Vì sao dự án mở rộng trụ sở Bộ Công an ở 44 Yết Kiêu, Hà Nội khiến dân phản đối mạnh ?
Một dự án mở rộng trụ sở Bộ Công an ở trung tâm Hà Nội đang gặp sự phản đối mạnh mẽ từ người dân sinh sống ở khu vực này.
Dự án mở rộng trụ sở Bộ Công an ở trung tâm Hà Nội đang gặp sự phản đối mạnh mẽ từ người dân sinh sống ở khu vực này. Hình do người dân cung cấp về vụ việc tại số 44 phố Yết Kiêu, HN
Theo văn bản được cho là Trích lục Quyết định số 35/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ mà chính quyền quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho người dân xem, dự án mở rộng Bộ Công an ở số 44 phố Yết Kiêu sẽ thu hồi 0,6 ha đất của người dân và các tổ chức để xây dựng mở rộng trụ sở này.
Người dân sẽ được bồi thường bằng đất tại khu tái định cư thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, trang web của UBND Quận Hai Bà Trưng đưa tin hôm 17/8.
Hơn 130 hộ dân ở khu vực ngõ Hàng Lọng, mặt phố Yết Kiêu và mặt đường Lê Duẩn có nguy cơ bị thu hồi nhà đất đã nộp đơn kiến nghị đến các đoàn đại biểu quốc hội khắp cả nước, một đại diện của các hộ dân cho BBC biết.
Theo ‘đơn kêu cứu’ của người dân, 98% các hộ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thuộc đất đô thị, ổn định lâu dài.
Người dân trong khu vực này, trong đó có những người đã sống ở đây ít nhất 50 năm, và những gia đình mới chuyển đến gần đây, bức xúc và phẫn nộ vì đề xuất thu hồi đất mà theo họ là ‘vô lý và mờ ám’.
Chưa kể, việc đẩy người dân nội đô ra các vùng xa, nơi trị giá nhà đất thấp hơn nhiều so với các quận nội thành HN, đang gây ra thêm bức xúc.
Văn bản chính quyền đưa cho dân xem gây nhiều thắc mắc trong người dân vì không có chữ ký của Phó Thủ tướng hay dấu của chính phủ
‘Bất ngờ’ và ‘hoang mang‘
Bà BN mua nhà và chuyển đến sống ở phố Nguyễn Du trong khu vực mốc giới thu hồi đất cách đây bốn năm. Bà cho BBC biết gia đình bà đã tìm hiểu kỹ trước khi mua nhà và ‘không hề thấy có ý kiến có quy hoạch thành dự án này dự án nọ’.
Bà nói bà cùng nhiều người trong tổ dân phố thấy rất sốc khi nhận thông báo sẽ bị thu hồi nhà đất hồi cuối tháng 6/2023.
"Lẽ ra là phải thông báo rất lâu rồi để dân người ta có sự chuẩn bị", bà BN nói. "Nếu tôi đến tìm hiểu mua đất mà biết là có quy hoạch dự án thế này thì tôi sẽ không mua".
"Người ở tổ công tác từ phường và quận xuống thông báo, người dân rất bất ngờ khi có sự việc ở trên trời rơi xuống. Mọi người rất là hoang mang", bà BN kể hôm 30/8.
Cùng tâm trạng, ông Phạm Bình Hà, 55 tuổi, sinh ra ở ngõ Hàng Lọng và hiện vẫn sống ở đây, cho biết ông và gia đình cũng rất bất ngờ.
"Bình thường muốn thu hồi đất người ta phải thông báo trước nhiều năm, cấm người dân buôn bán, xây dựng. Nhưng ở đây chúng tôi vẫn mua bán, xây dựng nhà cửa bình thường. Nhiều nhà vừa xây xong còn đang ướt, nhiều nhà mới mua sổ đỏ còn chưa ráo mực thế mà tự nhiên lại mang giấy đến đòi lấy đất".
Người dân mang biểu ngữ ra đường phản đối việc thu hồi đất hôm 11/8
Vì sao Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu cần mở rộng ?
Truyền thông nhà nước nói việc thu hồi đất để mở rộng Trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu là vì "mục đích quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng".
"Do đó, dự án không mang tính hiệp thương hay thỏa thuận", tờ VOV dẫn lời ông ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm hôm 3/7.
Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, được xây dựng từ năm 1976, được cho là bị ‘xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu’. Việc trụ sở nằm giữa một khu đông dân cư khiến ‘nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước, lộ lọt thông tin triển khai các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an bên trong trụ sở là rất cao’, đại diện Hội đồng Bồi thường hỗ trợ tái định cư quận Hoàn Kiếm giải thích.
Nhưng người dân ở Ngõ Hàng Lọng thấy lý do này không thuyết phục.
Bà BN nói việc thu hồi nhà đất của dân ‘vô lý’ ở chỗ Bộ Công an đã được xây dựng trụ sở làm việc tại 47 Phố Phạm Văn Đồng ‘quá to, quá hiện đại’ rồi.
"Bộ Công an đã được xây dựng trụ sở mới, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế rồi. Còn trụ sở này (ở 44 Yết Kiêu) thì người dân vẫn đồng hành sống cùng bao nhiêu năm nay, có lộ cái gì đâu", bà nói với BBC hôm 30/8.
