Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Gần 600 ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt (RFA, 05/05/2017)

Gần 600 ngư phủ Việt Nam bị bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép trên vùng biển Indonesia thời gian qua.

dan1

Ngư dân Việt Nam bị cảnh sát nước ngoài bắt do đánh cá bất hợp pháp ngày 24/5/2016. AFP photo

Tin từ Đại sứ quán Việt Nam ở Jakarta cho biết ngư dân và tàu thuyền Việt Nam đến vùng biển Indonesia để đánh bắt cá càng ngày càng nhiều. Họ đã bị tuần duyên Indonesia bắt giữa và đưa vào các đảo lân cận để xử lý. Tòa Đại sứ Việt Nam ở Jakarta đã yêu cầu nhà chức trách Indonesia trả lại tài sản và cho phép những người bị bắt được trở về vì lý do nhân đạo.

Số liệu chính thức của Indonesia cho thấy con số ngư dân bị bắt gồm 580 người và 72 tàu cá từ các tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Kiên Giang, Phú Yên, Bình Thuận.

Tuy nhiên theo người phụ trách công tác lãnh sự trong đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia, ông Nguyễn Thanh Giang, những con số ngư dân bị bắt mà cơ quan chức năng Indonesia đưa ra không trùng khớp với thực tế. Ông nói tòa đại sứ Việt Nam ở Ondonesia đang tìm hiểu và cập nhật thông tin liên quan trong công tác bảo hộ công dân để sớm đưa họ về nước.

******************

Dân lại bắt giữ viên chức để phản đối lấy đất (RFA, 05/05/2017)

Một nhóm công nhân, kỹ thuật viên bị người dân huyện Lục Nam, Bắc Giang bắt giữ khi chuẩn bị thực hiện đo đạc xác định ranh giới xây dựng dự án công viên nghĩa trang An Phúc Viên.

dan2

Nhiều người cao tuổi trong thôn Vườn, xã Cương Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang)  đang hoang mang, lo lắng không đồng tình  trước việc dự án siêu nghĩa trang An Phúc Viên sắp hình thành trên đỉnh núi Niêng (ảnh nguồn Giáo dục Việt Nam)

Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, ông Hà Quốc Hợp, xác nhận vụ việc xảy ra sáng thứ Sáu, 5 tháng 5, ở xã Cương Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang. Cũng theo ông, chính quyền địa phương có mặt kịp thời để xử lý vụ việc.

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định số 156/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Công viên nghĩa trang An Phúc Viên. Quyết định này đang gây bức xúc cho người dân địa phương.

Ngày 15 tháng 4 vừa qua, khoảng 30 nhân viên công lực bị người dân thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức bắt giữ để yêu cầu chính quyền giải quyết thỏa đáng giải toả đất đai. Cuộc khủng hoảng chỉ được giải quyết vào sáng ngày 22 tháng tư, ông Nguyễn Đức Chung cùng các một số sĩ quan cao cấp của bộ Công An xuống làng Đồng Tâm, đối thoại với người dân và ký giấy hứa không truy tố dân làng cũng như sẽ điều tra vụ đất đai.

****************

Thủ tướng phê duyệt danh sách thôn xã đặc biệt khó khăn (RFA, 05/05/2017)

dan3

Xóm ghe ở thành phố Hồ Chí Minh. AFP photo

Hơn 20 ngàn thôn, xã, tỉnh, nằm trong danh sách được Thủ tướng chính phủ phê duyệt thuộc diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020.

Tin từ báo chính phủ cho biết hôm thứ Sáu, ngày 5 tháng 5.

Danh sách được phân chia thành các khu vực, trong đó có 51 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các tỉnh có nhiều thôn đặc biệt khó khăn như Lào Cai, Sơn La, Nghệ An, Điện Biên, Lạng Sơn.

Theo quyết định 50/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, tiêu chí xác định thôn xã tỉnh đặc biệt nghèo bao gồm tổng tỷ lệ hộ nghèo và tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hoá.

********************

Mỹ điều tra tủ nhập từ Việt Nam bán phá giá (RFA, 05/05/2017)

Hoa Kỳ mở cuộc điều tra bán phá giá đối với tủ đựng dụng cụ nhập khẩu từ Việt Nam.

dan4

Mỹ điều tra tủ nhập từ Việt Nam bán phá giá (Nguồn : Vũ Sinh/TTXVN)

Báo Kinh Tế Đô Thị của Việt Nam cho hay Cục Quản Lý Cạnh Tranh thuộc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đang thụ lý đơn kiện chống việc bán phá giá của tập đoàn sản xuất nội địa Waterloo Industries liên quan đến mặt hàng tủ đựng dụng cụ từ Việt Nam nhập vào Mỹ.

Đơn kiện của Waterloo Industries nói rằng sản phẩm tủ Made In Vietnam đưa vào Mỹ có giá thấp hơn khiến ngành sản xuất nội địa bị thiệt hại vì việc bán phá giá này.

Tin nói Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế của Hoa Kỳ sẽ công bố quyết định vào ngày 26 tháng này. Bước sang tháng Bảy Bộ Thương Mại Mỹ sẽ có quyết định cụ thể về việc chống bán phá giá và áp thuế trên sản phẩm bán pha giá từ Việt Nam.

Mặt khác Hoa Kỳ cũng gia hạn việc áp thuế chống phá giá đối với mặt hàng tôm đông lạnh từ Việt Nam nhập vào Mỹ.

Tiếp tục áp thuế chống phá giá thêm 5 năm là quyết định của Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Mỹ ITC vào ngày 2 tháng Năm sau khi bỏ phiếu thông qua việc tiếp tục áp thuế chống phá trên sản phẩm tôm đông lạnh từ Việt Nam bán qua thị trường Hoa Kỳ.

******************

Vấn đề điều hành Quỹ bảo hiểm xã hội tại Việt Nam (RFA, 05/05/2017)

dan5

Người bệnh chờ khám tại Bệnh viện nhiệt đới Hà Nội hôm 5/8/2009. AFP photo

Nhiều quan ngại được nêu ra liên quan quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam trong thời gian gần đây.

Bội chi

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2016 đã có 45 tỉnh, thành bội chi quỹ khám chữa bệnh với số tiền 5.500 tỷ đồng, trong đó có tới 9 tỉnh, thành phố có số tiền vượt quỹ lớn hơn 200 tỷ đồng.

Tiến sĩ - Bác sĩ trung tá quân đội Đinh Đức Long nhận định nguyên nhân dẫn đến tình trạng bội chi này :

Nguy cơ vỡ là do lạm dụng quỹ, sử dụng không đúng mục đích thôi. Người ta đem cho vay, làm sai mục đích. Trước nguy cơ sắp vỡ người ta kéo dài tuổi nghỉ hưu, vì người nghỉ hưu nhiều quá sẽ không có tiền để trả. Trong bệnh viện chúng tôi còn có trường hợp trục lợi bảo hiểm y tế. Một ngày người ta khám nhiều chỗ.

Nhưng hiện tại Internet đã tiến bộ hơn nên người ta có thể quản lý tốt hơn chuyện đó. Rồi cũng một căn bệnh chữa bằng thuốc ngoại hay thuốc nội đều khỏi nhưng người ta vẫn dùng thuốc ngoại vì sẽ được ăn hoa hồng cao hơn hoặc được mời đi nước ngoài hoặc tài trợ việc khác.

Tình trạng người dân và các cơ sở y tế trục lợi khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đã được Nhà nước chỉ ra nhiều lần. Trước đó ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội từng cho biết rằng nhiều bệnh viện đã chỉ định sử dụng các dịch vụ một cách bất hợp lý. Chẳng hạn bệnh nhân chỉ bị cảm cúm nhưng lại được chỉ định chụp CT, nội soi tai mũi, họng. Một số cơ sở y tế còn trục lợi bằng cách nâng tầm quan trọng của bệnh, như điều trị răng sâu nhưng khi thu phí lại ghi điều trị tủy răng nhằm hưởng chi trả cao từ cơ quan bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, hiện tại Nhà nước đang vay phần lớn ngân sách quỹ này để đầu tư vào các dự án kinh tế. Báo Kinh tế Việt Nam đầu tháng 2 năm nay cho biết hiện tại Chính phủ đang vay 324.000 tỷ đồng, chiếm 74,46% tổng quỹ. Trong khi đó nhiều dự án làm ăn thua lỗ, không có điều kiện để hoàn trả lại, tiền nợ gốc và lãi lên đến gần 16.000 tỷ đồng tính đến đầu năm 2017.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từ Hà Nội, giải thích về tình trạng này :

Việc quỹ bảo hiểm của Việt Nam dùng tiền để cho chính phủ vay là một chuyện người ta đã công nhận. Cái chuyện chính phủ vay tiền đó để đi đầu tư vào những dự án thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng là điều rất nguy hiểm. Lẽ ra, quỹ bảo hiểm xã hội phải là một nhà đầu tư định chế lớn nhưng đáng tiếc ở Việt Nam những nghiệp vụ như vậy còn quá mới và người ta không biết phải làm sao để quỹ đó có thể sinh lời nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Người ta có thể lạm dụng qũy bảo hiểm để cho vay hoặc đơn thuần gửi vào các ngân hàng thương mại với lãi suất rất nhỏ gọi là không kỳ hạn và chia nhau phần chênh lệch. Thậm chí có thể có chuyện dùng tiền đó lén lút cho các tổ chức hoặc cá nhân vay.

Một bài viết của tác giả Phạm Thanh Sơn từng được số đông bạn đọc quan tâm, đã phân tích rằng trên thế giới qũy bảo hiểm xã hội được quản lý một cách nghiêm túc, hoàn toàn độc lập với các công ty và cả nhà nước, không được quyền chấp nhận những rủi ro trong kinh doanh mà chỉ được sử dụng đê mua công trái và trái phiếu có thời hạn nhất định của một số công ty có uy tín để tăng tiền lãi.

Một số các nguyên nhân khác được nêu ra là tỷ lệ già hóa dân số ở Việt Nam đang tăng lên dẫn đến số người hưởng bảo hiểm xã hội tăng theo. Tuổi thọ trung bình của người Việt tăng lên đến 75,6 tuổi năm 2016 cũng là nguyên nhân kéo dài thời gian hưởng bảo hiểm của người dân. Chưa kể đến chuyện kinh tế khủng hoảng, hàng loạt các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ tìm cách trốn bảo hiểm xã hội. Chỉ riêng từ năm 2010 đến 2013, cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện khoảng 4000 doanh nghiệp trốn bảo hiểm xã hội.

Một nguyên nhân khác dẫn đến thâm thụt quỹ bảo hiểm xã hội là do nhiều người dân đã từ bỏ tham gia bảo hiểm y tế do nhiều bất cập của dịch vụ này. Đó là tình trạng thủ tục thanh toán quá phức tạp, mất thời gian, bất hợp lý trong khi chất lượng dịch vụ quá kém. Trong khi đó Chính phủ và Bộ Y tế vừa đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 90,7% dân số tham gia BHYT.

Lan Hương, phóng viên RFA

*******************

Việt Nam nghi ngờ kho nhôm khổng lồ của tỷ phú Trung Quốc (VOA, 05/05/2017)

dan6

Đoàn thanh tra của 3 bộ sẽ điều tra nguồn gốc kho nhôm khổng lồ được vận chuyển từ Trung Quốc tới Bà Rịa-Vũng Tàu. (www.gva.com.vn)

Hơn nửa năm sau khi tờ Wall Street Journal (WSJ) đăng loạt bài điều tra về kho nhôm lớn nhất thế giới của 1 tỷ phú Trung Quốc được chuyển tới Bà Rịa-Vũng Tàu từ Mexico, chính phủ Việt Nam đã quyết định điều tra nghi vấn này.

Hôm 3/5, đồng loạt các báo mạng trong nước đăng tin một đoàn kiểm tra của 3 bộ – Công thương, Tài chính và Kế hoạch & Đầu tư – sẽ tiến hành kiểm tra tại Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam có trụ sở tại thành phố cảng phía nam trong tháng này. Theo chỉ đạo của phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, nhiệm vụ của đoàn kiểm tra là tìm hiểu việc vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhôm Toàn cầu Việt Nam là một dự án do 2 người Trung Quốc quốc tịch Úc góp vốn làm chủ đầu tư, ông Jacky Cheung và ông Wang Ton. Theo Dân Trí, công ty này đang gấp rút được xây dựng với mục tiêu đầu tư nhà máy sản xuất nhôm định hình.

Theo điều tra của WSJ vào năm ngoái, kho nhôm của Mexico đang nằm phủ bạt ở Bà Rịa-Vũng Tàu được cho là có liên quan đến người giàu nhất Trung Quốc, ông Lưu Trung Thiên (Liu Zhongtian).

