Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam có thêm tỷ phú mới : ‘Vua Thép’ Trần Đình Long (Người Việt, 15/05/2018)

Tạp chí Forbes Asia số Tháng Năm, 2018, có bài viết về một doanh nhân mới được xếp vào hàng bốn tỷ phú giàu nhất ở Việt Nam hiện nay, ông Trần Đình Long, 57 tuổi, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát.

vn1

Tỷ phú đô la mới của Việt Nam, ông Trần Đình Long. (Hình : Dân Trí)

Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long với tổng tài sản 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1.756 trong bảng xếp hạng của Forbes về những người giàu có nhất hành tinh. Hiện ông nắm 25,15% cổ phần tại Tập đoàn Hòa Phát (HPG), tương ứng giá thị trường khoảng 24.381 tỷ đồng Việt Nam hay 1,070 tỷ USD. Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông, nắm giữ khoảng 7% cổ phiếu HPG.

Tỷ phú Trần Đình Long mới khởi nghiệp hơn 20 năm ở lứa tuổi ngoài 30. Sau khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, ông Long làm nhân viên Bộ Xây Dựng, tới Tháng Tám, năm 1992, ông cùng năm sáu bạn thân đồng học quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn thiết bị phụ tùng Hòa Phát. Năm 1996, công ty lần lượt mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực, nội thất, điện lạnh rồi đến ống thép. Mãi đến năm 2000 mới tập trung vào "thép xây dựng" và gần đây nhất là bất động sản và tới cả nông nghiệp. Nhưng dù trở thành công ty đa ngành, phần lớn kết quả kinh doanh của Hòa Phát vẫn đến từ sản phẩm cốt lõi là thép xây dựng và ống thép khiến ông Long được mệnh danh là "Vua Thép Việt".

Năm 2007, HPG mở rộng phạm vi kinh doanh, tiến hành IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) và từ một công ty trách nhiệm hữu hạn trở thành một công ty đại chúng. Mười năm sau, doanh thu của HPG đạt 2 tỷ USD (tăng 38% mỗi năm), lợi nhuận ròng 350 triệu USD. Mảng kinh doanh thép chiếm khoảng 80% doanh thu và lợi nhuận của HPG.

Có rất nhiều hãng sắt thép ở Việt Nam ngày nay vì nhu cầu xây dựng lớn do tình trạng đô thị hóa mau chóng, 34% dân chúng sống ở thành phố, và chính quyền hỗ trợ cho sản xuất nội địa. Nhưng không xí nghiệp tư nhân hay quốc doanh nào có tầm cỡ sánh kịp Hòa Phát, năm ngoái bán 3 triệu tấn thép xây dựng bao gồm cả loại thép ống mạ kẽm. HPG đã thực hiện bước đầu tư tiếp với dự án khu liên hợp gang thép HPG Dung Quất trị giá 3 tỷ USD, sắp đi vào hoạt động, sẽ tăng gấp đôi sản lượng của Hòa Phát. Lực lượng lao động của Hòa Phát sẽ lên tới 15.000 công nhân.

Thép Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Việt Nam và thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đến nay vẫn còn giữ phân nửa sản lượng thế giới. Hòa Phát thành công trong tình thế ấy, hiện giờ chiếm 25% thị phần nội địa và bắt đầu xuất cảng sang các nước Đông Nam Á.

Trong cuộc phỏng vấn của Forbes tại trụ sở mới của Hòa Phát, một cao ốc xây dựng bằng thép do HPG sản xuất, bên cạnh hồ Thiền Quang trung tâm thành phố Hà Nội, ông Long nói rằng Hòa Phát và kỹ nghệ thép xây dựng ở Việt Nam là đáp ứng với nhu cầu của một quốc gia đang phát triển.

Theo ông, thời kỳ vất vả về thiết bị và vật liệu cho các công trình xây dựng 25 năm trước bây giờ đã khác. Ông nhớ lại : "Thoạt tiên chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng, mỗi người có một xe gắn máy. Chúng tôi khởi đầu bằng một số vốn nhỏ mượn của gia đình và bè bạn, vay ngân hàng, hầu hết những chuyển khoản đều qua các xí nghiệp quốc doanh làm đại diện. Cả nước chen nhau làm kinh tế từ con số không như thế".

