Đại diện ngoại giao Châu Âu gặp Hội đồng Liên tôn (RFA, 17/05/2018)
Vào ngày 16 tháng 5, đại diện các đại sứ quán Italia, Hà Lan, Pháp, Đức và Liên Hiệp Châu Âu (EU) cũng có cuộc gặp các chức sắc thuộc Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại Chùa Giác Hoa ở Sài Gòn.
Đại diện ngoại giao Châu Âu gặp Hội đồng Liên tôn ở Sài Gòn hôm 16/5/2018 - Courtesy Facebook Thanh Niên Công Giáo
Mục đích cuộc gặp được cho biết nhằm tìm hiểu tình hình tôn giáo tại Việt Nam thông qua những chức sắc các giáo hội, giáo phái không được chính phủ Hà Nội thừa nhận hay ủng hộ.
Tin cho biết các chức sắc tôn giáo đến được cuộc gặp phải tìm cách len lỏi từ nhiều hướng, vượt qua mọi ngăn cản của lực lượng chức năng địa phương.
Tại cuộc gặp, Hội đồng Liên tôn Việt Nam trình bày vắn tắt về tình trạng vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo đang diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước, đối với những giáo hội độc lập, chân truyền.
Hội đồng đưa ra một số kiến nghị với các đại diện ngoại giao những nước Châu Âu vừa nêu. Trong đó có yêu cầu đặt điều kiện về nhân quyền khi bang giao với nhà nước Việt Nam bất kỳ trên phương diện nào kể cả kinh tế, văn hóa, thương mại, quân sự… Nhanh chóng và tích cực áp dụng Đạo luật Nhân quyền toàn cầu Magnitsky mà Hoa Kỳ và Canada thiết lập.
*******************
Việt Nam ‘bảo hộ công dân’ cho bé gái buôn lậu ngà voi bị Trung Quốc bắt (VOA, 17/05/2018)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hôm 17/5 nói Việt Nam đã liên hệ với phía Trung Quốc để tìm hiểu thông tin về vụ bé gái người Việt 13 tuổi bị Trung Quốc bắt vì buôn lậu ngà voi ở biên giới, và sẽ có biện pháp bảo hộ công dân đối với bé gái này.
Bé gái người Việt bị phát hiện quấn quanh người khoảng 2 kg trang sức ngà voi.
Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/5, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cho biết : "Sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh liên hệ với các cơ quan chức năng tại Trung Quốc tìm hiểu thông tin của vụ việc và hướng xử lý của Trung Quốc về trường hợp này", Zing dẫn lời bà Hằng nói.
Trước đó vào ngày 9/5, truyền thông Trung Quốc đăng tin và công bố đoạn video từ camera an ninh của hải quan Trung Quốc cho thấy một bé gái người Việt, được gọi tên là E Xuan, mặc đồng phục đi học dài tay giữa ngày nắng nóng và bước nhanh qua mặt các nhân viên hải quan ở biên giới Việt-Trung hôm 4/5.
Thấy dấu hiệu khả nghi, các nhân viên Trung Quốc đã chặn bé gái này lại kiểm tra và phát hiện có 30 vòng cổ và 19 chiếc nhẫn làm từ ngà voi được quấn quanh người em. Tổng cân nặng số trang sức ngà voi này vào khoảng 2 kg.
Bé gái khai đã được "một người nào đó" nói sẽ thưởng cho em nếu chịu mang lượng hàng này qua biên giới.
Việc mua bán ngà voi là một hoạt động bất hợp pháp theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES - Convention on International Trade of Endangered Species). Truyền thông Trung Quốc cho biết hiện vụ này đang được điều tra nên chưa rõ bé gái người Việt có phải đối mặt với cáo buộc hình sự nào hay không.
Tại cuộc họp báo, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức Save the Elephans, Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về buôn bán ngà voi bất hợp pháp. Báo cáo này nói sở dĩ thị trường này bùng nổ ở Việt Nam là do người dân thiếu thông tin.
"Việc thực thi pháp luật chưa chặt chẽ của Hải quan Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực biên giới đất liền đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho buôn bán trái phép ngà voi, và tình trạng săn bắn trộm ngà voi ở Châu Phi không có dấu hiệu giảm sút. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp nhưng không đủ để ngăn chặn nạn buôn lậu ngà voi trên mạng, các thành phẩm từ ngà voi vẫn được rao bán công khai trên các trang mạng trực tuyến", báo cáo cho biết thêm.
Tham nhũng và quản lý kém ở Việt Nam cũng được xem là yếu tố góp phần mở rộng thị trường đen này, theo tổ chức quốc tế bảo vệ voi.
*******************
Hàn Quốc kiểm tra doanh nghiệp Việt Nam dùng chất cấm trong tôm xuất khẩu (VOA, 17/05/2018)
Hàn Quốc sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam vào tháng 6/ 2018 để đánh giá hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh dùng trong chế biến, xuất khẩu tôm vào Hàn Quốc.
Công nhân tại một doanh nghiệp chế biến tôm của Việt Nam.
Trang Asia News Channel cho biết Hàn Quốc sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam để thẩm tra việc các doanh nghiệp Việt Nam dùng hóa chất, kháng sinh trong chế biến, xuất khẩu tôm vào nước này, theo tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Truyền thông trong nước trích lời Nafiqad cho biết Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc đã gửi 2 công thư trong tháng 4 thông báo đã phát hiện liên tiếp dư lượng Nitrofurans (một loại kháng sinh cấm dùng trong thủy sản) trong các lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam dù đã áp dụng chế độ kiểm tra 100% từ năm 2017.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong ngành hàng tôm, lây nhiễm kháng sinh và tạp chất vẫn đang là 2 vấn đề phức tạp, chưa được giải quyết dứt điểm và có hiệu quả, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam.
Báo Nông nghiệp cho biết việc Hàn Quốc phát hiện nhiều lô hàng tôm thẻ chân trắng Việt Nam có Nitrofurans đã diễn ra từ mấy năm qua. Năm 2016, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã phát hiện nhiều lô hàng tôm thẻ chân trắng nhập khẩu từ Việt Nam có Nitrofurans. Từ 2017, phía Hàn Quốc đã áp dụng chế độ kiểm tra Nitrofurans với từng lô hàng tôm thẻ chân trắng từ Việt Nam.
**********************
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng "Đổi mới giáo dục của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao".
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Courtesy moet.gov.vn
Mức độ chính xác của phát biểu này đến đâu ? Vì trong thực tế nhiều tiêu cực lên quan giáo dục Việt Nam liên tục xảy ra và chính truyền thông trong nước loan đi.
Ngày 11 tháng 5 năm 2018, trong khi trình bày báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định : "Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao".
Ông Phùng Xuân Nhạ dẫn nguồn thông cáo báo chí của Ngân hàng Thế giới vào trung tuần tháng ba rằng 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam.
Vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không nói rõ Ngân hàng Thế giới đánh giá theo tiêu chí nào, nhưng báo cáo của ông bị nhiều người nghi ngại khi các vấn đề tiêu cực liên quan ngành giáo dục tiếp tục diễn ra.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng, từng giảng dạy tại Đại học Bách khoa Sài Gòn, hiện đang sống tại Pháp, đưa ra những nghi vấn của mình liên quan báo cáo của ông Phùng Xuân Nhạ :
"Không chỉ có giáo dục mà các khía cạnh khác tại xã hội Việt Nam mà báo chí cũng thường hay nói được đánh giá cao, chẳng hạn như Việt Nam là nước đáng sống nhất thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ người hài lòng với cuộc sống rất là nhiều… tôi cũng đặt nghi vấn các vấn đề đó, tôi không hiểu nó có chính xác hay không, nhưng với tư cách của một người giảng dạy và căn cứ vào các thầy cô đã phê phán việc đổi mới của bộ giáo dục thời gian qua, chưa kể những vấn đề tiêu cực liên quan giáo dục xảy ra thời gian gần đây, thì tôi thật sự không tin lắm vào lời của ông Phùng Xuân Nhạ".
