Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhà thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm chính trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông (RFA, 03/03/2020)

Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc là đơn vị tổng thầu chịu trách nhiệm chính trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị đội vốn và chậm tiến độ.

dich1

Một góc đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. AFP

Đây là nội dung Bộ Giao thông và vận tải trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh về việc xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan việc chậm tiến độ, đội vốn của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông.

Theo văn bản trả lời cử tri Thành phố Hồ Chí Minh được truyền thông trong nước trưng dẫn vào ngày 3/3, Bộ Giao thông và vận tải cho biết bộ này là chủ đầu tư của dự án đường sắt Cắt Linh-Hà Đông và một số cơ quan trực thuộc bộ này chịu trách nhiệm về công tác quản lý điều hành dự án, chất lượng lập dự án đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, giám sát tiến độ thi công, chất lượng, giá thành xây dựng…

Bộ Giao thông và vận tải cho biết thêm hiện đang tiến hành rà soát các điều khoản trong hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc để xác định rõ trách nhiệm của các bên và đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, dài khoảng 13km, được dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu đô la Mỹ (USD) và đến năm 2019, dự án đã đội vốn lên đến 886 triệu USD.

Bộ Giao thông và vận tải cho biết đến thời điểm hiện tại, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn chưa được đưa vào khai thác là do một số hạng mục thiết bị cần được hoàn thành xử lý trước khi nhà thầu bàn giao và vẫn đang hoàn thiện đánh giá an toàn hệ thống. Bên cạnh đó, các nhân viên của nhà thầu Trung Quốc chưa thể quay lại Việt Nam làm việc sau đợt nghỉ tết nguyên đán vì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cũng tin liên quan đến đường sắt đô thị tại Việt Nam, truyền thông trong nước trong cùng ngày 3/3 dẫn nguồn từ Ban quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên sắp chạy thử nghiệm và dự kiến sẽ khai thác thương mại vào cuối năm 2021.

Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết dự án đạt tiến độ khoảng 71% khối lượng và đoàn tàu của Metro sẽ được nhập khẩu về nước trong tháng 6/2020. Dự kiến, quý III năm 2020, đoạn trên cao từ Bình Thái về Depot Long Bình (quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương) sẽ được tiến hành chạy thử.

**********************

Thị trường bất động sản Việt Nam và dịch Covid-19 (RFA, 02/03/2020)

Tác động tiêu cực bởi Covid-19

Forbes Việt Nam, vào ngày 24/2, dẫn nguồn từ một báo cáo của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá dịch Covid-19 gây nhiều tác động tiêu cực lên ngành bất động sản nghỉ dưỡng so với các phân khúc còn lại.

dich1

Các villa thuộc Khu Resort Vinpearl Phú Quốc. Mỗi căn trị giá từ 50-70 tỷ đồng. Courtesy : Tùng Thien

Báo cáo vừa nêu ghi nhận "Dịch vụ du lịch và lưu trú bị ảnh hưởng trực tiếp, sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu cho thuê bất động sản du lịch và condotel trong ngắn hạn".

Một người làm việc nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch và bất động sản tại Phú Quốc, không muốn nêu danh tính, khẳng định với RFA báo cáo của Công ty BSC là chính xác. Ông cho biết tình hình du lịch tại Phú Quốc bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 :

"Quá nghiêm trọng. Tại vì tăng trưởng du lịch khoảng ba mươi mấy phần trăm. Còn hiện nay mức tăng trưởng chưa được 5%".

Về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, vị doanh nhân ẩn danh nói rằng mặc dù đây là một thị trường ổn định do mang tính đặc thù ; tuy nhiên thị trường này đã bị giảm sút từ khoảng 1,5 năm trước khi Việt Nam công bố dịch Covid-19.

"Thứ nhất là do liên quan tới quy hoạch, gọi là điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với sức phát triển chung của toàn đảo Phú Quốc, cùng với đầu cơ đất làm cho thị trường bất động sản không đúng với giá trị thực cho nên bị bong bóng".

Có dấu hiệu giảm sút từ cuối 2018

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), ông Nguyễn Trần Nam, tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam diễn ra hồi ngày 27/11/19 cho biết rằng thị trường bất động sản tại Việt Nam trong giai đoạn 3 năm qua gặp nhiều khó khăn và biến động.

