Nghi trộm mỹ phẩm hàng loạt, cô gái Việt bị bắt ở Tokyo (VOA, 18/12/2019)
Một phụ nữ Việt Nam bị bắt ở Nhật Bản hồi tháng 9 vì bị tình nghi đánh cắp mỹ phẩm trị giá lên tới 28 triệu Yen- tương đương với 256.000 USD, từ nhiều cửa tiệm ở Tokyo và 9 tỉnh khác trong năm qua.
Tư liệu : hàng mỹ phẩm tại một cửa hàng ở Seoul. Reuters/Kim Hong-Ji
Loan tin này, báo Kyodo của Nhật Bản cho biết nghi can tên Nguyen Thi Phuong Uyen, 21 tuổi, cư ngụ tại khu Katsushika ở Tokyo, đã đánh cắp khoảng 8.300 loại mỹ phẩm và các món hàng khác trong 161 vụ trộm tại nhiều hiệu thuốc tây ở Tokyo và 9 địa phương khác, trong thời gian bắt đầu từ tháng 10 năm 2018.
Cảnh sát tin rằng nghi can có thể có một số tòng phạm.
Cô Phuong Uyen bị bắt vào ngày 17/9 vì bị nghi đánh cắp 30 món hàng trị giá khoảng 80.000 Yen – tương đương 730 USD, tại một hiệu thuốc tây ở Fujinomiya, tỉnh Shisuoka hôm 20/11/2018.
Trong mấy năm qua, nhiều người Việt Nam khác cũng đã bị bắt vì trộm hàng hóa tại các siêu thị Nhật.
Hàng hóa Nhật, đặc biệt là mỹ phẩm, rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Hệ thống bán lẻ mỹ phẩm lớn nhất của Nhật Bản, Matsumoto Kiyoshi, dự kiến khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng Ba năm 2020, khi tập đoàn Matsumoto Kiyoshi ký kết hợp tác liên doanh với Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Hoa Sen (Lotus Food Group) của Việt Nam và thành lập Công ty Liên doanh Matsumoto Kiyoshi Việt Nam.
***************
Cảnh sát Nhật Bản vừa bắt một cô gái Việt Nam 21 tuổi do trộm cắp hàng ngàn món mỹ phẩm và các mặt hàng khác trong suốt 161 vụ trộm kể từ hồi tháng 10/2018.
Bui Huy Hoang (trái) và một nữ đồng phạm có liên quan đến đường dây trộm đồ tại Nhật Bản hồi Tháng Tư, 2019. (Hình : Tokyo Reporter)
Báo Người Lao Động dẫn tin từ Japan Times, cho biết hôm 17/12/2019, Cảnh sát Nhật Bản đã bắt quả tang Nguyen Thi Phuong Uyen (21 tuổi, trú ở khu Katsushika,Tokyo) khi đang trộm cắp 30 món đồ trị giá khoảng 730 Mỹ kim của một nhà thuốc ở Fujinomiya, tỉnh Shizuoka.
Nghi can Nguyen Thi Phuong Uyen bị tình nghi đã lấy cắp khoảng 8.300 sản phẩm mỹ phẩm cùng những mặt hàng khác trong 161 vụ trộm tại nhiều nhà thuốc ở Tokyo và 9 tỉnh khác của Nhật Bản kể từ tháng 10/2018, với tổng giá trị ước tính 28 triệu yen (khoảng 256.000 đô la).
"Nghi can chủ yếu ăn trộm tại các nhà thuốc thuộc cùng một chuỗi" cảnh sát cho biết.
Một cửa hàng tạp hóa tại Nhật Bản. (Hình : JM)
Cảnh sát tin rằng người này "có thể có nhiều đồng phạm khác".
Theo báo VietnamNet, hồi tháng 10/2019, Cảnh sát Nhật Bản cũng thông báo bắt một nhóm người Việt Nam ăn trộm thực phẩm và mỹ phẩm, với tổng trị giá các món hàng ước tính lên tới 24,5 triệu yen (226.438 Mỹ kim).
