Đại diện Hội Đồng Liên tôn Việt Nam gặp USCIRF (RFA, 18/09/2019)
Đại diện Hội đồng Liên Tôn Việt Nam vào sáng ngày 18/09/2019 có cuộc gặp với Đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) tại Chùa Giác Hoa, Sài Gòn.
Đại diện Hội đồng Liên Tôn Việt Nam vào sáng ngày 18/09/2019 có cuộc gặp với Đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) tại Chùa Giác Hoa, Sài Gòn. Courtesy FB Linh mục Paul Lộc
Một thành viên Hội Đồng Liên Tôn là Chánh Trị Sự Đạo Cao Đài, Ông Hứa Phi, vào chiều ngày 18 tháng 9 cho Đài Á Châu Tự Do biết :
"Hôm nay Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam có họp với Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ tại Chùa Giác Hoa Sài Gòn, có tất cả đồng Chủ tịch của 5 tôi giáo. Chúng tôi đã nêu một số ý kiến về vấn đền tự do tôn giáo tại Việt Nam, chúng tôi cũng nêu lên vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ các nước tự do can thiệp để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thả các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, ngoài ra phải bảo vệ biển đảo không cho Trung Cộng chiếm đóng."
Linh mục Paul Lộc, một thành viên tham dự khác, sau cuộc gặp nêu rõ trên trang Facebook cá nhân, những điều mà ông trình bày với USCIRF. Đó là tự do tôn giáo cho các tù nhân, cho phép các linh mục được thăm gặp và làm mục vụ cho các tù nhân ; thực trạng chính phủ can thiệp quá sâu vào việc bổ nhiệm các chức sắc ; đặc biệt đối với Công giáo ; biện pháp hạn chế, sách nhiễu việc đi lại của các linh mục dấn thân cho công lý-hòa bình ; các tôn giáo vẫn chưa chính thức được tự do tham gia vào lãnh vực y tế, giáo dục ; tài sản giáo hội bị nhà nước chiếm dụng, sử dụng không đúng mục đích.
Những đề nghị đối cới Hoa Kỳ thông qua USCIRF của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam được cho biết gồm thường xuyên theo dõi tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam ; việc viện trợ, giúp đỡ cho một chế độ bị cho là bất chính- bất công cần được cân nhắc cẩn thận nếu không sẽ trở thành tiếp sức cho độc tài, tàn ác ; chính phủ Hoa Kỳ cần đặt điều kiện về nhân quyền khi bang giao với Việt Nam dù trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thương mại, quân sự… và cần đưa ra biện pháp chế tài khi nhà nước Việt Nam có những vi phạm về nhân quyền bị cho là liên tục và nghiêm trọng.
Hội đồng Liên tôn Việt Nam cũng đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo CPC ; Hoa Kỳ cần áp dụng Đạo Luật Nhân quyền Toàn cầu Mgnitsky và dự luật Nhân quyền cho Việt Nam ; Hoa Kỳ cần đòi hỏi chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm ; bại bỏ và sửa đổi Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố Tụng Hình sự, Luật An Ninh Mạng và Luật Tín Ngưỡng- Tôn giáo cho phù hợp với các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị ; sửa đổi luật lao động để các công đoàn độc lập được thành lập và hoạt động.
Vào ngày 21 tháng 6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho công bố phúc trình hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu năm 2018. Trong phần Việt Nam, bản phúc trình cho rằng luật pháp Việt Nam có quy định chính phủ được kiểm soát phần lớn các hoạt động tôn giáo với các điều khoản mơ hồ hạn chế quyền tự do tôn giáo vì lý do an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2016, có hiệu lực vào tháng 1 năm 2018 cũng quy định quyền của các tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Trong khi đó lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt từ các nhóm tôn giáo không được công nhận hoặc không được cấp giấy chứng nhận đăng ký, báo cáo cho biết họ bị sách nhiễu, tấn công, bắt giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại và tịch thu tài sản.
******************
Việt Nam nói cảnh sát quốc tế truy nã ông chủ Nhật Cường Mobile (RFA, 18/09/2019)
Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh Văn Phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an vào ngày 18 tháng 9 cho biết rằng ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Nhật Cường Mobile "đang bị Interpol truy nã đỏ" ; tuy nhiên trên website của Interpol không thấy tên ông này.
Ảnh minh họa - RFA edited
Theo tin truyền thông trong nước thì tại buổi họp báo về Hội nghị Hiệp hội tư lệnh cảnh sát các nước ASEAN (Aseanapol) vào ngày 18 tháng 9, Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an nói rõ : "Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã trong nước và quốc tế, đề nghị Interpol truy nã và được Interpol đưa Bùi Quang Huy vào danh sách "truy nã đỏ". Việt Nam cũng đã có đề nghị các nước Asean phối hợp để truy nã, nếu bắt được sẽ trao trả về Việt Nam."
Ông Bùi Quang Huy bị khởi tố về tội "Buôn lậu" và "Trốn thuế" nhưng đươc ghi nhận đã xuất cảnh hồi trung tuần tháng 5/2019. Tiếp đó, đầu tháng 7/2019, ông bị khởi tố thêm tội "Rửa tiền".
Ông Huy bị cáo buộc cầm đầu đường dây buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán tài chính để ngoài sổ sách hàng ngàn tỷ đồng doanh thu. Ông cũng bị các báo dẫn tài liệu của cơ quan điều tra, cáo buộc sử dụng tiền buôn lậu đưa vào Công ty Nhật Cường và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) để hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi và rửa tiền.
Trước khi ông Huy bị khởi tố và truy nã, Nhật Cường Mobile được biết đến là doanh nghiệp tham gia xây dựng 126 dịch vụ công cho Ủy ban nhân dân TP Hà Nội như xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online và đặc biệt là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông ba cấp, phần mềm quản lý tội phạm.
Hôm 18/9, RFA đã thử tìm tên ông Bùi Quang Huy trong danh sách Red Notices trên website Interpol nhưng không thấy tên ông này.
Trước đây, hồi tháng 9/2016, Bộ Công an loan báo họ phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự". Ở thời điểm đó, người ta thấy tên ông Trịnh Xuân Thanh trên website của Interpol như thông báo của Bộ Công an Việt Nam.
******************
Việt Nam sẽ bỏ thuế nhập khẩu đối với dầu thô kể từ tháng 11 tới đây (RFA, 18/09/2019)
Việt Nam sẽ bỏ thuế nhập khẩu đối với dầu thô kể từ tháng 11 tới đây. Mức thuế nhập khầu 5% đánh vào mặt hàng này sẽ được bãi bỏ.
Ảnh minh họa : Cảnh chụp ở khu vực cổng nhà máy lọc dầu Dung Quất vào ngày 22/2/2009 - AFP
Reuters vào ngày 18 tháng 9 dẫn nguồn từ chính phủ Việt Nam đưa ra một ngày trước đó. Tin được loan đi khi mà Việt Nam ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào nguồn dầu thô nhập khẩu cho các nhà máy lọc dầu trong nước.
Thống kê cho thấy trong giai đoạn từ đầu năm nay đến tháng 8 vừa qua, lượng dầu thô nhập khẩu của Việt Nam tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái lên đến hơn 5 triệu 500 ngàn tấn. Trong khi đó thì sản lượng dầu thô của Việt Nam giảm 6,9%.
Hiện nay tại Việt Nam có hai nhà máy lọc dầu với công suất tổng cộng 330 ngàn thùng mỗi ngày. Nhu cầu dầu thô nhập khẩu tăng lên khi mà sản lượng dầu thô trong nước giảm đi. Lý do được cho biết vì các mỏ dầu trong nước khai thác lâu nay không còn nhiều trữ lượng nữa ; cũng như thái độ ngày càng hung hang của Trung Quốc tại Biển Đông cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại khu vực đó.
Từ đầu tháng 7 cho đến nay, Trung Quốc cho tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 cùng các tàu hải cảnh hộ tống đi vào cùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam bất chấp mọi phản đối của Hà Nội và nhiều nước khác trên thế giới.
Trung Quốc đơn phương vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn để tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông. Đường này bị Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế PCA ở La Haye tuyên không có căn cứ cả về pháp lý vẫn lịch sử. Tuy nhiên Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết của tò đưa ra hồi tháng 7 năm 2016.
*******************
Vào tối ngày 17 tháng 9, Luật sư Ngô Ngọc Trai cho RFA biết sau khi gửi văn bản tới Trại tạm giam tỉnh Đắk Nông đề nghị bố trí cho phép luật sư gặp làm việc với tử tù Đặng Văn Hiến, ông đã nhận được văn bản phúc đáp, do Giám thị Trại tạm giam-Đại tá Nguyễn Xuân Bình ký vào ngày 30 tháng 8 :
Hơn 2.000 người ký kiến nghị xin ân xá cho tử tù Đặng Văn Hiến (ngoài cùng bìa trái), tính đến trung tuần tháng 07/18. Courtesy : Facebook Quốc Ấn Mai
"Chúng tôi nhận được văn bản hồi đáp của Trại tạm giam thì họ có ý kiến rằng muốn vào gặp cần phải được sự đồng ý cho phép của Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông, là nơi đã xét xử sơ thẩm vụ án. Nếu tòa cho phép thì họ sẽ để cho luật sư vào gặp. Nhưng mà, chúng tôi cho rằng cách trả lời như thế của Trại tạm giam là không đúng."
Vụ án nông dân Đặng Văn Hiến nổ súng bắn vào nhân viên của Công ty Long Sơn khi công ty này ngang nhiên đến cưỡng chiếm đất đai, nhà cửa của ông Hiến hồi hạ tuần tháng 10 năm 2016, tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông làm 3 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương được dư luận đặc biệt quan tâm. Dư luận càng bức xúc khi Tòa án tỉnh Đắk Nông tuyên tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến.
Ngay sau khi bản án tử hình được tuyên, rất nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có giới luật sư và gia đình của các nạn nhân đã lên tiếng cũng như làm đơn xin kháng cáo và miễn tội chết cho ông Đặng Văn Hiến.
Luật sư Ngô Ngọc Trai, thuộc Công ty Luật Trách nhiệm Hữu hạn Công Chính hồi tháng 8 thông báo trên tài khoản Facebook cá nhân rằng ông nhận lời của gia đình tử tù Đặng Văn Hiến để thụ lý hồ sơ xin giảm án cho người nông dân "bất hạnh" này. Tuy nhiên, Luật sư Ngô Ngọc Trai nói với RFA mọi việc được tiến hành một cách đầy trở ngại và khó khăn :
"Chúng tôi cũng có văn bản gửi cho Tòa án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, là cơ quan xét xử phúc thẩm vụ án, để đề nghị cho phép luật sư chúng tôi được tiếp cận hồ sơ, sao chụp hồ sơ vụ án để nghiên cứu, tìm ra những nghiên cứu pháp lý mà chúng tôi cho rằng rất có thể tòa án các cấp trước đây xét xử đã bỏ sót những điểm cần thiết và đánh chưa thật sự toàn diện, khách quan và chuẩn mực về vụ án. Nhưng rồi văn bản gửi đi cũng không được Tòa án trả lời."
Liên quan đến văn bản phúc đáp từ Đại tá Nguyễn Xuân Bình, Luật sư Ngô Ngọc Trai lý giải sự sai trái của các cơ quan thuộc ngành tư pháp trong việc thực thi áp dụng các quyền dành cho tử tù. Như trường hợp của tử tù Đặng Văn Hiến, ông cho rằng, một phần là do Luật thi hành án hình sự của Việt Nam hiện nay không có quy định cụ thể rõ ràng người thi hành án được gặp làm việc với luật sư. Đồng thời, theo thông lệ và các quy định hiện hành thì luật sư chỉ được sao chụp hồ sơ vụ án khi vụ án đang trong giai đoạn xét xử và sau khi xét xử xong thì không thể tiếp cận được nữa.
Luật sư Ngô Ngọc Trai nhấn mạnh rằng nếu như bị can sau khi xử xong mà kêu oan hoặc xin ân giảm án hay có đơn giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì luật sư cũng không thể nào xin sao chụp hồ sơ vụ án được và do đó khi hồ sơ đã khép lại thì luật sư không có cách nào để tiếp cận với các hồ sơ vụ án.
