Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thái Lan triển khai chương trình bảo vệ mới dành cho người nước ngoài xin tị nạn, nhưng nhiều tổ chức nhân quyền lẫn những người tị nạn đang quan ngại về cơ chế này.

tinan1

Một số người Thượng từ Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan đã bị bắt và đối mặt với việc bị cưỡng chế hồi hương vào năm 2018 (ảnh tư liệu)

Với Chương trình tị nạn mới của Thái Lan, từ ngày 22/9, những người nước ngoài chạy trốn sang Thái Lan vì bị đàn áp ở nước của họ, được cho là có thể nộp đơn lên chính phủ Thái Lan để xin cơ chế bảo vệ. Nếu được phê duyệt, họ sẽ được cấp nơi cư trú hợp pháp tạm thời.

Tuy nhiên, một số người tị nạn ở Thái Lan mà BBC tiếp xúc nói rằng, họ sợ rằng chương trình này sẽ ngăn cản họ xin cơ chế tị nạn, đặc biệt đối với những người bị rớt quy chế tị nạn của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNCHR), sẽ thành đối tượng bị trục xuất, hoặc cưỡng ép hồi hương.

Thái Lan không phải là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về người tị nạn năm 1951 và không có khung pháp lý quốc gia cụ thể để bảo vệ người tị nạn và người xin tị nạn. Vì vậy, với con số khoảng 5.000 người tị nạn và xin cơ chế tị nạn từ khoảng 40 quốc gia, họ là những đối tượng dễ tổn thương vì không nhận được bất kỳ sự bảo vệ nào.

'Sống trong lo sợ'

Thái Lan từ lâu được cho là điểm đến của nhiều người Việt Nam tìm kiếm cơ chế tị nạn, đặc biệt là những người nói rằng họ "chịu sự đàn áp từ chính quyền" khi đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền hay tự do ngôn luận, tự do tôn giáo.

Dù có những tổ chức quốc tế về người tị nạn đóng ở Bangkok nhưng điều khó hiểu là vì Thái Lan không công nhận người tị nạn nên điều các cơ quan này có thể hỗ trợ cho người tị nạn là rất hạn chế.

Theo luật pháp Thái Lan, cảnh sát, nhân viên xuất nhập cảnh, hoặc quân đội đều có quyền yêu cầu bất kỳ ai xuất trình giấy tờ tùy thân. Vì vậy, đối với nhiều người Việt Nam tị nạn ở Thái Lan, mối hiểm nguy về việc bị bắt giữ luôn rình rập, đặc biệt là những giai đoạn cao điểm của các cuộc truy quét.

"Nếu bị bắt thình lình trên đường hay bị cảnh sát bố ráp vào chung cư thì người tị nạn như chúng tôi bị bắt là điều đương nhiên. Sau đó, chúng tôi sẽ được phép gọi điện cho người quen ở Thái Lan cũng như gọi đến UNCHR.

"Tuy nhiên, trong những buổi định hướng với UNCHR, họ cũng nói rõ rằng chúng tôi cần phải giữ kín tình trạng của mình, không nên đi đến những nơi biểu tình hay tranh chấp với người khác.

"Có những trường hợp khi bị cảnh sát bắt và đưa vào Trung tâm Giam giữ Người Nhập cư Trái phép (IDC), UNCHR có thể giúp đưa chúng tôi ra, có khi không, nên điều quan trọng là chúng tôi phải tự bảo vệ mình, không gây chú ý vì có thể gặp rắc rối với người Thái Lan và những người này có thể báo cảnh sát cũng như thành mục tiêu của chính phủ Việt Nam", một người tị nạn giấu tên nói với BBC.

tinan2

Hình ảnh được cho là cuối cùng trước khi ông Đường Văn Thái mặc áo thun màu đỏ bầm, quần cụt đi xe máy trước khi mất tích vào hôm 13/4 trước khi ông mất tích

Ông Đoàn Huy Chương, cựu tù chính trị đã sang Thái Lan tị nạn từ cuối năm 2017 nói với BBC rằng, chương trình bảo vệ tị nạn này không tạo ra không gian an toàn cho người tị nạn, đặc biệt những người đang tìm kiếm quy chế tị nạn hay những người rớt quy chế.

"Có khả năng họ sẽ tìm cách triệu tập những người rớt quy chế lên làm việc, xong xuôi họ sẽ đưa những người này qua IDC và sẽ giam giữ để trục xuất về Việt Nam hoặc hồi hương", ông Chương nói, nêu trường hợp một người quen gần đây đã bị triệu tập và bị giữ tại IDC từ đầu tháng 9 tới nay.

Ông Chương cũng bày tỏ sự hoang mang về những cơ quan như UNHCR, được xem là "lá chắn" bảo vệ những người đã được cấp quy chế tị nạn, nhưng thường không liên lạc được qua đường dây nóng cũng như email.

"Người tị nạn ở Thái Lan phải đối mặt với nhiều chữ "không" : không được an toàn, không có việc làm, không nhận được hỗ trợ, không làm được thẻ ngân hàng, không thuê được nhà ở,...

"Chúng tôi phải tự kiếm sống và làm việc, những người tị nạn không được lao động vì sẽ bị xem là bất hợp pháp. Nếu bị bắt thì sẽ bị kết tội nhưng nếu không làm thì không có ăn, nên dù biết luật thì chúng tôi có khi phải phạm luật để nuôi sống bản thân và gia đình", ông Chương nói.

Hiện có sáu nhóm người Việt Nam và người Thượng xin tị nạn và tị nạn ở Thái Lan như thuyền nhân, cựu tù chính trị, các nhà hoạt động gặp rủi ro, người Thượng, người Hmong và người Khmer Khnom. Các nhóm này còn gặp rào cản về ngôn ngữ và khó hòa nhập vào xã hội Thái Lan.

