Ban Tuyên giáo cộng sản Việt Nam ‘chỉ đạo miệng’ báo chí ngưng viết vụ dân oan Thủ Thiêm (Người Việt, 11/05/2018)
"Từ phản ảnh dư luận, báo chí về dự án khu đô thị Thủ Thiêm, các cơ quan chức năng đang xem xét, xử lý theo quy định. Yêu cầu các cơ quan báo chí tạm dừng thông tin về vấn đề này. Cám ơn các anh chị".
Bà Nguyễn Thị Giáp có nhà diện tích 70 mét vuông được Ủy Ban nhân dân quận 2 ra quyết định : "Bồi thường, hỗ trợ thiệt hại là 0 đồng; và về tái định cư là không đủ điều kiện tái định cư". Nghĩa là khi giải tỏa thì hai vợ chồng bà không còn gì. (Hình : Tuổi Trẻ)
Đó là nội dung "chỉ đạo" của Ban Tuyên giáo cộng sản Việt Nam gửi lãnh đạo các tòa soạn báo ở Việt Nam hôm 11 Tháng Năm.
Một thư ký tòa soạn xác nhận với nhật báo Người Việt : "Các báo đều nhận lệnh không xới thêm, đợi chừng nào có diễn biến mới tiếp theo thì đăng về nỗi oan khuất của người dân Thủ Thiêm. Vụ chỉ đạo đưa tin lần này của Ban Tuyên giáo cũng tương tự các lần trước, là chỉ đạo miệng thôi, vì họ sợ rò rỉ văn bản ra bên ngoài thì kẹt".
Một ngày trước, báo Tuổi Trẻ, báo Infonet, và các báo khác đồng loạt đăng nhiều bài phóng sự "kể khổ" của "dân oan" Thủ Thiêm. Ngoài việc mô tả cặn kẽ các trường hợp bất bình tột độ vì bị mất đất, mất nhà, các bài báo còn cho thấy nhà chức trách, lãnh đạo thành phố ở Sài Gòn… không hề có động thái gì giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện đất đai trong suốt 20 năm qua của người dân Thủ Thiêm.
Báo Tuổi Trẻ viết : "Hàng chục năm qua, nhiều người dân bị thu hồi đất ở khu đô thị Thủ Thiêm miệt mài vác đơn đi khiếu nại. Họ gửi hàng trăm lá đơn, gặp hàng chục lãnh đạo nhà nước nhưng chưa có một quyết định nào được đưa ra".
Báo Zing ghi lại lời của cử tri Nguyễn Thị Hà ở phường Bình An : "Trách nhiệm giám sát của Hội Đồng nhân dân thành phố ở Sài Gòn trong việc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm như thế nào ? Tại sao có đầy đủ các cơ quan chức năng, cơ quan giám sát nhưng vẫn xảy ra những chuyện khó hiểu ở Thủ Thiêm 20 năm qua ?"
"Có bàn tay sắt nào ‘thò’ vào vấn đề ở Thủ Thiêm hay không ? Chúng tôi nhận được lời khuyên hãy chờ đợi và hy sinh nhưng con cháu chúng tôi không thể hy sinh được ? Người dân Thủ Thiêm không được hạnh phúc, nhưng chúng tôi nói với nhau rằng đã chờ 20 năm rồi, hãy chờ thêm thời gian nữa. Chắc chắn người dân ở đây sắp có được kết quả mong muốn rồi", báo Zing trích lời bà Hà.
Vài ngày trước, truyền thông trong nước đồng loạt đăng bài về nỗi đau mất đất của người dân Thủ Thiêm, cộng đồng mạng dấy lên nghi vấn vì sao truyền thông Việt Nam im lặng vụ này quá lâu và đợi bây giờ mới đăng tải.
Đã có suy đoán cho rằng đằng sau vụ này là đấu đá phe phái và tranh giành lợi ích, cụ thể là cuộc tấn công nhắm vào cựu Bí Thư Sài Gòn Lê Thanh Hải và cựu phó chủ tịch Ủy Ban nhân dân thành phố Sài Gòn Nguyễn Văn Đua. Hiện hai ông này đều từ chối các cuộc phỏng vấn báo chí về sự việc.
Hôm 11 Tháng Năm, blogger Hằng Thanh viết trên trang Facebook cá nhân : "Để nước mắt thấm đẫm đất Thủ Thiêm 20 năm qua, có trách nhiệm của báo chí. Hoặc là hèn nhát trước cường quyền nên không dám bảo vệ người dân, hoặc bị thông tin của nhóm lợi ích vu khống bà con che mắt ! Nói báo chí nhưng thực ra là lãnh đạo báo thôi chứ phóng viên viết mà không đăng thì cũng chịu". (T.K.)
