Phúc thẩm các tín đồ Phật giáo Hòa hảo thuần túy (RFA, 24/05/2018)
Tòa án nhân dân tỉnh An Giang vừa tuyên y án sơ thẩm cho 6 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 và 257 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam trong phiên phúc thẩm diễn ra ngày 24/05/2018.
Ông Bùi Văn Trung trong phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 9/2/2018. Courtesy of baoangiang.com.vn
Theo đó, ông Bùi Văn Trung bị tuyên án 6 năm tù, anh Bùi Văn Thâm 6 năm tù, anh Nguyễn Hoàng Nam 4 năm tù, chị Lê Thị Hồng Hạnh 3 năm tù, chị Bùi Thị Bích Tuyền 3 năm tù và bà Lê Thị Hên 2 năm tù nhưng vì bệnh nên cho án treo.
Chị Bùi Thị Thắm, con gái ông Bùi Văn Trung, cho Đài Á Châu Tự Do biết an ninh đã lập chốt chặn người tham gia phiên tòa sáng nay :
"Họ lập những chốt chặn cách xa phiên tòa cỡ khoảng 500 cây số, ngăn chặn không cho đi vào phiên tòa. Một số đồng đạo và người nhà đi sớm tới gần phiên tòa luôn thì những người có giấy triệu tập mới được cho vô. Nhưng mà những người thân trong gia đình đứng tranh luận cỡ khoảng 30-45 phút thì 8g00 – 8g45 mới có mặt trong phiên tòa".
Về chi tiết diễn biến buổi xét xử, chị Thắm cho biết :
"Viện Kiểm sát ở phiên tòa phúc thẩm thì cũng tranh luận, chứ không từ chối tranh luận như phiên sơ thẩm. Nhưng mà khi mà ông chánh án hỏi thì những người làm chứng buộc tội họ trả lời rất nhiều, nhưng đến khi luật sư (bào chữa) hỏi họ thì họ từ chối, nói không trả lời câu hỏi của luật sư".
Trước đó, trong phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 9 tháng 2, trước khi nghị án, Hội Đồng Xét Xử cho nói lời bào chữa cuối cùng cho bản thân. ông Bùi Văn Trung đã nói rằng đây là vụ đàn áp tôn giáo không phải gấy rối trật tự, ông yêu cầu xử đúng người, đúng tội, đúng theo pháp luật. Những người khác cũng có ý kiến tương tự.
******************
Việt Nam vừa đưa ra hàng loạt thay đổi nhằm nâng cao chất lượng công chức, trong đó có việc tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời".
Thi tuyển công chức ở Quảng Ngãi. Courtesy quangngai.gov.vn
Biện pháp này được cho là một cách để cải thiện đội ngũ cán bộ, mở thêm cửa cho người tài tại Việt Nam.
Ban Chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam khóa XII vừa ban hành nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy về xây dựng đội ngũ cán bộ công chức các cấp. Trong nhiều giải pháp mà nghị quyết đưa ra có giải pháp tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời", nhằm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm, năng lực, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ chế cạnh tranh…
Ngoài việc muốn tinh giản biên chế công chức, giải pháp bỏ chế độ "biên chế suốt đời" được chính phủ Việt Nam nhắc đến nhiều năm nay, mục tiêu nhằm giảm gánh nặng ngân sách đối với lượng công chức khổng lồ.
Tin cho biết trong năm 2016 và 2017 Việt Nam đã giảm mỗi năm hơn 4.000 công chức ; và theo ‘phê duyệt biên chế công chức các cơ quan hành chính nhà nước năm 2018’ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 07 tháng 02 năm 2018, thì Việt Nam có hơn 265.000 công chức trong biên chế, số này không bao gồm biên chế của Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã.
