Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tháng Chạp âm ỉ Tết (RFA, 23/01/2018)

Tháng Chạp về với sương mù lãng đãng, mưa xuân phơ phất trên những đám ruộng mạ non… Một cảm giác rất khó tả kéo qua tâm hồn con người. Có thể mỗi người cảm nhận về Tết theo cách riêng của mình, nhưng nhìn chung, dường như cảm thức về thời gian đang chuyển trục, đang quay nghiêng cùng vạn vật, hàng sầu đông vặn mình trút lá thay áo mới, hay trẻ nhỏ trở nên hiếu động hơn và người lớn trở nên tất bật, ưu tư hơn trước một tuổi mới. Hình như đây là cảm nhận chung, niềm tư lự chung của mọi người. Tháng Chạp Việt nam, sau lũ lụt, sau hàng loạt khó khăn, xăng tăng giá, điện tăng giá, vật giá leo thang, dường như Tết cũng rất nỗi niềm !

tet1

Một cụ già bán hàng rong trên phố đi bộ ở Hà Nội trong đêm lạnh tháng Chạp (1/2018) - TTVN

Vật giá leo thang, Tết sẽ buồn hơn

Bà Hương, cư dân Hà Nội, làm nghề buôn thúng bán mẹt, chia sẻ :"Bây giờ ế ẩm lắm, không biết tại sao Tết năm nay mặc dù đã sang tháng Chạp rồi mà vẫn bán ế ẩm, nó khác với mọi năm nhiều. Gần Tết mà hoa bán không được, hoa năm nay cũng xấu do thời tiết xấu, người ta thì ít mua sắm. Không biết lấy gì ăn Tết đây !".

Bà Hương chia sẻ thêm là với tình hình giá xăng tăng, giá điện tăng và mọi thứ vật giá leo thang, trong khi đó người kiếm sống bằng buôn thúng bán mẹt như bà lại gặp quá nhiều khó khăn trong việc kiếm cơm. Trong suốt năm 2017, lực lượng công an, dân phòng các quận, huyện, phường, xã ở Hà Nội đã không ngừng bố ráp các thành phần buôn thúng bán mẹt như bà.

Và kết quả là những người buôn thúng bán mẹt, dựa vào vỉa hè để kiếm sống, nuôi con ăn học, nuôi cha mẹ già đều phải trôi dạt, tan tác, chưa biết đời sẽ về đâu. Mặc dù bị bố ráp, đạp đổ, đánh đập, giằng co, tịch thu… đủ các cực hình, nhưng bà Hương nói rằng bà không thể rời bỏ vỉa hè được, bởi chấp nhận rời bỏ vỉa hè cũng có nghĩa là chấp nhận để mẹ già đói, khát, con thơ thất học. Chính vì vậy, cho dù trời lạnh giá, cho dù cuộc đời bầm dập giữa thủ đô, bà vẫn cứ bất khuất đứng lên để chống lại sợ hãi mà tiếp tục bán hàng rong.

Ngày hết Tết về, mặc dù các anh dân phòng, các bác thương binh dẹp lề đường chịu rét chịu lạnh để ra sức càn quét người buôn thúng bán mẹt, thì những người buôn thúng bán mẹt như bà Hương vẫn quyết bám giữ vị trí, cho dù bị xua đuổi, mất hết mọi thứ vẫn quyết tâm phục hồi sức lực mà tiếp tục cuộc chiến cơm áo gạo tiền, tiếp tục kiếm thêm vài đồng lẻ mà tích cóp mua cái bánh chưng cho mẹ già, sắm bộ áo quần mới cho con trẻ đi học.

Cái công cuộc chiến đấu với lạnh giá và đạp đổ để kiếm cái bánh chưng ăn Tết của bà Hương cũng như nhiều người nghèo buôn thúng bán mẹt nơi mảnh đất ngàn năm văn hiến như Hà Nội sao nghe chan chứa nước mắt và cay đắng !