Trước đó, VNREA dự báo từ cuối năm 2018, thị trường bất động sản gặp những khó khăn nhất định và có dấu nhiệu giảm sút.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam trưng dẫn số liệu thống kê cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam đi theo chiều hướng giảm trong quý III năm 2019, nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Đài RFA được một nhân viên phụ trách dự án của một công ty kinh doanh bất động sản tư nhân ở Sài Gòn lý giải vì sao thị trường bất động sản Việt Nam bị sút giảm :

"Bị chậm là do một số các dự án ma nhiều quá nên khách e ngại. Một phần nữa là gần tết, người ta không muốn mua đầu tư. Thông thường qua tết thì thị trường mua bán trở lại, nhưng tình hình dịch Covid-19 thì những khách hàng tiền năng rất lo sợ và người ta không đầu tư. Họ lấy tiền, đi ra nước ngoài lánh nạn. Do đó, bất động sản bị ảnh hưởng bởi không có những khách hàng lớn. Còn những khách hàng nhỏ thì họ sợ. Tình hình dịch bệnh căng thẳng, không biết họ có tiền hay không. Vả lại họ cũng ngại đi ra ngoài. Hiện tại, các dự án muốn bán thì phải có các sàn giao dịch mở ra để giới thiệu ; tuy nhiên không được tổ chức nên khách hàng cũng không biết thông tin nhiều. Đồng thời, tâm lý về các dự án ma còn rất nặng nề. Do đó, tình hình bất động sản đều bị ảnh hưởng hết".

Báo mạng Cafebiz.vn, hôm 25/2 còn có bài ghi nhận về thị trường cho thuê mặt bằng kinh doanh và văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh bị tác động lớn do dịch bệnh Covid-19. Tình trạng cho thuê ở trung tâm kinh tế- thương mại lớn nhất Việt Nam được phản ánh là "ế ẩm" mặc dù giá cả cho thuê được giảm xuống rõ rệt.

dich2

Ảnh minh họa : Khách hàng tìm hiểu đầu tư vào dự án bất động sản ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Hình chụp ngày 20/09/15. AFP

Hậu quả ra sao ?

Những người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản mà RFA liên lạc được cho biết không ít doanh nhân trong lĩnh vực này đang gặp tình trạng "sống dở chết dở". Vị doanh nhân ẩn danh ở Phú Quốc nhấn mạnh :

"Nhiều lắm ! Nhiều người bị ‘chết’ là do họ vay, chứ không phải tiền nhàn rỗi".

Ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành của Savills Hotels Châu Á-Thái Bình Dương cũng được Forbes Việt Nam dẫn lời cho biết ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, bên bán gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dòng tiền. Ông Raymond Clement cho rằng sự thiếu hụt dòng tiền sẽ gây ra áp lực tài chính, khiến chủ đầu tư phải bán tài sản hoặc tìm đối tác rót vốn. Vị chuyên gia của Savills Hotels Châu Á-Thái Bình Dương nhận định thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng đến hết quý II năm 2020 và sẽ phục hồi vào sáu tháng cuối năm, nếu như dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.

Về hậu quả trước mắt, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế từng làm việc tại Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc cho rằng hậu quả sẽ có thể rất nhiêm trọng. Từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ Vũ Quang Việt lên tiếng với RFA :

"Sắp tới kinh tế Việt Nam đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Đầu tư địa ốc từ nước ngoài ở Việt Nam có thể sẽ giảm. Do đó, khu vực bất động sản sẽ cực kỳ khó khăn. Như vậy một số ‘đại gia’ trong ngành này sẽ phá sản và sẽ lôi kéo tình trạng khủng hỏang tài chính của Việt Nam".

Giải pháp

Ngân hàng Nhà nước, vào ngày 24/2 ban hành công văn số 1117/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch CCovid-19. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải áp dụng thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-3-2020.

Một vài đại diện của các công ty kinh doanh bất động sản tư nhân ở Sài Gòn và Phú Quốc, Đài RFA có dịp tiếp xúc, cho biết doanh nghiệp của họ được xếp trong danh sách hỗ trợ về tín dụng theo công văn vừa ban hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về dài hạn đối với thị trường bất động sản Việt Nam, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, ở Na Uy lưu ý đến trào lưu những người đến tuổi nghỉ hưu ở Mỹ và phương Tây muốn tìm một nơi thoải mái và rẻ tiền để sống lâu dài lúc về hưu. Do đó, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng Việt Nam là một sự lựa chọn tốt của trào lưu này nếu như Chính phủ Việt Nam chú trọng tạo điều kiện tốt về pháp lý, quyền sở hữu nhà cửa, miễn thuế thu nhập đối với nguồn gốc ở nước ngoài, cải thiện hệ thống y tế… Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ khẳng định :

"Nhiều người Âu, Mỹ chọn nghỉ hưu ở Việt Nam sẽ là những khách du lịch dài hạn, thậm chí trong nhiều trường hợp trở thành những nhà đầu tư. Làm được vậy sẽ giúp ngành du lịch đa dạng hóa nguồn khách du lịch, bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tăng nguồn thu ngoại tệ, kích thích đầu tư trong nước".

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam