Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 22 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa diễn ra hôm 17/5 tại Washington DC, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục nêu quan ngại về tình trạng nhân quyền Việt Nam và nêu một số trường hợp đặc biệt, yêu cầu phía Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức. Nhân dịp này, Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn với ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ thuộc văn phòng phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền, và lao động, về đối thoại lần này.

tudo1

Đối thoại nhân quyền Việt Nam và Hoa Kỳ lần thứ 22 tại Washington DC - State Department

---------------------------------

Scott Busby : Đây là đối thoại nhân quyền thứ 22 mà chúng tôi có với Việt Nam, một trong những đối thoại dài nhất so với bất cứ nước nào khác trên thế giới. Trong đối thoại, chúng tôi tái khẳng định cam kết của chúng tôi là thắt chặt hơn mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Nói vậy, nhưng chúng tôi vẫn có nhiều quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Chúng tôi đã nói với họ như đã nói trước kia rằng nếu không có sự tiến bộ và hợp tác trong vấn đề nhân quyền, bao gồm tự do tôn giáo và quyền của người lao động, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam không thể đạt được triển vọng toàn bộ. Chúng tôi có nêu ra một số trường hợp cụ thể. Chúng tôi có chia sẻ với họ danh sách các cá nhân này. Có hai trường hợp đặc biệt mà chúng tôi nhấn mạnh là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay còn được biết là blogger Mẹ Nấm, người đã nhận giải Phụ Nữ Quả Cảm từ Bộ Ngoại giao năm ngoái. Chúng tôi cũng nêu trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài và những người cùng cộng tác trong Hội Anh Em Dân Chủ. Họ vừa bị nhận những án tù nặng nề. Chúng tôi nói với đại diện Việt Nam là những bản án này không công bằng và đòi hỏi Việt Nam phải trả tự do cho họ và Mẹ Nấm. Trên thực tế, chúng tôi đòi hỏi họ phải trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm mà chúng tôi chia sẻ danh sách với họ.

RFA : Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm nhưng phía Việt Nam đã không thực hiện. Những tù nhân lương tâm được trả tự do, trong một số trường hợp là được yêu cầu phải sang Mỹ. Vậy ông có thể cho biết đây có phải là những gì đang xảy ra đối với danh sách các cá nhân phía Mỹ đưa ra không ? Phía Việt Nam có hứa hẹn gì ?

Scott Busby : Tôi không thể đi vào chi tiết cụ thể những gì mà chúng tôi bàn với phía Việt Nam nhưng tôi có thể nói là chúng tôi đã đàm phán với họ và yêu cầu họ phải trả tự do cho những tù nhân lương tâm. Không có một lời hứa nào (của Việt Nam) được đưa ra trong đối thoại.

RFA : Trước đối thoại, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Ủy Hội tự do tôn giáo quốc tế trước đó cũng có báo cáo về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về tình hình nhân quyền Việt nam trong năm qua so với năm trước đó và khi phía Mỹ đưa ra đánh giá như vậy thì phía Việt Nam nhìn nhận thế nào ?

Scott Busby : Chúng tôi cho rằng đã có sự gia tăng bắt bớ và đàn áp đối với những người thực hiện các quyền cơ bản. Chúng tôi đã nêu ra quan ngại về vấn đề này. Chúng tôi cũng nêu quan ngại về những bản án nặng nề mà những người này phải chịu. Phía Việt nam giải thích rằng những người này đã vi phạm luật pháp và đó là lý do họ bị bắt và bỏ tù.

RFA : Các tổ chức nhân quyền quốc tế vừa qua đã có những chỉ trích chính phủ Mỹ hiện nay đã không cứng rắn trong vấn đề nhân quyền với Việt Nam và đó là lý do khiến Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền. Ông có nhận xét gì về điều này.

Scott Busby : Chúng tôi thường xuyên nêu quan ngại của chúng tôi về vấn đề nhân quyền với phía Việt Nam bất cứ khi nào có cơ hội. Tôi gần đây có gặp Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam là ông Daniel Kristenbrink và ông ấy thừa nhận là vấn đề nhân quyền nằm trong phần lớn các đối thoại giữa ông ấy với phía Việt Nam. Tôi cũng lưu ý là trong thảo luận của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva (UN Human Right Council), chúng tôi đã nêu quan ngại về tình trạng đàn áp đối với những người Việt Nam thực hiện các quyền căn bản của họ.