Mơ hồ hoa đào hoa cúc

Với nhiều nông dân ngoại thành Hà Nội, việc tranh thủ canh tác trên những thửa đất đã bị nhà nước thu hồi để kiếm chút tiền ăn Tết vẫn là công việc chính. Nếu không còn đất canh tác, họ phải trôi dạt tứ xứ làm thuê và họ cũng có thể bị đuổi việc bất kì giờ nào bởi công việc không có hợp đồng, công ty bóp nghẹt người lao động…

Ông Lương Đình Can, một cư dân ngoại thành Hà Nội, chia sẻ :"Người nông dân trồng hoa đào bây giờ không thể đủ sống quanh năm được. Đất bây giờ bị thu hẹp rồi, nhà nước lấy hết đất rồi. Bây giờ không còn hoa đào, không còn đất để trồng nữa đâu. Sau khi nhà nước lấy hết đất mà không tạo công ăn việc làm cho người nông dân, người nông dân phải khổ thôi ! Các công trình mọc lên ngày càng nhiều thì mình hết đất đề trồng trọt, phải đi làm thuê tứ xứ thôi…".

Ông Can nói thêm là cái cảm giác Tết về đối với một người nông dân không còn đất để canh tác như ông thật là buồn cười, nó vừa vô vị, vừa trống rỗng. Bởi một phần do thời tiết năm nay giá rét kéo nhì nhằng, những mảnh ruộng trồng hoa đào, su hào, bắp cải của ông cũng như nhiều gia đình khác không phát triển nổi, nên chuyện kiếm tiền sắm Tết nghe ra có vẻ mơ hồ đối với ông.

Và ông Can cũng nhấn mạnh là cảm giác này chỉ còn trong tháng Chạp năm nay, chứ sang năm sau, các công trình chính thức xây dựng thì người nông dân như ông chỉ còn biết ngồi chơi xơi nước, trông chờ vào con cái chứ chẳng thể canh tác được ở đâu nữa.

Tình trạng những nông dân không còn đất để canh tác như ông Can có vẻ như ngày càng nhiều thêm ở Hà Nội, dường như các công trình bê tông cốt thép ngày càng mọc lên nhiều ở thành phố Hà Nội tỉ lệ thuận với số nông dân không còn đất canh tác, nhận một ít tiền đền bù chẳng thấm vào đâu để rồi đối mặt với vật giá leo thang, nguy cơ ngân hàng phá sàn, người nông dân không biết làm gì ngoài việc gửi tiền vào ngân hàng để kiếm lãi sống qua ngày để rồi mất trắng khi ngân hàng tuyên bố phá sản… Mọi mối nguy ngày càng nhiều thêm.

Bà Lương Thị Một, nông dân ở Ba Vì, Hà Nội, đồng quan điểm với ông Can, chia sẻ :"Mất đất thì bà con thì phải tự tìm công ăn việc làm thôi. Con cháu thì tự xin việc, chúng tôi thì cấy mớ rau, chạy xe ôm hay buôn bán nhì nhằng ngoài chợ quê. Đất canh tác thì nhà nước đã thu hồi mười năm nay nhưng tiền thì chưa trả, chúng tôi già rồi, đâu thể xin làm công nhân hay chạy xe ôm được…".

Bà Một chia sẻ thêm là hiện tại, giá nông sản Việt Nam đã bắt đầu tăng vọt, năm nay vụ mùa nông sản tăng giá gấp sáu lần so với mọi năm. Nhưng bù vào đó, thời tiết khắc nghiệt khiến cho việc trồng trọt quá sức khó khăn, tiền đầu tư cũng tăng lên gấp bốn, gấp năm lần mọi năm, nên đâu cũng vào đó, lợi tức của người nông dân vẫn giẫm chân tại chỗ.

Thêm nữa, sắp tới đây, trong dịp cận kề Tết, cũng như mọi năm, nông sản Trung Quốc sẽ đổ bộ sang Việt Nam và nông sản Việt bị bao vây bởi nông sản Trung Quốc. Như vậy, vật giá leo thang, nông sản thua thiệt, quĩ đất ngày càng eo hẹp… Mọi thứ như đang bao vây người nông dân. Và Tết về, người nông dân trở nên tư lự, buồn bã trước một tuổi mới cũng là điều dễ hiểu.

Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện Thượng Đế thương xót những người nông dân, những người buôn thúng bán mẹt, những lao động nghèo tại Việt Nam mà ban cho họ một cái Tết ấm áp, sum vầy và bình an !

