Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân" từ nay sẽ không được đặc xá (RFA, 01/07/2019)

"Hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân" từ nay sẽ không được đặc xá. Đó là một trong những nội dung của Luật Đặc Xá hiệu chỉnh hồi 2018 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019.

toi1

Phiên tòa xử các thành viên Hội Anh Em Dân chủ ở Hà Nội hôm 5/4/2018. Hình minh họa - AFP

Theo đó, những tội danh không được đề nghị xét đặc xá gồm : Tội phản bội Tổ quốc ; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ; Tội gián điệp ; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ ; Tội bạo loạn ; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân ; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một số tội danh khác trong nhóm tội An ninh quốc gia cũng sẽ không được đặc xá gồm : Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Tội phá rối an ninh ; Tội chống phá cơ sở giam giữ ; Tội khủng bố hoặc một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự.

Chính quyền Việt Nam thường dùng các điều luật về An ninh Quốc gia để kết tội những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền ôn hòa hoặc làm im tiếng những phản biện với chính phú trên mạng xã hội.

Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hồi tháng 10/2018 là trường hợp gần nhất được chính quyền Việt Nam đưa từ nhà tù đến thẳng phi trường để sang Mỹ tị nạn khi đang thụ án 10 năm tù giam vì cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".

Chính quyền Hà Nội thường im lặng trước các vụ việc của những nhà hoạt động được trả tự do để sang nước ngoài hoặc chỉ giải thích vì lý do "nhân đạo", "đối ngoại".

*******************

Tù chính trị Nguyễn Văn Điển tuyệt thực (RFA, 01/07/2019)

Tù chính trị Nguyễn Văn Điển đang phải thụ án 6 năm rưỡi tù tại Trại 5, Yên Định, tỉnh Thanh Hóa vào ngày 30 tháng 6 đã gọi điện thoại báo với gia đình rằng ông sẽ bắt đầu tuyệt thực vào ngày 1/7.

toi2

Tù chính trị Nguyễn Văn Điển và Nguyễn Trung Trực hiện đang bị giam tại Trại 5 Thanh Hóa. RFA edit

Nguyên nhân tuyệt thực chưa được nói đến thì cuộc gọi đã bị tắt ngang.

Lâu nay, việc các tù nhân lương tâm tuyệt thực trong tù hầu hết do bị ngược đãi.

Vào ngày 20/6 vừa qua, bà Nguyễn thị Kim Thanh, vợ của tù chính trị Trương Minh Đức sau khi đi thăm chồng tại Trại giam số 6, Thanh Chương, Nghệ An về cũng cho biết chồng bà phải tuyệt thực 10 ngày rồi. Lý do vì thời tiết nóng bức mà quạt điện trong phòng giam bị gỡ đi. Các tù nhân yêu cầu lắp lại quạt nhưng không được đáp ứng.

Tin cho biết thêm ngoài ông Trương Minh Đức còn có các ông Nguyễn Văn Túc, Đào Quang Thực, và Trần Phi Dũng ở Phân Trại 2, Trại 6 cùng tuyệt thực. Tính đến ngày 29/6 vừa qua, những tù nhân này đã tuyệt thực được 19 ngày.

Ngoài ra thân nhân tù chính trị Nguyễn Trung Trực cũng cho biết vào ngày 30/6, ông này đã gọi điện thoại từ Trại giam số 5 ở Thanh Hóa về nhà thông báo sức khỏe ông đang rất yếu.

Xác nhận thông tin này với Đài Á Châu Tự Do vào tối ngày 7/1, anh Nguyễn Quang Trung, con trai tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Trực cho biết :

"Ngày 30 tháng 6 lúc 18 giờ 45 phút từ Trại 5 Thanh Hóa, bố em có gọi về nhà khoảng 20 giây thôi rồi mất tín hiệu. Trong khoảng 20 giây đó thì bố em có nói với người thân là hiện tại rất yếu, mà lúc chưa bị giam tình hình sức khỏe bố rất tốt, không bao giờ than mệt. Nhưng từ khi bị giam thì bố liên tục bị đau đầu, thị lực giảm sút. Bố dường như muốn nhắn nhủ với gia đình một điều gì đó nhưng mất tín hiệu luôn".

