Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đưa tổ chức đảng giám sát có chống vi phạm xây dựng ? (RFA, 09/07/2019)

Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thiện Nhân vừa có chỉ thị chấn chỉnh công tác xây dựng với yêu cầu : ‘Ở đâu có tổ chức đảng, ở đó không có vi phạm xây dựng’.

giamsat1

Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị lần thứ 30 Ban Chấp hành đảng bộ đảng cộng sản thành phố Hồ Chí Minh, khóa X, hôm 8/7/2019 khẳng định : ‘Ở đâu có tổ chức đảng, ở đó không có vi phạm xây dựng’. RFA Edited

Chỉ thị của ông Nguyễn Thiện Nhân được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 30 Ban Chấp hành đảng bộ đảng cộng sản thành phố Hồ Chí Minh, khóa X, hôm 8/7/2019.

Cụ thể, khi nói về trật tự xây dựng, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định, vấn đề này ‘không giảm, quy mô còn lớn’ và gây bức xúc.

Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nói rõ : ‘Trong tháng 7, các quận phải có nghị quyết để chấn chỉnh việc xây dựng trên toàn thành phố. Trách nhiệm không phải chỉ có chủ tịch mà bí thư cũng rất quan trọng, để cùng giám sát. Mục tiêu là đến Đại hội Đảng các quận, huyện sẽ cơ bản lập lại trật tự xây dựng. Ở đâu có tổ chức đảng, ở đó không có vi phạm pháp luật về xây dựng.’

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường, hôm 9/7/2019 đưa ra nhận định về vấn đề này với RFA :

"Tôi cho rằng việc Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đưa ra đề xuất, chỉ thị được thực hiện tại các cấp bộ đảng, trong vòng khoảng một năm đưa tổ chức đảng vào chấn chỉnh việc xây dựng, là rất đáng quan tâm và hoan nghênh. Trong vòng một năm thì thời gian cũng không nhiều, đấy là giai đoạn tổ chức đại hội đảng các cấp tại thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho Đại hội đảng toàn quốc, thì tôi cho rằng quyết tâm thì chắc chắn làm được. Chỉ có vấn đề còn lại là, các cấp bộ đảng tại thành phố Hồ Chí Minh có đủ quyết tâm, đủ cương quyết và đủ sự mạnh mẽ để làm sạch các cấp bộ đảng mà mình phụ trách hay không thôi. Tôi cho rằng lúc này làm là thuận lòng dân, rất mong muốn làm sạch tham nhũng tại Việt Nam".

Theo chỉ thị của Bộ Chính trị ban hành ngày 30/5/2019, Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ được tổ chức trong năm 2020. Tức còn khoảng trên dưới một năm để các quận, huyện tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chỉ thị của ông Nguyễn Thiện Nhân.

Trao đổi với RFA hôm 9/7 từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, người có gần 50 năm tuổi đảng, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, nhận định :

"Theo luật tổ chức Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, và sự tổ chức của đảng có sự phân chia trách nhiệm, quyền lực về quản lý nhà nước và lãnh đạo, chỉ đạo chung. Hai cơ quan khác nhau nên thường các vấn đề cụ thể, điều hành trực tiếp là trách nhiệm của Ủy ban. Còn trách nhiệm của đảng là ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo. Cái đó thì cũng đang hoạt động rồi… Nếu họ muốn làm mạnh thì theo tôi, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạnh xây dựng trái phép, hay vi phạm pháp luật, hay đơn khiếu nại tố cáo nhiều, không giải quyết, thì những người đó không được tái đắc cử, đề cử, đề bạt… cái đó có lý hơn. Nhiệm vụ đã có sẵn trong luật rồi".

Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, ở Việt Nam có nơi nào mà không có tổ chức đảng, có dân thì có chính quyền, có chính quyền thì có tổ chức đảng, trong xí nghiệp, doanh nghiệp cũng có tổ chức đảng. Ông Thuận cho rằng, ở đất nước này, có làm cái gì mà không có ý kiến của đảng đâu ? Có làm cái gì mà không có sự lãnh đạo của đảng ?

Đồng quan điểm, khi trao đổi với RFA từ Sài Gòn hôm 9/7/2019, Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long, một đảng viên đã từ bỏ đảng cho rằng, đảng đã giám sát từ lâu nhưng cũng để xảy ra nhiều sai phạm :

"Ngay vươn rau Lộc Hưng, ở đó có tổ chức đảng ngay đảng ủy phường mà vì sao bao nhiêu năm vẫn vi phạm xây dựng và vừa rồi họ cưỡng chế đập phá hơn 500 căn nhà. Đó là bằng chứng vi phạm xây dựng. Hay Thủ Thiêm, tổ chức đảng ở đấy là quận 2, mà vẫn vi phạm rất nhiều".

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long, xưa nay ở đâu mà không có tổ chức đảng giám sát, bất cứ một cơ quan nào trong chế độ cộng sản này đều có tổ chức đảng giám sát, thường là bí thư chi bộ hay bí thư đảng ủy, nhưng vấn đề là tại sao vẫn xảy ra sai phạm.