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

**********************

Ngân hàng ngoại rút vốn khỏi Việt Nam do chủ trương phá sản ngân hàng ? (CaliToday, 22/01/2018)

Không biết vô tình hay hữu ý, hai ngân hàng Standard Chartered (Hong Kong) và Standard Chartered (Anh) đã lần lượt đã bán sạch 64,2 triệu cổ phiếu (tương đương 6,25% vốn) và 89,86 triệu cổ phiếu (chiếm 8,75% vốn) của Ngân hàng Á Châu (ACB) vào những ngày cuối năm 2017 và đầu năm 2018, đúng vào lúc chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng đến 48% trong năm 2017 nhưng vẫn chưa chịu dừng lại ở đó. Và cũng ngay trước ngày 15/1/2018 là thời điểm mà Luật về các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực đối với cơ chế cho phép phá sản ngân hàng ở Việt Nam.

Một điểm trùng hợp nữa là cùng thời điểm Standard Chartered thoái sạch vốn khỏi ACB, trên mạng xã hội bất chợt lao xao thông tin sắp có một số quan chức nào đó của ACB bị "nhập kho". Thông tin này, dù chưa được kiểm chứng, vẫn làm cho người ta liên tưởng ngay vụ Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) – ông chủ của ACB bị công an khởi tố và bắt giam vào tháng 8/2012, liên quan đến cả một số quan chức và cựu quan chức cao cấp.

Trước Standard Chartered, BNP Paribas cũng vừa thoái toàn bộ 18,68% vốn của Ngân hàng Phương Đông (OCB) sau 10 năm đầu tư. Sớm hơn nữa, HSBC cũng đã hoàn tất rút toàn bộ vốn sau nhiều năm đầu tư vào Techcombank. Ngân hàng CommonWealth Bank of Australia (CBA) chuyển giao toàn bộ hoạt động kinh doanh của chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB). Còn ANZ Việt Nam cũng đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho ngân hàng Shinhan Việt Nam, để đến tháng 12/2017, Ngân hàng ANZ của Úc đã chính thức chia tay thị trường Việt Nam…

tet2

Ảnh : Zing.vn

Từ giữa năm 2017, ngay sau khi rộ lên thông tin về hàng loạt ngân hàng nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam cùng những đánh giá đây là sự chia tay với một thị trường đã kém hấp dẫn và tính minh bạch chưa cao…, đã xuất hiện vài lời trấn an rằng hiện tượng này chỉ là những trường hợp cục bộ và có tính đặc thù của từng ngân hàng.

Nhưng "những trường hợp cục bộ" như thế lại mang khuynh hướng số nhiều, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp phương Tây rút vốn khỏi thị trường tài chính và tín dụng này.

Không có lửa làm sao có khói. Đốm lửa ấy đã có thể nhen nhóm từ năm 2016. Vào thời gian đó, một chuyên gia kinh tế là ông Lê Đăng Doanh đã khẳng định rằng đang có một xu thế các doanh nghiệp nước ngoài rút lui khỏi thị trường tài chính Việt Nam, mà cụ thể là một số quỹ đầu tư nước ngoài đã bán tháo khoảng 400 triệu đô la cổ phiếu của họ ở thị trường chứng khoán của Việt Nam.

Rõ là đã có một cái gì đó bất bình thường xảy ra trong thị trường tài chính và ngân hàng ở Việt Nam.

Rất cần chú ý là hiện tượng trên lại xuất hiện trong bối cảnh thị trường tín dụng ở Việt Nam đang nổi lên hai vấn nạn – mà nếu không cẩn thận thì có thể trở thành quốc nạn : bế tắc nợ xấu và "phá sản ngân hàng".

Hiện thời, số báo cáo chính thức cho biết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã lên đến 600 ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể 300 ngàn tỷ đồng nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã "xử lý" – mà thực chất chỉ là hành động mua trên giấy, còn số nợ xấu này vẫn y nguyên.

Cộng cả hai khoản nợ xấu trên, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đầy hãnh diện có đến 900 ngàn tỷ đồng nợ xấu, chiếm ít nhất 15% tổng dư nợ cho vay vào khoảng thời gian này.

Những kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 và tháng 10 – 11 năm 2017 đã chỉ có thể "ra nghị quyết", nhưng về thực chất không xử lý được một đồng nợ xấu nào. Cho tới nay, tiến độ xử lý nộ xấu vẫn vô cùng chậm chạp.

