính danh, hoạt động không chính đáng, có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại".
Lá thư thông báo bỏ đảng của tiến sĩ Chu Hảo gửi một ngày sau khi báo chí trong nước đưa tin ông bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng ra thông cáo báo chí "đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Giáo sư Chu Hảo" vì "làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội".
Ông bị quy chụp cho tội "có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; đồng chí đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Ngay sau khi tin được tung ra, mạng xã hội sôi nổi với những lời bình luận ca ngợi ông Chu Hảo là một trí thức chân chính và kéo theo những lời tuyên bố bỏ đảng của tiến sĩ Mạc Văn Trang, nhà văn Nguyên Ngọc, cựu đại sứ Nguyễn Trung. Cho đến hôm nay, ba ngày sau, người ta đếm thấy có tin tức tất cả 12 người tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam trong đó có 2 sĩ quan quân đội, một luật sư, một cô giáo, một kỹ sư, 3 tiến sĩ.
Giáo sư Chu Hảo, năm nay 78 tuổi, là Giám đốc nhà xuất bản Tri Thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và là một trong những người lên tiếng chống Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Ông cũng là thành viên trong nhóm chuyên viên độc lập "Viện Nghiên cứu Phát triển IDS" từng tự giải tán để chống lại sự ép buộc của chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng.
Trong thư kiến nghị gửi ngày 2/6/2018 về Luật An ninh mạng ký tên Giáo sư Đặng Hữu, ông này thay mặt nhóm chuyên gia chuẩn bị đưa Internet về Việt Nam đầu năm 1990 trong đó có Giáo sư Chu Hảo kiến nghị 4 điểm. Bản kiến nghị yều cầu bỏ các điều luật "ảnh hưởng đến quyền dân sự, chính trị của công dân, đồng thời có thể đặt doanh nghiệp vào rủi ro pháp lý trong quá trình kinh doanh". Ông cũng ký tên vào bản kiến nghị ngày 1/6/2018 kêu gọi "khẩn thiết" rằng toàn thể người Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như quốc hội hãy "phản đối, rút bỏ" dự luật Đặc khu.
Khi hay tin ông bị đề nghị "kỷ luật", các cựu thành viên của IDS đã gửi thư tới " Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam" và cả "Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam" yêu cầu rút lại quyết định "không chính đáng, không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của ông về những vấn đề nóng bỏng của đất nước".
Nhưng ông Chu Hảo đã gửi thư thông báo bỏ đảng. (TN)
****************
Giáo sư Chu Hảo tuyên bố 'từ bỏ' Đảng Cộng sản Việt Nam (BBC, 29/10/2018)
Giáo sư Chu Hảo công bố thư trên mạng xã hội nói bản thân ông nay "từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam" để đi theo con đường Khai Sáng của Phan Châu Trinh.
Ông Chu Hảo cầm cuốn sách "Dân chủ và Giáo dục' của tác giả John Dewey do Nhà xuất bản Tri thức phát hành
Cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, người bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật gần đây, cũng nói ông đề nghị chi bộ "xóa tên tôi trong danh sách Đảng viên".
Theo ông Chu Hảo, quyết định kỷ luật ông được Đoàn Kiểm tra "đơn phương công bố rộng rãi" mà không thông báo trước "cho cá nhân và tổ chức đương sự".
Ông viết "đây là bản cáo trạng vô căn cứ và thâm độc".
Trong nội dung thư ký tên của ông Chu Hảo hôm 26/10/2018 nhưng mới vừa được lan truyền trên mạng xã hội ở Việt Nam hôm 29/10, ông cũng viết rằng Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản) mà ông gia nhập 45 năm trước "không còn tính chính danh".
Thậm chí ông Chu Hảo cho rằng đảng này (hiện có trên 4 triệu thành viên), "có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại".
Ông cũng nói ông đã "từ chức" khỏi vị trí ở Nhà Xuất bản Tri Thức.
Tuy nhiên, ông Chu Hảo viết ông sẽ vẫn tiếp tục con đường Khai Sách của Phan Châu Trinh : Dân tộc, Dân chủ và Phát triển, thông qua các hoạt động giáo dục.
Nhắm đến con số đông hơn ?
Cũng hôm 26/10/2018, báo Quân đội Nhân dân có một bài riêng nói đến vụ việc của ông Chu Hảo và cho rằng chính ông mới là "suy thoái".
Bài báo viết :
"Là một đảng viên, nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhưng từ năm 2011 đến nay, ông Chu Hảo đã tham gia ký tên, soạn thảo và trực tiếp soạn thảo 7 kiến nghị, thư ngỏ với nhiều nội dung chưa đúng, không phù hợp, trái với đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, để các phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước".
