3 người đeo mặt nạ nhận thưởng trúng số độc đắc 127 tỷ (VietnamNet, 08/02/2017)
3 vị khách may mắn trong những lần quay thưởng thứ 76, 83 và 85 đầu năm 2017 giải Jackpot - Mega ngày 8/2 vừa được Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) tổ chức trao giải, với tổng giá trị gần 127 tỷ đồng.
Đây là 3 vị khách may mắn trong những lần quay thưởng đầu năm 2017. Theo đó 3 người trúng giải thưởng khủng đều ở các tỉnh thành phía Nam, cụ thể ông L.T.H và ông T.Đ.H đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và ông T.C.D đến từ Long An. Những khách hàng trên lần lượt trúng giải Jackpot là 28,7 tỷ đồng ; 75,8 tỷ đồng và 22,2 tỷ đồng.
Các vé này xác định, đều được bán ra tại các điểm bán hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Như thường lệ, theo yêu cầu của người trúng thưởng, Vietlott bảo đảm giữ bí mật việc tổ chức trao thưởng và chỉ được phép công bố một1 số thông tin cơ bản về khách hàng như : chữ cái đầu tên của người trúng thưởng, nơi cư trú và hình ảnh che mặt.
1 trong 3 khách hàng trúng giải Jackpot chia sẻ niềm vui với báo chí
Tham gia chứng kiến tại lễ trao thưởng có các đại diện như : ông Nguyễn Văn Hưng - Phó vụ trưởng, đại diện văn phòng Bộ Tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh ; đại tá Phạm Minh Hòa - đại diện Cục An ninh Tài chính tiền tệ Đầu tư (A84) - Bộ Công an, ông Lê Đình Tứ - Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam (đơn vị kiểm toán độc lập), đại diện của các đại lý phát hành vé trúng thưởng và đại diện cơ quan báo chí.
Đại diện 1 trong 3 khách hàng trúng thưởng giải Jackpot của Vietlott, ông T.D.H, (ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ông rất bất ngờ khi thần tài gọi tên, trúng giải thưởng trị giá hơn 75 tỷ đồng. Ông H. tiết lộ, số tiền này ông sẽ giành vào việc kinh doanh. Ngoài ra, ông cho biết thêm ông sẽ tiếp tục mua vé số Vietlott để cầu may mắn trong lần tiếp theo.
Đại tá Phạm Minh Hòa, đại diện cục A84 – Bộ Công an nhấn mạnh, "với chức năng và nhiệm vụ của Bộ Công an, chúng tôi sẽ giám sát công tác quay mở thưởng của Vietlott đảm bảo tính minh bạch, trụng thực".
Còn ông Lê Đình Tứ - Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, xác nhận "quy trình và thủ tục trả thưởng của tất cả giải Jackpot của Vietlott đến nay được thực hiện theo quy định về tài chính và pháp luật có liên quan".
Văn Châu - Anh Sinh
*******************
Đáng sợ tôm hùm đỏ, gián đất Trung Quốc đổ vào Viêt Nam (VietnamNet, 08/02/2017)
Lén lút nuôi tôm hùm đỏ ở Đồng Tháp
Gần gây, nhiều loại sinh vật ngoại lai gây hại từ Trung Quốc đã du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế cũng như môi trường. Một số con vật đã bị cấm nuôi ở Việt Nam nhưng nhiều người vẫn lén lút nuôi, mua bán, thậm chí "hô biến" chúng thành đặc sản.
Dư luận đang xôn xao với việc sinh vật ngoại lai được cho là tôm hùm đỏ, hay còn gọi là tôm hùm đất (tên khoa học Procambarus clarkii) được nuôi lén lút ở Đồng Tháp. Những con tôm này khá hung dữ, có thể đi tới và đi lùi. Người dân còn gọi đó là loại "tôm 10 càng", 2 càng trước chỉ cần kẹp cái "tách" là cây lúa đứt làm đôi...
Loại tôm này hiện được nuôi ở hơn 20 quốc gia như Mỹ, Australia, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc,....
