Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bộ Công an đòi bỏ cấp tổng cục, đâu là sự thật ? (CaliToday, 04/04/2018)

Vào ngày 2/4, sau khi một số tờ báo đăng tin sốt dẻo cho biết rằng, Bộ Công an sẽ tinh gọn biên chế bằng cách bỏ cấp tổng cục, từ 126 cục chỉ còn 60 cục dư luận đã rất hồ hởi. Trong số đó, một số tờ báo còn cho đăng bài phỏng vấn thiếu tướng công an đã về hưu là ông Lê Văn Cương khi nói, việc Bộ Công an bỏ cấp trung gian là tổng cục phải được coi là "cải cách lịch sử". Trên tờ Cali Today vào ngày 2/4 chúng tôi cũng đã có bài viết về sự kiện này. Tuy nhiên, trong chiều tối cùng ngày, Bộ Công an đã có thông cáo chính thức và cho biết rằng, việc một số tờ báo đăng tin về việc bộ này sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã thiếu chính xác.

congan1

Trụ sở khủng Bộ công an Việt Nam tại Hà Nội

Chưa hết, cũng trong chiều 2/4, Bộ công an đã đề nghị phải xử lý, kỷ luật ít nhất 4 tờ báo đã nhanh nhảu cho đăng tin Bộ Công an tinh gọn bộ máy bằng cách bỏ cấp trung gian là cấp tổng cục, gồm : VTC News, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, VnExpress, Tiền Phong. Theo Bộ Công an, đây là những tờ báo đã đưa tin không chính xác về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng công an.

Như vậy, việc Bộ Chính trị yêu cầu Bộ Công an phải tinh gọn, tổ chức lại bộ máy là điều có thật, nhưng việc bỏ cấp tổng cục là điều không đúng. Công chúng Việt Nam đã bị một phen mừng hụt.

Tuy vậy, việc tinh gọn bộ máy, tổ chức làm cho bộ máy chuyên nghiệp hơn ở cấp xã cũng sẽ làm cho người dân vui mừng, vì những án mạng trong đồn công an xã sẽ giảm bớt. Chức trưởng và phó công an xã sẽ không còn đảm nhiệm bởi những người không qua trường lớp công an, mà do công an từ huyện cử về đảm trách. Đó là những công an được đào tạo bài bản, hiểu biết luật so với đại đa phần lực lượng công an xã hiện nay. Tại Việt Nam, chức trưởng và phó công an xã có thể được đảm trách bởi một người chỉ có trình độ học vấn xong lớp 9. Chính vì kiến thức, hiểu biết pháp luật yếu kém nên thường xảy ra tình trạng lạm quyền, đánh đập người dân dẫn đến tử vong như vẫn thường xảy ra lâu nay.

Bên cạnh đó, việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, như : Báo chí, y tế trong công an cũng sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Ngay sau khi tin tức thiếu chính xác về việc Bộ Công an bỏ cấp tổng cục, rất nhiều người cho rằng cơ quan siêu quyền lực này đã dần dần mất đi sức mạnh của mình. Sự thật không hề như vậy. Cho dù cấp tổng cục có bỏ đi thì quyền lực sẽ tập trung càng nhiều hơn vào tay các ông Bộ trưởng, thứ trưởng. Trong bộ máy chính quyền Cộng sản, hai cơ quan quan trọng nhất vẫn là công an và tuyên truyền. Công an được coi là "thanh kiếm, lá chắn" để bảo vệ sự tồn vong của chế độ. Bởi vậy, đảng cộng sản Việt Nam không ngần ngại trương ra các bích trương "Công an chỉ biết còn đảng còn mình". Trong khi đó, bộ máy tuyên truyền sẽ làm nhiệm vụ rêu rao sự dối trá khiến người dân bị ru ngủ bởi những luận điệu xảo trá, rồi lầm tưởng đó là sự thật. Cách đây không lâu, ông Nguyễn Đức Chung-chủ tịch thành phố Hà Nội đã từng đề nghị bỏ loa phóng thanh ở trên khắp thủ đô, nhưng đã không thực hiện được, vì với Cộng sản, tuyên truyền là cực kỳ quan trọng và chiếc loa-một biểu tượng của sự lạc hậu, nghèo nàn vẫn đang hoàn thành sứ mạng của nó.

Do đó, nếu cho rằng việc Bộ Công an có sắp xếp, tinh gọn bộ máy là tước đi quyền lực của cơ quan này là điều sai lầm. Cơ quan này vẫn được đảng cộng sản Việt Nam giao rất nhiều quyền lực, lực lượng công an vẫn là những kiêu binh thời vua Lê-chúa Trịnh trước đây. Những đặc quyền mà lực lượng công an được hưởng rất lớn, không phải chỉ về tiền bạc, mà đến cả khi đánh chết người trong đồn công an, giết người một cách vô tội vạ, công an cũng không phải bị xét xử theo đúng luật pháp, mà họ sẽ được các cấp cao hơn, từ viện kiểm sát, tòa án bao che, bảo kê để không phải bị trừng trị nghiêm minh.