RFAHoa Kỳ có những mặc cả nào cụ thể để gây sức ép lên Việt Nam ?

Scott Busby : Việt Nam muốn có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ. Họ có lo ngại về bạn láng giềng phương Bắc như bạn đã biết. Việt Nam muốn có quan hệ tốt hơn với Mỹ. Chúng tôi nói với họ rằng là nếu họ muốn có quan hệ tốt hơn với Mỹ thì họ cần phải cải thiện tình trạng nhân quyền.

RFAMới đây, Phó Đại diện Thương Mại Mỹ Jeffrey Gerrish có gặp Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ và nêu quan ngại về luật an ninh mạng mà Việt Nam đang đề xuất. Ông đánh giá luật này nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng thế nào tới quan hệ hai nước ?

Scott Busby : Chúng tôi rất lo ngại về luật này. Chúng tôi có cùng mối quan ngại như Phó Đại diện Thương Mại Mỹ Jeffrey Gerrish đã nói đến khi ông ấy ở Việt Nam. Chúng tôi nghĩ là luật này được viết để hạn chế hơn nữa quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do tụ tập, và cũng cản trở sự phát triển và sáng tạo của nền kinh tế số trong nước. Trong suốt đối thoại, chúng tôi cũng thúc giục Việt Nam hoãn lại việc thông qua luật này để có thêm thời gian cho quá trình tư vấn để xem xét những quan ngại của những bên sẽ bị ảnh hưởng bởi luật này.

RFA : Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 25/05/2018

Published in Diễn đàn

Human Rights Watch đòi trả tự do cho blogger Mẹ Nấm (RFI, 28/06/2017)

Trong một thông cáo đề ngày 27/06/2017, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch ( HRW ) kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với cô.

menam1

Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (www.civilrightsdefenders.org)

Thông cáo của HRW nhắc lại rằng blogger Mẹ Nấm đã bị bắt vào tháng 10/2016 và sẽ bị đem ra xử tại Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa ngày mai, 29/06 với tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước", chiếu theo điều 88 bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

HRW cho biết Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chuyên viết về các vấn đề chính trị xã hội, trong đó có trưng thu đất đai, công an bạo hành, và tự do ngôn luận. Cô cũng đã lên tiếng ủng hộ những người bất đồng chính kiến khác và công khai vận động đòi trả tự do cho nhiều tù nhân chính trị. Cũng theo HRW, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh còn tham gia nhiều cuộc biểu tình vận động cho nhân quyền và môi trường. Cô liên tục bị công an sách nhiễu, đe dọa, thẩm vấn và bị quản thúc tại gia nhiều lần nhằm ngăn cản cô tham dự các sự kiện quan trọng.

Trong bản thông cáo hôm qua, phó giám đốc ban châu Á của HRW, Phil Robertson tuyên bố : "Đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xử chỉ vì cô hành xử quyền tự do ngôn luận để kêu gọi chính quyền cải tổ và có tinh thần trách nhiệm là một điều thật quá đáng". Ông còn chỉ trích "thái độ của Hà Nội dứt khoát không sửa xóa bỏ những điều luật hà khắc, vi phạm nhân quyền, vẫn được dùng để trừng phạt các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa, gây tổn hại đến uy tín quốc tế của Việt Nam."

Thông cáo của HRW nhắc lại rằng cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã được tổ chức này trao giải Hellman Hammett năm 2010 dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận. Năm 2015, Tổ chức Bảo Vệ Quyền Dân Sự trao cho cô Giải Thưởng Của Năm. Ngoài ra, vào tháng 03/2017, cô được nhận giải Những Người Phụ Nữ Quốc Tế Can Đảm của Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ.

Ngoài blogger Mẹ Nấm, HRW cũng đang vận động Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người đang bị giam giữ chỉ vì các hành vi và tiếng nói ôn hòa, trong đó có hai nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Đài và Trần Thị Nga, cả hai đều bị truy tố theo điều 88 bộ Luật Hình Sự.

Thanh Phương

**********************

HRW lên tiếng trước phiên xử blogger 'Mẹ Nấm' (BBC, 28/06/2017)

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

menam2

Blogger Mẹ Nấm được Hoa Kỳ trao giải Phụ nữ Quả cảm Quốc tế 2017

"Đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xử, chỉ vì đơn thuần thực hiện quyền tự do ngôn luận để kêu gọi chính quyền cải tổ và có tinh thần trách nhiệm, thật là quá đáng," ông Phil Robertson , Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói trong thông cáo báo chí hôm 27/06.