Tôm hùm đỏ được nuôi tại trang trại ở Đồng Tháp do người dân phát hiện
Tại Việt Nam, tôm hùm đỏ bị cấm nhập khẩu về nuôi. Tuy nhiên, nó vẫn được rao bán tràn lan với giá sỉ 180.000-250.000 đồng/kg (chưa sơ chế), giá lẻ 300.000-400.000 đồng/kg. Thậm chí, chúng còn được "hô biến" thành đặc sản, giá hơn 600.000 đồng/kg sau chế biến.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, cho biết, loại tôm này bị "cấm" tại Việt Nam vì chúng không có giá trị kinh tế cao, thậm chí có thể phá hoại mùa màng nếu quản lý không tốt.
Còn Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) từng cho rằng loại tôm này vừa phá hại lúa, kênh mương, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật, kể cả người.
"Xách tay" gián đất Trung Quốc về Việt Nam
Cách đây không lâu, dư luận xôn xao về việc một số hộ dân ở Bắc Ninh nhập khẩu "giống" gián đất Trung Quốc về nuôi. Thậm chí, chuyên gia Trung Quốc còn sang tận nơi giúp họ xây dựng chuồng trại và hướng dẫn kỹ thuật nuôi.
Những con gián con nở từ trứng được "tuồn" từ Trung Quốc về nuôi ở Bắc Ninh.
Một số người cho rằng gián đất có khả năng chữa bệnh, làm đẹp. Vì vậy, giá thành của chúng khá cao. Cộng thêm việc dễ nuôi và sinh sản cực nhanh, có thể trong một thời gian ngắn, vài cặp gián đất bố mẹ đã nhân giống lên hàng ngàn con khiến chúng thành món hàng béo bở.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định, đây là động vật ngoại lai còn xa lạ với người dân Việt Nam, chưa có tài liệu chính thức khẳng định tính có lợi và hiệu quả của việc nuôi gián. Tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất là việc làm bị nghiêm cấm.
Trên thực tế, gián là loài côn trùng có thể làm trung gian truyền một số bệnh như tiêu chảy, dịch tả và là thủ phạm gặm nhấm làm hư hỏng các vật dụng gia đình.
Tuồn sâu lạ Trung Quốc vào Việt Nam
Vào đầu năm 2015, lực lượng chức năng liên ngành khu vực cửa khẩu biên giới Lạng Sơn và Quảng Ninh đã bắt giữ một số vụ vận chuyển sâu rồng từ Trung Quốc về Việt Nam, để bán cho các điểm nuôi chim cảnh và người nuôi chim.
Sâu lạ bị cấm nuôi, cấm nhập khẩu nhưng được bày bán công khai.
Còn tại Hà Nội, loại sâu này đã được bày bán tràn lan từ khá lâu trên một số tuyến phố như Hoàng Hoa Thám, Phùng Hưng... Giá nhập tại Trung Quốc khoảng 3-4 Nhân dân tệ/kg, tương đương 13.000-14.000 đồng và khi vào Việt Nam, đến tay người có nhu cầu khoảng 25.000-26.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho hay, đây là loại sâu được xếp vào nhóm đối tượng dịch hại và có nguy cơ lây lan cao, phá hoại mùa màng nên từ lâu đã bị cấm nhập khẩu, cấm nuôi.
Hiện các loại sâu người nuôi chim mua về để làm thức ăn cho sinh vật cảnh đều được coi là sinh vật lạ, thuộc hệ đa thực hoặc "siêu sâu" - ăn rất nhiều thứ khác nhau nên rất nguy hiểm cho môi trường và mùa màng nếu để phát tán ra tự nhiên.
Nuôi chuột hamster - thú chơi nguy hại
Khoảng chục năm trước, giới trẻ cả nước rộ lên phong trào nuôi và chơi chuột Hamster, đặc biệt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ưu điểm của giống chuột này là kích thước nhỏ, nhiều màu sắc, hay ngủ ngày, có thể làm trò. Việc mua bán chuột Hamster diễn ra công khai.
Nuôi chuột Hamster là vật nuôi gây hại.
Thế nhưng, theo khẳng định của các cơ quan chức năng, chuột Hamster trên thị trường đều là hàng nhập lậu, chưa qua kiểm soát dịch bệnh, do vậy có thể gây dịch bệnh, tàn phá mùa màng...