***************
Câu chuyện bản đồ qui hoạch khu đô thị Thủ Thiêm bị mất không còn là tin mới mẻ gì cho đến thời điểm hiện nay. Có một điều lạ là mặc dù chính quyền thành phố Hồ Chí Minh công bố bản đồ qui hoạch bị mất, và đang cố gắng tìm lại, nhưng khi người dân và cả các cựu lãnh đạo thành phố công bố những tấm bản đồ qui hoạch mà họ đang giữ thì giới chức và cơ quan ở thành phố Hồ Chí Minh không hề có động thái nào cho thấy họ khắc phục những sai lầm trong qui hoạch, khi hàng ngàn số phận người dân và các cơ sở tôn giáo đang gánh chịu những khó khăn do sự "mất bản đồ" này.
Dân oan mất đất ra khiếu kiện tại Hà Nội RFA
Nhà văn Nguyễn Viện, người theo dõi khá kĩ vấn đề qui hoạch Thủ Thiêm từ những năm giữa thập niên 1990 của thế kỉ trước, chia sẻ :
"Cái bản quy hoạch Thủ Thiêm đầu tiên xuất hiện vào năm 1996, được trình thủ tướng 1 lần và chắc chắn là thủ tướng chỉ phê duyệt một lần. Thì năm 96 là bản đồ đầu tiên rồi mới đây nhất là ông Võ Viết Thanh đã công bố đó. Thì sau đó đến năm 2005 thì nó xuất hiện bản đồ quy hoạch mới nữa, bản 2005 này nó hợp thức hóa những nơi mà nó lấn chiếm bất hợp pháp sau quy hoạch 1996 được phê duyệt. Một cách nào đó nó giải thích vì sao mà bản quy hoạch năm 1996 bị mất, một cách nào đó họ phi tang nó để chỉ có thể dùng bản quy hoạch năm 2005 thôi".
Vấn đề nhà văn Nguyễn Viện nhấn mạnh ở đây là tấm bản đồ năm 1996 do Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt có những điểm đáng quan tâm là giữ lại toàn bộ các cơ sở tôn giáo gồm nhà thờ Thủ Thiêm của dòng Mến Thánh Giá, các ngôi chùa và trường học của chế độ trước để lại. Và tấm bản đồ qui hoạch đó không được thực hiện, nó bị thay thế bởi một tấm bản đồ không hề có phê duyệt của Thủ tướng chính phủ.
Ở tấm bản đồ qui hoạch thứ hai, các công trình chồng lấn và xóa sạch các cơ sở tôn giáo. Nó cũng không thực hiện mục tiêu quan trọng nhất mà tấm bản đồ qui hoạch bị mất hàm chứa, tức là xây dựng cơ quan hành chính mới trên đất Thủ Thiêm, cụ thể là xây dựng Ủy ban nhân dân cấp quận. Toàn bộ hệ thống xây dựng trên tấm bản đồ mới mang yếu tố tư nhân, có dấu hiệu mua bán, gian lận quĩ đất của toàn dân và xâm phạm các cơ sở tôn giáo.
Nhà văn Nguyễn Viện chia sẻ thêm :
"Ý muốn của ông Võ Viết Thanh, người ký tờ trình đưa lên thủ tướng duyệt, gần đây ông tuyên bố trên báo Tuổi Trẻ là quan điểm của ông khi làm việc đó là ông giữ lại toàn bộ di sản văn hóa, từ chùa, nhà thờ dòng Mến Thánh Giá đó, trường học… và cái thứ hai trong quan điểm ông là tái định cư là một cái gì đó tốt hơn cho người dân bị mất đất chứ không phải rơi vào tình trạng mất nhà mất cửa đi lang thang như bây giờ, những nạn nhận của vụ đó. Rõ ràng là ý muốn ban đầu đã bị loại bỏ, giờ chỉ là khu dân cư thôi, rõ ràng đó là cái gì đó hết sức không minh bạch".
Nếu như tấm bản đồ qui hoạch năm 1996 là niềm hi vọng của nhiều gia đình trên đất Thủ Thiêm, nhiều người có thể đổi đời nhờ vào tiền đền bù đất và tái định cư thì tấm bản đồ lần hai vào năm 2005 là một tai họa đối với người dân Thủ Thiêm bởi nó quét sạch mọi qui ước về giải tỏa, đền bù cũng như quyền lợi liên đới của người dân.