Thầy Thuận, một giáo viên dạy môn Hóa học ở cấp phổ thông trung học tại Hà Nội cũng đưa ra quan điểm của mình :
"Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng các báo cáo của các Bộ trưởng tại Quốc hội thường mang tính chất của các bài hát, mà không hề có thực chất trong đó. Và cái báo cáo của ông Nhạ nó cũng nằm trong số những dạng báo cáo như vậy, những bản báo cáo được soạn ra cho nó đẹp, chứ nó không phản ánh đúng thực tế".
Trong bản báo cáo trước quốc hội, ông Nhạ có nêu lên ví dụ về việc 4 trường đại học của Việt Nam được hội đồng giáo dục đại học của Pháp (HCERES - Haut Conseil de l'évaluation de la recherche et de l'enseignement supérieur) công nhận đạt chuẩn, 2 trường được đánh giá theo tiêu chuẩn của các trường đại học khu vực Đông Nam Á, 5 trường có tên trong danh sách những trường "top" đầu của Châu Á và 3 trường được gắn 3 sao bởi QS-Stars.
Một lớp học ở cấp tiểu học. (Ảnh minh họa) Courtesy moet.gov.vn -
Tuy có dành một phần nhỏ trong bản báo cáo để nói về một số tồn tại hạn chế cần khắc phục, nhưng ông Bộ trưởng giáo dục lại không hề nhắc đến việc không có trường đại học nào của Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng 350 trường đại học hàng đầu Châu Á của Times Higher Education được công bố vào tháng 2 năm 2018.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, sinh sống tại Bỉ, đã và đang tham gia nhiều chương trình hợp tác giáo dục tại Việt Nam, nêu lên ý kiến của mình :
"Cái này là một cái điều mà ông Nhạ nói nhưng không dựa vào cơ sở nào cả ? Tôi thấy từ ngày ông Nhạ lên thì xảy ra bao nhiêu chuyện rối rắm đáng ngại, đặc biệt là chuyện đạo văn, những vấn đề xử lý ở học đường, sự xuống cấp của đạo đức người thầy… bao nhiêu chuyện như vậy mà ông Nhạ lại tuyên bố như vậy với dân. Rõ ràng là nó không có sự hài lòng được vì khi một con tàu đang nguy kịch như thế mà người cầm lái có thể an nhiên tự tại, nhắm mắt lại nhìn sự việc để rồi nói một cách trái tai như thế là một điều đáng buồn. "
Giáo sư Phạm Minh Hoàng cũng cho biết khi còn giảng dạy tại Việt Nam một năm trước đây thì ông có nghe về dự thảo đổi mới về giáo dục.
Một trong những cải cách là tích hợp các môn, như môn toán và lý sẽ dạy chung ; môn công dân và sử sẽ dạy chung. Tuy nhiên ông cho biết dư luận, đặc biệt là các thầy cô đã phản ứng tương đối là tiêu cực về vấn đề này. Ông nói tiếp :
"Các thầy cô tin rằng việc tích hợp các môn như vậy là không thể nào thực hiện được, bởi vì một người không thể đảm nhiệm ba hay bốn môn được. Tôi xin lỗi chứ các thầy cô thậm chí còn đưa ra lời thách thức ông Bộ trưởng cũng như một số thầy cô giáo đã biên soạn ra cái chương trình mới này, thách thức họ dạy thử coi. Tôi nhớ không lầm là 60 hay 70 % thầy cô giáo hay hơn nữa không đồng tình với việc đổi mới này. Thì ngày hôm nay nói thế giới đánh giá cao việc đổi mới giáo dục của Việt Nam thì tôi cũng rất là ngạc nhiên".
Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng và một số đồng nghiệp trong Hội giáo chức Chu Văn An, Bộ Giáo dục và đào tạo không phải là không biết các vấn đề tiêu cực ấy hay giải pháp, nhưng họ có những ràng buộc trong hệ thống chính trị không cho phép họ cải cách sâu rộng, cải cách từ trong gốc ra.
Cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Bùi Văn Ga khi còn tại chức từng phát biểu trước báo chí rằng : "Ý kiến của các chuyên gia, các Việt kiều ở nước ngoài rất là quan trọng bởi vì họ có những cái nhìn khác với cái nhìn trong nước, cho nên họ có thể phản biện chúng ta, để chúng ta tránh những sai sót trong khi thực hiện đổi mới, để việc đổi mới được thuận lợi và hiệu quả hơn".
Việc thu hút nhân tài Việt Kiều có thực sự diễn ra như lời Cựu Thứ trưởng Bùi Văn Ga ? Nhận định về điều này, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nêu lên kinh nghiệm của mình :
"Cả chục năm nay nền giáo dục Việt Nam không cải tiến được bao nhiêu. Đối với những người Việt Kiều có lòng về Việt Nam để góp phần tham gia thì gặp những cái khó khăn chung mà lý do của nó thì có nhiều lắm. Thứ nhất cái nhìn thiển cận của người quản lý, họ không thấy cái yêu cầu cần thiết phải có làn gió mới, máu mới vào nền giáo dục Việt Nam thì mới cải tiến được. Cái sự nghi ngại, thiếu thiện chí vẫn còn tồn tại và tôi thấy không giảm đi theo thời gian".
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cũng cho biết hiện chưa có gì khởi sắc rõ ràng về việc níu kéo và giữ chân người trí thức quốc tế hay Việt kiều về tham gia giảng dạy để cải tiến nền giáo dục.
Sau mục tiêu đề ra hồi đầu tháng Hai về 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2025, đến ngày 27, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị đến năm 2018 phải dứt điểm vấn đề tôm nhiễm tạp chất.
Một nhà máy chế biến tôm xuất khẩu tại Cần Thơ, Việt Nam.
Phát biểu trong ngày 6 tháng Hai, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói kim ngạch xuất khẩu tôm đến năm 2025 phải đạt 10 tỉ USD, nghĩa là tăng hơn 3 lần so với hiện tại, biến ngành tôm xuất khẩu thành "ngành đầu não" trong nền nông nghiệp Việt Nam.
Mới đây nhất, ngày 26 tháng Hai, tại Hội Nghị Phát Triển Ngành Tôm ở Cà Mau, ông Nguyễn Xuân Phúc còn nói "chính phủ và toàn thể xã hội tuyên chiến với những hành vi bơm tạp chất vào tôm nhằm trục lời bất chính".
Thực tế là trước khi thủ tướng chính phủ chính thức lên tiếng như vừa nêu thì Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức một hội nghị, qua đó triển khai đề án kiểm soát tạp chất cũng như dư lượng kháng sinh trong quá trình nuôi tôm khắp cả nước.
Những số liệu từ hội nghị này cho thấy tại Cà Mau năm 2016 có 57 vụ vi phạm với gần 12 tấn tôm chứa tạp chất, tiền xử phạt hành chính 1 tỷ 700 triệu đồng.
Tại Bạc Liêu có 44 vụ vi phạm , gần 7 tấn tôm có tạp chất, tiền phạt 2 tỷ 100 triệu. Tệ nạn bơm tạp chất vào tôm cũng xảy ra tương tự ở Sóc Trăng và An Giang.
Đó là kết quả những đợt kiểm tra không báo trước của liên ngành gồm Cục Quản Lý Chất Lượng Nông Lâm Và Thủy Sản trong Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn, phối hợp với Cục An Ninh Kinh Tế Nông Lâm Ngư Nghiệp và Bộ Công An, nhắm vào các cơ sở thu gom chế biến tôm tại Cà Mau, Bạc Liêu.
Ai bơm tạp chất vào tôm ?