Anh Trung cho biết thêm khi mất tín hiệu, gia đình anh có gọi lại nhưng không được. Hiện gia đình anh đang sắp xếp vài ngày nữa ra Trại 5 Thanh Hóa xác nhận tình hình ông Nguyễn Trung Trực.

Vẫn theo anh Nguyễn Quang Trung, vài ngày trước đó phía Trại 5 Thanh Hóa đã gửi giấy về gia đình, cho biết tình hình cải tạo của ông Trực trong trại kém và bị đánh giá là không hợp tác với cán bộ quản giáo.

****************

Công dân Nga - Phạm Văn Điệp bị bắt vì hành vi "nói xấu lãnh tụ" (RFA, 30/06/2019)

Ông Phạm Văn Điệp, một người Nga gốc Việt vừa bị Công an Thanh Hóa bắt tạm giam 4 tháng vào sáng 29/6/2019 để điều tra với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

toi3

Ông Phạm Văn Điệp nghe Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa công bố Lệnh bắt và khám xét hôm 29/6/2019 - Courtesy of baovephapluat.vn

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, ông Điệp thường xuyên "viết, chia sẻ, đăng tải, phát tán các bài viết, hình ảnh, tài liệu và phát trực tiếp các video clip có nội dung xấu nhằm xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng cộng sản, chính sách, pháp luật của Nhà nước".

Ngoài ra ông còn kêu gọi "đa nguyên đa đảng, bôi nhọ, nói xấu lãnh tụ, xúc phạm danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước ; bịa đặt, phỉ báng chính quyền các cấp, kích động nhân dân biểu tình, chống đối, gây rối an ninh trật tự".

Mạng báo TTO dẫn nguồn tin từ công an Thanh Hóa cho biết, từ tháng 3/2019 đến khi bị bắt, ông Phạm Văn Điệp liên tục đăng tải các bài viết và live stream các clip kích động nhân dân biểu tình phản đối dự án xây dựng quảng trường biển Sầm Sơn, gây phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên tài khoản Facebook cá nhân mang tên Phạm Văn Điệp có đăng tải các bài viết liên quan đến các vấn đề nóng trong xã hội Việt Nam, biểu tình Hồng Kông và người dân ở biển Sầm Sơn biểu tình gần đây nhưng lượt tương tác các bài viết thấp.

Tháng 6/2016, ông Điệp bị chính quyền Lào bắt giữ về hành vi "làm, rải truyền đơn chống phá Đảng cộng sản Việt Nam tại tượng đài chiến thắng ở thủ đô Viêng Chăn" và bị kết án 21 tháng tù giam với cáo buộc tội "sử dụng lãnh thổ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào chống lại nước láng giềng".

Sau khi ra tù, ông Điệp bị dẫn độ về Việt Nam và tiếp tục mở một trang facebook để đưa các thông tin.

Ông Phạm Văn Điệp là trường hợp mới nhất bị bắt giữ vì liên quan đến nhóm tội về An ninh quốc gia. Chính quyền Việt Nam thường chối bỏ trước thế giới việc bắt giữ và kết án các nhà hoạt động ôn hòa và cho rằng chỉ có những người phạm tội hình sự bị bắt giữ.

*******************

Vẫn tồn tại những quy định trái ngoe, lối suy luận nguy hiểm (RFA, 01/07/2019)

Bị phạt do cách suy diễn

Khi dư luận xã hội bàn luận, phản ứng về cách xử phạt của giới chức Hà Nội đến cao trào thì bà Ninh Thị Thu Hương cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đứng ra giải thích với truyền thông trong nước "cặn kẽ" rằng cụm từ "Mở Lon Việt Nam" trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu vi phạm thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam là do, từ "lon" đứng một mình, không gắn với từ Coca Cola hay một từ khác có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào từ đó thì nó có rất nhiều vấn đề và không còn sự trong sáng.

toi4

Một dây truyền sản xuất lon Coca Cola tại Việt Nam (Ảnh minh họa). AFP

Việc giải thích của bà Thu Hương liệu có thỏa đáng và khiến "làn sóng" tranh cãi xung quanh việc xử phạt này dịu đi. Phó giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ học Hoàng Dũng từ Sài Gòn chia sẻ với RFA : "Việc Bộ Văn hóa ra công văn như vậy cũng là chuyện bình thường tại Việt Nam và nó xuất hiện không chừa Bộ nào nên không có gì làm lạ".

