RFA, 04/11/2022
Theo Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh, thông qua bốc thăm, thành phố đã chọn được 25 cán bộ công chức, viên chức thuộc hai Sở Tài nguyên và Môi trường ; Sở Kế hoạch và Đầu tư ; UBND quận 5 ; UBND huyện Bình Chánh (mỗi nơi năm cán bộ) và Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng hạ tầng đô thị ba cán bộ cùng hai người thuộc Tổng công ty In bao bì Liksin, để xác minh tài sản, thu nhập năm 2022.
FP PHOTO
Trong khi đó, theo số liệu của Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố, tính đến tháng 6 năm 2022, tổng biên chế công chức của Thành phố Hồ Chí Minh là 14.470 người và số biên chế viên chức là 99.985 người. Với số liệu trên, có thể thấy, Thành phố Hồ Chí Minh có gần 100 ngàn công chức, viên chức, thế nhưng chỉ có 25 người (bị chọn ngẫu nhiên) để xác minh tài sản, thu nhập. Liệu con số nhỏ nhoi trên sẽ phản ánh được tình trạng công chức, viên chức "tha hoá" hay "trong sạch" được chăng ?
Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, từng công tác tại Tổng cục Tình báo quân đội - Tổng cục II, đưa ra nhận định của mình với RFA hôm 4/11 về vấn đề này như sau :
"Việc xác minh này nếu họ làm nghiêm túc một cách thật sự, thì 25 người, 250 người hay 2500 người thì cũng không quá quan trọng. Quan trọng là 25 người này được bốc thăm ra có bảo đảm khách quan không ? Cỡ mẫu phải lấy trong một mẫu rất lớn hoặc tương đối đầy đủ của diện phải xác minh tài sản. Bởi vì có những cán bộ cấp thấp thì không phải kê khai tài sản. Theo tôi, tất cả những cán bộ trong diện phải kê khai tài sản đều nằm trong số thăm được bốc. Chứ nếu chỉ chọn những người biết chắc không có tỳ vết gì hoặc có rất ít tỳ vết để mà bốc thì chỉ là hình thức. Thứ hai, việc kê khai tài sản và xác minh tài sản nếu lần này làm một cách ráo riết, làm được 25 người, ra được kết quả chính xác khách quan... thì theo tôi nghĩ cũng đã là ok rồi, bởi nó sẽ tạo đà để tiến tới xác minh ở diện nhiều hơn".
Trước đó, vào cuối tháng 8 năm 2022, thành phố Đà Nẵng cũng đã tổ chức bốc thăm chọn cán bộ để xác minh tài sản kê khai, một biện pháp đã được tiến hành tại Hà Nội vào đầu tháng 8 và nhận nhiều chỉ trích từ công luận.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề xác minh tài sản công chức, viên chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ý kiến :
"Tôi cho rằng nếu mà đã kiểm soát số lượng tài sản thì nên làm tất cả cán bộ. Chứ chỉ là một số nào đấy, kể cả làm nhiều hơn 25 người, thì cũng không giải quyết được vấn đề. Cái khó nhất hiện nay là câu hỏi, nguồn gốc tiền từ đâu mà các cán bộ của nhà nước, của đảng có nhiều người có các tài sản lớn. Điều này cũng đã được công khai hoàn toàn trên báo chí về vụ giám đốc Sở tài nguyên môi trường tỉnh Sơn La, có dinh cơ rất nguy nga, rồi nói là đi buôn chổi đót rồi có tiền mua tài sản đó".
Do đó, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, đây là vấn đề rất lớn ở Việt Nam cần giải quyết. Ông nói tiếp :
"Quan điểm riêng của tôi là không đồng ý về chuyện bốc thăm, đã triệt để thì cần phải yêu cầu kiểm soát 100 %, đó là việc phải làm. Điều thứ hai là làm như thế liệu có hết tham nhũng hay không ? Thì tôi cho rằng theo kinh nghiệm của Singapore, người ta cho rằng việc đó là cần làm, nhưng cái quan trọng hơn là làm đến tận gốc, cần cải cách bộ máy hành chính, để có thể làm bộ máy tinh gọn, chất lượng cao, nhận được đồng lương cao... thì đấy mới là hệ thống bền vững. Chứ còn một hệ thống hành chính quá đông người, chi phí thường xuyên từ ngân sách quá lớn... thì nó cũng không là giải pháp căn cơ để chống tham nhũng".
Luật Thanh tra của Việt Nam quy định, người được chọn kê khai tài sản là người thuộc diện phải kê khai tài sản, chưa được xác minh về tài sản trong thời gian 4 năm liền trước đó và không thuộc một trong các trường hợp đang bị điều tra, truy tố, đang điều trị bệnh hiểm nghèo và người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên...
