Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phó công an phường bắn chết người vì ‘kẹt súng’ (Người Việt, 06/06/2018)

Một thanh niên lái xe gắn máy chở bạn trên đường tại phường An Phú Đông, quận 12, được cho là xem đua xe thì bị đạn bắn trúng đầu chết.

congan1

Hiện trường xảy ra vụ nổ súng. (Hình : Tuổi Trẻ)

Báo Tuổi Trẻ dẫn tin chiều 6 tháng Sáu, ông Nguyễn Hữu Huệ, trung tá phó công an phường An Phú Đông, quận 12, bị tạm định chỉ công việc để điều tra vụ nổ súng khiến anh Trần Văn Kiệt (19 tuổi, quê Quảng Nam, tạm trú quận Gò Vấp) bị trúng đạn vào đầu chết.

Nói với báo Tuổi Trẻ về diễn biến điều tra, ông Nguyễn Sỹ Quang, phát ngôn viên của công an Sài Gòn cho biết "vụ việc đang được điều tra, một cách khách quan, thận trọng".

Tuy nhiên, ông Quang biện minh rằng : qua giám định ban đầu thì do đầu đạn bị móp, chứng tỏ rằng đầu đạn đã "cày" xuống mặt đường hoặc con lươn trên đường… trước khi ghim vào đầu nạn nhân, dẫn đến chết.

"Điều này cũng có thể khẳng định, không phải đạn bắn trực tiếp và đó là tai nạn. Đến thời điểm này, cũng chưa xác định viên đạn thuộc khẩu súng nào", ông Quang nhận định.

Trước đó, truyền thông Việt Nam cho biết, khoảng 14 giờ ngày 3 tháng Sáu, ông Huệ nhận được tin báo tại khu vực ngã tư giao lộ đường An Phú Đông 12, quốc lộ 1, có nhóm thanh niên, chặn xe trên quốc lộ, tổ chức đua xe trái phép.

congan2

Công an dựng lại hiện trường rạng sáng 4 tháng Sáu. (Hình : Tuổi Trẻ)

Ông Trung Tá Huệ huy động lực lượng, tổ chức kiểm tra và ngồi phía sau một cán bộ chở đi đến hiện trường "giải tán đoàn đua". Khi cả hai đến gần ngã tư chùa Khánh An, thấy đoàn đua hàng chục chiếc xe máy chạy trên quốc lộ 1, đi từ trong làn đường xe hơi lẫn đường hỗn hợp xe máy, xe hơi, họ la hét, dàn hàng ngang, hướng về quận Thủ Đức.

Ở ngã tư chùa Khánh An, có một nhóm khoảng 5-6 xe máy, chặn làn xe hơi cho đoàn đua đi qua. Lúc này xe ông Huệ đi phía sau và ông rút súng bắn chỉ thiên nhiều phát đạn, nhằm "phá rã đoàn đua".

Nhưng khi bắn hai phát chỉ thiên, đến phát thứ ba thì "bị kẹt đạn" hướng nòng súng xuống đường, ông Huệ kéo khóa nòng "xử lý viên đạn kẹt" thì súng lại phát nổ.

Sau đó, xe máy ông Huệ tiếp tục đuổi theo đoàn đua đến ngã tư Vườn Lài. Khi đó các xe "đi bão" rẽ nhiều hướng tẩu thoát. Khi trở lại ngã tư chùa Khánh An, ông Huệ nghe tin có hai thanh niên đi đường "bị té ngã và được đưa đi cấp cứu".

Khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, bệnh viện 175 báo tin anh Kiệt đến cấp cứu nhưng không qua khỏi do đã bị trúng đạn. Khi công an phường An Phú Đông đến bệnh viện "làm việc", người thân nạn nhân cho rằng anh Kiệt bị công an truy đuổi, dẫn đến trúng đạn vào đầu chết.

Ngày 3 tháng Sáu, công an quận 12 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc công an Sài Gòn, để khám nghiệm hiện trường, giảo nghiệm tử thi, lấy lời khai, và tiến hành điều tra. (Tr.N)

********************

Lại thêm người chết trong đồn công an ‘trong tư thế treo cổ’ (Người Việt, 05/06/2018)

Một người đàn ông 31 tuổi được báo cáo là "chết trong tư thế treo cổ" tại nhà tạm giữ của công an thành phố Cà Mau.

congan3

Vợ và con trai bên cạnh quan tài ông Nguyễn Hữu Tấn, chết với vết cắt rất sâu vòng quanh cổ chỉ sau một ngày bị công an tỉnh Vĩnh Long bắt giữ hồi tháng Năm, 2017. (Hình : Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)

Trong bản tin hôm Thứ Ba, 5 tháng Sáu, 2018, tờ Thanh Niên thuật lại theo báo cáo ngày 5 tháng Sáu, 2018, của công an thành phố Cà Mau, cho biết : "Khoảng 3 giờ 35 phút cùng ngày (5.6), cán bộ nhà tạm giữ phát hiện ông Nguyễn Việt Khoa (31 tuổi, ngụ khóm 3, phường 8, thành phố Cà Mau) trong tư thế treo cổ tại buồng giam số 1, khu C của nhà tạm giữ".