Nhận xét về giải pháp bỏ chế độ "biên chế suốt đời", ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết :
"Vấn đề này xuất phát từ thực tế nhiều năm qua trong việc thực hiện chế độ ‘công chức suốt đời’, một khi vào được công chức rồi thì khó thải loại. Điều này làm cho đội ngũ công chức không được thay đổi về chất lượng, tạo ra cái sức ì, làm cho công chức không chịu phấn đấu vươn lên mà yên tâm là mình đã có biên chế rồi thì sẽ ở được trong cơ quan nhà nước suốt đời. Nhất là đến khi nghỉ hưu thì có một số suy nghĩ làm thế nào để thu vén, dĩ hòa vi quý để ra về cho nó nhẹ nhàng".
Bác sĩ Đinh Đức Long, một đảng viên đảng cộng sản đã từ bỏ đảng, một nhà bất đồng chính kiến, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này :
"Tôi nghĩ đây là bước đột phá, thời trước còn bao cấp, ai vô được công chức thì sống suốt đời, trong hàng ngũ công chức có thể người ta hoạt động không hiệu quả thì ngân sách vẫn phải nuôi họ bằng tiền thuế của dân".
Về cung cách làm việc của công chức tại Việt Nam, chúng tôi xin trích một câu nói đầy nghịch lý được lan truyền trên mạng xã hội, của một cựu công chức đã tự rời bỏ ‘biên chế suốt đời’ :
"Ai cũng có việc nhưng không ai làm việc ; Không ai làm việc nhưng ai cũng có lương ; Ai cũng có lương nhưng không đủ sống ; Không ai đủ sống nhưng ai cũng sống ; Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng ; Không ai hài lòng nhưng ai cũng giơ tay đồng ý ?"
Đồng quan điểm với nghịch lý này, ông Lê Văn Cuông nói :
"Vừa rồi trung ương cũng có bàn đến chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội thì cũng đã mở ra, có đến 1/3 lực lượng là ngồi chơi xơi nước, 1/3 cầm tay chỉ việc, còn 1/3 làm rất tích cực, kiêm nhiệm rất nhiều việc nhưng cuối cùng thu nhập cũng không cao hơn so với những người ngồi chơi xơi nước".
Theo ông Lê Văn Cuông, sở dĩ người làm việc thấy chán khu vực nhà nước vì thu nhập thấp, người ta sẽ tìm đến những công ty bên ngoài để có chế độ đãi ngộ cao hơn, được trọng dụng hơn. ông cho rằng đây là một tâm lý xã hội rất thực tiễn.
Vừa qua, có đến hơn 40 học viên trong đề án ‘Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng’ xin nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau dù không ít người phải bồi thường tiền tài trợ của đề án. Việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo : làm sao để giữ chân người tài, tránh chảy máu chất xám ?
Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Cuông cho rằng, để tránh chảy máu chất xám, muốn thu hút nhân tài thì ngoài trọng dụng, chức danh, vị trí việc làm, thì còn phải có chính sách thu nhập tốt hơn. ông cũng cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tế.
Bác sĩ Đinh Đức Long cũng cho rằng, chỉ vấn đề biên chế không thôi thì chưa đủ, ông nói tiếp :
"Chính sách phải đồng bộ, ngoài chuyện biên chế chỉ là bề mặt hành chính thôi. Cái quan trọng nhất là phải tạo điều kiện cho người ta làm việc".
Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, ngoài việc cơ quan nhà nước phải thay đổi để nhân tài có thể yên tâm làm việc lâu dài, tránh trường hợp hàng loạt nhân tài bỏ việc như ở Đà Nẵng, thì người tri thức có tài cũng phải thật tâm muốn đóng góp. Hai bên phải có thiện chí hợp tác thì mới cùng làm việc lâu dài được.