Chuột Hamster được cho là họ hàng của chuột đồng, sinh sản nhanh, khó kiểm soát số lượng. Lo ngại loài chuột có tốc độ sinh sản nhanh trên có thể vượt ra khỏi giới hạn con vật nuôi chơi trong nhà, Việt Nam đã "cấm cửa" loài vật này từ đầu năm 2008.
Thế nhưng, bất chấp lệnh cấm, những con chuột Hamster vẫn được nhập vào Việt Nam từ Singapore, Trung Quốc.
Sâu róm Trung Quốc tràn vào Việt Nam
Vào những năm 1965-1970, sâu róm thông gây ra những trận dịch lớn đối với rừng thông ở Quảng Ninh, Bắc Giang và từ đó trở thành đối tượng gây hại nghiêm trọng. Công tác phòng trừ sâu róm thông ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, loài sâu róm hại thông thuộc họ bướm, có vùng phân bố tự nhiên ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Sâu róm thông xâm nhập vào Việt Nam từ những năm 1950.
Sự lan rộng của sinh vật ngoại lai hiện nay được ghi nhận như một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sinh thái và nền kinh tế thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Đặc biệt, nó càng trở nên nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu và những xáo động về vật lý, hóa học đối với các loài.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
******************
Phát hoảng với "tôm 10 càng" người Trung Quốc nuôi ở Đồng Tháp (Dân Việt, 08/02/2017)
Mấy ngày qua, người dân ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) xôn xao trước sự xuất hiện của những con tôm hùm đỏ hung dữ, có thể đi tới và đi lùi. Người dân gọi đó là loại "tôm 10 càng", 2 càng trước chỉ cần kẹp cái "tách" là cây lúa đứt làm đôi...
Trao đổi với phóng viên, ông Bảy Liêm, nhà ở ấp 6, xã Tân Hội Trung kể : "Tháng 4/2016, khi chúng tôi đang chuẩn bị thu hoạch lúa thì một người đàn ông nói giọng Bắc và những người Trung Quốc đến đây bàn việc thuê đất. Họ thuê giá cao gấp rưỡi giá vùng này, là 35 triệu đồng/ha/năm, thời hạn thuê 3 năm, nói để trồng sen.
Tôi có hơn 5ha, nhưng không cho thuê vì thấy cách nói chuyện của họ không đáng tin. Nhưng những người hàng xóm của tôi là ông Út Lủi, ông Hai Cạc, ông Ba Liêm thì cho họ thuê khoảng 5ha. Riêng tại vị trí xây dựng kho, họ thuê thêm hơn 20ha nữa, nói là trồng sen".
Tôm hùm đỏ tại trang trại của ông Hòa do người dân phát hiện.
Ông Liêm nói thêm : "Điều bất thường là họ muốn lập tức phá bỏ lúa, chấp nhận thuê đất giá cao và bồi thường thiệt hại cho việc phá lúa nên nhiều người dân đã phá luôn lúa rồi giao đất. Doanh nghiệp chịu bồi thường 10 tấn/ha, với giá bán thị trường thời điểm này là 6.000 đồng/kg. Thật không thể tin nổi".
Được biết, cơ sở trên của Công ty TNHH Sen Hoàng Giang, do ông Trần Văn Hòa làm Giám đốc. Ngày 6/2, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngay trong Chủ nhật (5/2), Sở này và đại diện các ngành chức năng tỉnh đã đến cơ sở của Công ty TNHH Sen Hoàng Giang kiểm tra quá trình hoạt động của công ty. Tuy nhiên, toàn bộ cơ sở làm ăn của công ty này vắng tanh không một bóng người.
Gần một năm trôi qua, mảnh đất rộng hơn 5ha giáp ranh đất ông Bảy Liêm không có cây sen nào. Chỉ cho chúng tôi xem mảnh đất bỏ hoang, ông Bảy Liêm kể : "Họ trồng sen rồi đem cái máy cày bự tổ chảng lại để xới bỏ. Họ bơm nước vào rồi lại bơm trở ra, chẳng biết để làm gì.