Việc tinh gọn, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cũng chỉ là chiêu trò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi ông này đang muốn kiểm soát Bộ Công an, tước dần quyền lực của Bộ trưởng Tô Lâm, thanh trừng những người không cùng phe cánh, nhằm cũng cố sức mạnh để duy trì chiến dịch thanh trừng được gọi bằng cái tên mỹ miều "chống tham nhũng".

Người Quan Sát

*****************************

Vào làm công an nghĩa vụ cũng ‘chạy’ tiền (Người Việt, 03/04/2018)

Một vụ lừa đảo "chạy" vào ngành công an vừa được Viện kiểm sát tỉnh cáo buộc phạm tội với những tình tiết kỳ lạ. Bị can là một cán bộ công an, trong khoảng bốn năm đã nhận tiền của 18 trường hợp để chạy vào ngành công an.

congan2

Bị can Phạm Thế Anh trong vụ chạy việc 6,5 tỷ đồng vào ngành công an. (Hình : Lao Động)

Ngày 3 tháng Tư, Viện kiểm sát tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Phạm Thế Anh (35 tuổi), cán bộ công an huyện Hạ Hòa, về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Báo Tiền Phong dẫn tài liệu của cơ quan điều tra cho hay, mặc dù ông Thế Anh không có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc tuyển người vào ngành công an, nhưng từ tháng Hai, 2011, đến tháng Mười Hai, 2015, ông Thế Anh đã nhận tiền của 18 người với tổng số tiền trên 6,5 tỷ đồng (hơn 284.883 USD) để "xin" việc cho con em của họ được vào làm việc, trường học, thậm chí đi nghĩa vụ trong ngành công an.

Cụ thể, ông Thế Anh và anh Hiểu, quê tỉnh Nghệ An quen biết nhau. Biết ông Anh đang công tác tại công an huyện Hạ Hòa, anh Hiểu nhờ xin cho con trai mình vào công tác trong lực lượng công an. Ông Anh nhận lời và yêu cầu gia đình anh Hiểu chi 310 triệu đồng (hơn 13.586 USD). Tiếp đó, anh Hiểu giới thiệu chị gái là Nguyễn Thị Tư, ở Nghệ An, liên hệ với ông Anh, xin cho con trai vào học trường trung cấp công an với số tiền "chạy" chỗ là 350 triệu đồng…

Ông Anh còn nhận của chị Nguyễn Thị Hiền, ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, 500 triệu đồng (hơn 21.918 USD) để xin cho con chị này đi nghĩa vụ cảnh sát. Song đến cuối năm 2015, ông Anh vẫn không lo được việc, cùng lúc gia đình chị Hiền nhận tin dữ cậu con trai mắc căn bệnh ung thư. Từ đó đến nay, chị Hiền mòn mỏi mong nhận lại số tiền để chữa bệnh cho con nhưng ông Anh không trả…

Qua điều tra, đến tháng Năm, 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án, bắt giam ông Phạm Thế Anh về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Điều đáng nói trong số hơn 6,5 tỷ đồng trên, có hơn 1 tỷ đồng (hơn 43.836 USD) ông Anh nhận của 10 người và lo được cho họ trúng tuyển đi nghĩa vụ công an. Số tiền này, cơ quan điều tra cho rằng, "bị hại đã thỏa mãn nguyện vọng và đó là thỏa thuận dân sự nên không cấu thành tội phạm và không đề cập việc xử lý hình sự".

Làm việc với cơ quan điều tra, ông Thế Anh khai đã đưa cho một số lãnh đạo và cựu lãnh đạo công an huyện Hạ Hòa, mỗi người 50 triệu đồng (hơn 2.191 USD) để xin đi nghĩa vụ công an cho một số trường hợp ; đưa từ 10 đến 20 triệu đồng cho cán bộ cơ quan y tế công an để xin xác nhận đủ sức khỏe cho các trường hợp đi nghĩa vụ công an.

Ngoài ra, ông Thế Anh cũng khai đưa từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho một số cán bộ lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ công an tỉnh Phú Thọ, cùng nhiều cán bộ công an ở Phú Thọ, Quảng Trị, Lào Cai… để xin suất đi nghĩa vụ cho các trường hợp mà bị can này giới thiệu.

Tuy nhiên, kết luận của cơ quan điều tra cho rằng "việc đưa, nhận tiền của ông Thế Anh và những người liên quan đều không có căn cứ. Hơn nữa, một phần tiền còn là thỏa thuận dân sự xin đi nghĩa vụ công an của các bị hại. Chính vì thế, cơ quan điều tra không đề cập xử lý đối với những người liên quan".

Theo báo Lao Động, trước đây, dư luận từng rúng động khi ở Quảng Bình, để làm cấp dưỡng cũng phải chạy tiền, vừa mới rồi, là vài trăm triệu đồng chạy một chỗ đứng trên bục giảng, và giờ thì đi công an nghĩa vụ cũng có người sẵn sàng bỏ tiền. Liệu còn cái gì, còn chỗ nào người ta không chạy ? (Tr.N)

Published in Việt Nam