2vn2

Phần giới thiệu về ông Trần Đình Long trên Forbes. (Hình : Chụp qua màn hình)

Vào thời buổi đó nhiều công ty ở Việt Nam phải sử dụng các trang bị lỗi thời nhập cảng từ Đài Loan hay Trung Quốc và ông Long hiểu rõ rằng kỹ thuật mới là nhu cầu căn bản để có khả năng cạnh tranh mà chưa biết bằng cách gì vượt qua thách thức ấy.

Ông Long giải thích : "Nghĩ lại, chúng tôi đã theo sát quy luật khách quan chứ không cố thúc đẩy ý muốn chủ quan và phù hợp hoàn cảnh Hòa Phát đã từng sản xuất ống đồng và xi măng, thậm chí có lúc trồng mía". Cuối cùng thì Hòa Phát cũng trở lại được với căn bản sắt thép, ngành hoạt động đem đến 90% thu nhập.

Công nghệ sắt thép ở Việt Nam là lãnh vực mới được phát triển, từ 2012 đến 2016 tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 17,5%. Tiêu thụ bình quân theo đầu người dân là khoảng 190 kg một năm, thấp hơn trung bình 260 kg của Châu Á. Tích hợp sản xuất và thương mại là căn bản để Hòa Phát trở thành xí nghiệp sắt thép đứng đầu ở Việt Nam, khởi đi từ một xí nghiệp nhỏ ở Hải Dương – giữa Hà Nội và Hải Phòng – tám năm trước.

Để luyện thép, Hòa Phát dùng kỹ thuật BOP (Basic Oxygen Furnace) thổi oxygen vào lò luyện thay vì không khí như lò Bessemer cổ điển. Kỹ thuật này giúp tăng phẩm chất, giảm phí tổn và tăng hiệu suất của công nhân. Những lò luyện mới hiện nay trên thế giới có thể nhận 400 tấn quặng hay sắt vụn và chuyển thành thép trong vòng 40 phút thay vì 10-12 giờ ở các lò luyện cũ. Với giá thành thấp hơn, Hòa Phát không những có ưu thế đối với các lò luyện nhỏ vẫn còn dùng hồ quang và tiêu thụ quá nhiều năng lượng, mà còn có khả năng cạnh tranh hiệu quả với các xí nghiệp quốc doanh hay liên doanh nước ngoài.

Về Trung Quốc, ông Long nói : "Đứng bên cạnh một ông láng giềng khổng lồ, cần phải luôn luôn cải tiến và đổi mới để tồn tại". Ông cũng rút kinh nghiệm của vụ Formosa và để dành sẵn chi phí cần thiết cho những tổn hại môi trường. Theo lời ông : "Chúng tôi hiểu là nhà nước có thể yêu chúng tôi nhưng nhân dân thì không".

Ông Trần Đình Long đứng hạng tư trong các người giầu ở Việt Nam có trên 1 tỷ dollars. Ba người đứng đầu là ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trần Bá Dương. Các tỷ phú này hoạt động kinh doanh trên những lãnh vực khác nhau nhưng ít nhiều đều có dính dáng đến ngành địa ốc.

Ông Vượng, tài sản 4,3 tỷ USD, là chủ tịch VinGroup tập đoàn đang sở hữu và quản lý hơn 40 dự án bất động sản trên toàn quốc, nhiều quần thể nghỉ dưỡng và khách sạn.

Bà Phương Thảo là nữ tỷ phú Việt Nam đầu tiên, tài sản 3,1 tỷ USD, tổng giám đốc hãng hàng không VietJet và cổ đông chính của Sovico Holdings, chủ sở hữu khách sạn năm sao Furama Resort Đà Nẵng, dự án khu đô thị cao cấp Phú Long tại Nam Sài Gòn, dự án khu du lịch sinh thái Phú Quốc, và nhiều dự án bất động sản ở các vị trí đắc địa khác.

Ông Dương là chủ tịch tập đoàn Thaco, công ty kỹ nghệ ô tô Trường Hải, và đã thâu tóm công ty đầu tư địa ốc Đại Quang Minh chủ đầu tư dự án khu đô thị Sala thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, Sài Gòn. Trường Hải và Đại Quang Minh là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán nên tài sản của ông Dương không căn cứ trên chứng khoán chỉ có thể tính theo hiện giá cổ phần và được Forbes ước lượng khoảng 1,7 tỷ USD.