***********************
Người dân trồng tiêu tại Đồng Nai ồ ạt phá vườn, đào rễ bán cho thương lái được nói để xuất sang Trung Quốc. Tình trạng này nhắc đến những vụ việc đổ xô chạy theo yêu cầu ‘lạ’ từ phía thương lái như mua móng trâu/bò, mua đỉa… Chúng tôi tìm hiểu thực tế liên quan tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Người dân cưa bỏ tiêu. RFA
Những hình ảnh ghi nhận được cho thấy cảnh nông dân phá bỏ tiêu, đang đốt củi và những thân tiêu còn sót lại để dọn dẹp đất đai chuẩn bị cho một loại cây trồng mới.
"Năm ngoái không biết cái tiêu làm sao tự nhiên nó rớt giá một hơi một còn có 50-60.000 đồng một ký. Giờ bà con nông dân sản xuất tiêu là cây chủ lực trong xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, Tỉnh Đồng Nai vẫn lao đao. Người ta cưa nhiều, trống để cải tạo đất trồng chuối, trồng bắp, trồng bưởi".
Nhìn thấy tình hình giá cả từ năm ngoái đến năm nay vẫn không có dấu hiệu khả quan, với lại không thể vay được tiền nên gia đình nhà bà cũng đã quyết định phá bỏ rẫy tiêu.
"Một mùa như vậy lỗ lã tiền phân tro đâu có lấy lại được đâu. Người ta đâu có ăn. Giờ người ta phải cưa bỏ thôi. Người ta trồng chuối hay là cái khác. Nhà đây 5-6 mẫu còn cưa bỏ đây. Nhà chị còn cưa, còn phải kêu công đào, đem về đặng bán. Chị còn phải mướn công… rồi sẵn ai muốn bán nữa thì chị tấp vô chị gom đi bán vậy đó. Hồi mấy năm trước tiêu 200.000 thì không dám. Nhưng mà giờ tiêu mấy chục ngàn này, hổng có trái nữa người ta cắt người ta bỏ hết. Đa số ở đây giờ bỏ mà cái rễ này cho người ta đào".
Phá bỏ vườn tiêu xong, rễ tiêu cần được đào lên để chuẩn bị cho những cây trồng mới. Những rẫy - vườn tiêu có diện tích lớn như của gia đình bà cần phải thuê người để đào rễ. Sẵn tiện có thương lái khác thu mua rễ tiêu thì gom lại đem bán để kiếm lại ít tiền bù chi phí phá bỏ. Theo như những gì bà biết, thì những thương lái tiêu làm ăn trực tiếp với phía Trung Quốc đứng ra thu mua rễ tiêu để bán kèm theo tiêu đen và tiêu sọ với mục đích gì thì bà cũng không rõ.
"Bắt đầu người ta xuất đi, xuất chung với tiêu đen tiêu sọ á, người ta xuất đi. Người ta chuyên bán hàng tiêu đen tiêu sọ đi cho Trung Quốc, người ta bán hàng xuất khẩu thì người ta bán kèm chứ mình đâu có biết".
Cách đó không xa, một vườn tiêu khác cũng đang bị đốn hạ. Những người này cho biết họ đang được thuê để phá bỏ vườn tiêu. Nhà anh này cũng đang có khoảng 5 hecta đất trồng tiêu, nhưng đã qua mùa thu hoạch cho nên anh cùng những người khác đi làm thêm để kiếm chút thu nhập.
"Bây giờ mình hái một tạ tiêu 3-4 chục cây mới được 1 tạ đúng không ? Hái giờ công cán, tiền công mướn hái 180-200.000 một ngày. Một ngày nó hái được 9 ký, 8 ký hoặc 10 ký. Một ngày mất 200.000, ba công hết bao nhiêu rồi ? Ba công 600.000… Người dân mình mà không cải thiện là đói chết. Nói thiệt ! Nhà nước không giúp được gì luôn ! Giờ nếu mà làm tiêu thì thua lỗ quá nặng không có tiền cho con cái ăn học, sinh hoạt hàng ngày".
Về việc giá tiêu tụt xuống còn 50-60.000 đồng trên một ký, theo người nông dân lý do là vì năm 2017 các lô hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài bị trả về làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá tiêu trong nước.