Băng trộm cắp này thường đóng giả làm khách mua hàng rồi ăn trộm đồ tại các hiệu thuốc, cửa hàng bán đồ thể thao tại ít nhất 18 tỉnh với tổng số 247 lần trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 tới tháng 2/2019.
Những nghi can này đến Nhật với tư cách là sinh viên trao đổi hoặc thuộc chương trình đào tạo dành cho lao động ngoại quốc. Khi bị bắt, nhóm trộm giải thích rằng "muốn kiếm tiền để trang trải chi phí sống".
Cũng trong tháng Mười vừa qua, Cảnh sát tỉnh Kanagawa thông báo đã bắt giữ một người thất nghiệp Việt Nam vì tội trộm cắp.
Hồi tháng 4/2019, Cảnh sát tỉnh Tochigi cũng đã bắt giữ Bui Huy Hoang và một nữ đồng phạm đều mang quốc tịch Việt Nam do tình nghi "có liên quan đến đường dây trộm đồ tại Nhật Bản".
Hai nghi can công dân Việt Nam này bị cáo buộc lấy trộm 40 sản phẩm mỹ phẩm và các mặt hàng khác trị giá khoảng 13.000 yen (khoảng 1.164 đô la) tại một cửa hàng dược phẩm ở thành phố Kanuma.
Trước đó, hồi đầu tháng 8/2018, Cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ ba công dân Việt Nam sau khi phát hiện 1.700 vật phẩm bị đánh cắp trong một ngôi nhà ở tỉnh Saitama. Cơ quan hữu trách đã phát giác 1.700 mặt hàng ăn cắp với hơn 300 trong số đó là thuốc và mỹ phẩm tại nơi ở của một người Việt ở phố Kawaguchi, tỉnh Saitama. Tại cơ quan điều tra, người này đã thú nhận tất cả đồ trong nhà hầu hết là hàng hóa trộm cắp.
Trước đó nữa, vào ngày 9/7/2017, Nguyen Van Dung (24 tuổi, trú ở Tokorozawa, tỉnh Saitama), bị cáo buộc trộm cắp một số mỹ phẩm trưng bày tại một cửa hàng dược phẩm ở thành phố Isehara (tỉnh Kanagawa). Tổng giá trị của 279 món hàng mà Dung trộm được khoảng 775.000 yen (7.269 Mỹ kim). (Tr.N)
**************
Cảnh sát Nhật bắt 'siêu chôm đồ' Việt Nam (BBC, 18/12/2019)
Cảnh sát Nhật điều tra vụ phụ nữ Việt ăn cắp đồ tại nhiều tiệm thuốc trị giá hơn 250 ngàn đôla.
Số liệu cho thấy việc ăn cắp là hành vi phổ biến nhất trong tội phạm người Việt ở Nhật
Một phụ nữ Việt Nam, bị bắt hồi tháng Chín vì nghi ngờ trộm cắp, đã chôm đồ trị giá khoảng 28 triệu yen (256.000 đô la) tại nhiều tiệm thuốc ở Tokyo và chín tỉnh khác trong năm qua, cảnh sát Nhật được hãng tin Kyodo đưa tin hôm thứ Ba 17/12.
Cảnh sát nghi Nguyễn Thị Phương Uyên, 21 tuổi, lấy khoảng 8.300 đồ mỹ phẩm và các mặt hàng khác trong 161 vụ trộm cắp kể từ tháng 10 năm ngoái.
Họ tin rằng nghi phạm, sống ở phường Katsushika tại Tokyo, có thể có nhiều đồng phạm trợ giúp.
Nghi phạm nữ này đã bị bắt vào ngày 17/09/2019 vì nghi ngờ lấy cắp 30 món đồ trị giá khoảng 80.000 yen từ một nhà thuốc ở Fujinomiya, tỉnh Shizuoka ở miền trung Nhật Bản vào ngày 20/11/2018.
Cảnh sát nói nghi phạm này chủ yếu lấy cắp đồ tại các tiệm thuốc thuộc cùng một chuỗi cửa hàng.
