Việt Nam dành riêng gần 23 tỉ đô la để tăng lương
VOA, 23/10/2023
Ngân sách Việt Nam đã dành riêng được khoảng 560 nghìn tỉ đồng, tương đương gần 23 tỉ đô la Mỹ, để chuẩn bị thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ và công nhân viên chức trong ba năm tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Việt Nam dành riêng gần 23 tỉ đô la để tăng lương
Ông Chính đưa ra con số này trong báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam từ đầu năm đến nay trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ sáu vào sáng ngày 23/10, báo chí trong nước đưa tin.
Theo đó, số tiền này có được là do ‘thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương’ trong khi bội chi ngân sách cùng các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát trong giới hạn mà Quốc hội đề ra, ông Chính được tờ Tuổi trẻ dẫn lời cho biết.
Số tiền dành dụm này đủ để Việt Nam dùng vào việc nâng lương trong khu vực nhà nước từ năm 2024 cho đến năm 2026, cũng theo lời ông Chính nói trước Quốc hội.
Trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến Quốc hội, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cho biết cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng lương từ ngân sách ‘vui mừng, phấn khởi’ trước chủ trương cải cách tiền lương
Một nội dung của kỳ họp giữa kỳ Quốc hội khóa 15 này là xem xét phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7 năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được dẫn lời phát biểu khai mạc kỳ họp.
Báo cáo Quốc hội về tình hình thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngân sách Việt Nam đã thu được 1,223 triệu tỉ đồng, tức khoảng 50 tỉ đô la, đạt hơn 3/4 kế hoạch đề ra.
Mục tiêu cải cách tiền lương của Việt Nam là làm sao để mức lương khu vực công bằng hay cao hơn mức lương bình quân thấp nhất của khu vực doanh nghiệp.
Để thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam dự toán phải có thêm gần 499 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2024 – 2026, trong đó chi tăng lương là 470 nghìn tỷ, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ, trang mạng Vietnamplus dẫn số liệu từ Bộ Tài chính cho biết.
Đây là một trong những nội dung được Trung ương Đảng thảo luận tại Hội nghị trung ương 8 vừa qua và giao cho Chính phủ thực hiện.
Mức lương cơ sở ở khu vực công của Việt Nam kể từ ngày 1/7 năm 2023 đã được điều chỉnh tăng lên 1,8 triệu đồng một tháng. Con số này sẽ được nhân với hệ số lương để ra mức lương cụ thể của từng người. Chẳng hạn, một công chức mới bắt đầu đi làm sẽ có hệ số 2,34, sau khi nhân với mức lương cơ sở sẽ được lãnh lương 4,212 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 170 đô la Mỹ.
Hệ số lương sẽ tăng dần theo chức vụ và thâm niên. Mức lương của Chủ tịch nước Việt Nam hiện nay với hệ số lương 13 là 23.400.000 triệu đồng, tức chưa tới 1.000 đô la Mỹ một tháng.
Nguồn : VOA, 23/10/2023
***********************
Chính phủ Việt Nam dự kiến vay hơn 676.000 tỷ đồng vào năm 2024
RFA, 23/10/2023
Chính phủ Việt Nam dự kiến tổng nhu cầu vay hơn 676.000 tỷ đồng vào sang năm 2024, trong đó gần 55,2% vay bù đắp bội chi ngân sách.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội ngày 23/10. Báo Giao thông
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội như vừa nêu ngày 23/10.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội- ông Lê Quang Mạnh cũng cho biết việc vay để trả nợ gốc của Việt Nam có xu hướng tăng ; tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách Nhà nước năm 2024 đã tiệm cận mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội.
Ông Lê Quang Mạnh nêu rõ "Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích kỹ về hiệu quả sử dụng vốn vay, hiệu quả huy động vốn gắn với nhu cầu chi tiêu của ngân sách Nhà nước. Qua số liệu quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm cho thấy số chuyển nguồn ngân sách lớn, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài rất chậm ; trong khi ngân sách phải đi vay để bù đắp bội chi và phải chịu lãi suất, trả phí cam kết, cho thấy tình trạng lãng phí nguồn lực".
Ông Hồ Đức Phớc báo cáo dự báo đến cuối năm 2024 dư nợ công khoảng 39-40% GDP ; nợ Chính phủ khoảng 37-38% GDP ; nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 38-39% GDP ; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước khoảng 23-24% ; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ dự kiến ở mức 8-9%.
Nguồn : RFA, 23/10/2023
***************************
Kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh trong chín tháng vượt cả năm 2022
RFA, 23/10/2023
Lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh tính đến cuối tháng 9/2023 đã vượt cả năm 2022 ; ở mức 6 tỷ 687 triệu USD.
Kiều hối chuyển về Việt Nam. AFP
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lệnh, cho biết vào chiều ngày 23/10 và truyền thông Nhà nước loan đi.
Số liệu vừa nêu cho thấy mức tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và hơn 101% so với cả năm 2022.
Lượng kiều hối đổ về Thành phố Hồ Chí Minh như vừa nêu được ông Nguyễn Đức Lệnh thừa nhận là nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế và xã hội ; tác động hỗ trợ và tích cực đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Thông tin vừa nêu được đưa ra vào khi Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng, cũng vào chiều 23/10 phát biểu rằng sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp trong nước đã đến mức giới hạn.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gặp nhiều thách thức, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính bị chậm lại ; kim ngạch xuất khẩu ước giảm 3,5%, nhập khẩu giảm 4,2%, nợ xấu có xu hướng tăng, chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nhiệp tiềm ẩn rủi ro.
Thủ tướng Chính phủ Hà Nội, ông Phạm Minh Chính, báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào sáng 23/10 rằng tăng trưởng GDP năm nay chỉ đạt trên 5%, thấp hơn mức Quốc hội giao. Lý do vì nền kinh tế chịu tác động kép chưa từng có.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến kéo dài đến ngày 28/11 tới đây.
Nguồn : RFA, 23/10/2023
Trong phiên họp Quốc hội gần đây nhất (sáng 5/11), cùng tham gia trả lời chất vấn tại Quốc hội về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60 năm 2021 về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Ông đưa ra quan điểm về việc nâng lương cơ bản để giữ nhân tài. Ý kiến của ông tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều. Nhưng, vấn đề cần đặt ra nghiêm túc ở đây là việc tăng lương có thực sự ý nghĩa trong cơ chế này ? Và tăng lương có phải là cách để giữ nhân tài ?
Việc tăng lương có phải là cách để giữ nhân tài ?
Sở dĩ phải đặt ra câu hỏi như vậy bởi sau rất nhiều đợt tăng lương, nhân tài (nếu có) vẫn cứ bỏ cơ quan nhà nước mà ra đi và "nhân tài" từ bên ngoài vẫn xông vào cơ quan nhà nước như cá gặp nước lên, có thay đổi được thứ gì đâu ! Và vấn đề tăng lương có thực sự là cách giữ nhân tài, hay đó chỉ là ngộ nhận ?
Tại phiên chất vấn, ông Phớc khẳng định : "Có quan điểm cho rằng cán bộ công chức, viên chức phục vụ công cũng như phục vụ tư miễn là có đóng góp, cống hiến cho xã hội. Nhưng tôi xin thưa, theo nhận thức của tôi và tôi cũng đã tìm hiểu các nước xung quanh chúng ta như Singapore, thì họ trả lương công chức cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đây là cách để giữ người giỏi trong khu vực nhà nước để hoạch định chính sách, đề ra chiến lược, quản lý nhà nước một cách tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho sự phát triển".
Trong lời khẳng định này có hai luận điểm khá rõ ràng : Phân biệt rõ nét giữa cán bộ phục vụ công và cán bộ phục vụ tư ; Dùng Singapore làm luận chứng cho luận điểm muốn giữ nhân tài trong hệ thống nhà nước thì phải tăng lương.
Nhưng, chỉ mới đọc thoáng qua thôi, người ta không khỏi buồn cười. Bởi vì thử nhìn lại cán bộ nhà nước, có ai dùng tiền lương để chi tiêu chính trong gia đình hoặc xem tiền lương là nguồn thu nhập chính ? Nếu tiền lương là nguồn thu nhập, là động cơ để người ta chạy đến các đích mới hơn trong cuộc đời, thì tu bảy kiếp, chờ đợi thêm bảy kiếp nữa, cán bộ cấp cao của đảng Cộng sản cũng không đủ tiền cho con du lịch nước ngoài nếu dựa vào tiền lương, chứ đừng nói tới chuyện cho con đi du học.
Và, có một vấn đề hết sức tế nhị là phần lớn cán bộ khoa học, trong đó có các trí thức như giảng viên, giáo viên, y tá, bác sĩ, kĩ sư… có năng lực, dựa vào thực tài đều bỏ nhà nước mà ra ngoài tìm việc làm. Và quyết định của họ luôn được đền đáp hậu hỉ, mức lương của họ cao hơn rất nhiều so với lương nhà nước. Nhưng, cũng đừng quên rằng hầu hết những người ra làm bên ngoài là những người tuy có thực lực nhưng lại không có thế lực nên việc kéo dài đời sống công chức chỉ làm cho họ chán chường và bế tắc, tìm đến môi trường tư nhân là một cách giải phóng chính họ. Bù vào đó, những kẻ cố gắng trụ lại nhà nước, có thể vẫn có nhiều người giỏi, nếu không muốn nói là rất giỏi, nhưng họ làm được gì với cơ chế ràng buộc đến khó hiểu mà họ đang phục vụ.