Tại Hội nghị lần thứ 30 Ban Chấp hành đảng bộ đảng cộng sản thành phố Hồ Chí Minh, hôm 8/7/2019, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng thừa nhận vẫn còn khiếu kiện liên quan đến Khu đô thị Thủ Thiêm, Công nghệ cao…

Nhiều hộ dân tại Khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2. thành phố Hồ Chí Minh trong gần 20 năm qua, bị di dời mà không được bồi thường một cách hợp lý, chưa kể trong đó rất nhiều người bị cưỡng chế lấy nhà mà không được đền bù. Người dân Thủ Thiêm đã nhiều lần khiếu nại từ cấp thành phố đến trung ương, nhận nhiều lời hứa hẹn của các vị lãnh đạo.

Cuối tháng 6 năm 2019, thanh tra chính phủ có công bố kết luận sai phạm tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó trách nhiệm phần lớn thuộc về Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó ông Lê Thanh Hải là bí thư thành ủy và trước đó là chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh, người bị cho là có trách nhiệm trong nhiều sai phạm lớn tại địa phương này khi đương chức, trong đó có vụ sai phạm đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ngoài sai phạm tại Thủ Thiêm và vườn rau Lộc Hưng, trước đây, thành phố Hồ Chí Minh từng xảy ra nhiều vụ sai phạm liên quan đến xây dựng, điển hình như dự án xây dựng đại lộ Đông – Tây. Khi đó ông Huỳnh Ngọc Sĩ là giám đốc Ban quản lý dự án, đã bị cáo buộc tham nhũng lên đến 2.5 triệu USD liên quan đến dự án này. Ngày 25/09/2009, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết án ông Sĩ 3 năm tù vì các gian lận vừa nêu.

Kỹ sư xây dựng Trần Bang từ Sài Gòn nhận định :

"Tôi cho rằng dù có tổ chức đảng giám sát thì nói cũng sẽ che giấu hay biến tướng, hoặc là sửa chữa trong một lúc nào đó để họ bầu cử xong, họ lấy điểm để lấy cái ghế, sau đó lại đâu vào đấy. Bởi vì một khi đảng bao trùm tất cả, tất cả tham nhũng đều từ người có quyền có chức, đều là đảng viên, một đảng không có tam quyền phân lập, không có sự giám sát của dân, không có tự do báo chí thì không thể dẹp tham nhũng".

Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng, vấn đề chấn chỉnh sai phạm về xây dựng là câu chuyện lâu dài, còn xác định trách nhiệm là chuyện khác. Theo luật sư Thuận, với một câu nói rất chung chung như thế, thì cũng như những câu nói mà ông Bí thư Nhân phát biểu trước đây về vụ Thủ Thiêm sẽ giải quyết trong tháng 11/2018, nhưng bây giờ 2019 rồi cũng chưa xong. Cho nên theo ông Thuận, những câu nói không phân ranh, không cụ thể thì rất khó hiểu.

Nhà báo tự do Đàm Ngọc Tuyên, hiện sinh sống ở Sài Gòn, khi trao đổi với chúng tôi hôm 9/7/2019 qua tin nhắn cho rằng :

"Chi tiết mà ông Nhân nói, chúng ta nên và phải hiểu theo nghĩa rằng tổ chức đảng cơ sở trong thời gian 1 năm đầu xây dựng thì có thể, (chỉ có thể thôi) sẽ không sai phạm, hoặc sai phạm ít. Còn sau một năm, tổ chức đảng cơ sở này sẽ mọc rễ cọc, hình thành lợi ích nhóm, kiểu sống lâu hoá già làng, ngồi ghế lâu thì lãnh đạo càng sai phạm tràn lan. Thực tế cho thấy, thì tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương nào cũng vậy, bí thư mới là người thực sự nắm quyền lực, là lãnh chúa từng địa phương, Chủ tịch bản chất như người làm thuê cho bí thư. Điều đó, càng minh chứng : ở đâu có đảng, ở đó sẽ có nhiều sai phạm xây dựng, hạ tầng tan hoang, dân oan kêu than".

Tiến sĩ Mạc Văn Trang, một đảng viên đã từ bỏ đảng cho rằng, đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối cho nên tất cả những thành công gì thì họ đều nói do đảng lãnh đạo. Do đó, tất cả những sai lầm gì, tội lỗi gì thì cũng phải nói do đảng này gây ra. Ông nói tiếp :

"Ở đâu cũng phá vỡ quy hoạch, ở đâu cũng xây dựng công trình một cách dối trá, rút ruột công trình, ở đâu cũng có chiếm đất, có dân oan… hầu hết là như thế… mà đấy đều có đảng hết, chủ trương của đảng cả… cho nên câu nói của ông Nguyễn Thiện Nhân buồn cười quá, lạ quá…"

Theo Tiến sĩ Mạc Văn Trang, đáng lẽ ra ông Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phải nói là ‘tất cả những sai lầm, khuyết điểm về quy hoạch thì đều có trách nhiệm của đảng’… nói như vậy mới đúng.