Hồi tháng 10 năm nay, cảnh sát tỉnh Nara cho biết đã bắt giữ 7 công dân Việt Nam vì tội ăn cắp thực phẩm chức năng và mỹ phẩm và sau đó đêm bán lại tại Việt Nam.
Theo cảnh sát, băng nhóm này do một người đàn ông 37 tuổi cầm đầu đã lấy cắp các mặt hàng từ các nhà thuốc và cửa hàng bán đồ thể thao trong ít nhất 18 tỉnh trong 247 vụ từ tháng 1/2015 đến tháng 2/2019, Báo Sankei đưa tin. Tổng giá trị các sản phẩm bị lấy cắp ước tính là 24,5 triệu yen (223.000 đôla).
Cảnh sát cho biết bảy nghi phạm đã đến Nhật Bản theo diện sinh viên hoặc hoặc là một phần của chương trình đào tạo cho lao động nước ngoài.
Cảnh sát khi đó nói họ đang điều tra cách mà các mặt hàng bị đánh cắp được bán lại ở Việt Nam. Trùm băng nhóm này được cảnh sát dẫn lời nói rằng ông muốn có tiền để sinh sống.
Hãng tin Kyodo hồi tháng 4/2018 dẫn số liệu của Cảnh sát Nhật Bản nói trong năm 2017 người Việt đứng đầu về số vụ phạm pháp ở Nhật Bản.
Cảnh sát ghi nhận 5.140 vụ phạm tội của công dân Việt Nam năm 2017, chiếm hơn 30% tổng số vụ tại Nhật Bản và lần đầu tiên đứng đầu trong số các quốc gia có cư dân cư trú tại đây. Con số này tăng mạnh so với 3.177 trường hợp của năm 2016.
Việc ăn cắp là hành vi phổ biến nhất trong các vụ phạm pháp trong đó nhiều nhất là chôm đồ tại cửa hàng, thứ đến là ăn trộm nhà dân, đánh nhau, buôn bán, trồng cây cần sa trong nhà và cứ trú, lao động bất hợp pháp.
Trong số người Việt phạm tội có số không nhỏ là du học sinh và thực tập sinh (lao động hợp đồng).
Đối với du học sinh và thực tập sinh, nếu phạm tội ở mức độ nhẹ sẽ bị cảnh cáo và phạt hành chính tuy nhiên nếu phạm tội ở mức độ nghiêm trọng như trộm cắp, gây rối trật tự,…có thể bị buộc thôi học, chấm dứt hợp đồng và trục xuất về nước.
Hiện có khoảng trên 350.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
*****************
Nhiều phụ nữ Việt Nam phạm pháp tại Hàn Quốc và Nhật Bản (RFA, 17/12/2019)
Hai mươi sáu phụ nữ Việt Nam bị Cảnh sát tỉnh Gyeongnam, Hàn Quốc bắt giữ khi đang làm việc tại các quán karaoke "đèn mờ". Trong số này có 15 người bị phát hiện cư trú bất hợp pháp và bị trục xuất về nước.
Một tụ điểm hát karaoke bị kiểm tra tại Hàn Quốc bị phát hiện. Courtesy : JW/ NO Cut News/ RFA Edited
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin hôm 16/12. Theo đó thì qua phản ánh của người dân, cảnh sát tỉnh Gyeongnam tiến hành kiểm tra các nhà hàng karaoke Việt Nam mọc lên tại tỉnh Gyeongnam và bắt giữ tổng cộng 26 người phụ nữ Việt Nam đang làm việc tại các tụ điểm này vì không có giấy khám sức khỏe theo quy định. Trong đó có 15 người được cho là cư trú bất hợp pháp nên đã bị cảnh sát trục xuất về nước vì đã vi phạm luật di trú của nước này.
Theo Đạo luật Phòng chống và Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm của Hàn Quốc, tất cả phụ nữ làm việc tại các tụ điểm giải trí về đêm phải được khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện các bệnh truyền nhiễm như sốt thương hàn, lao phổi, giang mai và HIV/AIDS. Tuy nhiên, người cư trú bất hợp pháp không có quyền được cấp giấy khám sức khỏe.