"Vấn đề bê bối trong vụ này không phải là những gì Mẹ Nấm nói, mà là thái độ của Hà Nội cứ khăng khăng cự tuyệt thay đổi các điều luật hà khắc, vi phạm nhân quyền để trừng phạt các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa khiến uy tín quốc tế của Việt Nam bị xấu đi."

"Trong 10 năm qua, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy nhân quyền và tự do dân chủ ở Việt Nam."

"Các nhà tài trợ và đối tác thương mại của Việt Nam cần công khai phản đối việc bắt giữ cô và thúc đẩy chính quyền Việt Nam phóng thích cô ngay lập tức và vô điều kiện," ông Phil Robertson nói.

Mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger sắp ra tòa về tội "tuyên truyền chống nhà nước", hôm 23/06, viết trên Facebook mô tả về điều bà gọi là "những hành vi lừa đảo và vô nhân tính" đối với con mình.

"Con tôi đã không ở trại tạm giam Công an tỉnh Khánh Hòa như cơ quan An ninh - Điều tra tỉnh Khánh Hòa đưa thông báo cho tôi. Trong suốt tám tháng qua tôi đã bị lừa khi lặn lội đến thăm con tại một trại tù mà con tôi không có ở đó.

"Quỳnh chỉ bị giam giữ ở Nha Trang một ngày, sau đó đã bị chuyển về Cam Lâm - Cam Ranh, là một trại tù có điều kiện rất khắc nghiệt," bà Nguyễn Tuyết Lan viết.

Tuy nhiên bà Lan bày tỏ "rất lo sợ" cho số phận của con mình trong thời gian bị tạm giam và trong phiên tòa sắp tới vào 29/06/2017.

"Những người từ thành phần giam cầm, điều tra cho đến những kẻ sẽ xét xử con tôi đều có những hành xử không minh bạch, không tôn trọng sự thật, không tuân thủ những quy định luật pháp.

"Tôi mong mỏi và kêu gọi mọi người, các đại sứ quán, các phóng viên truyền thông quốc tế hãy đồng hành cùng gia đình chúng tôi và cùng chúng tôi đến tham dự phiên tòa để bảo đảm tính minh bạch trong tiến trình xét xử con tôi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - một công dân Việt Nam yêu nước đang bị quy chụp và giam cầm vì những hành động bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền của đất nước mình," mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh viết.

Từ Hoa Kỳ, ông Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân chính trị, nói an ninh Việt Nam muốn người tù "rơi vào sự cô đơn".

"Nên biết là việc giúp đỡ từ bên ngoài đã được quy định trong luật, như thăm nuôi hai lần trong một tháng và được tiếp xúc với luật sư trong suốt quá trình điều tra.

"Với những người thần kinh yếu thì có thể bị ảnh hưởng từ phương pháp này nhưng theo tôi với Như Quỳnh thì tôi nghĩ khả năng này không có thể làm gì được vì có khổ đến mấy thì Quỳnh vẫn chịu được," ông Nguyễn Văn Hải nói với BBC.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman Hammett năm 2010 dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận. Năm 2015, Tổ chức Bảo vệ Quyền Dân sự trao cho cô Giải thưởng Của Năm. Tháng Ba năm 2017, cô được nhận giải Những Người Phụ nữ Quốc tế Can đảm của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ.

menam3

Hoa Kỳ vinh danh Blogger Mẹ Nấm là phụ nữ quả cảm

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói với các nhà báo hôm 30/3 : "Việt Nam cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước".

Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Công an tỉnh Khánh Hòa khi bắt bà Quỳnh cáo buộc bà đã "soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ; bôi nhọ các cá nhân...".

Trước đó bà cũng đã bị bắt nhiều lần vì tham gia các hoạt động dân sự, đòi dân quyền, biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo tại Biển Đông, và phản đối tập đoàn Formosa của Đài Loan trong vụ việc cá chết hàng loạt tại miền Trung.

Bà là điều phối viên của mạng lưới Blogger Việt Nam, thành viên của các tổ chức "Người Việt yêu nước" và "Tuyên bố công dân tự do".

Published in Việt Nam