Với tình trạng nợ xấu vô phương cứu chữa như thế, rõ ràng hơn bao giờ hết, trong tổng số hơn 30 ngân hàng thương mại đang tồn tại hiện thời, chắc chắn có ít nhất 30% có thể phải "đội nón ra đi", trước khi kế hoạch "tái cơ cấu ngân hàng" đạt mục tiêu giảm phân nửa số tổ chức tín dụng hiện có.

Cho dù Ngân hàng nhà nước hay giới quan chức chính phủ cố giấu nhẹm danh sách những ngân hàng bị liệt vào dạng "tái cơ cấu" – mà về thực chất là phải chấp nhận cho phá sản, dư luận từ nhiều người kinh doanh từ lâu đã đồn đoán về những cái tên hầu như chắc chắn nằm trong danh sách đó.

Trên hết là ba cái tên Ocean Bank – Ngân hàng Đại Dương, GP Bank – Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu, CB Bank – Ngân hàng Xây Dựng – đều là những ngân hàng đại án có lãnh đạo bị bắt vào các năm 2014 và 2015.

Sau đó là DongABank – Ngân hàng Đông Á, PG Bank – Ngân hàng Xăng Dầu Petrolimex, Sacombank – Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín.

Ngoài ra, còn một số ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ nhưng tỷ lệ nợ xấu lại cao, cũng có thể bị phá sản hoặc sáp nhập như : VietA Bank, BacABank, OCB, SaigonBank, VietCapital…

Đó là chưa kể việc trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số báo cáo của những tổ chức nghiên cứu quốc tế, chẳng hạn như hãng tư vấn đánh giá rủi ro Maplecroft, về độ rủi ro chính trị ở Việt Nam tăng lên đáng kể. Theo Maplecroft, thậm chí Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ còn có độ rủi ro chính trị cao nhất trong số 15 quốc gia được khảo sát.

Thực tế tranh giành quyền lực và lợi ích của các phe nhóm chính trị ở Việt Nam, nạn cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương đang ngày càng phổ biến ở đất nước này, kéo theo quá nhiều vấn nạn về kinh tế và xã hội… đang là những dẫn chứng không thể phủ nhận được, bắt buộc giới ngân hàng nước ngoài phải nghiêm túc xem xét lại việc họ ở lại Việt Nam có còn là phương án thật sự an toàn cho tiền của họ hay là không.

Thiền Lâm

***************

Ý dân về việc ông Đoàn Ngọc Hải từ chức (RFA, 23/01/2018)

Dư luận không chỉ ở Sài Gòn và nhiều nơi trong cả nước vừa qua có ý kiến về việc ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch Quận 1, ở thành phố Hồ Chí Minh nộp đơn từ chức vì không dẹp được vỉa hè như tuyên bố.

tet3

Vỉa hè đường Đông Du, quận 1 bị xe gắn máy lấn chiếm trở lại.

Quá trình triển khai lập lại trật tự vỉa hè tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh diễn ra từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2017. Người đứng đầu chiến dịch là ông phó chủ tịch Đoàn Ngọc Hải thu hút khá nhiều chú ý của dư luận qua phát biểu mạnh mẽ là sẽ về vườn nếu không lập lại được trật tự trên vỉa hè đường phố quận trung tâm này. Thế rồi những biện pháp cứng rắn đụng chạm đến một số đơn vị khác như trụ sở ngân hàng, cẩu xe ngoại giao, dẹp tất cả mọi xây dựng mà ông này cho là lấn chiếm bất chấp mọi suy xét gia cảnh người già, khuyết tật…

Truyền thông trong nước tốn khá nhiều giấy mực về quá trình dẹp vỉa hè do ông Đoàn Ngọc Hải đứng đầu ; cũng như khi ông này đệ đơn từ chức vào đầu tháng giêng vừa qua.

Còn đối với người dân thì "Không quan tâm nhiều. Không, không có suy nghĩ quan tâm về mấy việc đó. Ổng làm gì ổng làm. Cô không để ý mấy chuyện đó. Ai cứ lo cho dân cơm no áo ấm là được rồi. Chứ còn ông nào cũng được. Nhưng mà tốt nhất ông nào cũng vậy, nên quan tâm đến đời sống của người dân nhiều hơn".