Sau khi tấm bản đồ lần 2 được ban bố và thực thi, có hàng trăm gia đình dân oan trên đất Thủ Thiêm ra đời. Các gia đình dân oan đã ra tận Hà Nội để kêu oan nhưng tiếng nói của họ lọt thỏm giữa lòng thủ đô và suốt hơn mười năm, quyền lợi, tương lai của dân oan Thủ Thiêm rơi vào mịt mù sương khói.
Một cán bộ địa chính từng làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, đã nghỉ hưu, không muốn nêu tên, chia sẻ :
"Mọi chuyện nó phải xuất phải từ văn hóa, mà văn hóa rất dài, bản thân về văn hóa người ta suy nghĩ không sâu. Thì nhà thờ trước đây đã có tiền lệ ép người ta cho mượn kể từ khi có sự tiếp quản thành phố. Một số nhà thờ bị bỏ hoang ngay lúc đó vì sợ nhiều thứ. Và đó cũng là cái cớ để mà ép ‘mượn tạm’ rồi sau này lấy luôn. Người ta hay nói về vấn đề tôn giáo theo kiểu mượn gì đó để an dân, dân cứ an đi để ta tha hồ làm việc ấy mà. Nhưng tôi nghĩ rằng không phải thế, do vô thần mà nên thôi… Bản chất của chù nghĩa cộng sản là vô thần".
Theo vị này, vấn đề đập phá cơ sở tôn giáo không đơn giản chỉ là chuyện đất đai, lòng tham mà nó là biểu hiện của chủ nghĩa vô thần và phi văn hóa. Ngay cả trong chiến tranh, các cơ sở tôn giáo cũng được khoanh vùng, nằm trong diện cấm ném bom, trừ khi quân đối phương mượn nó để biến thành nơi hoạt động phục vụ chiến tranh.
Nhưng ở đây, trong thời bình, khi mà các vấn đề tôn giáo, văn hóa, tín ngưỡng, chính trị đã được pháp qui hóa bằng Hiến pháp thì mọi hành xử của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh nghe ra chẳng có pháp luật hay nguyên tắc đạo đức nào cả.
Ông chia sẻ thêm :
"Chính trị vô thần dẫn đến độc ác, dẫn đến tham lam, dẫn đến chuyện người ta dự vào tiền, người ta có tiền là có tất cả. Đi chùa có tiền nhiều thì cúng giá trị cao… Tất cả các tôn giáo chỉ là đối trọng trong việc biến con người thành cổ máy thôi…".
Ông khẳng định, bản chất của sự vụ mất bản đồ qui hoạch khu đô thị Thủ Thiêm không chỉ đơn giản là một sự sơ xuất hành chính mà là một âm mưu của phe nhóm trong quản lý thành phố. Khi tấm bản đồ 1996 mất đi, tấm bản đồ mới lên thay thế và xóa đi các cơ sở tôn giáo, tạo ra hàng loạt các lô đất vàng. Và những lô đất này nghiễm nhiên lọt vào tay các nhóm lợi ích.
Sở dĩ người ta dám làm những điều này bởi bản chất của các cán bộ cộng sản là vô thần. Họ có thể cầu Trời, cầu Phật, đi lễ các đền đài, miếu mạo để xin thăng quan tiến chức, xin lộc làm ăn nhưng họ chẳng bao giờ tôn trọng tín ngưỡng của người khác. Và chuyện các cơ sở tôn giáo, trong đó nhà thờ Thủ Thiêm của Dòng Mến Thánh Giá bị đập phá cũng là chuyện rất bình thường của những người vô thần.
Có một dấu hỏi cần đặt ra là tại sao, cho đến bây giờ, sau khi vụ việc mất bản đồ qui hoạch diễn ra gần hai tuần, sự mất đi của nó ảnh hưởng đến hàng ngàn số phận người dân… Vậy mà khi người dân, thậm chí ông Võ Viết Thanh, cựu Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công bố còn giữ những bản đồ qui hoạch bị mất thì phía lãnh đạo thành phố vẫn chưa có động thái khắc phục tình hình ?
Và tại sao ông Đặng Hùng Võ, người được gọi là giáo sư do nhà nước phong lại tuyên bố không hề có tấm bản đồ năm 1996 ? Liệu ông Đặng Hùng Võ lúc đó có tư cách gì cao hơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt ?