"Nước ngoài người ta thử xét nghiệm dư lượng thực vật - cái thuốc còn đọng lại trong tiêu rất là nhiều nên trả về cho công ty là từ đó bắt đầu tiêu mới xuống ào ào từ đó giờ không lên nổi nữa. Nếu mà tiêu xuất khẩu thì mới có giá, còn bán vào trong nội địa cái gì cũng vậy thôi không có giá".
Giá tiêu rớt mạnh là nguyên nhân chính khiến cho các chủ vườn tiêu phá bỏ hàng loạt để chuyển sang trồng loại cây khác. Nếu không phá, họ sẽ càng ngày càng thua lỗ mà không biết lấy tiền đâu để bù lỗ chi phí đầu tư cho cây trồng, lại còn phải lo cho bữa cơm hàng ngày.
"Không thấy chính quyền hỗ trợ gì hết, đi vay tiền ngân hàng còn khó khăn. Vay cũng không đủ đề đầu tư. Mẫu rẫy được hai tấn tiêu, có được 120 triệu, coi như 70 thì 140 đi… thì đầu tư vô hết chắc 160 rồi".
Hiện tại, có nhiều nông dân trồng tiêu ở quanh đây vẫn tiếp tục phá bỏ rẫy tiêu, cho nên việc thu mua rễ tiêu vẫn đang diễn ra.
"Còn chớ, thì giá 12.000 đồng/ký rễ tiêu tươi, thì không biết nó mua vì mục đích gì mình không biết. Bây giờ người ta đi đào rễ tiêu không à, ngày 500-600.000. Còn đi làm cây vác cây được có 250.000 à".
Sau khi phá bỏ, rễ tiêu được đào lên và đem bán với giá 12.000 đồng/kg loại tươi.
Lâu nay, không ít những thông tin đưa ra cho rằng phía Trung Quốc thu mua rễ tiêu một cách "khó hiểu" và khuyến cáo người dân phải cẩn trọng. Nhưng thực tế cho thấy rằng, chi phí tính bằng chục triệu hay trăm triệu bỏ ra để gầy dựng rẫy tiêu thì không ai dại dột chỉ vì thu được vài triệu đồng bán rễ mà phá bỏ cả vườn.
Vào cuối tháng 2 vừa qua, Tổng cục Hải quan chính phủ Hà Nội thông báo tiêu là một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Và trong vòng 5 năm gần đây, tiêu nằm trong nhóm mặt hàng có tốc độ tăng lượng xuất khẩu cao nhất. Liệu thực tế có được duy trì một cách bền vững trước mọi biến động của thị trường ?
*******************
Từ 'thu phí' thành 'thu giá' : Ai lợi ai hại ? (RFA, 24/05/2018)
Bên hành lang Quốc hội chiều 22/5, Bộ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể nói với báo chí xung quanh việc các trạm thu phí BOT được đổi tên thành "trạm thu giá" trong thời gian qua.
Một trạm thu phí trả tiền tự động ở Pháp. Ảnh minh họa. AFP
Nguyên văn lời ông Thể như sau "Việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ. BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá ; còn phí thì mang tính chất Nhà nước".
Ngay lập tức, người dân và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực lên tiếng phản đối.
Chuyên viên pháp lý Lê Thị Hòa khẳng định với báo chí trong nước là không thể tùy tiện thay đổi và sử dụng tên gọi khác dẫn đến hiểu nhầm, hiểu sai bản chất của thuật ngữ pháp lý. Còn với Giáo sư Nguyễn Đức Dân, nguyên Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thì "Từ này là do cán bộ quản lý nghĩ ra chứ từ trước đến nay không ai dùng như vậy cả".