Riêng những người quan tâm thì cho rằng, ông Hải đã có một số quyết định không hợp lòng dân. Như họ nhận xét là ‘không có lý’. Một người dân nhận xét :

"Ổng từ chức thì phải có lý do tại sao ổng từ chức. Trong quá trình ổng làm thì cũng có những cái ổng làm đúng, có những cái ổng làm sai.

Em hỏi hết những người dân trong khu vực, xung quanh đây coi. Người ta nói người ta không quan tâm tới ổng tại vì ổng làm với chính sách không có đúng. Nhiều người còn thấy ổng đi là phải rồi, tại vì ổng nói ổng làm không được thì sẽ ‘phơi áo’. Người ta nghĩ rằng ổng làm không hợp lòng dân. Bây giờ chính sách đổi lại như chủ tịch thành phố nói sẽ xem xét. Tại vì cuộc sống của người ta sống lề đường, người ta bán này nọ nè mấy chục năm giờ kêu dẹp người ta đi làm cái gì ?

Còn cái quan tâm về vấn đề ổng từ chức không tự ổng biết thôi. Ổng làm cái gì sai trái thì ổng biết thôi. Như cái khách sạn New World người ta ổng cưa luôn. Nguyên cái khách sạn người ta mua tiền không chớ".

Nhưng nhìn nhận ở góc độ dọn dẹp để vỉa hè có quy củ, có người nhận xét tích cực về chiến dịch này, rằng việc làm của ông Hải là một điều tốt.

"Ờ thì rất là tốt, nhưng mà nếu minh không ra quân để dọn dẹp nữa thì tái phát lại, tái chiếm vỉa hè gây khó khăn".

"Tiếc chứ, ông ấy là một con người năng động quá. Ông thẳng thắn, làm được việc, dám nói dám làm. Mong muốn ông ấy tiếp tục công tác và có nhiều người như ông Hải thì đất nước thành phố mình sáng sủa".

Trong thực tế hiện nay ở quận 1, vẫn còn nhiều vỉa hè đang bị xe máy chiếm đóng, tức là tái phát lại tình trạng cũ. Ngang qua con đường Đông Du, xe máy chiếm hơn 2 phần 3 vỉa hè.

Ngay ngã tư Đông Du với Hai Bà Trưng, xe máy dựng trước các cửa hàng cà phê chỉ còn chừa đủ cho một người đi bộ.

Hay như một đoạn vỉa hè trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 cũng tương tự. Các quán ăn bày bàn ghế lấn chiếm hết vỉa hè.

Có thể thấy rằng, ông Hải cũng đã cố gắng dọn dẹp trật tự vỉa hè nhưng xem ra làm chưa đến nơi đến chốn. Nguyên do cũng như người dân đã nói, là ông này làm việc còn nhiều chỗ không hợp lý dẫn đến việc người dân chưa phục. Khi người dân chưa phục thì việc chấp hành không thể nào tốt được.

Hậu quả để lại của chiến dịch này không chỉ tổn hại trong lòng người dân mà còn cơ sở vật chất của các căn nhà, vỉa hè, bảng hiệu của các cửa hàng bị dỡ bỏ. Ví dụ như những căn nhà trên đường Nguyễn Cư Trinh vẫn còn đó vết tích đập phá. Người dân kể từ ngày đó vẫn phải dùng cầu thang để leo lên nhà mình. Rất bất tiện nhưng ai cũng âm thầm không dám nói ra nhiều cũng bởi sợ phiền phức khi phản ánh, sẽ bị sách nhiễu làm ảnh hưởng đến việc buôn bán của mình.

"Dẹp vừa vừa thôi chứ dẹp quá chân người ta đi lên đi xuống cũng đau".

Bà này vừa cho hay, kể từ khi bị đập phần trước và buộc phải ra vào nhà bằng cầu thang. Bà mệt mỏi vì đôi chân bị đau khớp.

Có ý kiến cho rằng cần phải tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư trước khi đưa ra một quyết định nào liên quan đến họ. Thực tế cho thấy nhiều kế hoạch thiếu công tác này gặp thất bại khi triển khai.

Published in Việt Nam