Về hiện trạng tôm tạp chất ở Việt Nam, tiến sĩ Đặng Kim Sơn, viện trưởng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Thôn, giải thích :
Theo tôi biết bơm vào không phải là kháng sinh hay các chất bẩn mà thường người ta bơm Agar, là chất từ cỏ biển, rong biển mình vẫn dùng để cho vào làm nước giải khát. Họ lấy cái Agar này để bơm vào, vì màu nó trong suốt nên khó phát hiện, nó tích nước nó tăng trọng lên. Trong nhiều trường hợp thì chính cơ sở sản xuất, một số cơ sở sản xuất nhỏ, mà không sản xuất không đăng ký là những đối tượng dễ thực hiện hành vi này nhất.
Ngoài ra, trong vấn để bảo vệ chất lượng con tôm thì bơm tạp chất là một chuyện, còn có chuyện trong quá trình nuôi thì thức ăn không sạch hoặc nhiều kháng sinh thì cũng có. Cho nên nói chung phải tiến hành kiểm tra cả qui trình sản xuất.
Một nông dân ngồi tại đầm tôm của gia đình trong quận Đồ Sơn, Hải Phòng. AFP photo
Ông Ngô Tấn Lực, nguyên viện trưởng Đại Học Tiền Giang, cho rằng tôm bị dính tạp chất là một vấn nạn của Việt Nam trong vòng 20 năm qua :
Đó là một vấn nạn lớn ở Việt Nam thì phải ủng hộ những chủ trương hoặc những chánh sách làm cho nó sạch đi, nếu không đây là một tổn hại rất lớn mà nó ảnh hưởng đến sức khỏe khủng khiếp lắm.
Ông Nguyễn Tất Thắng, một doanh nghiệp nuôi tôm ở Tiền Giang, cho rằng sản xuất tôm sạch là cả một quá trình phấn đấu từ đầu đến cuối :
Tôm bơm tạp chất không phải do người nuôi mà do bộ phận dịch vụ thu mua chứ người nuôi không có sức ngồi đó để bơm tạp chất vào con tôm. Thực tế tôi chỉ là người sản xuất con tôm thôi chứ tôi không phải là người dịch vụ mua đi bán lại. Trước đây người nuôi người ta sợ tôm chết cho nên người ta cho tôm ăn kháng sinh, nhưng tới giờ phút này nếu nuôi tôm mà cho ăn kháng sinh thì chắc chắn không bán được vì tất cả các nhà máy đi mua tôm người ta đều kiểm nghiệm kiểm tra. Chỉ có tôm không có kháng sinh mới bán được cho nhà máy.
Cái thứ hai là bây giờ người ta kiểm tra những đại lý bán thuốc hoặc những doanh nghiệp như bọn tôi vẫn bị kiểm tra thường xuyên. Cái khó là con giống, thứ hai là thức ăn và thứ ba là môi trường, muốn làm được việc đó phải kết hợp với nhiều đối tác. Riêng chỗ tôi, khu vực Tiền Giang chỗ tôi thì người ta đã bảo nhau là nếu như sử dụng kháng sinh thì chắc chắn người ta không bán được tôm vào nhà máy. Tôi thấy nếu muốn làm tôm sạch, nếu mọi người đều quyết tạm và chính phủ quyết tâm thì tôi nghĩ việc đấy không khó.
Theo ông Phan Huy Hoàng, chủ tịch Hội Nghề Cá Quảng Ngãi, Việt Nam cần giải pháp tổng thể mới có thể trị dứt điểm tôm tạp chất nói riêng và thủy sản nhiễm bẩn nói chung vào năm 2018 như tiêu chí đề ra :
Đây là vấn đề vĩ mô của cả một quốc gia, nếu thủ tướng chỉ đạo như thế thì tôi nghĩ từ nay trở đi các địa phương các ngành các cấp phải có nhiều biện pháp để làm sao hạn chế tôm bẩn. Muốn xuất khẩu được thì phải như vậy thôi, các nghành, các cấp, các nhà khoa học rồi nông dân phải làm. Đó là việc phải tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về mặt kỹ thuật, nuôi như thế nào cho tốt, không bị dịch bệnh, đủ thứ bài bản lắm.