Ông Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia công nghệ thông tin sống tại Úc, từng làm việc tại Việt Nam và hiện là một facebooker có nhiều bài viết cũng như clips về hiện tình đất nước mở đầu phần trao đổi với RFA rằng ông thấy chuyện này khôi hài :
Mấy ông loay hoay tìm một lý do thỏa đáng để cho người dân không phản đối nhưng hóa ra nó rất khôi hài bởi không có xứ nào trên thế giới này có thứ lệ phí đường mà biến thành "giá" hết. Đó là cái kỳ quặc.
Ông nói thêm rằng đường xá, cơ sở hạ tầng của một đất nước là tài sản của quốc gia cho nên dù có đấu thầu, đầu tư gì đi chăng nữa thì nó cũng là tài sản quốc gia, tại sao lại biến thành của doanh nghiệp rồi biến từ phí thành giá rồi lên giá tùy thích để lấy lại vốn đầu tư. Hơn nữa đất nước Việt Nam bây giờ dưới thể chế được gọi là "dân chủ tập trung", tất cả mọi thứ là dưới sự lãnh đạo của đảng thì làm gì có chuyện đường xá, cơ sở hạ tầng biến thành tài sản của doanh nghiệp để doanh nghiệp đưa ra giá. ông kết luận :
Thực ra bây giờ có là phí hay giá thì người dân cũng không có khả năng kiểm soát hay đòi hỏi gì hết. Bây giờ dân nói tôi không muốn trả "giá" hay không muốn trả "phí" thì cũng vậy thôi. Họ cũng phải đóng chừng đó tiền hoặc nhiều hơn mà thôi.
Dân lãnh đủ
Theo quy định của luật pháp thì thuế, phí và lệ phí có các luật và văn bản hướng dẫn thi hành để điều chỉnh. Còn "giá" cho các trạm BOT hiện nay là do Bộ Giao thông và vận tải có quyền thao túng, không có luật hay văn bản nào cả. ông Nguyễn Văn Thể nói với báo chí trong nước là "Việc đổi tên này không có gì khác mà chỉ là linh động hơn". Vậy linh động ra sao và người dân được hưởng lợi gì từ sự linh động ấy mà phải đổi cách gọi tên, ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động trong nước bày tỏ :
Cách gọi tên có như thế nào thì người dân vẫn đang phải chịu một khoản thu rất là vô lý. Có những nơi qua trạm BOT làm rất cẩu thả, chất lượng đường rất là kém nhưng thu rất cao. Đặc biệt với những xe vận tải hạng nặng đi qua đường quốc lộ là từ ngân sách nhà nước nhưng các đơn vị tư nhân nâng cấp sửa chữa qua loa rồi sau đó thu phí cao.
Tôi cho là trong thời gian vừa qua với sức ép của dư luận, đặc biệt là Nhóm Bạn hữu đường xa cũng như đông đảo anh em tài xế khắp mọi nơi thì Bộ Giao thông và vận tải đang phải có những cách chống chế những việc làm sai hiện nay.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 vào ngày 24/5, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, cho rằng bản chất tên gọi "trạm thu phí" hay "trạm thu giá" không khác nhau. Nhưng với ông Hoàng Ngọc Diêu thì nó khác nhau hoàn toàn. ông phân tích :
Phí là một loại fee đã được quy định dựa trên những tiêu chuẩn nào đó nhất định và có một thời hạn nhất định. Ví dụ ở nước ngoài nó có những cái tollgate, nó có thời hạn và lý do vì sao có mức fee như vậy, tương đương ở Việt Nam là "phí". Còn cái "giá" thì không dựa trên một cái gì hết thì dân biết kêu ai vì đâu có ban ngành gì để kiểm soát giá đâu ?
Bộ trưởng Giao thông và vận tải thì nói rằng hệ thống BOT không thuộc nhà nước nữa mà thuộc về doanh nghiệp cho nên nó không thể là "phí" mà phải là "giá". Đó là cách giải thích lòng vòng và phi lý.