Có thể nói rằng việc mất đi tấm bản đồ qui hoạch Thủ Thiêm cũng như sự mờ ám của giới cầm quyền thành phố Hồ Chí Minh khi thực hiện qui hoạch Thủ Thiêm là một vết nhơ về quản lý hành chính cũng như đây là một nỗi nhục của chính quyền trước nhân dân. Làm minh bạch các qui hoạch Thủ Thiêm cũng là lấy lại chút uy tín còn có thể giữ được của lãnh đạo đất nước.
Nhóm phóng viên
*****************
Chuyện khó tin ở Thủ Thiêm : 4 tuyến đường siêu đắt đổi lấy đất 'kim cương' (VietnamNet, 10/05/20148)
Có dấu hiệu ưu ái bất thường trong việc chỉ định doanh nghiệp làm 4 tuyến đường siêu đắt, đổi lấy khu đất 'kim cương' ngay tại Khu đô thị Thủ Thiêm.
4 tuyến đường siêu đắt 1.000 tỷ/km
Đơn vị được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chỉ định xây dựng 4 tuyến đường này là công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (gọi tắt là công ty Đại Quang Minh).
Theo đó, giai đoạn giữa tháng 11/2013, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng với công ty Đại Quang Minh chỉ định doanh nghiệp này đầu tư xây dựng 4 tuyến đường nội đô tại Khu đô thị Thủ Thiêm theo dạng hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Chiều dài 4 tuyến đường là 11,9km, tổng đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, trung bình 1 km làm đường tiêu tốn 1.000 tỷ đồng, mức đầu tư 'kỷ lục' chưa từng có tại Việt Nam.
Toàn cảnh 4 tuyến đường 12 ngàn tỷ đồng trong khu Thủ Thiêm
Đổi lại UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cấp cho công ty Đại Quang Minh phần đất có diện tích gần 79 ha đóng trên địa bàn P.Thủ Thiêm và P.An Lợi Đông. Hiện trạng phần đất được cấp này đang được sử dụng để xây dựng dự án trọng điểm, là xương sống nằm trong tổng thể dự án Khu đô thị Sala, nơi có giá nhà đất đắt đỏ nhất hiện nay...
Những tuyến đường ngàn tỷ hiện tại vẫn chưa hoàn thành, nhếch nhác
Được biết trước đó, UBND có văn bản chấp thuận cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) lập dự án đầu tư 3 tuyến đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm, theo hình thức BT. Sau đó, UBND trình Thủ tướng phê duyệt, bổ sung thêm 1 tuyến đường nữa.
Phía sau những con đường nhếch nhác là những dự án cao cấp
Tháng 11/2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký chấp thuận, giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn nhà đầu tư. Thực tế, Tổng công VIDIFI đã triển khai dự án nhưng vì nhiều lý do nên đã đề xuất hợp tác với công ty Đại Quang Minh và được UBND Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý bằng văn bản vào đầu tháng 12/2012.
Bất ngờ đến cuối tháng 5/2013, Tổng công ty VIDIFI thông báo rút khỏi dự án, một mình công ty Đại Quang Minh thực hiện.
Dù ban đầu, theo thông báo chính thức, thời hạn hoàn thiện dự án 4 tuyến đường là 36 tháng nhưng qua nhiều năm triển khai, cả 4 tuyến đường siêu đắt này vẫn chưa đưa vào sử dụng. Trong khi đó ở phần đất hoán đổi, công ty Đại Quang Minh đã xây dựng khu đô thị Sala hoành tráng, rao bán rầm rộ cách đây vài năm.
Giờ đây khi khu đô thị Sala được mệnh danh là 'khu nhà giàu mới' ở Sài Gòn, giá bán mỗi căn hộ được đẩy lên vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.
Đại Quang Minh nói gì về thương vụ bất thường ?
Theo nhiều người nhìn nhận, 4 tuyến đường tại Khu đô thị Thủ Thiêm được định giá xây dựng (khoảng 1.000 tỷ/1km2) là siêu đắt. Tuy nhiên, bản thân hiện trạng các tuyến đường này - có thể thấy chủ yếu phục vụ cho khu đô thị Sala. Cũng chính nhờ các tuyến đường này, mỗi mét vuông đất tại khu đô thị trên được "đội giá" lên theo thời gian.
Nhiều chuyên gia nhận định, trong thương vụ này, Đại Quang Minh có dấu hiệu được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ưu ái bất thường.