Trung Khang

*******************

Chênh lệch hàng chục tỷ đô la trong dự toán vốn đầu tư cho dự án đường sắt Bắc-Nam giữa hai bộ (RFA, 09/07/2019)

Tổng kinh phí tiền vốn tính toán cho dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam giữa hai Bộ Kế Hoạch- Đầu Tư và Bộ Giao thông và vận tải của chính phủ Việt Nam chênh nhau đến 32 tỷ đô la Mỹ.

giamsat2

7 tổ chức và gần 450 cá nhân ký tên vào bản Tuyên bố kêu gọi Nhà nước Việt Nam lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài nước… để tìm phương án tối ưu cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Courtesy : Ảnh chụp màn hình vietnamnet.vn

Theo truyền thông trong nước hôm 9 tháng 7, con số do Bộ Kế hoạch- Đầu tư đưa ra là 26 tỷ đô la ; trong khi đó con số của Bộ Giao thông và vận tải là 58 tỷ đô la Mỹ.

Bộ Kế hoạch- Đầu tư có báo cáo gửi thủ Tướng chính phủ về phương án thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam dựa trên phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan theo 3 kịch bản.

Kịch bản 1 được nói là nâng cấp tuyến đường sắt hiện đại có tốc độ khai thác tàu khách 80-90 km/h và tàu hàng 50-60 km/h.

Kịch bản 2 là nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại khổ 1m lên khổ 1.435m, điện khí hóa khai thác chung tàu khách và tàu hàng có tốc độ 200 km/h, và nâng cấp tuyến đường sắt hiện đại tốc độ 70 km/h cho tàu khách địa phương và tàu hàng.

Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao đường đôi, khổ 1.435m, điện khí hóa khai thác tàu có tốc độ 320 km/h.

Theo các chuyên gia Đức và Hà Lan, tốc độ tàu chạy Bắc Nam khoảng 200 km/h sẽ mang lại hiệu quả vì tổng mức đầu tư giảm, thời gian di chuyển từ Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 8 giờ đồng hồ.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói phương án tối ưu là nâng cấp tuyến đường sắt cũ để chở hàng hóa và đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao để chuyên chở khách như tại Hà Lan.

Trước đó, Bộ Giao thông và vận tải từng đưa ra phương án đầu tư tuyến đường sắt đường đôi khổ lớn dành cho tàu chỉ chở khách với vận tốc 320 km/h. Thời gian xây dựng trong 30 năm, dự kiến 2020 – 2050.

Phương án đầu tư đường sắt cao tốc với tính toán 58 tỷ USD như Bộ Giao thông và vận tải đề ra bị các chuyên gia trong nước phản đối vì cho rằng hiệu quả kinh tế giảm khi tàu không chở hàng hóa, giá vé đi tàu cao sẽ không cạnh tranh được với máy bay và gây phân hóa giàu nghèo trong xã hội.

Ngoài ra các chuyên gia trong nước cho rằng mức tổng đầu tư quá cao sẽ gây bất công trong việc phân bổ vốn đầu tư vào các loại hình vận tải khác ; cũng như nguy cơ gây nợ cho Chính phủ khi hiện nay Việt Nam vẫn phải huy động tiền từ nước ngoài, vay mượn để làm hạ tầng.

Sau khi có tin Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất phương án cải tạo đường sắt cao tốc Bắc Nam trị giá 26 tỷ USD, một chuyên gia trong nước tán thành và cho rằng phương án này trùng với ý kiến của họ từng đưa ra cách đây 5 năm trước nhưng bị Quốc hội bác bỏ.

Bộ Giao thông và vận tải lên tiếng thanh minh cho rằng con số mà bộ này đưa ra đã có thông qua ý kiến các chuyên gia, bộ/ngành và các kỳ hội thảo.

*****************

Công đoàn độc lập tại Việt Nam có thực sự được phê duyệt vào năm 2023 ? (RFA, 09/07/2019)

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, tham gia những khối mậu dịch tự do, chính phủ Hà Nội phải chiu tham gia ký kết những công ước quốc tế về lao động. Gần nhất vào ngày 14 tháng 6 vừa qua, Quốc hội Việt Nam thông qua Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Còn Công ước 87 cho phép người lao động thành lập và tham gia các công đoàn độc lập dự định sẽ được phê chuẩn vào năm 2023. Riêng Công ước 105 về việc Xoá bỏ Lao động Cưỡng bức vẫn chưa được nhắc tới.

giamsat3

Công nhân Việt Nam tại Đài Loan biểu tình trước văn phòng Văn hoá - Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc hôm 5/5/2019 - Photo : RFA

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, nhận định về việc Việt Nam thông qua Công ước 98 của ILO :

"Công ước 98 là công ước về thỏa ước lao động. Họ đưa ra một công ước thuộc loại nhẹ nhàng nhất để phê chuẩn, trong khi đó quan trọng nhất là công ước 87 liên quan tới quyền tự do lập hội lập công đoàn độc lập của người lao động thì họ hoàn toàn không đề cập tới".