Hòa Phát của ông Trần Đình Long chủ yếu hoạt động trong lãnh vực công nghệ sắt thép, mảng địa ốc chỉ đem về thu nhập khoảng 1.6% tổng doanh thu của HPG. 

Hà Tường Cát

*************

Thành phố Hồ Chí Minh : căng thẳng giữa chính quyền phường Trường Thọ và dân (VNTB, 16/05/2018)

Vào ngày 5/5/2018 vừa qua, một hộ gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ bức xúc trước việc vô cớ bị lực lượng chính quyền phường ập tới bắt bớ, đánh đập. Vụ việc xảy ra tại số nhà 900 Kha Vạn Cân, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức do bà Trần Thị Ngọc Hà đứng tên là chủ sở hữu…

vn3

Thanh niên (áo trắng) bị kẹp cổ chính là cháu bà Hà. Ảnh : người nhà bà Hà cung cấp

Một đoạn video clip dài khoảng hơn 5 phút ghi lại cảnh lộn xộn, đôi co giữa khoảng mấy chục cán bộ gồm công an, dân quân, cán bộ mặc thường phục được cho là những cán bộ phường Trường Thọ với một số người dân được cho là những thành viên của hộ gia đình sinh sống tại số nhà 900 Kha Vạn Cân do bà Trần Thị Ngọc Hà đứng tên là chủ sở hữu. Không rõ vụ việc bắt nguồn từ nguyên do nào nhưng qua những gì đoạn video clip ghi lại cho thấy đôi bên từ đôi co bằng lời nói sau đó căng thẳng được bùng nổ nhanh chóng. Phía người dân yêu cầu phía lực lượng chính quyền phường Trường Thọ đến làm việc thì phải xuất trình giấy tờ, nói rõ đến làm việc gì ? Trong khi lực lượng chính quyền phường Trường Thọ không đáp ứng yêu cầu của người dân mà vẫn tiến vào nhà dân. Một cán bộ mặc thường phục được người dân cho biết chính là trưởng công an phường Trường Thọ đã ra tay đốn ngã một thanh niên là cháu của bà Hà và tiếp nữa là lực lượng công an, dân quân xông vào bắt thanh niên này giải về phường. Phía người dân là những thành viên của gia đình bà Hà đã kháng cự quyết liệt, một mặt vừa yêu cầu phía lực lượng chính quyền phường Trường Thọ phải xuất trình giấy tờ và một mặt ngăn lượng lượng chính quyền phường Trường Thọ tiến vào nhà. Căng thẳng chấm dứt sau khi lượng lượng chính quyền phường Trường Thọ rút lui, sự bình yên của khu vực mới được vãn hồi.

Sau khi đoạn Video Clip nói trên được đăng lên mạng xã hội, ngay lập tức nó được cộng đồng mạng xã hội đặc biệt là Facebook chia sẻ rất nhiều, với rất nhiều lời bình luận, ý kiến bày tỏ khác nhau.

Được sự giúp đỡ của người dân, Việt Nam Thời Báo đã liên lạc được gia đình bà Hà để tìm hiểu thực hư vụ việc. Đại diện gia đình bà Hà là ông T cho Việt Nam Thời Báo được biết là cho đến giờ cũng không rõ lý do gì mà vào ngày 5/5, chính quyền phường Trường Thọ lại kéo đến nhà cả thẩy mấy chục người gây căng thẳng với gia đình, đánh đập và bắt bớ thành viên của gia đình. Ông T cho biết, đây là không phải lần đầu tiên lực lượng chính quyền phường Trường Thọ kéo đến, nhiều lần rồi nhưng lần này thì căng thẳng nhất. Ông T nói thêm, nếu đến làm việc với dân thì đại diện chính quyền phải xuất trình giấy tờ và phải nói rõ cho dân biết là đến làm việc gì ? Đằng này…

"Còn vụ việc bữa hôm đăng nơi mạng, họ đến mấy lần rồi nhưng lần này họ làm hơi mạnh, chúng tôi không nhận được thông tin gì cả mà từ Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường rồi Trưởng Công an phường…không biết lý do gì, mục đích gì tôi cũng không rõ, họ đòi vào bắt người vậy thôi chứ giấy tờ thì không thấy giấy tờ gì hết"- Ông T nói với Việt Nam Thời Báo.

Việt Nam Thời Báo không có điều kiện để liên lạc với Chủ tịch phường và Trưởng Công an phường Trường Thọ để hỏi rõ nguyên do vụ việc.