Không chỉ vậy, ông Chu Hảo đã "Vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"".
Theo bài báo "phải quyết định kỷ luật đối với một trí thức là việc không ai mong muốn".
"Nhưng như người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã từng khẳng định : "Kỷ luật một vài người để cứu muôn người".
Bài của tác giả ký tên là Thiện Văn cảnh báo :
"Không riêng ông Chu Hảo, thời gian qua, nhân danh "kẻ sĩ yêu nước", "trí thức thương nòi", một số tri thức, văn nghệ sĩ đã lợi dụng tên tuổi của mình, lợi dụng bầu không khí tự do sáng tạo, đã có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Đây là hoạt động, theo tác giả, có các biểu hiện như "phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ; đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng", thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự".
Vụ việc đang thu hút nhiều ý kiến khác nhau
Hiện chưa rõ Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ xử lý vụ việc này như thế nào.
Theo Hướng dẫn 01-HD/ Trung ương quy định một số vấn đề thi hành Điều lệ Đảng thì ít có khả năng đảng viên tự xin ra khỏi Đảng CS một cách bình thường mà thường bị đuổi ra sau khi đã kỷ luật :
"Chỉ xem xét cho ra khỏi Đảng đối với những đảng viên chưa vi phạm về tư cách. Nếu vi phạm tư cách đảng viên thì phải xử lý kỷ luật về Đảng, sau đó mới xét cho ra khỏi Đảng".
Để phản đối quyết định đề nghị kỷ luật ông Chu Hảo, có nhà văn Nguyên Ngọc và nhà giáo dục Mạc Văn Trang cũng đã tuyên bố công khai bỏ Đảng Cộng sản.
Tuy thế, hôm 29/10, trên báo Nhân Dân vẫn có một bài gọi ông Chu Hảo là "đồng chí" và đặt ra câu hỏi về chuyện "các thế lực thù địch" nhân đây tác động vào dư luận :
"Sau khi Ủy ban kinh tế trung ương công bố kết luận, hệ thống truyền thông của các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lập tức đồng loạt đưa tin, song hầu như không đề cập trường hợp khác, mà chủ yếu tập trung bình luận tiêu cực, tạo diễn đàn để một số người ca ngợi, bênh vực đồng chí Chu Hảo, đưa ra luận điệu vu cáo, vu khống đối với Đảng Cộng sản Việt Nam… Đây là hiện tượng rất bất thường, và tại sao lại như vậy ?".
Hôm 27/10, một số tài khoản Facebook được cho là của Trung tá Trần Nam, Tiến sĩ Trần Thanh Tuấn và Kỹ sư Hoàng Tiến Cường, đăng hình thẻ Đảng và cũng tuyên bố rời khỏi Đảng cộng sản để ủng hộ Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo.
Mới nhất đây có thêm các ý kiến từ những cựu quan chức, cán bộ cao cấp về vụ việc.
Trên kênh VTV hôm 29/10, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức trung ương, Nguyễn Đình Hương được trích lời nói :
"Tôi là một cán bộ tổ chức, tôi biết Chu Hảo. Và Chu Hảo cũng biết tôi. Tôi rất tiếc là một cán bộ có tài, một trí thức có năng lực, có kiến thức… nhưng sai lầm của Chu Hảo bắt đầu từ lúc Liên Xô sụp đổ. Bắt đầu từ đó ông Chu Hảo không thừa nhận chủ nghĩa xã hội nữa…".
"Tôi đã nói thẳng với Chu Hảo rồi. Giữa tôi với anh thì tôi rất kính trọng anh về tư chất, năng lực tài năng của anh, nhưng tôi không kính trọng anh về mặt quan điểm của anh".
Cùng ngày, trên mạng xã hội Facebook ở Việt Nam có chia sẻ một trạng thái của tác giả Nguyễn Đình Bin, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao viết :
"Nhưng, từ mấy hôm nay, tôi lại rất buồn và lo lắng trước quyết định vừa công bố của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luât đối với Giáo sư Chu Hảo".
"Tuy đây chỉ là một việc cụ thể, về một đảng viên, nhưng có ý nghĩa rất tiêu biểu, rất quan trọng, đang gây nên phản ứng không đồng tình rộng rãi trong dư luận, nhất là trong tầng lớp trí thức.
Nếu quyết định này được thực hiện thì, thay vì góp phần nâng cao uy tín của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói riêng và của Đảng nói chung, nó sẽ có tác động ngược lại, không chỉ về đối nội mà cả về đối ngoại nữa".
Tác giả viết tiếp :
"Tôi khẩn thiết đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương bình tâm và sáng suốt xem xét lại và dũng cảm rút quyết định nói trên đối với Giáo sư Chu Hảo".