Làm sao diệt tận gốc ?
Tiềm năng phát triển tôm, theo tiến sĩ Đặng Kim Sơn, vẫn là cơ hội tốt mà Việt Nam phải nắm bắt ngay từ lúc này :
Không chỉ là quyết tâm của chính phủ mà đây cũng phải là quyết tâm của doanh nghiệp của nông dân. Một trong những việc quan trọng là phải siết lại kỷ luật về vệ sinh an toàn, về tiêu chuẩn kỹ thuật. Những trường hợp làm ăn gian dối như bơm tạp chất vào trong tôm thì dứt khoát phải loại bỏ bằng được.
Tôi nghĩ quyết tâm của chính phủ là tốt nhưng chưa đủ, cái quan trọng nhất gọi là nghìn tay nghìn mắt để kiểm soát được tình hình sản xuất phải chính là người sản xuất, người lao động và các doanh nhân. Phải hình thành các tổ chức, hiệp hội của chính những doanh nhân, của chính những xí nghiệp chế biến tôm. Phải chính họ tố cáo, phát hiện và xử phạt những hành động sai trái. Cho nên tôi nghĩ việc phân cấp, phân quyền, giao thêm trách nhiệm rồi công nhận các tổ chức kiểm soát của nhân dân là chuyện hết sức quan trọng để giải quyết tận gốc.
Kiểm soát kiểm tra cả qui trình sản xuất, hình thành một chuỗi giá trị để đảm bảo rằng doanh nghiệp nào bán thì cũng có thể truy suất nguồn gốc lại được. Không chỉ người sản xuất mà cả người thu mua, người chế biến mà phải kiểm tra thậm chí cả người cung cấp thức ăn, cả người kiểm soát nguồn nước chảy vào.
Để diệt tận gốc nạn tôm bẩn vào năm 2018 trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại địa bàn 4 tỉnh nuôi trồng tôm lớn nhất nước là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt đề án kiểm soát và ngăn chận hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất.
Theo đề án này, năm 2017 toàn bộ 100% cơ sở nuôi tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, phải cam kết không bơm tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ. Bên cạnh đó, 100% cơ sở thu mua, sơ chế và chế biến tôm cũng phải cam kết không làm tôm bẩn, không mua tôm có dính tạp chất.
Ngoài ra, phải tăng cường trách nhiệm của đia phương trong việc xử lý vi phạm và xử phạt hành chính một cách nghiêm khắc và quyết liệt hơn nữa.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Một nông dân ngồi tại đầm tôm của gia đình trong quận Đồ Sơn, Hải Phòng. AFP photo
Lệnh cấm nhập vào Australia tôm xanh, tôm nguyên liệu từ một số nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực kể từ hôm qua 9 tháng 1. Theo lệnh của chính phủ Australia các lô hàng tôm xanh, tôm nguyên liệu đến nước này kể từ ngày 9 tháng giêng đều bị tiêu hủy.
Nguyên nhân lệnh cấm vừa nêu được cho biết vì cơ quan chức năng Australia phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng nước Úc ; và suy đoán có thể đó là nguyên nhân làm bùng phát dịch đốm trắng tại bang Queensland của Australia.
Hiệp hội Nuôi tôm Australia quy kết có sai phạm trong khẩu kiểm dịch các sản phẩm tôm nhập khẩu vào nước Úc.
Phát ngôn nhân của Bộ trưởng Nông nghiệp Australia cho biết công tác điều tra đang được tiến hành và biện pháp cấm giúp Bộ này có thời gian xem xét lại công tác quản lý các nguy cơ cũng như các thỏa thuận liên quan.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam- VASEP, cho thấy trong năm qua tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt chừng 3,15 tỷ đô la, tăng 7% so với năm 2015.
Việt Nam đứng thứ 4, sau Thái Lan, Trung Quốc và New Zealand, trong nhóm các nước cung cấp thủy sản hàng đầu cho Australia.