Vẻ hoành tráng của khu đô thị Sala do Đại Quang Minh làm chủ đầu tư
Theo xác minh, công ty Đại Quang Minh tham gia vào dự án đổi hạ tầng giao thông lấy đất như đề cập từ một hợp đồng với UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Đáng lưu ý, người ký vào văn bản quan trọng 'đổi đất' này là ông Tất Thành Cang, khi đó là ủy viên UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Tất Thành Cang hiện là Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, người 'có liên quan" trong 1 vụ việc gây chú ý dư luận. Đó là mới đây Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của ông Cang vì đã chấp thuận chủ trương cho công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (công ty của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) chuyển nhượng sai quy định hơn 30ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho công ty Quốc Cường Gia Lai.
Liên quan đến 4 tuyến đường siêu đắt, chưa hoàn thiện đổi đất kim cương ở Thủ Thiêm, chiều 9/5 công ty Đại Quang Minh đã chính thức lên tiếng với báo chí.
Phần lớn đất tiếp nhận do hoán đổi làm được, được Đại Quang Minh xây dựng phần chính của khu đô thị Sala
Ông Nguyễn Hoàng Tuệ - Phó Tổng giám đốc Đại Quang Minh cho rằng : "Đại Quang Minh tiếp nhận dự án là tháo gỡ nhưng khó khăn mang tính lịch sử, bối cảnh đất đai sình lầy, hiếm có nhà đầu tư nào dám nhận dự án gai góc, xương xẩu như thế, lúc đó nhiều nhà đầu tư đều… sợ Thủ Thiêm vì chưa có hạ tầng gì".
Theo thông tin từ ông Tuệ, 4 tuyến đường đó đến nay đã hoàn thành 90%, công ty đã giải ngân 6.000 tỷ đồng cho các đơn vị thi công. Ông Tuệ xác nhận, chi phí thực tế của 4 tuyến đường chỉ hơn 8.000 tỷ đồng. Thực tế là công ty Đại Quang Minh không được tính và nhận số tiền 3.900 tỷ đồng là các khoản chi phí trượt giá, chi phí lãi vay trong tổng mức 12.182 tỷ đồng.
Về việc đổi 4 tuyến đường siêu đắt 12 ngàn tỷ đồng lấy 79 ha đất vàng, thông cáo của công ty Đại Quang Minh nói rõ, thực tế công ty nhận 36ha là đất ở, thương mại dịch vụ ; còn lại là công trình công cộng, tiện ích xã hội, giao thông… Phía Đại Quang Minh cho rằng, không có chuyện doanh nghiệp này mua đất với giá rẻ 15 triệu đồng/m2 mà thực tế chi phí bình quân giá đất khoảng 40 triệu đồng/m2, không bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng…
Nhưng dù nói gì, thực tế là Thủ Thiêm đang bị băm nát, những khu đô thị mọc lên với giá cả vài tỷ đến vài chục tỷ đồng/căn hộ. Nhưng xung quanh đó là sự nhếch nhác về hạ tầng lẫn những phận đời dân Thủ Thiêm hàng chục năm nay đi khiếu nại, khiếu kiện chưa có điểm dừng.
Linh An - Văn Châu
******************
Sài Gòn : Cướp hơn 170 ha đất Thủ Thiêm cho ‘thế lực đen tối’ (Người Việt, 10/05/2018)
Nghi vấn "những thế lực đen tối" cùng với nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn và quận 2, nhân danh "quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm" để trục lợi đất của người dân và được che giấu suốt 20 năm qua ngày càng lộ rõ.
Người dân Thủ Thiêm bất bình với chủ tịch quận 2. (Hình : Tuổi Trẻ)
Báo Người Tiêu Dùng, ngày 10 tháng Năm, khẳng định hiện có khá đủ cơ sở để nghi ngờ điều này.
Theo quyết định 367/TTg ngày 4 tháng Sáu, 1996, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm", thì khu này có diện tích 930 ha bao gồm khu đô thị Thủ Thiêm 770 ha (có 133 ha mặt nước sông Sài Gòn) và 160 ha tái định cư.
Trước đó, tờ trình xin chính phủ phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm của "Ủy ban thành phố Sài Gòn" cũng ghi rõ như trên. Công văn số 190/CP-NN ngày 22 tháng Hai, 2002, của chính phủ vẫn tái khẳng định như vậy.
Từ những văn bản trên, ba tháng sau, "Ủy ban thành phố Sài Gòn" ra Quyết định 1997 thu hồi 621 ha đất, thuộc các phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm để xây dựng khu trung tâm đô thị Thủ Thiêm.