Giáo sư Chu Hảo sinh năm 1940 và từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ từ năm 1996 đến 2005.
Ông là con trai ông Chu Đình Xương, Giám đốc Ty Liên phóng (Công an) Bắc Bộ và là người được giao nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội năm 1945.
Năm 2005, ông Chu Hảo xin nghỉ hưu trước thời hạn. Từ đó đến nay, ông là Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức và Phó hiệu trưởng Đại học Phan Châu Trinh.
Trong những năm trước đây, đã từng có một số trí thức có tiếng, cựu quan chức, đảng viên kỳ cựu tuyên bố ra ra khỏi Đảng.
******************
Ông Mạc Văn Trang : Kỷ luật Chu Hảo là 'giọt nước tràn ly' (BBC, 27/10/2018)
"Tối hôm đó, tôi xem ti-vi thấy đưa tin về tuyên bố kỷ luật, tôi rất bức xúc, suốt đêm không ngủ được", Phó giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói với BBC Tiếng Việt về chuyện ông Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang có nhiều năm làm việc trong ngành tâm lý học và khoa học giáo dục ở Việt Nam
"Tôi suy nghĩ trong đêm, rồi sáng dậy [26/10] tôi viết tuyên bố ra khỏi Đảng, đăng trên Facebook và gửi cho anh Chu Hảo và một vài người bạn".
Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản hôm 25/10 ra thông cáo nói ông Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức bị "đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật" vì những 'vi phạm nghiêm trọng'.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hôm 25/10 viết : "Với cương vị là Giám đốc - Tổng biên tập, đồng chí Chu Hảo chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy".
Quyết định 'rất trớ trêu'
Tuy nhiên, ông Mạc Văn Trang cho rằng quyết định kỷ luật ông Chu Hảo là nhằm "trừng trị, triệt tiêu những đóng góp của giới tinh hoa, trí thức, đối với các đường lối sai lầm của Đảng".
Vị nguyên Tổng biên tập Tạp chí Phát triển Giáo dục nhận xét ông Chu Hảo là người "chống tham nhũng, chống độc tài", và là "một trí thức luôn muốn làm mọi việc để khai dân trí, chấn hưng dân khí, cải tiến xã hội tiến bộ".
Ông nói việc Đảng muốn kỷ luật một con người như vậy là một điều "rất trớ trêu", và ông muốn tỏ thái độ về việc này.
"Tôi có phản ứng là tuyên bố tự ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam".
Ông cũng nhận xét rằng việc ra quyết định kỷ luật ông Chu Hảo, người hiện đang là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Pháp, vào thời điểm này là một quyết định rất "thiếu tế nhị".
"Ban Kỷ luật Trung ương một khi đã họp báo, thông báo như thế là người ta đã có kết luận rồi. Có lẽ họ sẽ 'dẹp' những chức mà ông Chu Hảo đang làm hiện nay, chức Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, và chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Pháp".
"Mà Thủ tướng Pháp thì sắp sang thăm Việt Nam. Tôi không hiểu sao họ lại có quyết định thiếu tế nhị tới vậy".
Việc "đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật" đối với ông Chu Hảo chỉ được công khai 6 ngày sau khi kỳ họp lần thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết thúc là điều khiến một số người cho là bất thường.
Thông thường, sau mỗi kỳ họp, cơ quan này sẽ ra thông cáo trong vòng một đến 2 ngày.
Kỳ họp của Ban Kỷ luật Trung ương diễn ra trong các ngày 17-19/10, chỉ ít hôm trước ngày Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, 23/10/2018.
Kỳ họp vừa rồi cũng đề nghị xem xét kỷ luật đối với một số cựu quan chức cao cấp trong ngành công an như Tướng Phan Văn Vĩnh, Tướng Nguyễn Thanh Hóa, liên quan tới vụ đánh bạc online ; và Tướng Phan Tấn Tài bên quân đội, liên quan tới việc chuyển nhượng đất quốc phòng.
'Trăn trở từ lâu'
Đây không phải là lần đầu tiên ông Mạc Văn Trang suy nghĩ về việc từ bỏ Đảng Cộng sản.
Ông nói rằng từ năm 2000 ông đã nhận ra "những sai lầm về đường lối cũng như thể chế" mang tính "kìm hãm xã hội" mà Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng để lãnh đạo đất nước.
"Lúc đó, tôi đã thấy băn khoăn chuyện có nên ở trong Đảng hay không, bởi mình góp ý rất nhiều nhưng không thấy tác dụng gì".