Hồi trước Tết, tôi đi thăm ruộng thấy bờ ranh giữa ruộng của tôi và dự án của họ có con gì lạ lạ. Tôi dòm kỹ thì thấy nó là con tôm giống như con bò cạp, có màu đỏ. Nó có thể đi kiểu tiến lẫn lùi, hai cái càng lớn búng tách tách. Đưa thử cây mạ vô thì nó kẹp đứt ngang. Kinh dị hơn là hai bên hông mỗi bên có 4 cái càng nhỏ. Tôi gọi là con "tôm 10 càng". Tôi thấy ghê quá nên chụp con tôm đem lên báo công an xã".
Bà Tám Phụng - chủ quán giải khát đối diện trụ sở Công ty Sen Hoàng Giang cho biết, những người đàn ông Trung Quốc đã rời khỏi công ty từ ngày 10 tháng Chạp (Âm lịch). Còn ông Trần Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Sen Hoàng Giang và vợ rời khỏi Tân Hội Trung từ ngày 20 tháng Chạp, nói là về miền Bắc ăn Tết. "Anh Hòa nhờ gia đình tôi buổi tối bật công tắc đèn, ban ngày thì tắt" - bà Tám Phụng nói.
Trao đổi với phóng viên, bà Tám kể thêm : "Ông Sáu Hồng xóm tôi thấy mấy con tôm này bò trên bờ ruộng, bắt thử về nuôi được mấy ngày thì nó chết. Con tôm này nó hung dữ lắm, mấy cái càng cứ kẹp lia lịa à. Nhưng dân cảnh giác lắm, thấy lạ là báo chính quyền liền. Công ty này bỏ nhiều tỷ đồng về đây đầu tư, tới giờ chưa thu lại một cái gì hết".
"Tôm hùm đỏ đã bị cấm nuôi từ lâu, nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào nuôi lén lút, ngoài việc buộc tiêu hủy còn xử lý mạnh tay" - ông Công khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết tôm hùm đỏ hay tôm hùm đất là động vật ngoại lai nguy hại không được phép nuôi. Trường hợp ông Trần Văn Hòa - Giám đốc Công ty Sen Hoàng Giang - nuôi loại tôm này là nuôi một cách lén lút, khi người dân phát hiện thì các cơ quan chức năng đã phối hợp tiêu hủy ngay.
Ông Phạm Minh Chí - Phó Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, loài tôm mà ông Hòa nuôi là tôm hùm đỏ (hay tôm hùm đất), tên khoa học là Procambarus clarkii, một loại giáp xác nước ngọt, nguồn gốc ở nam Hoa Kỳ, có nhiều khả năng còn nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.
Theo các tài liệu nghiên cứu, tôm hùm đỏ lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm. Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.
Phương Dung
*****************
Nhiều cơ hội "xuất ngoại" lao động có chuyên môn (TBKTSG, 08/02/2017)
Bộ Lao động, thương binh và xã hội đang xây dựng đề án đưa lao động có trình độ cao sang làm việc ở những thị trường khó tính, tạo cơ hội cho những lao động có chuyên môn và khả năng ngoại ngữ tốt.
Hoạt động tuyển dụng tại một ngày hội việc làm của các doanh nghiệp Nhật tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : THÀNH HOA.
Theo đó, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đang giao Cục Quản lý Lao động ngoài nước (cơ quan thuộc bộ) và các đơn vị liên quan xây dựng đề án "Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025" để sớm trình Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, đề án dự kiến sẽ định hướng đưa lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và Cộng hòa liên bang Đức. Lao động trong ngành công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, sinh học, nông nghiệp sang làm việc tại Nhật Bản. Đối với lao động trong lĩnh vực cơ khí có thể sang làm việc tại Hàn Quốc và một số nước Châu Âu, Trung Đông. Lao động trong ngành đầu bếp, công nghệ thông tin, điện tử đi Hàn Quốc. Ngoài những thị trường trên, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng đang xúc tiến khai thác các thị trường mới như Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel...
Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), cho hay năm 2017 có nhiều cơ hội cho lao động có chuyên môn đi làm việc ở những thị trường khó tính, trong đó có Nhật Bản.
Cuối năm 2016, Nhật Bản thông qua luật mới, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các lao động nước ngoài. Tương tự, năm 2016, Việt Nam đã có thỏa thuận với Đức liên quan đến việc tuyển chọn, đào tạo điều dưỡng sang làm việc trong các bệnh viện tại nước này.
Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam VAMAS, năm 2016, lao động là điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhiều nhưng các ngành nghề khác như công nghệ thông tin, kỹ thuật, cơ khí… lại rất thấp. Mới chỉ có một số kỹ sư công nghệ thông tin đi làm việc ở Singapore nhưng số lượng rất ít. Thậm chí, nhiều lao động chấp nhận làm việc ở nước ngoài với công việc thấp hơn chuyên môn được đào tạo để lấy kiến thức, kinh nghiệm. Vì vậy, cần phải có một kế hoạch dài hơi để đào tạo bài bản lao động có chất lượng đi làm việc ở nước ngoài.
Còn ông Hương thì cho hay, các nước ngày càng khắt khe hơn, yêu cầu chất lượng, tay nghề cao hơn. Do đó, người lao động có ý định ra nước ngoài làm việc, ngoài sức khỏe cần phải chuẩn bị thêm những kỹ năng cần thiết như ngoại ngữ, chuyên môn nghề nghiệp, tác phong trong công việc… Không chỉ người lao động, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng cần phải đầu tư nhiều hơn cho cơ sở đào tạo, qua đó sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe từ những thị trường khó tính.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế, cho rằng trở ngại lớn nhất của lao động Việt Nam là trình độ ngoại ngữ. Do đó, ngoài kiến thức chuyên môn, các bạn trẻ muốn tìm cơ hội làm việc ở nước ngoài cần trau dồi ngoại ngữ ở nước tiếp nhận. Đây là yếu tố quyết định liệu lao động có được chấp nhận ở nước ngoài hay không.
Còn ông Tân của VAMAS cho rằng các bạn trẻ không nên quá nóng vội, cần phải xác định muốn đi làm việc ở những thị trường khó tính phải có tối thiểu 6-7 tháng để học ngoại ngữ, phong cách làm việc, văn hóa nước tiếp nhận... Hơn nữa, cũng cần phải học các kỹ năng để khi về nước có thể sớm hòa nhập vào thị trường lao động trong nước.
Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, năm 2016 đã có hơn 126.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vượt 26% so với kế hoạch năm và tăng gần 9% so với năm 2015. Trong đó có hơn 68.000 lao động đi Đài Loan, chiếm hơn 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Kế đến là thị trường Nhật Bản, với gần 40.000 lao động, chiếm khoảng 30% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài và tăng gần 48% so với năm 2015. Ngoài ra còn có các thị trường khác như Malaysia (hơn 2.000 lao động).
Năm 2017, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đặt mục tiêu đưa 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thùy Dung
***************
Khi Việt Nam ‘ngoạn mục’ lên thứ 3 trên bản đồ… uống bia (VietnamNet, 08/02/2017)
Năm 2008, thứ hạng Việt Nam trên bản đồ tiêu thụ bia Châu Á xếp thứ 8. Vậy mà, năm 2016, Việt Nam đã leo lên xếp thứ 3 rất ngoạn mục, chỉ sau Nhật Bản siêu giàu và Trung Quốc siêu dân số.
Vậy là dịp tết Đinh Dậu, hơn 90 triệu người Việt uống hơn 320 triệu lít bia. Con số này nhiều hay ít ? Chỉ biết, với chừng đó bia, tết này người Việt uống nhiều hơn tết năm ngoái 9%.
Tết là dịp bia rượu được tiêu thụ nhiều nhất. Tháng giêng – tháng ăn chơi – rượu bia sẽ được tiếp tục uống, cứ để vào môi sẽ trôi vào bụng theo các lễ hội và dịp tân niên. Một nền kinh tế bia, bất chấp sự khó khăn kinh tế, từ vĩ mô đến vi mô, đang phát triển, và phát triển mạnh mẽ.
Thống kê cho thấy cả năm 2016, người Việt uống hết 3,8 tỉ lít. Tính trung bình, mỗi người Việt uống hết 42 lít bia, tăng 4 lít so với năm trước đó. Năm 2017, dự báo mức sản xuất bia trong nước gần 4 tỉ lít, cộng thêm bia nhập ngoại, người Việt sẽ uống nhiều hơn nữa.