"Tôi cũng chia sẻ bản thân tôi khi nhận lời tham gia giúp đỡ cho tử tù Đặng Văn Hiến, thì mục đích đầu tiên là đương nhiên tìm cách xin ân giảm án tử hình cho tử tù. Nhưng quan trọng không kém qua vụ án này, chúng tôi muốn phản ánh tới các cơ quan ban ngành Nhà nước cũng như công luận thấy được những bất cập pháp lý chung quanh người tử tù nói riêng và những người thi hành án nói chung."
Luật sư Ngô Ngọc Trai khẳng định bất cập pháp lý này gây ra hậu quả là hành lang pháp lý hoạt động của luật sư bị rất nhiều hạn hẹp và trói buộc, cũng như những quy định bất hợp lý đó gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quyền lợi pháp lý và sinh mệnh sống chết của nhiều tử tù hoặc của phạm nhân thi hành án tại Việt Nam.
Mặc dù qua các thông tin mà Luật sư Ngô Ngọc Trai vừa cung cấp liên quan diễn tiến pháp lý xin giảm án cho tử tù Đặng Văn Hiến gặp không ít trở ngại vì những bất cập pháp lý, thế nhưng dư luận vẫn trông chờ từng ngày với mong muốn vụ án được Tòa án Việt Nam nhanh chóng xem xét lại một cách công minh.
Qua trao đổi với một số luật sư ở trong nước, các vị luật sư mà Đài Á Châu Tự Do được tiếp xúc đều cho rằng tử tù Đặng Văn Hiến phải được miễn án tử theo quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Luật sư Lê Công Định phân tích một cách chi tiết về mặt pháp lý với RFA :
"Trong trường án nông dân Đặng Văn Hiến thì rõ ràng những tình tiết trong vụ án cho thấy ông Hiến không bị đáng tuyên tử hình vì rất nhiều lý do, trong đó có một lý do là ông Hiến phạm tội trong tình trạng bị kích động bởi sự vi phạm pháp luật trắng trợn của đội cưỡng chế đất ở nhà của ông và trước khi ông ngăn chặn việc tấn công của nhân viên đội cưỡng chế đó thì ông đã bắn chỉ thiên, rồi sau đó ông mới bắn vào những người đến tấn công ông cùng những người dân ở khu vực đó. Như vậy, ông Hiến rơi vào vào tình trạng phòng vệ chính đáng. Và có thêm một tình tiết giảm nhẹ nữa là "phạm tội trong khi tinh thần bị kích động". Những trường hợp đó rất xứng đáng trong quá trình xét xử để cho tòa án cân nhắc, xem xét áp dụng một mức hình phạt vừa phải. Ở đây, ông Hiến gần như là không cố tình giết người cho nên tuyên một bản án tử hình như vậy hoàn toàn trái pháp luật và tôi nghĩ việc giảm án cho ông Hiến là chuyện đương nhiên ; cho nên mới có việc cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhận được đơn để xin ân xá và toà án cũng đã đề xuất với luật sư của ông về việc này."
Bên cạnh đó, các vị luật sư còn cho rằng vì vụ án tử tù Đặng Văn Hiến mang tính chất "chính trị", liên quan vấn đề nóng bỏng của xã hội là vấn đề người dân bị trưng thu, cưỡng chế đất đai trái pháp luật mà Nhà nước Việt Nam không thể nào giải quyết xuể trong suốt hàng chục năm qua ; thế nên vụ án này cần thiết được xem xét một cách thận trọng để tỏ rõ cho công luận thấy được thiện chí của Chính phủ trong việc giải quyết mâu thuẫn đất đai gây bức xúc tột độ trong dân chúng hiện nay.
Còn rất nhiều dân oan khắp từ Bắc đến Nam, trong đó có những làng dân oan như ở Văn Giang, Dương Nội, Thủ Thiêm, Lộc Hưng…đều chia sẻ rằng họ mong đợi một bản án minh oan tội chết cho nông dân Đặng Văn Hiến sẽ được tuyên trong nay mai và đó chính là chỉ dấu cho hy vọng sẽ không còn những "dân oan" trên chính mảnh đất quê nhà của họ.