5 tháng, khách quốc tế đến Việt Nam vượt mốc 5 triệu người (VnEconomy, 29/05/2017)
Trong đó, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt mức tăng trưởng 55,5%, lên 1,57 triệu lượt người...
Khách du lịch đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không, sau đó đến đường bộ và đường biển.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2017 đạt 972.800 lượt người, giảm 9,2% so với tháng trước nhưng tăng 26,8% so với cùng kỳ 2016.
Tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 5,257 triệu lượt người, tăng 29,6% so với cùng kỳ. Khách du lịch đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không, sau đó đến đường bộ và đường biển.
Trong 5 tháng đầu năm nay, khách đến từ Châu Á đạt 3,82 triệu lượt người, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước.
Khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng như : Khách Trung Quốc đạt 1,57 triệu lượt người, tăng 55,5% ; Hàn Quốc đạt 889.200 lượt người, tăng 40,9%...
Khách đến từ Châu Âu ước tính đạt 873.400 lượt người, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước.
Khách đến từ Châu Mỹ đạt 370.100 lượt người, tăng 11,1% so với cùng kỳ, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 268.300 lượt người, tăng 9,2%.
Khách đến từ Châu Úc đạt 172.300 lượt người, tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong khi khách từ Châu Phi tăng 34% lên mức 14.900 lượt người.
Dự kiến ngày 29/5 tới đây, Quốc hội biểu quyết về Luật Du lịch sửa đổi nhằm hiện thực quá Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về việc đưa ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với doanh thu đạt 35 tỷ USD năm 2020.
Bạch Dương
*******************
Du lịch địa phương than không được hợp tác quốc tế (TBKTSG, 29/05/2017)
Nhiều hiệp hội du lịch quốc tế muốn hợp tác nhưng Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lại không thể bắt tay để thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp do vướng quy định.
Du khách nước ngoài đi tour Cần Thơ. Ảnh: Đào Loan
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thì hiệp hội địa phương không được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế. Việc này khiến hiệp hội không thể trực tiếp thực hiện hợp tác cũng như nhận tài trợ của các hiệp hội du lịch nước ngoài hay các tổ chức quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp.
"Phần lớn doanh nghiệp du lịch có quy mô nhỏ, cần sự hỗ trợ về kinh nghiệm quản lý, các chương trình hợp tác để hoạt động tốt hơn nhưng chúng tôi lại không thể thực hiện được trong khi nhiều tổ chức quốc tế lại sẵn sàng cùng làm việc", bà Khánh nói với TBKTSG Online. Bà cho biết thêm hiệp hội đã thực hiện vài chương trình ký kết hợp tác như chương trình hợp tác với phía Đài Loan trong thời gian gần đây nhưng phải được hiệp hội du lịch trung ương cho phép.
Quy định mà bà Khánh nhắc đến là mục 13, điều 23, chương IV của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP về quyền của hội. Điều khoản này quy định, cơ quan trung ương hội có phạm vi hoạt động trong toàn quốc được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hội hoạt động, cơ quan quyết định cho phép thành lập hội về việc gia nhập tổ chức quốc tế tương ứng, ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Vì quy định chưa hợp lý kể trên, hiệp hội sẽ kiến nghị để được phép tự thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế nhằm chủ động hơn trong các hỗ trợ doanh nghiệp thành viên.
Kiến nghị này nằm trong danh sách các kiến nghị để giúp thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp nhằm góp phần cho du lịch tăng trưởng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. "Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị chúng tôi đề xuất, kiến nghị những việc cần làm để doanh nghiệp trong ngành hoạt động hiệu quả hơn vì mục đích phát triển chung. Chúng tôi đang chuẩn bị để trình thành phố", bà Khánh nói.
Dự kiến, danh sách này sẽ bao gồm các đề xuất cho doanh nghiệp được tự chủ hơn trong hoạt động, loại bỏ những quy định xin phép tổ chức kinh doanh rườm rà, mất thời gian, được tính thuế rõ ràng và hợp lý hơn...
Đào Loan
******************
Tạm dừng quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà (RFA, 29/05/2017)
Bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà được đề nghị tạm dừng trong vòng 3 tháng nhằm việc tiếp thu ký kiến về vấn đề này được khách quan.
Đỉnh Bàn Cờ là khu vực gần như cao nhất của bán đảo Sơn Trà. Courtesy of news.zing.vn
Đây là chỉ đạo mà ông phó thủ tướng Việt Nam, Vũ Đức Đam, đưa ra vào chiều ngày 28 tháng 5. Trước đó một hôm, vào ngày 27 tháng 5, truyền thông trong nước loan tin ông Vũ Đức Đam có chuyến đến khảo sát thực tế tại bán đảo Sơn Trà.
Theo phó thủ tướng Vũ Đức Đam thì bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà bắt đầu được soạn thảo từ tháng 5 năm 2013. Bộ Văn hóa- Thể Thao- Du Lịch chủ trì và phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng trong công tác này.
Bản Quy hoạch này được phê duyệt vào tháng 11 năm ngoái và được công bố chính thức vào giữa tháng 2 năm nay. Ngay sau khi bản Quy hoạch này được đưa ra, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có kiến nghị với một nội dung chính là giữ nguyên hiện trạng của bán đảo Sơn Trà, không xây dựng thêm cơ sở lưu trú trên đó.
Vừa qua, sau khi tin tức về 40 móng biệt thự xây dựng không phép trên bán đảo Sơn Trà được loan đi, đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có tâm thư gửi thủ tướng về sai phạm đó. Một chiến dịch kêu gọi cộng đồng lên tiếng vì sự tồn vong của bán đảo Sơn Trà cũng được công khai trên mạng xã hội.
******************
Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1 (RFA, 29/05/2017)
Nhà máy thép Formosa, từng gây thảm họa môi trường biển kể từ tháng 4 năm ngoái, vào chiều ngày 29 tháng 5 chính thức vận hành thử nghiệm lò cao số 1.
Nhà máy thép Formosa, từng gây thảm họa môi trường biển kể từ tháng 4 năm ngoái, vào chiều ngày 29 tháng 5 chính thức vận hành thử nghiệm lò cao số 1. Courtesy VietnamNet
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Việt Nam, ông Hoàng Dương Tùng, xác nhận như vừa nêu tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 cũng vào chiều ngày 29 tháng 5.
Vị viên chức của Tổng cục Môi trường Việt Nam cho biết sau 24 tiếng đồng hồ thử nghiệm sẽ có được những kết quả bước đầu. Để giám sát việc bắt đầu thử nghiệm lò cao số 1 của nhà máy thép Formosa, theo ông Hoàng Dương Tùng thì từ tuần trước đoàn giám sát của các bộ- ngành, các nhà khoa học trong nước, cũng như cơ quan chức năng địa phương đến tại khu vực nhà máy ở Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Cho đến nay nhiều ngư dân và người dân chịu tác động bởi thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa xả hóa chất trực tiếp ra biển vào đầu tháng tư năm ngoái cho biết vẫn chưa thể ổn định cuộc sống.
Thông tin về biển sạch trước đây của cơ quan chức năng, nhưng rồi lại có cảnh báo hải sản tầng đáy từ 20 hải lý trở vào vẫn chưa an toàn mà chính phó thủ tướng Trương Hòa Bình đưa ra gần đây khiến nhiều người dân hoang mang.