Qua chia sẻ của ông T cũng như thông tin từ trang báo Pháp luật Việt Nam Plus thì Việt Nam Thời Báo được biết, gia đình bà Hà trước đây từng bị ủy ban quận Thủ Đức cưỡng chế phần diện tích đất nhà để thực hiện dự án nạo vét, cải tạo rạch Cầu Ngang. Gia đình bà Hà có làm đơn khiếu nại và kêu cứu vụ việc lên ủy ban thành phố vì cho rằng nó thiếu khách quan, không đúng với thực tế. 

vn4

Người mặc áo sơ mi trắng vặt tay với người dân được cho là Trưởng công an phường Trường Thọ. Ảnh : người nhà bà Hà cung cấp

Căn cứ vào Quyết định số 513/QĐ-UBND của ủy ban quận Thủ Đức ký vào ngày 2/2/2016 về việc thu hồi đất đất để tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án nạo vét, cải tạo rạch Cầu Ngang đối với hộ gia đình bà Trần Thị Ngọc Hà cư ngụ tại số nhà 900 Kha Vạn Cân(là người đại diện những người được thừa kế của ông Trần Văn Khanh và bà Đoàn Thị Ni) rằng ; vị trí khu đất mà hộ gia đình bà Hà đang sinh sống nằm ở vị trí khu đất thuộc một phần thửa 49, tờ bản đồ số 15, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (tài liệu 2005) và một phần rạch (a), tờ bản đồ số 02, xã Linh Đông, huyện Thủ Đức (tài liệu 299/TTg). Cho nên vào ngày 28/3/2016, ủy ban quận Thủ Đức ra Quyết định số : 1379/QĐ-UBND về việc chi trả tiền bồi thường-hỗ trợ và thu hồi mặt bằng trong dự án đối với hộ gia đình bà Hà là :

- Bồi thường hỗ trợ về đất : 0đ ;

- Bồi thường hỗ trợ nhà, vật kiến trúc : 1.500.000đ ;

- Bồi thường hoa màu : 0 đồng ;

- Các khoản hỗ trợ khác : 10.000.000 đồng ;

- Khen thưởng : 2.500.000 đồng nếu bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định.

Như vậy, tổng số tiền bồi thường cho hộ gia đình bà Hà là 14 triệu đồng đối với phần diện tích bị thu hồi để làm dự án là khoảng hơn 126m2, tương đương với phần đất bị mất của căn nhà là 4m chiều ngang theo lời thuật lại của ông T với Việt Nam Thời Báo.

Trước các Quyết định của ủy ban quận Thủ Đức, hộ gia đình bà Hà đã làm đơn khiếu nại và kêu cứu lên ủy ban thanh phố vì cho rằng các Quyết định trên của ủy ban quận Thủ Đức không đúng với thực tế.

Trả lời báo Pháp luật Việt Nam Plus, bà Hà cho biết Tờ Đăng ký nhà đất năm 1999 của hộ gia đình có ghi đặc điễm của thửa đất : tờ bản đồ số 02, thửa đất số 57,diện tích là 162m2, diện tích sử dụng riêng là 38,5m2. Như vậy việc ủy ban quận Thủ Đức ra Quyết định số 513/QĐ-UBND cho rằng nhà và đất số 900 Kha Vạn Cân có vị trí khu đất nằm ở vị trí khu đất thuộc một phần thửa 49, tờ bản đồ số 15, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (tài liệu 2005) và một phần rạch (a), tờ bản đồ số 02, xã Linh Đông, huyện Thủ Đức (tài liệu 299/TTg) theo bà Hà là không đúng với thực tế, gây thiệt hại cho gia đình bà. Bởi vì căn cứ vào tài liệu là Chỉ thị số 299/TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ ký ngày 10/11/1980 chỉ thị về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất để cho rằng phần đất của căn nhà số 900 Kha Vạn Cân trở thành đấtcon rạch, từ đó không đưa ra phương án đền bù 0 đồng là không đúng quy định pháp luật.

vn5

Căng thẳng giữa những thành viên gia đình bà Hà với lực lượng chính quyền phường Trường Thọ vào ngày 5/5/2018. Ảnh : người nhà bà Hà cung cấp