Trong thực tế hiện nay tại Việt Nam chỉ có một tổ chức phụ trách quyền cho giới công nhân là Liên đoàn Lao động Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản. Tác giả Joe Bucksley trong một bài viết với tựa tạm dịch là ‘Việt Nam đang đánh cược với quyền lợi người lao động’ đăng trên tạp chí có tên Jacobin ngày 7 tháng 7 có nhận định rằng công đoàn độc lập hiện đang bị cấm trong nước. Ở cấp quốc gia, Liên đoàn Lao động Việt Nam trực thuộc đảng, trong khi ở cấp doanh nghiệp, nó bị chi phối bởi các chủ công ty và những người quản lý.

Anh Đoàn Huy Chương, nhà hoạt động và tranh đấu cho quyền lợi cũng như một công đoàn độc lập cho người lao động Việt Nam cho rằng :

"Thật sự ra người lao động Việt Nam rất thiệt thòi về vấn đề lao động vì không có Công đoàn độc lập. Ở các nước, họ có công đoàn độc lập nên đời sống của những người công nhân được bảo vệ tốt hơn. Ở Việt Nam, mặc dù họ có công đoàn của nhà nước nhưng tổ chức này không bảo vệ được quyền lợi của người lao động".

Anh K. – một quản lý tại một xí nghiệp đưa ra nhận xét về các dạng công đoàn đang hiện hữu ở Việt Nam :

"Về phía công đoàn công ty liên doanh hoặc những nhà đầu tư có nhiều cấp bậc, điển hình như công ty Châu Âu sẽ tốt hơn Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, là những nước đứng về phía công đoàn Việt Nam, theo phía chính quyền nhiều hơn độc lập".

giamsat4

Lễ ký EVFTA giữa EU và Việt Nam tại Hà Nội hôm 30/6/2019 AFP

Việc Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam đều có điều khoản giúp cải thiện quyền lợi cho người lao động, với yêu cầu chính phủ Hà Nội cải cách điều kiện lao động.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, cần thúc đẩy sức ép hơn nữa để chính phủ Hà Nội phê chuẩn Công ước 87 về việc hợp pháp hóa các tổ chức lao động độc lập, không phải chịu sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, điều này có vẻ không hề dễ dàng, như lời anh Đoàn Huy Chương :

"Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục không có công đoàn độc lập từ đây cho đến 2023 và cũng chưa chắc gì đến 2023 sẽ có công đoàn độc lập được vì nhà nước Việt Nam sẽ tìm mọi cách để họ kéo dài. Ngày 20/11/2018 vừa qua, quốc hội Việt Nam cũng đã nói sẽ thông qua luật cho phép công đoàn độc lập ra đời, một ngày sau lại bảo là cho công đoàn độc lập ra đời dưới sự quản lý của Nhà Nước. Như vậy là trói buộc dẫn đến sự mâu thuẫn".

Vì thế, anh Chương cho rằng cần thúc đẩy, vận động để Việt Nam có công đoàn độc lập càng sớm càng tốt vì dù Việt Nam có tham gia EVFTA cũng như tham gia Công ước 98 nhưng cũng không đề cập nhiều đến công đoàn độc lập.

"Hy vọng rằng bên phía Châu Âu cũng như các anh em đấu tranh cho Việt Nam cũng vận động được bên phía Châu Âu để yêu cầu Việt Nam cho công đoàn độc lập sớm ra đời".

Đồng quan điểm trên, anh K. cho rằng công đoàn độc lập càng sớm được phê duyệt thì đời sống người công nhân càng sớm được cải thiện :

"Theo anh được nắm người công nhân nhận thức còn yếu kém, mong mỏi nhất là lương, ngoài ra họ không biết quyền lợi của họ đang nằm ở đâu. Anh nghĩ nên làm truyền thông, thông tin nhiều, tuyên truyền nhiều để họ nắm vấn đề đó, từ đó hiểu ra bấy lâu nay vị trí của họ rất quan trọng và đã bị thiệt thòi".

Nói rõ hơn về tình trạng người lao động Việt hiện nay, anh Chương cho biết :

"Chúng ta thấy những công nhân Việt Nam ở trong những nhà trọ tồi tàn ; bữa ăn của họ chỉ là rau ; tháng này làm thì nợ tới tháng sau rồi cứ ứng lương… và cuộc sống cứ ở trong vòng luẩn quẩn như vậy. Hằng ngày họ phải tiết kiệm đồng lương của mình. Khi bịnh xuống, họ không được chăm sóc y tế tốt, kể cả đồng lương của họ không đủ để tái tạo lại sức lao động của họ nữa".