Thời gian gần đây các quán "karaoke Việt Nam" trở thành tụ điểm giải trí mới ngày càng phổ biến tại tỉnh Gyeongnam, Hàn Quốc. Các tụ điểm giải trí này hoạt động như quán karaoke, quán rượu, dịch vụ massage. Vì lý do thiếu nhân viên nên các tụ điểm này thường thuê nhân viên là người Việt Nam cư trú bất hợp pháp.
Cũng tin liên quan, Kyodo vào ngày 17/12 loan tin cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ một người phụ nữ Việt Nam có tên là Nguyễn Thị Phương Uyên, 21 tuổi vào hôm 17/9/2019 vừa qua vì nghi ngờ người phụ nữ này có hành vi trộm cắp hàng hóa mỹ phẩm tại các tiệm ở Tokyo và 9 nơi khác trong năm qua. Tổng giá trị các mặt hàng ăn cắp được ước tính khoảng 28 triệu Yên tức khoảng 256.000 USD. Hiện cảnh sát Nhật Bản vẫn đang tiến hành điều tra vì cho rằng chắc chắn vẫn còn nhiều đồng phạm với người phụ nữ này.
******************
Cựu du học sinh tại Nhật Bản dùng Facebook lừa đảo hơn 2 tỉ đồng (Người Lao Động, 17/12/2019)
2 trong số 3 thanh niên vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an Thành phố Đà Nẵng bắt giữ do sử dụng mạng xã hội Facebook để lừa đào chiếm đoạt hơn 2 tỉ đồng từng du học tại Nhật Bản.
Chiều ngày 17/12, tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết Công an huyện Hoằng Hóa vừa phối hợp với công an các quận Thanh Khê, Hải Châu và Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) điều tra, làm rõ và bắt giữ Nguyễn Thanh Đức (SN 1994), Hoàng Giữ Lâm (SN 1998) và Hoàng Anh Tuấn (SN 1994, cùng ngụ huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) về hành vi dùng tài khoản Facebook để "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"
2 trong số 3 thanh niên hack Facebook lừa đảo chiếm đoạt hơn 2 tỉ đồng của nhiều người Việt tại Nhật Bản
Trước đó, Công an huyện Hoằng Hóa nhận được tin báo của chị N.T.D. và anh L.V.T. (ngụ huyện Hoằng Hóa) về việc bị một số đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebooklừa đảo chiếm đoạt 70 triệu đồng nên đã vào cuộc điều tra và xác định nhóm trên là thủ phạm.
Khám xét nơi ở của 3 nhóm này, Công an huyện Hoằng Hóa đã thu giữ 8 điện thoại di động, 10 thẻ ATM, 7 thẻ sim điện thoại chưa sử dụng, 8 máy vi tính và nhiều tang vật khác có liên quan.
Theo kết quả điều tra, 3 thanh niên trên là những người có kiến thức về công nghệ thông tin, trong đó có 2 người đã từng du học tại Nhật Bản. Sau khi về Việt Nam, bọn chúng đã câu kết để hack tài khoản Facebook của những người trong trang cộng đồng người Việt tại Nhật Bản bằng cách dò mật khẩu hoặc lập Facebook giả mạo, có giao diện giống hệt website chính thức của Facebook rồi dẫn dụ người dùng đăng nhập tài khoản bằng website giả mạo này để đánh cắp thông tin mật khẩu.
Sau khi hack được tài khoản Facebook, nhóm này giả mạo là chủ nhân của Facebook bị hack rồi gửi tin nhắn thông báo cho những người thân của họ tại Việt Nam để vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại, yêu cầu gửi tiền sang Nhật để đóng học phí, hoặc nói mình vừa mua nhà... cần vay tiền gấp để đặt cọc. Do nhầm tưởng đó là người thân của mình nên những người tại Việt Nam đã gửi tiền vào tài khoản ở ngân hàng do các đối tượng đưa ra.