"Ở trong một nước mà pháp luật tử tế hơn thì đố dám cơ quan nhà nước mà ra lệnh kiểu đó được. Bởi vì họ phải đối diện trước những người bị thiệt hại họ đưa lệnh đó ra tòa, mà tại Việt Nam chẳng ai đưa được cơ quan nhà nước ra tòa cả mà người ta có tính toán đưa ra tòa thì thiệt hại cũng là mình mà thôi nên người ta không làm. Thì điều này nó nuôi dưỡng cái văn hóa tùy tiện, các cơ quan nhà nước ưa nhận định gì thì nhận còn doanh nghiệp chịu thiệt hại".

Cùng quan điểm này, Phó giáo sư tiến sĩ Mạc Văn Trang người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục khẳng định rằng :

"Việc quảng cáo đó cũng tếu thôi nhưng nó chẳng vi phạm điều gì cả mà đi bắt bẻ kiểu đó rất là lôi thôi, người quản lý này tự suy diễn ra một cách không ra sao cả".

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương chuyên gia nghiên cứu xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có nhận định rằng, thông thường những quy định như thế thường xuyên diễn ra nhưng rồi bị trôi đi vì không mấy ai để ý nhưng đối với trường hợp này thì mọi người lại đặc biệt quan tâm.

"Tôi đoán bởi vì nó liên quan đến Coca một hãng quá lớn và hầu như ai cũng biết đến họ nên người dân cảm thấy hào hứng để bàn tán về chuyện đó. Cái lon thì cái chữ này rất là bình thường nhưng có thể vì nhiều ý nghĩa nên mọi người chỉ vào bàn cho vui, hào hứng thôi"

Cần các qui định bổ sung

Tại Việt Nam, trước khi một chiến dịch quảng cáo được phát trên truyền thông, các doanh nghiệp đều phải thực hiện bộ hồ sơ chi tiết, gửi đến các cơ quan có thẩm quyền kiểm duyệt và ra quyết định cho phép quảng bá chứ không có chuyện doanh nghiệp muốn quảng bá, muốn ghi gì thì ghi.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA về vấn đề này :

"Nhà nước là nhà nước Pháp quyền khi xử sự không đúng với những quy định pháp luật bởi vì nó phải thành luật định khi hạn chế quyền là hạn chế quyền tự do kinh doanh là phải theo luật định và cụ thể. Những quyết định hành vi hành chính như vậy thì người ta có thể khởi kiện vì luật có quy định rõ thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục".

Luật sư Hậu cho biết thêm, hiến pháp Việt Nam 2013 là bản hiến pháp được xem là tiến bộ rất nhiều nói về quyền công dân và quyền con người. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thì có rất nhiều văn bản dưới luật trái với quy định pháp luật.

"Tính riêng trong năm 2017 Bộ Tư pháp phát hiện hơn 5.000 văn bản trái với quy định pháp luật mà những thể thức văn bản đó đồi hỏi nhiều vấn đề sở dĩ ra khoai là do cách hiểu trình độ và năng lực. Do đó sắp tới đây chúng tôi có đề nghị với cơ quan lập pháp hoàn thiện cơ chế để kiểm soát văn bản xem có vi hiến hay không công việc đó của nhà Lập Pháp. Phải có cơ chế đánh giá tác hại của những văn bản trái luật nó xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích cá nhân và đồng thời chúng ta phải nghiên cứu đề xuất cơ chế trách nhiệm bồi thường việc nhà nước ban hành những văn bản trái Pháp luật và Hiến pháp".

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ việc gây tranh cãi trong dư luận như vậy. Vào ngày 13/2/2019, trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh ra quy định yêu cầu các ngành đào tạo giáo viên tuyển thí sinh nam phải cao 1.55m trở lên và 1,5 m trở lên đối với nữ. Quy định này đã không nhận được sự đồng tình từ dư luận vì trong luật giáo dục không có quy định nào về tiêu chuẩn chiều cao đối với các giáo viên.

Trước đó năm 2008, Bộ Y tế cũng ban hành quy định cũng được xem là gây phản cảm trong xã hội về "ngực lép không được lái xe" ngay sau đó Bộ Tư pháp có ý kiến cho rằng văn bản pháp quy đó ban hành chưa phù hợp nên đã dừng lại.

Published in Việt Nam