Tờ báo vừa kể viết, "Ngay sau đó, ông Khoa được sơ cứu và đưa đến bệnh viện đa khoa Cà Mau cấp cứu, tuy nhiên ông Khoa đã tử vong" và cho biết thêm rằng, "Cũng theo báo cáo, nghi can Nguyễn Việt Khoa bị tạm giữ do liên quan đến việc tàng trữ trái phép chất ma túy".

Năm nào cũng xảy ra hơn chục vụ nghi can hay người bị tạm giữ chết bất thường tại trụ sở công an các nơi tại Việt Nam. Phần lớn vu cho họ tự tử. Đây là các chối tội giết người quen thuộc của công an cộng sản Việt Nam dù những dấu hiệu tra tấn, nhục hình dẫn đến cái chết của họ nhìn thấy rất rõ bằng mắt thường. Pháp y của công an cộng sản Việt Nam là "người nhà" nên luôn luôn vo tròn bóp méo các chứng cớ để giúp đám điều tra viên thoát tội.

Dù vậy, cũng không thấy tờ Thanh Niên cho hay ông Khoa có được khám nghiệm pháp y hay không. Không thấy có hình ảnh nào của Nguyễn Việt Khoa sau khi chết mà chỉ viết thòng thêm câu quen thuộc, "Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ".

Một vụ khác, hồi đầu tháng Tư vừa qua, cũng tờ Thanh Niên cho hay (và cũng theo báo cáo của "Ủy Ban Nhân Dân" thành phố Cà Mau) thì "lực lượng chức năng tiến hành mời" ông Nguyễn Trọng Tý, 57 tuổi, "về trụ sở để làm rõ. Nhưng ông Tý không chấp hành".

Lý do là, trưa ngày 1 tháng Tư, 2018, ông Tý bị bà L.T.H, 37 tuổi, ngụ khóm 4, P.6, thành phố Cà Mau, đến công an P.7 "trình báo việc mình bị ông Nguyễn Trọng Tý chửi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

Tờ báo viết, "Khi lực lượng làm nhiệm vụ ra về thì ‘bất ngờ ông Tý tự bật ngửa và té xuống nền xi măng’ rồi tử vong sau đó".

Không có một cuộc điều tra độc lập nào để biết sự thật "tự bật ngửa và té xuống nền xi măng rồi tử vong" của ông Tý hay ông ta chết vì một nguyên nhân nào khác.

Trong năm 2017, ít nhất có 13 người đã chết tại trụ sở công an cộng sản Việt Nam tại các địa phương dù chỉ mới bị tạm giữ một vài giờ hay một hai ngày.

Đầu tháng Năm, 2017, ông Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, ăn chay trường, sống bằng nghề bán hủ tíu chay dạo, đã chết với vết cắt rất sâu vòng quanh cổ chỉ sau một ngày bị công an tỉnh Vĩnh Long bị bắt giam khi vu cho ông "tàng trữ" cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH. Thân nhân ông cho hay nhà của họ không có cờ VNCH nào hết. Để chạy tội giết người công an nói "trong khi bị giam, ông Tấn đã lấy dao rọc giấy của điều tra viên khi ông ta vắng mặt để tự tử".

Công an Vĩnh Long còn đưa ra chứng cứ với một video clip mờ mờ ảo ảo và ông lại mặc quần áo tù sọc dù ông mới bị bắt, chưa có án để bị bắt mặc quần áo tù nhân. Khi nhìn thi thể ông Tấn, thân nhân thấy sọ ông bị móp sâu, cổ có 3 vết cắt rất dài và rất sâu không kể những vết tích khác vì không thể tự gây ra được những thương tích đó.

Thân nhân ông Tấn bác bỏ những lời chối tội rất vụng về của công an Vĩnh Long và đòi làm rõ đến cùng để truy tố kẻ gây ra cái chết dã man cho ông, nhưng rồi vụ việc vẫn bị công an nhận cho chìm xuồng.

Hồi năm 2015, Bộ Công An cộng sản Việt Nam báo cáo với Quốc Hội rằng trong thời gian ba năm từ 2012-2014, "số người bị bắt, tạm giữ hình sự lên tới trên 200 nghìn người". Trong số đó "đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công An lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát". Nhiều báo tại Việt Nam đưa tin.

Sau báo cáo vừa kể, những năm sau, không thấy Bộ Công An báo cáo tiếp về các trường hợp chết bất thường khi người ta vừa mới bị tạm giam. Còn người dân thì vẫn tiếp tục chết đột ngột dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã ký vào công ước quốc tế về chống tra tấn và nhục hình của Liên Hiệp Quốc từ tháng Mười Một, năm 2013. (TN)

Published in Việt Nam