Nền kinh tế bia đang chứng kiến cảnh các nhà máy bia tràn ngập khắp cả nước. Nhưng bia – rượu không thể tự mình phát triển mà kéo theo các nhà hàng, cùng với mồi nhậu, đủ thứ thượng vàng hạ cám. Đáng nói hơn, hệ quả của bia – rượu cũng đã kích thích các ngành khác, từ y tế đến chăm sóc sức khoẻ, và dĩ nhiên, nhiều sự bi thảm khác không muốn nhắc tới…
Hiện tượng uống bia đang tràn ngập khắp cả nước - Ảnh minh họa
Ngành bia đang phát triển, và phát triển rất mạnh. Năm 2008, thứ hạng Việt Nam trên bản đồ tiêu thụ bia Châu Á xếp thứ 8. Vậy mà, năm 2016, Việt Nam đã leo lên xếp thứ 3 rất ngoạn mục, chỉ sau Nhật Bản siêu giàu và Trung Quốc siêu dân số. Ở Đông Nam Á, Việt Nam đã là số một từ năm trước đó. Ở cấp độ thế giới, Việt Nam lọt vào tốp 25 quốc gia uống rượu bia giỏi nhất.
Nhắc tới bia và thứ hạng để nói tới nhiều chuyện. Đầu tiên là đo mức độ giàu nghèo. Ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, quỹ đầu tư thành lập từ năm 1994 tại Việt Nam, đi xuyên qua các cơn sóng kinh tế buồn vui, ví von sự phát triển của xã hội qua bốn thức uống : đầu tiên là rượu đế, tức khi dân còn nghèo, sau đó là bia khi có chút tiền đủng đỉnh, sang hơn nữa thì xài whisky – rượu tây và giới có tiền thì uống vang – dĩ nhiên là vang ngoại nhập, chứ không phải Đà Lạt.
Vậy là, sự phát triển của kinh tế đi theo chiều bia rượu như vậy. Có thể nhìn thấy gì ? Ở thị trường nông thôn, năm 2015, theo các nhà nghiên cứu thị trường, dân ở khu vực này, uống khoảng 2 tỉ lít bia trong tổng số 3,5 tỉ lít. Điều đó có nghĩa là một người dân nông thôn đã uống bia xấp xỉ dân thành thị, vì xét theo cơ cấu dân số, khoảng 68% người Việt vẫn sống ở nông thôn, 32% là ở thành thị. Điều đáng nói là, trong khi thị dân như ở Sài Gòn bước ra ngõ hẻm là gặp quán nhậu, thì người nông thôn lại mua về uống. Dân quê ùn ùn mua từng thùng, và thay vì nhấm nháp ly đế, họ chuyển qua uống bia, như một cách nâng cấp đời…
Năm 2016 con số đang tăng, và năm nay cũng vậy. Vui cũng uống, buồn cũng uống, không vui không buồn cũng uống, và bằng cách ấy, ngành bia cứ phát triển. Có một thời, lãi suất ngân hàng được khuyến mãi thêm bằng bia, nghĩa là người có tiền đem tiền đến ngân hàng gửi, ngoài việc nhận lãi suất, khi đó cao, vì lạm phát cao, còn được rinh thêm mấy thùng bia về nhà uống nữa.
Cuộc cạnh tranh trong nền kinh tế bia đang chứng kiến sự lớn mạnh của Sabeco, bất chấp những lùm xùm về nhân sự hay quản trị. Kết thúc năm 2016, Sabeco có doanh thu 30.642 tỉ đồng, lãi sau thuế 4.655 tỉ, vô địch từ trước đến nay… Cổ phiếu Sabeco trong đợt lên sàn mới đây được chào bán 110.000 đồng. Các nhà đầu tư tranh mua, và rồi trên thị trường, thị giá được đẩy lên gấp đôi, hơn gấp đôi, vì tiềm năng phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Vậy mà, trước đó hai năm, ngân hàng BIDV chào bán nửa triệu cổ phiếu hãng bia này với giá 70.000 đồng, bằng giá lên sàn đầu tiên vào năm 2008, vậy mà để mấy tháng không ai đoái hoài tới. Thế là đành ôm, và hóa ra BIDV lại vớ bẫm.
