Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tội phạm ma túy của người nước ngoài gia tăng tại Việt Nam (RFA, 14/02/2020)

Người nước ngoài phạm tội ma túy ở Việt Nam gia tăng và tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp trong những năm vừa qua.

matuy1

11 nghi phạm, trong đó có 8 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam vận chuyển 300kg ma túy đá bị Công an Việt Nam bắt giữ hôm 20/3/19. AFP

Truyền thông trong nước, vào ngày 14/2 dẫn nguồn từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, thuộc Bộ Công an cho biết thông tin vừa nêu.

Theo ghi nhận của cơ quan này thì các đối tượng phạm tội ma túy người nước ngoài tập trung chủ yếu ở khu vực biên giới "tam giác vàng" Việt Nam-Lào-Campuchia và Việt Nam-Trung Quốc để chuẩn bị vận chuyển ma túy đến nơi tiêu thụ.

Các đối tượng phạm tội ma túy người nước ngoài được nói là có cấu kết với người trong nước, thường thuê người dân tộc thiểu số để làm môi giới, canh gác và vận chuyển ma túy.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy đánh giá tình hình tội phạm ma túy của người nước ngoài trong những năm qua vẫn tiềm ẩn và phức tạp. Các đường dây vận chuyển ma túy này không chỉ tiêu thụ trong Việt Nam mà còn chuyển đi nước thứ 3.

Đáng chú ý, các đối tượng người nước ngoài còn lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp để sản xuất ma túy tổng hợp trái phép. Điển hình, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên, ở tỉnh Kon Tum hồi đầu tháng 6 năm 2019 bị phát hiện sản xuất ma túy tổng hợp trái phép, với 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ dự định sản xuất được 1 tấn ma túy tổng hợp dạng "đá". Trong vụ việc này, có 7 đối tượng bị bắt giữ và 2 trong số đó là người Trung Quốc.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy dự báo trong thời gian tới, số lượng người nước ngoài liên quan tội phạm ma túy sẽ tiếp tục gia tăng tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nước có điều luật hà khắc nhất thế giới đối với tội phạm ma túy. Người bị kết án sở hữu hoặc vận chuyển hơn 600 gram heroin hoặc hơn 2,5 kg Methamphetamines có thể bị tử hình.

Hồi tháng 11 năm ngoái, các tòa án tại Việt Nam đã tuyên án tử hình ít nhất 20 người về các tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

*******************

Lưu hành bản đồ vi phạm chủ quyền quốc gia bị phạt đến 50 triệu đồng (RFA, 13/02/2020)

Ngày 12/2, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 18/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

matuy2

Nghị định 18 quy định xử phạt 50 triệu nếu lưu hành bản đồ vi phạm chủ quyền quốc gia (Hình minh họa về trường hợp xe Volkswagen có bản đồ đường lưỡi bò) Courtesy of VnExpress - RFA edited

Theo quy định mới, tổ chức hoặc cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Các hành vi vi phạm bao gồm việc xuất bản và lưu hành bản đồ thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia ; hoạt động đo đạc và bản đồ không đúng hay tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch với nội dung giấy phép hoạt động.

Ngoài ra, tùy tính chất và mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ từ 3 đến 12 tháng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc trục xuất.

Chính phủ cũng vừa sửa đổi Nghị định 17/2020/NĐ-CP và bổ sung thêm quy định tạm dừng hiệu lực và thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền vào Nghị định 116/2017/NĐ-CP.

Doanh nghiệp có 6 tháng, kể từ ngày bị tạm dừng hiệu lực giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô, để khắc phục hoàn toàn vi phạm để được xem xét hủy bỏ việc tạm dừng hiệu lực giấy phép. Nếu không, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh.

Published in Việt Nam