Bình luận với VOA Việt Ngữ về động thái này của chính phủ Việt Nam, tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói "việc kiểm tra này là cần thiết để tránh bị đối mặt với các kiện cáo khác đối với Việt Nam".

dan7

Nhà tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Lưu Trung Thiên (Liu Zhongtian) được cho là có liên quan đến kho nhôm lớn nhất thế giới được đưa từ Mexico tới Việt Nam.

Ông Doanh giải thích rằng "bởi vì hiện nay ở một số nước, người ta đang quan tâm đến việc liệu Việt Nam sẽ là một nơi để xuất khẩu hộ Trung Quốc và nhôm Trung Quốc sang Việt Nam sẽ đội lốt nhôm Việt Nam để được hưởng các ưu đãi thuế mà các hàng hóa Việt Nam được hưởng. Nếu như điều ấy mà thành sự thật thì sẽ rất tai hại bởi vì người ta sẽ có sự nghi ngờ và việc kiểm soát các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên rất ngặt nghèo".

Theo tổ chức GTIS chuyên theo dõi các hoạt động thương mại toàn cầu, Việt Nam là đích đến của 91% lượng xuất khẩu phôi nhôm. Công ty này cho rằng đây là một tuyến thương mại nhôm không phổ biến trong những năm gần đây.

Loạt phóng sự điều tra của WSJ năm ngoái cho biết hành trình của kho nhôm từ Mexico sang Việt Nam tình cờ trùng với thời điểm nhôm xuất vào Việt Nam từ Trung Quốc tăng đột biến qua các cảng có mối quan hệ mật thiết với nhà tỷ phú họ Lưu, chủ tịch tập đoàn nhôm khổng lồ China Zhongwang. Nhà tỷ phú này bị các nhà quản lý thương mại nhôm cáo buộc có hành vi xuất khẩu nhôm sang các nước thứ 3 như Mexico hay Việt Nam để tái xuất sang Mỹ hay các thị trường bị áp thuế.

Mỹ áp thuế đối với các mặt hàng nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc tới hơn 370% trong khi nhôm Việt Nam xuất vào Mỹ chỉ phại chịu thuế 5%. Việc áp thuế cao lên các mặt hàng nhôm của Trung Quốc được áp dụng vào năm 2010 sau khi các cơ quan chức năng Mỹ nghi ngờ về dọc dịch chuyển nhôm bất thường. Năm 2009, lượng nhôm Trung Quốc xuất sang Mỹ tăng đột biến lên mức 192.000 tấn, gấp đôi so với 1 năm trước đó. Theo số liệu của GTIS, giá nhôm nhập khẩu tại Mỹ giảm tới 30% vào thời điểm đó.

dan8

Theo điều tra của WSJ, công ty trách nhiệm hữu hạn China Zhongwang được cho chủ sở hữu của kho nhôm 500.000 tấn đang được phủ bạt ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cựu viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh nói quyết định điều tra của 3 bộ cho thấy Việt Nam " nhận thức đầy đủ nguy cơ đó và có biện pháp kiên quyết để ngăn chặn". Ông nhận định rằng "nếu nhôm Trung Quốc đội lốt nhôm Việt Nam thí đấy là một tín hiệu hết sức xấu và nguy hiểm. Có thể dùng khái niệm "con sâu bỏ dầu nồi canh". Đây có thể là một sản phẩm của 1 doanh nghiệp nào đấy, nếu như gian lận, thì có thể làm hại đến cả nền kinh tế. Và điều ấy thì không thể nào chấp nhận".

Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam có nhà máy sản xuất nhôm lớn nhất Việt Nam và một trong những nhà máy lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á – theo giới thiệu trên trang web chủ của công ty này. Đây là công ty được cho rằng duy nhất ở Việt Nam có khả năng quản lý kho hàng khổng lồ như vậy, theo người sáng lập Habor Aluminum Intelligence LLC, tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường nhôm toàn cầu trong đó có Việt Nam, nói với WSJ.

Theo WSJ, tỷ phú Lưu – với tài sản được Forbes định giá 3.2 tỷ đô la, và tập đoàn China Zhongwang đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến kho nhôm 500.000 tấn biến mất bí ẩn ở Mexico rồi sau đó xuất hiện ở Việt Nam.


Published in Việt Nam