Đó là qui định chung, tuy nhiên theo cựu Trung tá Vũ Minh Trí, thì việc buộc cán bộ kê khai tài sản là chuyện dễ thực hiện. Vấn đề khó theo ông Trí là xác minh tài sản. Ông cho rằng việc này rất khó thực hiện tại Việt Nam :
"Khi tôi còn đang đi làm, tôi chỉ là một trung tá trợ lý, cũng phải kê khai tài sản nộp cho cơ quan. Ví dụ như có tài sản gì trên 100 triệu, sổ tiết kiệm... thu nhập hàng tháng của vợ của chồng là bao nhiêu đều phải kê khai đầy đủ. Nhưng quan trọng là khâu xác minh, trước kia kê khai xong để đấy. Thậm chí có nhiều trường hợp ví dụ như ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng thanh tra chính phủ mới nghỉ hưu được một bài năm bị báo chí chính thống phát hiện ra có rất nhiều cổ phiếu, cổ phần, đất đai... nhưng cuối cùng chẳng ai kiểm tra, chẳng ai xác minh... kết luận là Ngô Văn Khánh vẫn tiếp tục làm cho đến đủ tuổi mới nghỉ hưu".
Với những dẫn dụ trên, ông Vũ Minh Trí cho rằng Việt Nam không có bộ máy nhân sự để đi xác minh tài sản của từng người, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa có hệ thống đóng thuế, đăng ký tài sản bất động sản... chưa chuẩn như của các nước khác, nên đó là vấn đề rất khó.
"Nếu Việt Nam xác minh, kiểm tra biên bản kê khai tài sản theo kiểu của các nước khác làm thì sẽ có tác dụng rất tốt", ông Trí đúc kết.
Thêm một trong những cái khó trong việc xác minh tài sản của cán bộ ở Việt Nam đó là có trường hợp "chạy thăm" mà theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, khi trao đổi với RFA về vấn đề này đối với thành phố Đà Nẵng, đã nêu ra. Lúc bấy giờ ông Vũ cho biết :
"Chuyện bốc thăm để xác minh tài sản nó sẽ dễ dàng diễn ra trường hợp ‘chạy thăm’ khi những người không muốn bị xác minh tài sản sẽ bỏ tiền thuê người không có tài sản đáng kể lấy thăm. Nếu chính sách xác minh tài sản là để loại bỏ tham nhũng thì đúng ra phải là xác minh tất cả cán bộ, và mọi người đều như nhau trước các chính sách và pháp luật. Nhưng tại sao Đảng cộng sản không làm điều này ? Đó là bởi vì nếu xác minh cặn kẽ thì cán bộ nào cũng có vấn đề. Làm triệt để thì khác gì tay trái đánh tay mặt, tổ chức sẽ hỗn loạn. Vì vậy không có chuyện Đảng cộng sản chống tham nhũng, mà chỉ là những trình diễn nhằm lấy lòng thiên hạ".
56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý bị kỷ luật, xử lý hình sự
RFA, 04/11/2022
Hơn 20.300 công chức viên chức bị kỷ luật và gần 60 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải xử lý kỷ luật, thậm chí xử hình sự trong năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022.
Ảnh minh họa : Phiên tòa xét xử một số cán bộ nhà nước vi phạm pháp luật trước đây. AFP
Đó là thông tin do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết trong buổi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV diễn ra ngày 4/11. Truyền thông nhà nước loan tin trên trong cùng ngày.
Bà Trà cũng xác nhận đây là con số cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật lớn nhất từ trước đến nay.
Liên quan đến vấn đề đánh giá năng lực cán bộ, công chức được một đại biểu ở Bắc Kạn hỏi, bà Trà thẳng thắn nhìn nhận dù đã có những chuyển biến tích cực song việc đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức chưa sát thực tế, chưa căn cứ vào sản phẩm kết quả điều tra, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Qua đó bà Trà cho biết thực hiện Kết luận 71 của Bộ Chính trị và Kết luận 27 của Ban Bí thư về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã rà soát những sai phạm trong vấn đề tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2007 trở lại đây.
Đến thời điểm này, Bộ đã rà soát gần 100 ngàn người và trong tổng số đó đã phải thu hồi 1.021 quyết định do sai phạm trong vấn đề tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.
Kết luận vấn đề này, bà Trà cho rằng các bộ quản lý ngành, địa phương cần cụ thể hoá ở cơ quan đơn vị mình làm việc, xếp loại, đánh giá công khai, công bằng, dân chủ, chính xác hơn việc đánh giá cán bộ, công chức trong thời gian đến. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ trưởng Nội vụ còn cho rằng Bộ sẽ tham mưu để ban hành nghị định về đạo đức công vụ, từ đó đảm bảo đồng bộ quy định của Đảng với quy định của Nhà nước để xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch phục vụ nhân dân.