Và để tồn tại, họ không còn cách nào khác là chấp nhận luật chơi (cũng có khi họ chấp nhận và ưa luật chơi ngay từ trứng nước !), chấp nhận chung chi, đạp dưới đội trên, thậm chí ngậm máu phun người để ám hại đối thủ, có khi đòn họ ra còn nặng hơn cả đòn ở chốn giang hồ để hạ sát nhau, giữ ghế quyền lực. Và để có tài chính cho việc này, họ không làm gì khác ngoài thụt két nhà nước, ăn cắp của nhân dân và ra sức vắt cạn nhân dân, vặt nhân dân như thể vặt lông gà. Thử nghĩ, nếu cộng hết các tháng lương của một đời làm công chức nhà nước, liệu cán bộ có thể mua nổi một phần tư căn nhà họ đang ở ? Khoan bàn đến tiền cho con du học, bồ nhí mua nhà, cho vợ, rồi gia đình vợ các loại từ nhà tới đất, xe, siêu xe… Lấy đâu ra nếu không phải tham ô, hối lộ, thụt két nhà nước, toa rập với kẻ giết người không dao như Việt Á chẳng hạn để làm giàu.
Và nếu chỉ vì lương cao mà cán bộ giỏi ở lại với nhà nước thì chuyện này đừng nằm mơ. Bởi người ta thoát ra khỏi hệ thống nhà nước là tự giải phóng mình, người ta chậm, phân vân, lưỡng lự có nên đi hay không là vì người ta tiếc các khoản đầu tư trước đây, chưa hốt lại được hoặc người ta thấy mình mệt mỏi, không muốn thay đổi, nhắm mắt đưa chân… Chứ thực ra, có nơi nào béo bở, dễ kiếm ăn hơn cái nhãn cán bộ nhà nước ? Và có nơi nào tham nhũng, hối lộ, biển thủ, tham ô dễ dàng hơn chốn công quyền. Nói cho cùng, tiền lương cán bộ nhà nước chỉ là thứ để người ta rởm đời chứ chẳng ra tấm ra mẻ gì với đời sống của họ, ngay cả giáo viên, nếu không dạy thêm được thì tiền lương làm sao họ sống, thực ra, lương chỉ là cái cớ, bởi hệ thống này từ lâu đã nhịp nhàng chạy theo một quĩ đạo khác, vượt ngoài đạo đức và lương tri.
Và với một hệ thống như vậy, kẻ có lương tri và lòng tự trọng sẽ tìm cách tự giải phóng cho bản thân, kẻ cơ hội thì bám lấy. Và việc đề xuất tăng lương cũng giống như tăng cái cớ để người ta tham nhũng, sống xa hoa hơn, hoặc giả tăng mấy đồng cà phê, nước nôi, rượu chè, cho em út ăn hạt dưa, không hơn không kém !
Hay, nói thẳng vào bản chất, uy tín của cán bộ nhà nước hiện nay quá thấp, nhất là khi nhắc đến lĩnh vực năng lực, việc tăng lương cho cán bộ nhà nước cao ngang ngửa hoặc cao hơn nhóm bên ngoài chỉ nhằm mục đích làm đẹp mặt cho nhóm còn bấu chân nhà nước chứ không bao giờ giải quyết được vấn đề đi hay ở lại của cán bộ "tinh hoa" gì đó. Bởi, việc đi hay ở lại tùy thuộc vào căn cơ của cán bộ đó có phù hợp với hệ thống hay không. Hoặc nói ngược lại, hệ thống mà người ta đang làm việc có phù hợp với nguyện vọng của người ta hay không. Mà nguyện vọng thể hiện tư tưởng, căn tính con người.
Hiện tại, muốn thiết lập hệ thống nhà nước hoạt động hiệu quả, trong sạch (trong chừng mực có thể) và có thực lực, thì e rằng đề xuất tăng lương là vô nghĩa. Bởi việc tăng lương góp phần không nhỏ vào tình trạng thị trường lạm phát, đồng tiền mất giá, trong khi đó, bình ổn thị trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phi nhà nước hoạt động để đảm bảo cung - cầu trên thị trường không bị hỏng hóc. Ngay hiện tại, nếu hệ thống xăng dầu tư nhân phát triển mạnh cộng với hệ thống quản lý nhà nước không đến nỗi quá bẩn thỉu thì có lẽ không đến nỗi người dân Sài Gòn và Hà Nội phải rồng rắn xếp hàng chờ đổ xăng.
Bởi ngay từ đầu, việc đào tạo nhân tài, nhân lực và hoạch định chính sách quốc gia đã quá phụ thuộc vào tư duy vật dục, nên sinh ra cớ sự như đang thấy và người ta lại tiếp tục theo đuổi vật dục để điều chỉnh một cách mệt mỏi, tuyệt vọng và không lối thoát !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 08/11/2022