Ông nói thêm rằng "giá" là số tiền để trả cho một phẩm vật nào đó mình có trong tay. Đằng này con đường là phương tiện nên không thể gọi là "thu giá". Nếu họ nói "giá" thì mình có quyền trả giá vì khi nói đến "giá" thì nó có sự biến thiên. Nhà nước có để cho dân mặc cả không ?
Liệu có đổi tên ?
Trên mạng xã hội cũng như báo chí chính thống đều có những bài viết, những ý kiến phản bác chuyện đổi từ "thu phí" thành "thu giá" vì nó quá khôi hài và vô lý cả về mặt ngôn ngữ lẫn ý nghĩa. Ngay cả đơn vị xây dựng trạm thu giá BOT Đức Hòa ở Long An muốn đổi tên trạm thu giá trở về trạm thu phí, thế nhưng chuyện đổi lại thì không đơn giản chút nào.
Ông Nguyễn Lân Thắng cho rằng cái tên chỉ là một phần của câu chuyện BOT, và muốn thay đổi thì phải có lộ trình :
Với cuộc sống cơm áo gạo tiền của người dân nghĩ đến một cái lợi ích chung để đấu tranh cho lợi ích xã hội thì cũng rất là khó. Tuy nhiên các kênh truyền thông, mạng xã hội và các cơ quan truyền thông tiếng Việt ở nước ngoài bây giờ có một ảnh hưởng to lớn đến tinh thần đấu tranh của người dân phản kháng trước những vấn đề của xã hội.
Tôi vẫn tin rằng sự phản ứng ngày càng gay gắt chứ sẽ không chìm đi. Và dù là cái tên thì nó vẫn là một câu chuyện trong cả câu chuyện trạm thu phí BOT.
Việc đấu tranh này cũng cần phải có lộ trình, tức là phải thu hút được đám đông, thu hút được sự quan tâm cảu dư luận. Bằng cách này hay cách khác thì nó vẫn tiếp tục gây sức ép lên Bộ Giao thông vận tải cũng như các cơ quan công quyền trong vấn đề xử lý các trạm BOT này.
Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ người dân là vấn đề lãnh đạo quốc gia nào cũng phải tính tới. Ngân sách chủ yếu là từ tiền thuế do dân đóng góp hoặc đi vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhà nước cần phải tính toán mức phí thu như thế nào và trong bao lâu để hoàn vốn chứ đây không phải là sản phẩm kinh doanh. Cơ sở hạ tầng của một quốc gia là để phục vụ người dân chứ không phải là một phương tiện để kinh doanh.
Diễm Thi
Vừa qua, các trạm thu phí BOT đồng loạt đổi thành trạm thu giá. Đây là từ do Bộ Giao thông và vận tải mới "sáng tạo" ra gây nên sự phản ứng dữ dội trên công luận và trong dư luận.
Tại sao lại đổi thu phí thành thu giá ? Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông và vận tải, người có công sáng tạo ra từ "thu giá" giải thích như sau :
"BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước".
Xin hỏi ông : Ông căn cứ vào đâu để nói, phí là của nhà nước, còn giá là của doanh nghiệp ? Ông giải thích thế nào khi phí chợ, phí giữ xe, phí đường làng, phí đi vệ sinh... do doanh nghiệp hay tư nhân đang thu vẫn dùng từ "phí".
Ông Thể giải thích tiếp : "Từ khi chuyển qua giá thì sẽ giảm giá, giảm để cân đối được phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua các bộ nên rất chậm"
Ông Thể không nói "sẽ thay đổi" mà nói "sẽ giảm giá". Với cách nói này, có vẻ như ông lập lờ để mọi người tưởng đến cái lợi của việc dùng chữ "giá" : khi chuyển sang "giá" sẽ tốt cho người sử dụng dịch vụ, chỉ có giảm chứ không có tăng ? Ông có khẳng định được điều này không ? Nếu doanh nghiệp tăng "giá" thì ông có chịu trách nhiệm với lời nói của mình không ? Tại sao đổi "phí" thành "giá" thì giảm được còn nếu không đổi thì không giảm được.