Ông nhận thấy trước đây ông vào Đảng để theo đuổi lý tưởng giành độc lập tự do cho tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, nhưng mục tiêu, lý tưởng của Đảng vào thời điểm này "đã khác đi rồi".
"Sự độc lập của Tổ quốc đang bị Trung Quốc đe dọa, nhưng Đảng lại liên kết với Trung Quốc, không dám lên án. Hạnh phúc của nhân dân thì với đường lối hiện nay, nhân dân đang bị mất đất, bị nhiều oan khuất. Trong khi đó, các trí thức góp ý kiến thì Đảng không nghe", ông nói.
"Tôi đã suy nghĩ từ lâu, nhưng chuyện kỷ luật ông Chu Hảo giống như giọt nước tràn ly, khiến tôi quyết định bỏ Đảng vào thời điểm này".
Nói về quá trình vào Đảng từ năm 1964 và là một đảng viên trong suốt hơn 50 năm qua của mình, ông cho biết :
"Những năm 1945-50, tới thập niên 1960 là lúc lý tưởng của Đảng trùng hợp với lý tưởng dân tộc. Đó là giành độc lập, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân. Lý tưởng đó đẹp lắm".
"Lý tưởng, mục tiêu đó ai mà không thích ? Đó là khát vọng của bao thế hệ thanh niên, trí thức, dấn thân cho lý tưởng đó. Điều đó không sai".
"Thế hệ thanh niên chúng tôi cũng như đảng viên lúc đó không nhận thức được là Đảng sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản để rồi đem lại bất hạnh cho nhân dân, kìm hãm sự phát triển của xã hội".
"Vấn đề là chủ thuyết sai, và về sau này, đường lối thực hiện của Đảng sai, Đảng đã trở nên độc quyền lãnh đạo, đàn áp những người tiến bộ. Điều đó đưa ra những hậu quả tai hại".
"Bây giờ, tôi ra khỏi Đảng nhưng tôi vẫn theo đuổi mục tiêu đấu tranh cho độc lập của tổ quốc và tự do hạnh phúc của nhân dân".
Rời bỏ hay ở lại ?
Trước câu hỏi liệu những đảng viên kỳ cựu như ông có nên ở trong Đảng để có cơ hội đấu tranh, góp ý sửa chữa những điều mà ông cho là "sai lầm" của Đảng Cộng sản hay không, thay vì ra khỏi Đảng và trở thành "người ngoài", không còn tiếng nói trong Đảng nữa, ông Mạc Văn Trang cho rằng điều quan trọng là mỗi cá nhân có thể làm gì, chứ không phải là ở việc họ còn ở trong hay ở ngoài Đảng.
"Tôi tin là có nhiều đảng viên, trong đó có những người nắm hoặc từng nắm giữ vị trí nhất định trong Đảng, cũng thấy đường lối sai lầm của đảng nhưng họ vẫn ở trong Đảng, hoặc về hưu rồi nhưng họ vẫn không ra khỏi Đảng".
"Ví dụ như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có rất nhiều bài phản biện với Đảng rất hay, có uy tín xã hội nhưng cụ vẫn ở trong Đảng, vẫn có danh nghĩa cựu ủy viên trung ương đảng. Tiếng nói của cụ góp ý với Đảng, với xã hội là có tác dụng".
"Điều này tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy tính cách mỗi người".
"Không nên đặt vấn đề là những người trí thức, những người đấu tranh cho tiến bộ xã hội thì phải ở trong hay phải ra khỏi Đảng. Điều quan trọng là họ làm gì".
Việc Phó giáo sư, Tiến sĩ Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật đã khiến nhiều giới trí thức, văn sĩ đồng loạt tuyên bố rời khỏi Đảng Cộng sản.
Cũng hôm 26/10, nhà văn Nguyên Ngọc tuyên bố trên trang Facebook cá nhân rằng ông đã suy nghĩ và định rời bỏ Đảng từ lâu nhưng sau sự việc của Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo, ông quyết định "chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay… để tỏ rõ thái độ đối với thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng".
Đến sáng 27/10, một số tài khoản Facebook được cho là của Trung tá Trần Nam, Tiến sĩ Trần Thanh Tuấn và Kỹ sư Hoàng Tiến Cường, đăng hình thẻ Đảng và cũng tuyên bố rời khỏi Đảng để ủng hộ Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo.
Trong những năm trước đây, đã từng có một số trí thức có tiếng, cựu quan chức, đảng viên kỳ cựu tuyên bố ra ra khỏi Đảng.
Đáng chú ý là một số trường hợp Giáo sư Tương Lai (9/2017) và Giáo sư Nguyễn Đình Cống (2/2016), nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hiếu Đằng (12/2013).