Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một bài viết trên tạp chí của Ban tuyên giáo trung ương hôm giữa tháng 2 ở mục Nói đúng-Viết đúng cho rằng báo chí không nên đưa tin cổ xúy cho những trào lưu, lối sống ‘khác người’ vì không mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng.

loisong01

Cảnh rước dâu bằng xe đạp - Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP Photo

Trào lưu, lối sống ‘khác người’ mà bài báo đăng trên Tạp chí của Ban Tuyên giáo trung ương đề cập đến là những đám cưới của giới trẻ hiện nay được thể hiện theo nhiều phong cách mới mẻ. Ví dụ như rước dâu bằng cách trang trí hoa cưới trên xe công nông, xe tải, xe ba gác hoặc xe container...

Tư duy lạc hậu

Tác giả bài viết có tựa "Báo chí không nên cổ xúy cho những trào lưu, lối sống "khác người" cho rằng những lối sống "khác người" đó có thể tạo niềm vui nhất thời cho các bạn trẻ nhưng lại không phù hợp với nếp sống văn minh… do đó báo chí nếu đưa tin thì vô hình trung lại cổ xúy cho trào lưu, lối sống không phù hợp.

Nhìn nhận về vấn đề trên, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh triết, hôm 13/3 cho rằng :

"Đây là một tư duy hồ đồ và lạc hậu, khi đã nói đến loài người, nhân loại là nói một quá trình liên tục xưa và nay… Bây giờ nếu rước dâu bằng các cỗ xe song mã có được không ? Hay là rước dâu theo lối đi kiệu có được không ? Vậy tại sao lại ngăn cấm cái này, vớ vẩn ! Cho nên người ta trang trí một cái xe công nông để người ta rước dâu là chuyện bình thường. Vấn đề là đến đèn đỏ thì phải dừng, đi theo bên phải, không chạy quá tốc độ, người lái không được uống rượu… cái đấy mới là cái đáng nói, nhưng ở đây là một cái não trạng gọi là cậy quyền, khi mình có quyền thì mình muốn ban phát cái suy nghĩ của mình, bắt mọi người phải nghe theo".

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư liệu của Đài truyền hình HTV, hôm 13/3, nhận định rằng cách dùng chữ ‘khác người’ của tác giả là một cách dùng "gậy ông đập lưng ông", phản tác dụng. Ông Già giải thích thêm :

"Viết báo với chữ nghĩa như vậy phô bày ra bản chất báo chí của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ là công cụ tuyên truyền. Họ muốn người dân nghe, tin theo những gì mà họ tuyên truyền. Điều này càng tố cáo sự đơn nguyên trong xã hội độc đảng toàn trị. Và cái quan trọng nhất là tính đơn nguyên làm cho xã hội trở nên nhàm chán, nhạt nhẽo, vì ai cũng giống ai. Tính đơn nguyên này quan trọng là vì nó làm cho xã hội không còn sáng tạo, không còn phát minh, vì vậy nhân tài cũng biến mất… Đó là cách nhìn nhận về bài báo nói riêng và cũng như trong xã hội độc đảng toàn trị nói chung".

loisong02

Đọc báo tường - Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội năm 2020. AFP Photo.

Và mơ hồ

Bài viết được đăng trên Tạp chí điện tử của Ban Tuyên giáo Trung ương ở mục "Nói đúng-Viết đúng" dễ khiến người xem hiểu lầm đó cũng là cách "nắn gân" của Ban tuyên giáo với giới báo chí, truyền thông ?

Tiến sĩ - nhà báo Hồ Bất Khuất, Trưởng ban biên tập Tạp chí "Gia đình và Trẻ em", khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho biết :

"Làm báo là phải tuân theo nguyên tắc đầu tiên đó là tôn trọng sự thật, chỉ nói sự thật thôi. Đương nhiên đã nói là phải nói sự thật, còn có những sự thật không nói được thì thôi, đành thế, rất tiếc là sự thật đấy không nói được. Thứ hai là báo chí Việt Nam thì có tổng biên tập, mình có thể viết nhưng người ta không in, biết chắc người ta không đăng cho mình thì cũng chả viết làm gì, thành ra nhiều sự thật đáng tiếc là chưa nói được".

Nhiều người cho rằng nếu cần phải góp ý với báo chí thì tác giả bài viết nên "lên án" những tin giả gây hoang mang trong xã hội, đi ngược lại nguyên tắc đầu tiên của báo chí đó là tôn trọng sự thật như nhà báo Hồ Bất Khuất nhận định. Mà cụ thể có thể kể ra đó là sự việc xảy ra vào tháng 8/2021, trên trang Facebook cá nhân của người có tên Khoa tự nhận mình là bác sĩ, kể lại chuyện mình rút ống thở của cha mẹ ruột để cứu một sản phụ mang thai đôi. Sau đó, câu chuyện được Phó tổng biên tập báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Hiển và một cựu nhà báo của truyền thông Nhà nước là Hoàng Nguyên Vũ đưa lại trên Facebook cá nhân. Câu chuyện này cũng được nhiều tờ báo loan nhưng cuối cùng sự thật được đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận là "chuyện hư cấu, bịa đặt".

Dư luận cho rằng, câu chuyện "bác sĩ Khoa" là hậu quả của việc tuyên truyền sai sự thật được Đảng cộng sản sử dụng để bảo vệ Đảng từ ngày thành lập. Chỉ đến khi bị cư dân mạng phân tích những điểm vô lý thì câu chuyện biến mất cùng tác giả.

Nguồn : RFA, 13/03/2023

Published in Việt Nam