Sau mức độ giàu nghèo, nền kinh tế bia đang làm rạng danh vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới về mức độ tiêu thụ. Thử đặt trong kinh tế bia trong bức tranh công nghệ sẽ thấy một sự tương phản : Bia đang lao như tên bắn về phía trước, trong khi trình độ công nghệ đang bị lôi tụt lại phía sau.
Nếu nhìn cuộc cách mạng công nghiệp đang bước vào giai đoạn 4, thì nền kinh tế Việt Nam, khổ thay, lại đang ở giai đoạn 2 – vừa là bia trong nền kinh tế bia, vừa là giai đoạn điện khí hóa trong cuộc cách mạng công nghiệp. Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, chương trình Fulbright, Việt Nam cũng chỉ mới giai đoạn 2. Nhắc lại để thấy, cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên là máy hơi nước thay thế sức người, cuộc cách mạng giai đoạn hai là điện khí hóa. Giai đoạn ba, vốn xảy ra từ rất lâu, là kỹ thuật số, với sự vào cuộc của máy tính, và giai đoạn 4 đang xảy ra là trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, kỹ thuật số… Để chứng minh, ông Tự Anh dẫn số liệu nghiên cứu của Fulbright mười năm với hãng Intel, rằng trong giá trị hàng tỉ USD xuất khẩu của hãng này, phía Việt Nam chỉ đóng góp một phần rất ít. Phần ít ỏi đó, theo ông Tự Anh, là phần mà Intel không thể nhập khẩu được như cắt tỉa hoa lá cành, túi đựng quà… "Nếu nhập khẩu được, hẳn họ cũng làm luôn"…
Trần Phi Tuấn
******************
Tín hiệu đáng mừng từ lễ hội (PetroTimes, 08/02/2017)
Mùa xuân là mùa lễ hội diễn ra khắp đất nước. Hàng chục triệu lượt người đã hành hương về các chùa chiền, di tích lễ bái cầu may cho một năm mới. Dịp tết Đinh Dậu vừa qua, ban tổ chức ở một số địa phương đã có những biện pháp hữu hiệu, thể hiện được nét văn hóa lễ hội, khiến khách thập phương hài lòng hơn.
Tại thủ đô Hà Nội, ngay từ đêm giao thừa, hàng vạn lượt người đã đến các đền chùa nổi tiếng làm lễ. Tuy lượng người đông hơn mọi năm nhưng an ninh, trật tự được bảo đảm ; không xảy ra cảnh chen lấn, tranh cãi, trộm cắp. Lực lượng thanh niên tình nguyện đã luân phiên trực trong những ngày tết đảm nhiệm việc trông giữ xe miễn phí ở Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc. Ở nhiều ngôi chùa và đền khác, hoạt động lễ bái đều diễn ra an toàn, thể hiện được nét văn minh, thanh lịch.
Khai hội chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng ở thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) là ngôi chùa mới được xây dựng mấy năm nay nhưng cũng thu hút lượng khách rất đông từ các tỉnh thành về vãn cảnh và chiêm bái. Ban tổ chức đã xây dựng 6 bãi đỗ xe miễn phí, có lực lượng bảo vệ và hướng dẫn chu đáo. Đặc biệt là nhà gửi xe máy, xe đạp được xây dựng kiên cố, có mái che mưa nắng. Ngày cao điểm khai hội, xe ca từ 24 chỗ trở lên phải dừng trả khách cách chùa gần 1 km. Trong ngày khai hội (mồng 8 tháng Giêng), nhà chùa chuẩn bị hàng ngàn xuất cơm trưa cấp miễn phí cho khách thập phương về dự lễ. Suốt dọc đường vào chùa và các khu vực trong chùa đều không có hàng quán, lều bạt, ô che của các loại dịch vụ tư nhân nên lối đi thông thoáng, khách không bị gây phiền hà bởi sự chèo kéo, ép mua bán. Đó là diểm mới mà tất cả các đền chùa, di tích trong cả nước cần phải học tập để giữ cho môi trường lễ hội được văn minh, tôn nghiêm và sạch đẹp.