Theo tác giả Joe Bucksley, trong một nỗ lực quyết hạn chế những cuộc đình công, biểu tình của công nhân, Việt Nam hiện đang xây dựng một cơ chế thương lượng tập thể. Nhưng việc trao quyền cho các công đoàn độc lập có thể gây phản tác dụng đối với chế độ độc đảng và cho phép người lao động đấu tranh với giới chủ tư bản các nước đầu tư vào Việt Nam.

******************

Người dân sẽ bị giới hạn trong việc giám sát Cảnh sát Giao thông làm nhiệm vụ ? (RFA, 09/07/2019)

Hạn chế giám sát của người dân ?

Dự thảo lần 2 "Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông" gồm 3 chương, 13 điều đang được Bộ Công an tiến hành lấy ý kiến đóng góp của người dân để thay thế cho Thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009.

giamsat5

Ảnh minh họa : Người dân quay video clip Cảnh sát giao thông Hà Nội nhận tiền hối lộ. Courtesy : tuoitre.vn

Truyền thông trong nước ghi nhận có nhiều ý kiến thắc mắc liên quan Điều 10 và Điều 11 trong Chương II của Dự thảo lần 2 này rằng có phải nếu dự thảo được thông qua thì người dân có được ghi âm, ghi hình, chụp ảnh để giám sát Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ hay không, cũng như việc giám sát với các hình thức đó bị coi là vi phạm pháp luật không ?

Nội dung quy định trong hai Điều 10 và 11 của Chương II, Dự thảo lần 2 được Bộ Công an đề xuất là người dân chỉ được giám sát công an trong chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong và cách xử lý khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật khi làm nhiệm vụ ; đồng thời việc giám sát được thực hiện qua hình thức thông tin công khai của công an và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với công an…

Một số người dân ở Việt Nam Đài RFA tiếp xúc cho rằng với đề xuất của Bộ Công an trong Dự thảo lần 2 thay thế cho Thông tư 54 nhằm hạn chế giám sát của người dân để hình ảnh và uy tín của Cảnh sát giao thông không bị phơi bày hoặc bị giảm sút khi họ làm sai hay nhũng nhiễu người dân trong lúc thi hành nhiệm vụ.

Thắc mắc của không ít người dân quan tâm nêu ra là so với quy định theo Thông tư 54, Dự thảo lần 2 không còn hình thức giám sát của người dân "quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông".

Quy định nêu trên trong Thông tư 54, được người dân diễn giải là họ có thể thực hiện quyền giám sát bằng các phương thức hợp pháp theo pháp luật, trong đó có ghi âm, ghi hình, chụp ảnh Cảnh sát giao thông trong lúc thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên trên thực tế, người dân cũng gặp trở ngại khi họ thực hiện các phương thức này.

Ông Phạm Xuân Thời, một người tích cực chống tiêu cực của chính quyền ở Đồng Nai lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng ông luôn bị cán bộ, nhân viên chức yêu cầu không được quay phim, chụp hình trong khi làm việc với họ, bằng ngược lại thì họ từ chối làm việc với ông. Ông Phạm Xuân Thời chia sẻ về băn khoăn của mình qua nội dung trong Dự thảo lần 2, không còn quy định quan sát, phát hiện công an khi đang làm nhiệm vụ và điều này đồng nghĩa với việc người dân không được ghi âm, ghi hình nữa. Ông Phạm Xuân Thời nói :

"Theo tôi nghĩ là họ muốn dẹp tình trạng quay những việc nhũng nhiễu đó đi. Chẳng hạn ví dụ như hồi năm 2015, tôi đã là người trực tiếp quay một toán cảnh sát trật tự mà người ta nói là ‘cướp bóc’ chứ không phải ‘mãi lộ’, có nghĩa là họ chặn những người đi xe không vi phạm và ép người ta để lấy 200 ngàn đồng. Tôi đứng ở đằng xa và lén quay lại. Cho nên việc lén quay của tôi không bị cấm thì tôi mới lén quay được những hình ảnh xấu để làm cho xã hội tốt hơn, là Cảnh sát Trật tự trong vụ đó không còn lập chốt, không đứng chặn ngoài đường nữa. Nhưng bây giờ đưa ra một luật cấm thì tôi sẽ không giải quyết được bài toán này".

Hồi hạ tuần tháng 8 năm 2013, dư luận trong nước cũng từng xôn xao trước thông tin về việc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67) đưa ra văn bản lưu hành nội bộ "phòng ngừa" bị quay phim, chụp hình trong khi thi hành công vụ.

Trả lời báo chí quốc nội vào thời điểm đó, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, thuộc C67 giải thích văn bản của C67 nhằm mục đích để cán bộ chiến sĩ nâng cao tinh thần cảnh giác trước đối tượng giả danh nhà báo với mục đích xấu, còn người dân hoàn toàn được tự do ghi âm, ghi hình Cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ ở những nơi không có bảng cấm quay phim chụp ảnh.