"Trụ sở cũ đã rất là to rồi, sao lại không xây cao lên ? Chúng tôi đang ăn ở, có nguồn sống nguồn thu nhập rất ổn định. Bây giờ đưa chúng tôi đến một nơi cách xa đây 15km thì chúng tôi sẽ sống bằng gì ?"
Ông Phạm Bình Hà thì thắc mắc là dự án này không nằm trong quy hoạch của thành phố hay Bộ Công an.
"Người dân nghi ngờ hay là có lợi ích nhóm", ông Hà nói.
Chính quyền cử lực lượng đông đảo tới cưỡng chế đo đạc, kiểm đếm hôm 11/8
Cưỡng chế đo đạc vì dân không đồng thuận
Ngày 29/6, các hộ dân trong ngõ Hàng Lọng nhận được thông báo của chính quyền về việc niêm yết công khai thông báo thu hồi đất.
Ông Phạm Bình Hà kể với BBC sau đó tổ công tác có yêu cầu người dân đi họp, "nhưng dân người ta không đi vì người ta cảm thấy quyết định này mơ hồ quá".
"Họ nói là nếu mà muốn lấy đất thì phải xuống đây mà giải thích với dân", ông Hà kể.
Hôm 11/8, UBND phường Nguyễn Du và Ban dự án cử một lượng rất đông, gồm công an, tự vệ, đoàn thanh niên vv, tới cưỡng chế đo đạc, kiểm đếm. Đa số các hộ dân khóa cửa không cho cán bộ vào nhà đo đạc, và ra đầu ngõ phản đối, theo lời kể của người dân.
Đại diện của người dân chia sẻ hình ảnh cho thấy nhiều người dân mặc áo phông đỏ có in dòng chữ ‘Không lấy đất của dân’ đi theo. Họ giương biểu ngữ "Đất Lê Duẩn, Nguyễn Du, Ngõ Hàng Lọng không phải đất an ninh quốc phòng", "Nhân dân Ngõ Hàng Lọng, Lê Duẩn, Nguyễn Du phản đối việc lấy nhà đất của chúng tôi để mở rộng trụ sở 44 Yết Kiêu".
Lực lượng của chính quyền chắn ở đầu ngõ, ngăn cản không cho dân đi về phía nhà họ, theo tường thuật của bà BN.
Nhưng họ không vào được trong nhà dân nên chỉ đo bên ngoài và ghi lại.
"Hôm đó, có một nhóm mọi người rất là uất ức vì chính quyền làm như vậy nên có lớn tiếng phản đối. Họ bị những người không mặc đồng phục lôi lên xe buýt đưa đi để gây hoang mang cho chúng tôi những người ở lại", bà BN kể.
Sau nhiều giờ xe buýt đi lòng vòng, họ được trả về nhà trước nửa đêm.
Vài người dân giấu tên phản ánh với BBC hôm đó chính quyền còn mang máy phá sóng tới để làm gián đoạn việc liên lạc của người dân với nhau.
Người dân cũng thấy có người "ngồi hàng nước quanh quẩn theo dõi" mọi người ở đây.
"Làm gì cũng có cặp mắt nhìn, thậm chí đi theo. Rất mệt mỏi", người dân giấu tên cho biết hôm 31/8.
Thông điệp gửi chính quyền
Trả lời câu hỏi của BBC về nguyện vọng của người dân lúc này, ông Phạm Bình Hà khẳng định : "Dân ở đây người ta không bao giờ muốn đi cả.
"Có người ở nhà lá khổ lắm bây giờ mới xây được nhà xong. Nhiều nhà mới xây lại từ 10 năm trở lại đây, trị giá hàng trăm tỷ".
Còn bà BN nói người dân chỉ muốn chính quyền phải "có quy trình".
"Anh làm cái gì anh phải có thời gian để dân được hiểu. Dân người ta họ sẽ không phản đối nếu hợp tình hợp lý".
Bà BN nói thêm theo lời nói của các lãnh đạo cấp cao, "khi lấy đất của dân phải bằng hay tốt hơn nơi ở cũ, nhưng hiện giờ chưa thấy điều đó".
"Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến chính quyền là hãy lo cho nhân dân, vì dân đúng nghĩa. Đất của chúng tôi là đất được sử dụng lâu dài, không phải đất nông nghiệp. Nếu chúng tôi phải đi thì chúng tôi phải được cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".
Trang web của quận Hai Bà Trưng viết dự kiến trong tháng 8/2023, UBND sẽ công bố thông báo đến các hộ gia đình bị thu hồi về giá đất cụ thể, nhưng hiện người dân chưa nhận được thông tin gì.
Từ lâu nay, các quyết định về quyền liên quan tới đất đai mà ở Việt Nam là do Nhà nước quản lý tuy có thừa nhận qua khái niệm chung chung là thuộc "sở hữu toàn dân" thường gây ra tranh chấp, đôi khi rất gay gắt.
Tuy thế, các cơ quan lập pháp Việt Nam liên tục hoãn việc nhìn vào vấn đề này.
Báo chí VN cũng công khai thừa nhận "các vướng mắc" khi thực hiện việc phân chia, tái phân bổ quỹ đất nhưng các giải pháp phần lớn chỉ mang tính cục bộ, tình thế.
Nguồn : BBC, 01/09/2023