Từ ngày đất nước đổi mới, việc đi lễ đầu xuân phát triển mạnh nhưng người đi lễ thường rất khó chịu với cảnh chùa chiền bị thương mại hóa. Khắp đường đi, lối lại trong khu vực đền chùa, di tích đều bị hàng quán chiếm dụng với các loại ô dù, lều lán bủa vây. Cảnh đeo bám, ép khách mua vàng mã, lễ vật và đi xe ôm diễn ra lộn xộn. Nạn chặt chém vô tội vạ khiến khách hành hương bị tra tấn đến khốn khổ. Rồi cảnh tranh giành khách, cãi lộn, đánh nhau liên tục xảy ra. Ban tổ chức xây dựng thêm chùa, đặt thêm nhiều hòm tiền công đức để tăng thu cho địa phương cũng diễn ra phổ biến. Vì vậy, tổ chức dịch vụ gửi xe miễn phí và cấm hàng quán, dịch vụ của một số địa phương như nêu trên là việc đáng làm và cần làm ngay.
Bên cạnh những nhân tố mới mang lại sự bình yên và hài lòng cho du khách thì hiện nay vẫn tồn tại một số lễ hội gây phản cảm.
Trong 6 ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, lượng khách thập phương về trẩy hội Chùa Hương (Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội) đạt trên 20 vạn người, cao nhất từ trước tới nay. Nhưng cảnh hàng trăm du khách và phật tử chen lấn để giành lộc đã làm hỗn loạn một góc chùa Thiên Trù sáng mồng 6 tháng Giêng. Màn cướp hoa tre tuy được cho là tục lệ nhưng đã bị đẩy lên một cách thái quá khiến cho cảnh tượng được chờ đợi ở lễ hội Đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) xấu xí, lộn xộn.
Vàng mã ở đền Kiếp Bạc (Hải Dương)
Hội chém lợn ở giữa sân đình làng Ném Thượng (Phường Khắc Niệm, Thành phố Bắc Ninh) tạo cảm giác rùng rợn cho nhiều người mà đã có chỉ đạo của cấp trên nhưng bàn đi, tính lại nhiều lần, làng Ném Thượng vẫn "trảm" hai con lợn như thường lệ. Lý do là nhiều người dân trong làng đều muốn giữ lại truyền thống lễ hội của làng. Tuy nhiên, thay vì chém lợn ở sân đình như mọi năm thì năm nay cử hành bên trong che bạt kín. Chưa biết đến khi nào Ném Thượng mới xóa bỏ được chất bạo lực của lễ hội này ?
Có ý kiến đã nêu : lễ hội mà có dính đến "Cướp", "Giật", "Giành", "Chọi", "Đâm" ở là thế nào cũng đông thanh niên trai tráng xả thân lao vào cả. Ngày xưa người ta chơi cho vui, ai giành được thì may, ai không giành được thì mừng cho người giành được. Đó là phong tục, là nét văn hóa đẹp. Còn bây giờ lao vào, giẫm đạp lên nhau, đổ máu mới chịu. Nó tạo nên thứ văn hóa hung hăng và cướp giật. Tâm lý đám đông thể hiện ở thái độ cầu xin thật nhiều quan lộc, may mắn cho bản thân gia chủ, nhưng lại bất chấp việc có hại cho người khác, sẵn sàng chen lấn, dẫm đạp, lạng lách.
Đền Bảo Lộc (thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) thu hút hàng vạn du khách thập phương đi lễ đầu năm cầu an lành. Tuy nhiên, điều bức xúc đối với không ít du khách đến đây là nạn "chặt chém" giá trông giữ xe. Bảng giá trông giữ xe của UBND xã quy định 4.000 đ/xe máy nhưng ban tổ chức vẫn thu 10.000đ và đối với các loại xe khác cũng thu cao hơn gấp đôi như thế.
Đốt vàng mã quá nhiều vẫn diễn ra ở nhiều đền chùa do quan niệm sai lầm "trần sao âm vậy", mong sẽ có nhiều tài lộc quanh năm, tạo nên sự lãng phí quá lớn.
Những tín hiệu đáng mừng từ lễ hội của một số địa phương cần được nhân rộng ra khắp cả nước. Điều đó phụ thuộc vào quyết tâm và sự tự giác của chính quyền các địa phương. Chớ vì tư tưởng thực dụng, tăng thu mà làm mất đi ý nghĩa trong sáng và an lành của lễ hội.
Hoài Anh