Các tang vật liên quan tới vụ án được công an thu giữ để phục vụ điều tra
Với thủ đoạn trên, chỉ tính từ đầu tháng 11-2019 đến khi bị bắt, 3 thanh niên trên đã lừa đảo tài sản của nhiều người ở nhiều nơi trên cả nước với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng.
Công an huyện Hoằng Hóa thông báo ai là nạn nhân đã gửi tiền vào 2 số tài khoản : 101869154443 mang tên Đinh Hoàng Long và tài khoản 109870954741 mang tên Hoàng Hà Tĩnh thì liên hệ với Đội Cảnh sát Hình sự Công an huyện Hoằng Hóa để phối hợp giải quyết.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Hoằng Hóa phối hợp điều tra, làm rõ.
Tuấn Minh
Cây bưởi ngày Tết - Ảnh minh họa
Cách đây 30 năm, tôi chứng kiến một người hái trộm bưởi. Đó là những năm giữa thập niên 1980, rồi sau đó, những năm giữa thập niên 2010, tin người ta ăn trộm bưởi da xanh vào dịp cận Tết, bước qua hai thế kỉ, bước qua nhiều sự thay đổi và phát triển, dường như thói quen ăn trộm không những được loại bỏ mà nó còn phát triển mạnh hơn, đáng sợ hơn so với thế kỉ trước !
Chuyện trộm bưởi trước đây 30 năm, hồi đó vừa xong thời kinh tế tập trung bao cấp, hợp tác xã, vừa qua thời mà mẹ tôi phải dậy lúc 4 giờ để đi xếp hàng nhận lương thực tem phiếu, tôi phải lẽo đẽo theo mẹ để cùng xếp hàng, để lỡ nếu mẹ có đi đâu thì tôi đứng trông chừng xấp tem phiếu và giữ vị trí thứ tự (và trong một lần, do dậy quá sớm, sợ tôi mất giấc ngủ, mẹ không gọi tôi, bữa đó mẹ bị đau bụng, kết quả là nguyên một bộ tem phiếu còn 11 tháng chưa nhận đã bị mất mặc dù mẹ tôi đã chồng vào chỗ qui định. Mẹ tôi hỏi thì các bà lương thực sưng sỉa ngay : "Chị không có chồng tem phiếu vào đây. Vị trí chị ở chỗ nào ? Chị mới vào sau, làm gì có tem phiếu trong chồng !". Nguyên một năm gia đình tôi không có lương thực, mẹ tôi phải lén lút bán từng chỉ vàng để mua thức ăn ngoài ‘chợ đen’). Hồi đó, nạn trộm cắp cũng không phải là ít. Nhưng cách trộm cắp khác xa so với bây giờ.
Tôi nhớ là tài sản gia đình tôi có đúng một con heo nặng gần một tạ, một cây bưởi đang rộ trái và một giàn trầu. Con heo gần một tạ đó phải chờ đến khi nhà nước tổ chức mua thì mới được chở lên sân hợp tác xã để cân ký và đợi vài tháng sau thì nhà nước chuyển tiền về hợp tác xã, rồi hợp tác xã thông báo để người bán heo lên nhận tiền. Mức tiền bao nhiêu thì không ai được biết, nói chung là tùy vào hợp tác xã trả mà nhờ chứ chẳng có giá chung nào để mà tin là mình bán được con heo thì được số tiền a, b, c nào đó. Bán heo thời đó khổ còn hơn thứ gì !
Còn cây bưởi và giàn trầu thì bà chờ đến lứa lại hái bán, riêng cây bưởi, chỉ bán được những trái xanh, mởn vào mùa Tết, mùa bình thường thì chỉ hái ăn cho vui, ai xin thì bà tôi hái cho vài trái chứ chẳng bán được, không có giá trị và cũng chẳng ai mua mặc dù đây là cây bưởi năm roi, ngọt và ngon có tiếng trong vùng. Tôi còn nhớ tháng Chạp năm 1990. Lúc đó mới bước qua kinh tế thị trường, nhà tôi cũng chưa có điện, xóm làng tối om trong những ngày cuối năm. Tối đó là 25 tháng Chạp, nhà tôi vừa ăn cơm xong thì nghe tiếng chó sủa gắt chỗ gốc bưởi. Tôi lẻn ra chỗ ảng nước quan sát và thấy một cái bóng đen đang ngồi trên cây bưởi. Tôi quay vào nhà, lấy cây súng nhựa (trông rất giống súng thật) và cái đèn pin. Ra tới nơi, tôi bật đèn pin lên và quát to : "Bước xuống, trèo nhẹ nhàng, không tao bắn !". Dường như người ngồi trên cây bưởi bị khiếp, tôi quát tiếp : "Mày mà còn ngồi trên đó thì tao nổ súng !". Vừa nói tôi vừa hươi cây súng nhựa vào trước đèn pin.