Còn việc thay đổi mức thu nhanh hay chậm là do cơ chế quản lý. Linh động hay không là do cơ chế, ở đây là cơ chế quản lý phí, chứ không phải đổi chữ "phí" thành "giá" mà linh động đươc. Cũng như con người đầu óc tối tăm, có đổi tên thành Thông Minh thì cũng không sáng láng ra được. Chỉ thay tên gọi của một loại phí mà đem lại kết quả tốt hơn, điều đó chỉ có trong tư duy của ông Thể.
Trước dư luận cho rằng, Bộ Giao thông và vận tải đang đánh tráo khái niệm "thu phí" thành "thu giá", ông Thể khẳng định : "Không phải do bộ quy định mà do nghị định của Chính phủ quy định. Ví dụ, sản phẩm sản xuất nhà máy thì họ ấn định giá bán, và BOT là 1 sản phẩm của doanh nghiệp...".
Hình như ông càng nói càng bí, càng bí càng nói ẩu. Ông dựa vào chữ "ấn định giá" để bao biện cho chữ "thu giá" của ông. Khi một sản phẩm làm ra thì đương nhiên phải định giá trước khi đưa ra thị trường. Khi bán thì người ta thu tiền theo giá bán, chứ người ta không gọi là thu giá bao giờ. Điều này là một thực tế, từ các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân cho đến bà bán rau ngoài chợ.
Phải chăng Bộ Giao thông và vận tải cho rằng, dùng chữ "phí" thì nó mang tính tùy tiện, dễ gây phản ứng, còn chứ "giá" nó thật hơn, đúng hơn. Thực ra, chữ "phí" hay chữ "giá", bản thân nó không xấu, nó không có lỗi mà chỉ con người vận dụng nó có lỗi mà thôi. Nếu phí tính hợp lý thì vẫn chấp nhận được, còn nói "giá" cũng chẳng loại trừ được việc doanh nghiệp cố tình đưa ra "giá đểu".
Sau hết thì dù biện luận, giải thích kiểu gì cũng không thể dùng chữ "thu giá" vì nó vô nghĩa, trái với ngôn ngữ và cách nói của người Việt.
Từ điển định nghĩa : "Phí là khoản tiền trả cho một dịch vụ nào đó", không hề phân biệt dịch vụ do nhà nước quản lý hay do doanh nghiệp quản lý. Vì vậy, trạm thu tiền đặt trên đường BOT gọi là trạm thu phí như từ trước đến nay vẫn dùng là đúng.
Chữ "thu" và chữ "giá" đều là những từ ngữ quen thuộc nhưng khi ghép chúng lại với nhau lại trở thành vô nghĩa.
Có cái gì đó lươn lẹo, trí trá trong việc đổi "thu phí" thành "thu giá". Facebooker Phạm Lưu Vũ phẫn nộ : "Thu giá" là chữ của bọn móc túi đại lưu manh, đại mất dạy và vô cùng thất đức ở bộ Giao thông và vận tải và bộ Tài chính. Đó là sự ngang nhiên thách thức lương tri, trí tuệ của cả thời đại. Chúng thừa biết không đánh lừa được ai, mà vẫn ngang ngược đánh lừa, thì cổ kim không kẻ đại bịp nào dám làm điều tương tự. Đó là sự trắng trợn, hỗn láo với cả Trời, Người và Quỷ thần".
Việc tạo ra và sử dụng chữ "thu giá" của Bộ Giao thông và vận tải, ngôn ngữ Việt không thể chấp nhận được. Nó nhạo báng ngôn ngữ Việt, phá hoại sự trong sáng của Tiếng Việt. Yêu cầu các cơ quan chức năng loại ngay chữ "thu giá" ra khỏi ngôn ngữ nói và viết.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 23/05/2018 (nguyentuongthuy's blog)