Ngoài ra, bà Hà có cung cấp cho báo Pháp luật Việt Nam Plus một số giấy tờ, hồ sơ liên quan đến đất và nhà số 900 Kha Vạn Cân như : : Sổ đăng ký hộ khẩu xã Linh Đông, quận Thủ Đức xác nhận ngày 6/8/1975 ; Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú ngày 01/10/1976 ; Bản kê khai nhà cửa do Tổng cục Thống kê ban hành theo Quyết định số 74-CP ngày 23/03/1977 của Hội đồng Chính phủ ; Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú ngày 10/03/1982 ; Thông báo và Biên lai thu thuế do ông Trần Văn Khanh, tức là cha của bà Hà đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất ở nằm trong phần đất trên…

Tuy nhiên chia sẻ với Việt Nam Thời Báo, một thành viên khác của hộ gia đình bà Hà chính là chồng bà Hà cho biết mọi sự khiếu nại và kêu cứu của gia đình gửi lên ủy ban thành phố đều nhận kết quả không thoả đáng.

Ngày 19/12/2017, ủy ban quận Thủ Đức có thông báo số 1173/TB-UBND về việc cưỡng chế tháo dỡ công trình thuộc diện phải giải tỏa đối nhà và đất của hộ gia đình bà Hà để thực hiện dự án.

Chồng bà Hà cho Việt Nam Thời Báo biết, ngày cưỡng chế chính thức được ủy ban quận Thủ Đức thực hiện vào ngày 2/1/2018.

Ngoài việc lấy phần đất của hộ gia đình bà Hà, lực lượng cưỡng chế còn thu giữ tài sản bao gồm hàng hóa buôn bán tạp hóa của gia đình bà Hà trị giá khoảng mấy chục triệu đồng, đem về lưu giữ ở kho. Hiện gia đình bà Hà cùng với những thành viên con cháu, người thân của bà Hà tổng thẩy là 18 người chung sống trong phần diện tích đất còn lại. Cuộc sống hết sức khó khăn và chật vật nhưng vẫn không yên ổn

"Đó là nhà tôi với diện tích còn lại, còn diện tích 4m coi như bị họ lấy rồi. Nhà mà anh coi thấy nơi clip là nhà có diện tích đất còn lại đó. Nhà có hai ngăn mặt tiền, ngăn tôi ở đã bị lấy làm rạch Cầu Ngang do bị ảnh hưởng, có nghĩa là họ tính từng chân cầu đi vào nhà tôi là 8,5m nên nhà tôi nằm trong diện tích bị giải tỏa. Tuy nhiên, họ đã đền bù không 0 đồng có nghĩa là đất ở không đền bù

Họ đến cũng không phải mục đích cưỡng chế, nhà tôi họ cưỡng chế rồi, nhà đã lấy 4m làm rạch rồi. Hiện tại họ đã làm rạch rồi… nhà tôi kinh doanh tạp hóa mấy chục năm nay hiện họ chở hành hóa về kho lưu trữ"-

Lời chia sẻ của chồng bà Hà. Ngoài ra, Việt Nam Thời Báo còn được biết, hiện nay hai đứa con của vợ chồng ông bà Hà mới học trung học cơ sở nhưng phải nghỉ học vì cuộc sống gia đình quá khó khăn. Như đã nói trên, Việt Nam Thời Báo chưa biết vì động cơ gì mà lực lượng chính quyền phường Trường Thọ đến nhà bà Hà rồi sau đó xảy ra căng thẳng vào ngày 5/5/2018 ?./.

Minh Hải

*********************

Đề nghị trang bị áo giáp cho 'hiệp sĩ' : viển vông ! (VNTB, 16/05/2018)

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong một chỉ đạo liên quan đến 'hiệp sĩ đường phố' bị sát hại đã đề nghị trang bị áp giáp cho 'hiệp sĩ'.

Chỉ đạo này nhìn ở nhiều hướng đều chứa đựng tính có vấn đề của nó.

Đầu tiên, nó thừa nhận rằng, lực lượng công an thành phố chỉ làm cảnh, và việc thiết lập một đội quân 'săn bắt cướp' không dựa trên pháp lý đang trở thành một lựa chọn tất yếu của lãnh đạo thành phố. Nó gắn liền với câu hỏi : lực lượng hiệp sĩ tồn tại trên cơ sở luật nào ?

Thứ hai, nó cũng thừa nhận rằng, tiền thuế dành cho lực lượng an ninh trị an đã không được sử dụng đúng như mục đích của đồng thuế. Nó gắn liền với câu hỏi : vài trò bảo vệ trị an thành phố đã được lực lượng công an Thành phố Hồ Chí Minh làm tốt chưa ? Thậm chí, khi Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định : '13 giây làm được gì, sao chê trách công an ?'. Người dân lại có quyền đặt câu hỏi, liệu 13 giây đó có xảy ra (nhắm vào đội hiệp sĩ) nếu như trật tự trị an được thắt chặt (như cách lực lượng công an săn lùng và tìm ra 2 nghi can trong vòng chưa đầy 24g).

vn6

Qua rồi cái thời hiệp sĩ thế thiên hành đạo, nhất trong thời đại pháp quyền. 

Thứ ba, nó cho thấy ông Nguyễn Thiện Nhân không phải là một nhà lãnh đạo kỹ trị (như nhiều người kỳ vọng), và dường như vị trí Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là quá tầm so với ông. Do vậy, bên trong chỉ đạo vừa đi ngược lại tính thực tế xã hội, vừa trái với các quy tắc về mặt pháp quyền, vừa không đáp ứng với các yêu cầu của người dân Thành phố Hồ Chí Minh

Cần nhắc lại, Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, là nơi tập trung 10 triệu dân, nhưng vấn đề đảm bảo an ninh không được chú trọng đúng mức. Việc dựa vào lực lượng săn bắt cướp và thậm chí là dựng lên cảnh báo về cướp giật đã là một cách khiến cho toàn bộ hệ thống an ninh trị an của thành phố 10 triệu dân này bị đình chỉ về mặt thực chất.

Quay trở lại chỉ đạo của Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, nếu đặt nó vào trong quan điểm về nhà nước pháp quyền, hay thậm chí quan điểm của Thiếu tướng Phan Anh Minh, vì nó mang nội hàm mâu thuẫn. Lý do, thay vì tăng cường chỉ đạo an ninh và chấn chỉnh sự kiểm soát an ninh trật tự của lực lượng công an nhân dân, thì ông Nguyễn Thiện Nhân lại tiếp tục đẩy vai trò giám sát trị an sang,... quần chúng lao động. 

Quan điểm chỉ đạo viển vông đó đáng lẽ phải trở nên thực tế hơn với những giải pháp gốc.

Một là, cần có một giải pháp căn cơ đối với vấn đề người nghiện ma túy như đề xuất của Thiếu tướng Phan Anh Minh khi ông cho biết, 'tỷ lệ người nghiện ma túy còn nhiều và do nhu cầu, sự lệ thuộc về ma túy dẫn đến xâm hại tài sản, nhất là xâm hại tài sản trên đường phố (chiếm 30-50%)'.

Thứ hai, trong trạng thái tinh giảm biên chế ngành công an, thì cần lập những nhóm kiểm tra đặc thù tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó đó là thành lập tổ 141 như quan điểm của Nguyên Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh. Bởi nó đảm bảo giới hạn quyền lực, nhưng lại đảm bảo kế thừa đặc tính của nhắm săn bắt cướp (SBC) ngay xưa - nỗi khiếp sợ của cướp trong thời kỳ trước đây.

Cả hai biện pháp này cơ bản là không vi hiến và không đi ngược lại quyền con người trong thời điểm hiện nay. Nó tốt hơn đề xuất 'trang bị áo giáp cho hiệp sĩ', ít nhất, nó đảm bảo một cơ sở pháp lý, loại bỏ quan điểm 'khiến cho người ta có cảm giác xã hội quay về thời kỳ chưa có nhà nước khi công lý và trật tự trông chờ vào cá nhân xuất chúng...'.

Và trong khi chờ đợi 1 cơ chế đặc thù, sự quyết liệt từ phía chính quyền thành phố Hồ Chí Minh thì có một hướng đi giải quyết vấn đề cướp giật trên nền tảng pháp luật. 

Cụ thể, có thể tiến hành đầu tư hệ thống camera toàn thành phố để tiến hành giám sát các đối tượng. Tiếp đấy, chuyển 1/2 số lượng cảnh sát bàn giấy sang làm cảnh sát trật tự, tăng cường lực lượng cảnh vệ phường/xã tại những điểm nóng ; mở rộng lực lượng đội tuần tra chống tội phạm như đội đặc nhiệm hướng nam đóng ở Quận 7 và đội 5 các quận thành phố đang có (phụ trách về cướp).

Ánh Liên

Published in Việt Nam