Người ngồi trên cây bưởi rón rén vừa tránh né mấy chùm gai bưởi vừa trụt xuống, gần tới gốc, tôi chỉa thẳng mũi súng vào người đó và dọi đèn pin vào mặt anh ta, tôi quát tiếp : "Mày mà chạy là tao nổ súng ngay !". Lúc này tôi nghe tiếng khóc òa lên : "Mày ơi tao lạy mày đừng bắn tao, tao là thằng Đ. Đây, tao với mày là bạn mà, mày thương tao, ngày mai Tết rồi mà tao không có gạo… Tao lạy mày !".
Lúc này tôi vừa sợ thằng Đ. Nó phát hiện là súng giả và nổi khùng với tôi, vừa thương thằng Đ. Nhưng tôi cũng quát : "Đ., mày đứng im tại chỗ. Mày muốn tao không bắn thì đứng im đó để tao đi cất súng rồi tự ra về. Mày phải mang luôn mấy trái bưởi này ra khỏi nhà tao ngay tức khắc !". Thắng Đ. Không đợi tôi "cất súng" mà cúi xuống nhặt mấy trái bưởi rồi co giò chạy, nó vừa chạy vừa hét to : Tạo lạy mày đừng bắn tao !". Cái tiếng hét thất thanh của một thằng bạn lớn hơn tôi vài tuổi, có vợ quá sớm, có con rồi đi cuốc đất thuê, bữa được bữa mất, phải đi ăn trộm, phải van nài bạn mình đừng bắn… trong cái đêm tháng Chạp đó ám ảnh tôi đến giờ. Bây giờ thằng Đ., bạn tôi đã chết vì căn bệnh hiểm nghèo, mỗi khi thắp nhang nó, tôi mua một trái bưởi để xin lỗi nó và cố gắng nói với nó là "Hồi đó vì tao sợ quá, nên mang cây súng nhựa ra để dọa chứ tao làm gì có súng. Mày đừng buồn tao nghe Đ.".
Bẵng đi ba mươi năm, thằng bạn lớn tuổi học cùng lớp của tôi đã thành cát bụi. Bỗng dưng chiều nay, đọc một bản tin về nạn trộm bưởi da xanh, tôi lại thấy nhớ nó, nhớ tuổi thơ trong một xã hội đầy mông muội của mình. Và tự dưng tôi thấy thương những kẻ trộm thời trước. Bởi chí ít, họ cũng vì quá nghèo, không có lối thoát, phải đi ăn trộm trái bưởi, con gà để mà bán mua gạo, bán mà mua lúa gánh đi nộp thuế nuôi quân ở tận kho lương thực huyện. Và khi bị bắt, họ không bao giờ dám chống cự, họ sợ chủ nhà, dù chủ nhà chỉ là đứa con nít giống như tôi hồi đó. Nói chung, kẻ trộm thời đó dù có nói gì thì người ta vẫn con đậm tính người. Những kẻ mất tính người thì bị xếp vào kẻ cướp.