BBC có dịp thăm một khu người Thượng ở ngoại ô Bangkok, nhiều gia đình sống với nhau trong khu nhà như dãy trọ. Các linh mục người Việt lẫn người Thái thường đến giúp đỡ họ về thực phẩm, chi phí khám chữa bệnh và việc giáo dục của các em nhỏ.

Một gia đình người tị nạn khác nói với BBC rằng, vì thời gian để được đi sang nước thứ ba định cư là khoảng thời gian chờ đợi vô chừng, nên họ rất mong sẽ được quyền làm việc để mưu sinh.

"Số năm đợi chờ cho chương trình tái định cư có thể lên đến chục năm, tôi gặp nhiều gia đình đã ở đây rất lâu. Họ sang đây một mình, rồi lấy vợ, sinh con ở Thái Lan và sống bất hợp pháp suốt chừng ấy thời gian mà vẫn chưa được đi", gia đình này chia sẻ.

Hệ thống mới, hiểm nguy mới

Hồ sơ của Thái Lan trong việc tôn trọng quyền của người xin tị nạn và người tị nạn là một sự hỗn tạp và đây được các tổ chức nhân quyền xem là nguồn cơn của sự lo ngại và bất an về cơ chế sàng lọc quốc gia mới này, rằng chính sách mới sẽ gây tổn hại hơn là giúp ích cho người tị nạn.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rrights Watch), đóng ở Bangkok nói với BBC, điều này tương tự như Thái Lan tạo ra một hệ thống mà họ có toàn quyền quyết định ai là người tị nạn nhưng lại không phải chịu ràng buộc về Công ước về người tị nạn năm 1951 cũng như Nghị định thư năm 1967 của Liên Hiệp Quốc.

"Điều này khiến các cơ quan của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế hệt như một rạp xiếc biểu diễn trò đu dây mà không có lưới an toàn với niềm hy vọng sẽ không có ai bị rơi xuống.

Vấn đề chính các khoản miễn trừ liên quan tới an ninh quốc gia quá rộng, quá mơ hồ nên quan chức Thái Lan có thể rộng tay loại những ai đáng được bảo vệ, và các ủy ban liên ngành do cảnh sát Thái Lan điều phối hoạt động sẽ rất có khả năng "đem cáo thả vào chuồng gà", ông Robertson nói.

tinan3

Một người tị nạn Công giáo Việt Nam đang bế con mình tại nhà ở ngoại ô Bangkok vào ngày 13 tháng 11 năm 2019 (ảnh tư liệu)

Bà Waritsara Rungthong từ Tổ chức Asylum Acces từng nêu thực trạng rằng, hệ thống sàng lọc của Thái Lan đã có lúc ngăn cản một số dân tộc, hoặc người từ các quốc gia cụ thể đăng ký để được bảo vệ tại Thái Lan.

Bà Rungthong cho rằng, những người mà chính phủ Hoàng gia Thái Lan xem là có "vấn đề an ninh đặc biệt", có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến "quan hệ quốc tế", bao gồm "những người trốn chạy khỏi xung đột ở Myanmar, người Rohingya, người Uighur và Bắc Hàn", có thể bị gạt khỏi danh sách.

Ngoài ra, còn có những lo ngại to lớn rằng quy trình của Thái Lan sẽ không minh bạch, chậm chạp và bị tác động bởi những diễn biến chính trị trong nước như chúng ta đã thấy hơn một thập kỷ trước, khi Thái Lan thành lập cái gọi là Ban Tiếp nhận Tỉnh (PAB) ở các trại tị nạn trên sông Thái Lan biên giới Miến Điện. Sau đó hầu như không bao giờ có gặp mặt nào với PAB, dẫn đến việc loại những người Miến Điện khỏi danh sách được xem xét tị nạn.

Ông Robertson nói, việc cảnh sát Thái Lan trục lợi và lạm dụng người tìm kiếm cơ chế tị nạn và người tị nạn đã được tổ chức của ông và những bên khác ghi nhận trên diện rộng. Đồng thời, ông đưa ra cảnh báo nghiêm trọng rằng, tiến trình sàng lọc có thể thiên vị và không công bằng, hoặc mở ra những thỏa thuận 'ngầm' để các cá nhân nhất định có được sự bảo vệ.

Nhà hoạt động từ HRW cho rằng, nếu Thái Lan phê chuẩn Công ước và Nghị định thư về Người tị nạn của Liên Hợp Quốc, thì chương trình này là minh chứng cho Thái Lan sẵn sàng bắt tay thực sự vào việc bảo vệ người tị nạn theo cách có hệ thống hơn, nhưng tại thời điểm này, thực sự còn quá sớm để nói được bất cứ điều gì.

"Trường hợp như Thái Văn Đường bị bắt cóc, chính phủ Thái Lan không thể làm gì hơn ngoài việc điều tra tìm ai phải chịu trách nhiệm và gây áp lực, buộc Việt Nam phải chấm dứt các chiến thuật đàn áp xuyên quốc gia như vậy", ông Robertson nhắc lại, đồng thời nghi vấn về việc vì sao chương trình bảo vệ của Thái Lan này vẫn tiếp tục mà không có cam kết mang tính tiền đề về việc tham gia vào các hiệp ước nhân quyền có liên quan đến việc bảo vệ người xin tị nạn và người tị nạn.

"Có nhiều lo ngại rằng, hệ thống mới này sẽ được Thái Lan dùng để hạn chế đáng kể việc tiếp cận người tị nạn, hơn là nhận về mình trách nhiệm bảo vệ người tị nạn như một phần của hệ thống quốc tế", ông Robertson kết luận.

Nguồn : BBC, 29/09/2023

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Việt Nam