Tại một cuộc họp báo vào cuối tháng 4 năm 2017, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, thuộc Bộ Tư pháp Lê Đại Hải cũng nhấn mạnh không cấm dùng điện thoại quay Cảnh sát giao thông xử phạt, xoay quanh nội dung của Dự thảo Nghị định do Bộ Công an soạn thảo về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị.

Đối với Dự thảo Thông tư lần 2 thay thế cho Thông tư 54 của Bộ Công an, Luật sư Đặng Đình Mạnh lý giải về quy định phương thức giám sát Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ của người dân có có thể thay đổi :

"Về phương diện luật pháp, nếu thông tư có sửa đổi thì cũng không sai luật vì họ có quyền soạn thảo thông tư theo kiểu như vậy. Tuy nhiên làm như thế thì không nên và cũng không giới hạn được quyền giám sát của người dân. Tại vì quyền giám sát của người dân là do Hiến pháp quy định, tức là văn bản cao nhất quy định quyền giám sát của người dân và quyền người dân tham gia vào những công việc quản lý Nhà nước. Cho nên nếu Thông tư giữ như cũ thì tốt hơn, tức là cụ thể hóa việc giám sát của người dân có thể thực hiện việc đó bằng cách nào, ví dụ như ghi âm, ghi hình…Còn nếu như Thông tư loại bỏ điều đó ra thì thật ra sẽ làm khó cho chính cơ quan công an, vì người dân vẫn có quyền thực hiện chứ đâu phải Thông tư không quy định thì người dân không có quyền thực hiện. Người dân không thực hiện theo Thông tư, mà người dân thực hiện theo Hiến pháp".

giamsat6

Ảnh minh họa : Một cảnh sát giao thông đang phạt một vụ vi phạm tại một ngã tư ở Hà Nội. AFP

Thông tư cần quy định rõ ràng

Trong khi trao đổi với RFA liên quan Dự thảo lần 2 thay thế cho Thông tư 54 của Bộ Công an, không ít người dân bày tỏ với RFA rằng họ mong muốn Bộ Công an soạn thảo Thông tư mới với các quy định rõ ràng, cụ thể để người dân được đảm bảo trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát Cảnh sát giao thông của họ, trong bối cảnh Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tình trạng "tham nhũng vặt" cần phải sớm chấm dứt, qua lời tuyên bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, phổ biến Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường xử lý và ngăn chặn nạn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân trong giải quyết công việc, diễn ra vào sáng ngày 27 tháng 6 vừa qua.

Ông Phạm Xuân Thời, người phản ánh tiêu cực tại địa phương, góp phần vào việc chính quyền phải cách chức và luân chuyển cán bộ bởi việc làm sai trái của họ, nêu lên quan điểm cá nhân của ông một khi người dân bị cấm ghi âm, ghi hình những việc làm sai trái của Cảnh sát giao thông và cán bộ, nhân viên chức nhà nước :

"Vấn đề đặt ra là những người cố tình chống tham nhũng sẽ không thể chống được. Việc không cho phép việc quay phim, chụp hình đối với những người thi hành công vụ là quyết định ngu xuẩn nhất để xây dựng một xã hội gọi là minh bạch, bởi vì không có một minh bạch nào mà cấm điều này cả. Việc giám sát của người dân không có thì thường ở xã hội Việt Nam bây giờ sẽ đổi trắng thay đen, rất nguy hiểm".

Đài RFA cũng nêu câu hỏi với Luật sư Đặng Đình Mạnh liên quan các lo ngại rằng những bằng chứng mà người dân quay clip, ghi hình, ghi âm tố cáo sai phạm, tiêu cực đăng tải trên mạng xã hội có thể bị cho là vi phạm pháp luật, chiếu theo Luật An ninh mạng với cáo buộc bôi nhọ danh dự, nhân phẩm hay xâm phạm các quyền về hình ảnh cá nhân của nhân viên công chức hay không và được Luật sư Đặng Đình Mạnh trả lời :

"Việc cho rằng việc phát tán xâm phạm hình ảnh cá nhân của cán bộ nhân viên công vụ là không đúng. Tại vì trong thời gian 8 giờ, giờ hành chánh làm việc công nhân viên chức hoặc giờ làm việc theo ca của chiến sĩ công an chẳng hạn thì những giờ đó là giờ của Nhà nước và họ đang thực hành chức trách của mình, chứ không phải họ đang thực hành những công việc thuộc về phạm trù riêng của họ, đời tư của họ. Do vậy, trong khỏang thời gian họ làm việc là thời gian người dân có quyền giám sát họ và họ phải chịu sự giám sát đó. Cho nên việc chụp ảnh, ghi âm, ghi hình họ trong thời gian họ làm việc là hoàn toàn hợp pháp và hết sức là bình thường".

Bên cạnh đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhấn mạnh việc giám sát với phương thức ghi âm, ghi hình…phải trung thực và người đăng tải các bằng chứng ghi âm, ghi hình đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một khi cố ý chỉnh sửa, không đúng sự thật của vụ việc phản ánh hay tố cáo.

Điểm 3, Điều 10 trong Thông tư 54 của Bộ Công an ký ngày 2 tháng 10 năm 2009 về "Các hình thức giám sát" qui định rõ "Quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông".

Trong Dự thảo lần 2 Thông tư thay thế cho Thông tư 54 thì Điều 11 về Hình thức giám sát của nhân dân không còn qui định như thế.

******************

Xây dựng bãi đậu xe ngầm liệu có còn khả thi ? (RFA, 09/07/2019)

Mật độ dân số ngày càng tăng, phương tiện cá nhân càng nhiều khiến cơ sở hạ tầng giao thông đô thị quá tải, gây tình trạng kẹt xe thường xuyên tại các khu vực trung tâm ở những thành phố lớn trong cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng....Và, một trong những giải pháp chống kẹt xe cũng như giải quyết chỗ đậu xe tại nội đô được lãnh đạo các thành phố lớn đưa ra cách nay hơn 10 năm là đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm theo hình thức PPP (hợp tác công tư) hoặc BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Tuy vậy, đã hơn 10 năm qua, các dự án bãi đậu xe ngầm vẫn còn ì ạch, mặc dù nhu cầu về chỗ đậu xe đang ngày một lớn. Nguyên nhân vì sao ?

giamsat7

Khu vực nhà hát thành phố. (Ảnh minh họa) - AFP

Chính sách không rõ ràng

Theo thống kê của Bộ Giao thông và vận tải thì tại hai thành phố lớn tập trung đông dân cư nhất như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dân số mỗi năm đều tăng. Nếu như Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm dân số tăng thêm 130.000-200.000 người thì Hà Nội cũng tăng tương đương. Phương tiện cá nhân cũng tăng khá cao hàng năm tại hai thành phố này với 8,6 triệu (Thành phố Hồ Chí Minh) & 6,5 triệu (Hà Nội). Trung bình tăng từ 10% - 12%/năm đối với xe hơi và 6,5% - 6,7% đối với xe máy.

Vào năm 2003-2004, thành phố Hồ Chí Minh từng có quy hoạch hơn 10 dự án bãi đậu xe ngầm tại khu vực trung tâm nhưng cuối cùng lãnh đạo thành phố chỉ chấp nhận 4 dự án tại 4 địa điểm "đắc địa" đó là Sân vận động Hoa Lư, sân khấu Trống Đồng, Công viên Lê Văn Tám và công viên Tao Đàn.

Thế nhưng, dự án bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám mặc dù động thổ khởi công từ năm 2008 nhưng đến nay đã hơn một thập niên dự án này vẫn bất động. Còn bãi đậu xe ngầm tại khu vực Trống Đồng cũng chật vật vì vướng mắc thủ tục và rồi mới vừa bị Sở Tài nguyên Môi trường "tuýt còi".

Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, phó chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Đông Dương, chủ đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm Trống Đồng sau cuộc họp với Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 5/6/2019 đã phát biểu với truyền thông trong nước rằng, đơn vị bà được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010 để thực hiện xây dựng, kinh doanh bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại, dịch vụ. Công trình sẽ gồm 7 tầng hầm nổi, có thể chứa 878 ô tô và 400 mô tô các loại. Dự án đang triển khai thì cuối năm 2018, UBND Thành phố có công văn huỷ bỏ, thu hồi dự án do đã không triển khai đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Bà Quỳnh cho biết việc thu hồi không phù hợp qui định, không phải lỗi của đơn vị bà và tập đoàn Đông Dương sẽ khiếu kiện đến cùng.

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển không gian ngầm, chủ đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám cũng đã từng nêu ý kiến tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh rằng ngoài thủ tục hành chính quá rườm rà, phức tạp từ thành phố đến các bộ ngành còn có chuyện bất cập trong định giá giữ xe khiến chủ đầu tư lo lắng việc thu hồi vốn…nên đến giờ đơn vị ông vẫn chưa khởi động lại dự án theo tiến độ ban đầu.

Ở Hà Nội, từ năm 2010 chính phủ Hà Nội đã có chủ trương xây dựng 7 bãi đỗ xe ngầm hiện đại để phục vụ nhu cầu giao thông gồm : Công viên Thống nhất, Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ, Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà Nước, Công viên Tuổi trẻ. Đến giai đoạn 2016 - 2018, qua 3 hội nghị xúc tiến thương mại, chính quyền Hà Nội đã thông qua danh mục gần 40 dự án bãi đỗ xe ngầm, nhưng đến nay mới có 5 nhà đầu tư đăng ký.

Ông Nguyễn Đức Chung chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong buổi trao đổi với báo chí bên lề phiên họp Hội đồng Nhân dân thành phố diễn ra hôm 9/4/2019 có thừa nhận rằng, dù Hà Nội đang muốn tận dụng không gian ngầm để phát triển và đặc biệt là xây dựng bãi đậu xe nhưng chưa có bất kỳ dự án ngầm nào được phê duyệt.

Trong khi đó, báo cáo của thành phố Hà Nội khẳng định toàn thành phố chỉ đáp ứng khoảng 10 % nhu cầu bãi xe của người dân và 90% các phương tiện còn lại vẫn phải đậu ở lòng đường, vỉa hè và một số bãi xe tự phát khác…

Phát sinh nhiều rủi ro

Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, giám đốc trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải trả lời với báo Thanh Niên hôm 3/6 rằng có ba nguyên nhân khiến các dự án bãi đậu xe ngầm nói riêng cũng như các dự án xây dựng bãi đỗ xe tại thành phố Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa triển khai được. "Do chính sách xây dựng giá, việc thỏa thuận mô hình kinh doanh giữa chủ đầu tư với thành phố và rủi ro về nhu cầu của người sử dụng".

giamsat8

Mật độ dân cư đông đúc tại các thành phố. (Ảnh minh họa) AFP

Trong khi đó, Sở Giao thông và vận tải Hà Nội lý giải nguyên do các dự án này vẫn nằm trên giấy là vì ngoài việc vướng nhiều thủ tục pháp lý, các chủ đầu tư không mặn mà tham gia, thậm chí bỏ cuộc do mức phí được quy định áp dụng cho bãi đậu xe ngầm sẽ khiến việc thu hồi vốn quá lâu lên đến hàng chục năm… (?!).

Tiến sĩ Trần Quang Thắng viện trưởng viện nghiên cứu kinh tế và quản lý đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định việc xây dựng bãi đậu xe ngầm tại trung tâm thành phố là một điều rất khó khăn.

"Thứ nhất do vốn và thứ hai do triển vọng của các nhà đầu tư, thứ ba là các vấn đề về công nghệ và kỹ thuật. Nếu tập trung bãi đậu xe quá lớn tại trung tâm thành phố thì sẽ gặp vấn đề khác là tập trung dân co cụm lại quá nhiều thì sẽ dẫn đến việc tắc nghẽn giao thông rồi xử lý nguồn nước, nếu nước ngập sẽ tràn vô hầm, nếu làm cao hơn và chống thấm cực tốt thì nước chắc chắn tràn qua nhà dân rồi xảy ra khiếu kiện phức tạp tại trung tâm thành phố…".

Tiến sĩ Trần Quang Thắng đề nghị Thành phố cần mở rộng khu đô thị vệ tinh càng sớm càng tốt và đẩy mạnh phát triển các khu đô thị đó đáp ứng được nhu cầu của người dân và nhà đầu tư thì công tác quản lý mới thuận lợi.

…xem chừng khó khả thi

Theo nhìn nhận của các chuyên gia chúng tôi tiếp xúc thì đã có rất nhiều cuộc họp và rất nhiều phương án được đưa ra để giải quyết thực trạng này. Tuy nhiên, tất cả đều cho rằng phương án xây dựng bãi đậu xe ngầm trong các công viên là điều bất khả thi (?!).

Chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư tiến sĩ Ngô Trí Long nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ tài chính nhận định.

"Muốn biết khả thi không thì phải dự vào tính toán độ hiệu quả của nó, vốn đầu tư bỏ ra, thời gian thu hồi vốn và người ta tính toán nó chưa thật sự hiệu quả, hay một số thủ tục không được thuận lợi nên người ta không triển khai thôi còn giờ việc thật sự có hiệu quả hay không thì nó khó đánh giá được, phải xây dựng cụ thể phương án chứ nhu cầu thì rất là lớn nhưng người ta thấy thời gian thu hồi vốn có đảm bảo đem lại lợi nhuận hay không thì đó mới là vấn đề quan trọng với nhà đầu tư".

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên thành viên tổ tư vấn kinh tế của chính phủ, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam khẳng định vấn đề này cần phải được cân nhắc rất kỹ.

"Nhu cầu đặt ra thì đúng nhưng qui trình xét duyệt nó chậm trễ" và ông lý giải thêm : "Họ (nhà đầu tư-PV) làm không chỉ bãi xe không mà làm cả khu trung tâm thương mại dịch vụ ngầm ở dưới đó luôn, kết hợp cả một tổ hợp, về mặt lợi ích về lâu về dài nó có thể đảm bảo nhưng cần một cách tiếp cận là đô thị ngầm chứ không chỉ là một bãi xe ngầm".

Còn đối với chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng : "…thủ tục có thể rườm rà phức tạp nhưng tôi nghĩ nó không phải là nguyên nhân chính cản trở".

Ông phân tích thêm : "có những rủi ro về cháy nổ chẳng hạn đã từng xảy ra tại một số các chung cư và một vài trường hợp có thể bắt nguồn từ khu vực hầm để xe, khí hậu nóng, khí thả từ xe thì nó sẽ trở thành nguyên liệu cháy dễ dàng và nó lan tỏa rất nhanh, nên bãi xe ngầm nó có rủi ro của nó và điều này phải cần được thành phố quan tâm nếu cho phép hoạt động".

Published in Việt Nam