Nó khác với bây giờ, kẻ trộm vào vườn bưởi để hái, nhưng nếu chủ nhà phát hiện, không chừng chủ nhà sẽ bị đánh đến không còn mạng sống. Thậm chí, có trường hợp đào trộm gốc mai. Một cây mai lớn gần trăm tuổi, gốc của nó có đường kính 80cm, bộ rễ của nó vô cùng cứng và sâu. Thế mà trong một đêm mưa, hai kẻ trộm đã đào hỏng nguyên cây mai nhưng không tài nào khiêng đi được, đang loay hoay thì chó sủa, chủ nhà dậy bật đèn, chúng lẻn đi. Nhưng không phải để trốn mà để gọi thêm đồng bọn tới và đưa cả chiếc xe tải đặt ngoài đầu đường làng để cả nhóm khiên gốc mai ra bỏ lên xe tải.
Rất may là chủ nhà đi kiểm tra trước sân, thấy gốc mai bị hỏng nên bật đèn và gọi điện thoại sang các nhà hàng xóm báo động. Cả xóm dậy bật đèn, kéo ra đường. Lúc này, nhóm đào trộm mai mới lục đục kéo lên xe tải bỏ đi. Cung cách vác đòn khiêng, dây chão và cuốc, thuổng của chúng bước lên xe không hề tỏ ra sợ sệt mà có vẻ như có người nào chặn chúng lại, những thứ cuốc thuổng sẽ là vũ khí mà chúng dùng. Nguyên đêm đó (cách đây chưa đầy ba đêm), cả xóm tôi phải mất ăn mất ngủ, công an xã yêu cầu chủ nhà không được cho báo chí biết vụ này vì như vậy là mất điểm thi đua của xã… Chủ nhà sợ, đành im lặng và chôn lấp sự uất ức xuống chỗ gốc mai, nơi bọn trộm vừa đào mà chưa lấy được.
Chuyện trộm bưởi cũng vậy, các vườn bưởi ở An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, vườn bưởi ở Kim Long, Huế đang ngày đêm mất ngủ vì nạn trộm bưởi trong dịp Tết, mà không riêng gì Kim Long, nơi nào có trái cây, hoa dịp Tết đều mất ăn mất ngủ vì chuyện trộm. Không dừng ở đó, nhà nhà sợ mất trộm, người người sợ mất trộm, cả một đất nước nóng lên vì nạn mất trộm và lo mất trộm… !
Nạn trộm cắp và nỗi lo trộm cắp trở thành vấn nạn và nỗi lo thường trực của một quốc gia, một dân tộc. Nạn trộm cắp, cướp bóc không chỉ diễn ra trong xã hội thuần túy mà còn diễn ra ngay trong hệ thống quản lý xã hội, hệ thống nhà nước. Chưa bao giờ mà khái niệm trộm cắp tài nguyên, trộm cắp tài sản nhân dân, rút ruột ngân sách… Những từ ngữ chỉ sự trộm cắp lại được nhân dân gán cho giới càn bộ nhà nước như hiện nay. Và trên một góc độ nào đó, nhân dân không những không sai mà còn rất chính xác.
Cuối năm, ngồi nhìn lại một năm trôi qua, rồi nhìn lại quãng lịch sử ngắn ngủi ba mươi năm kể từ khi tôi biết nhận thức về cuộc đời, xã hội cho đến bây giờ, phải chấp nhận buồn bã để thấy rằng đất nước không những không đi tới, không tiến bộ mà còn thụt lùi vào quá khứ của những thói quen trộm cắp, thói quen thiếu lòng tự trọng.
Bởi, một đất nước tốt đẹp, dù muốn hay không thì phải là một đất nước mà ở đó, con người và thiên nhiên hài hòa, dung dưỡng nhau trong mối quan hệ thân thiện, tương kính và yêu thương. Con người có quyền yêu một cái cây, nhiều cái cây và giữ thể diện, giữ lòng tự trọng với những cái cây trước khi yêu một người khác và giữ thể diện với người khác. Ngược lại, một đất nước mà cái xấu phát triển quá nhanh thì màu xanh của cây cối cũng nhanh chóng vắng bóng, thay vào đó là sự trơ tráo của con người trước những cái cây. Việt Nam là một quốc gia, dân tộc mà ở đó, câu chuyện kể của những cái cây về con người thật là thảm hại !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA tiếng Việt, 1/01/2017 (VietTuSaiGon's blog)