Quyết định 6566 của "Ủy ban thành phố Sài Gòn" ra ngày 27 tháng Chạp, 2005, cũng nêu rõ trung tâm khu đô thị (Khu đô thị) Thủ Thiêm có tổng diện tích 657 ha.
Căn cứ vào hai quyết định trên, Quận 2 và Hội đồng Bồi thường giải tỏa mặt bằng quận này đã tiến hành bồi thường, giải tỏa trắng 3 phường An Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm để thu hồi đất.
Tuy nhiên, theo bản đồ hành chính quận 2, và Nghị Định 03/CP thì ba phường bị giải tỏa trắng đã lên tới 689 ha, thừa hơn 30 ha so với quyết định thu hồi đất 1997 hay Quyết định 6566 của "Ủy ban thành phố Sài Gòn".
Song, người dân không hiểu vì lý do gì mà nhà cầm quyền thành phố lại thu hồi giải tỏa thêm hơn 99 ha ở phường Bình Khánh và thêm 15 ha nữa ở phường Bình An, tổng cộng lố thêm 114 ha đất. Như vậy, nếu so sánh các văn bản "nhân danh" giải tỏa, thu hồi đất để xây khu trung tâm khu đô thị Thủ Thiêm lên tới hơn 803 ha, "lố" ít nhất 173 ha.
Hàng trăm héc ta đất không nằm trong quy hoạch của người dân Thủ Thiêm bị chính quyền cưỡng chế giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền. (Hình : Tuổi Trẻ)
Cho đến nay, số đất này "biến mất" hay có sự nhầm lẫn nào đó vẫn trong vòng bí ẩn, chưa có được giải đáp rõ ràng, minh bạch dù người dân bị cưỡng chế lấy đất ở quận 2 và người dân Sài Gòn nhiều lần đòi làm sáng tỏ.
"Trong khi đó, các dự án phân lô bán nền tại chính khu đô thị Thủ Thiêm được ngang nhiên giao đất sau khi có quyết định 367 của thủ tướng, một vi phạm rõ ràng từ hàng chục năm nay lại chìm trong im lặng".
Cũng theo báo Người Tiêu Dùng, kết quả thanh tra năm 2008 từ chính thanh tra thành phố Sài Gòn công bố đã điểm mặt hàng chục dự án với tổng diện tích lên đến 169 ha "ăn theo" dự án khu đô thị Thủ Thiêm.
Theo đó, trên 3 phường Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông có 64 dự án khu dân cư, khu du lịch, văn phòng làm việc… với tổng diện tích 169 ha được chính quyền giao cho các nhà đầu tư. Đặc biệt có đến 42 dự án có quyết định giao đất của "Ủy ban thành phố Sài Gòn" sau khi có Quyết định 367 của thủ tướng.
Trong số những doanh nghiệp được giao đất mang danh nghĩa "chỉnh trang đô thị" nhưng thực chất là phân lô bán nền gồm các công ty địa ốc như : Khởi Thành, Him Lam, Trường Thịnh, Bình Minh, Tân Hoàng Uy, công ty Phát Triển Nhà Thủ Đức, công ty Cơ Khí 78 và công ty Sài Gòn 5,…
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp trên có nhiều công ty vi phạm lấn chiếm, san lấp sông Sài Gòn, hay kênh rạch, mương thoát nước để bán nền, xây dựng công trình riêng với hàng chục ngàn mét vuông, nhưng hầu hết không bị xử phạt. Thậm chí, họ được giao cả vào phần đất vốn được quy hoạch là công viên cây xanh, khu công cộng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là nguyên nhân chính "cắt" diện tích đất của dự án Thủ Thiêm bị thu hẹp lại, không đủ diện tích ban đầu như phê duyệt của thủ tướng. Đó còn là lý do khiến các khu tái định cư bị dạt ra những nơi "xấu nhất" của quận 2.
Thậm chí, có lúc cán bộ thành phố còn định đưa dân ở đây về quận 12 tái định cư như thừa nhận của ông Võ Viết Thanh, cựu chủ tịch Sài Gòn. "Khi nghe có không ít người dân Thủ Thiêm, quận 2 được đưa về tái định cư ở quận 12, tôi liền nói với lãnh đạo thành phố là dứt khoát không thể chấp nhận. Nếu là tôi, tôi cũng chống các anh", ông Thanh nói.
Trong khi đó hàng ngàn người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế thu hồi đất không đúng luật, cơ sở pháp lý không rõ ràng, rất nhiều người khiếu kiện triền miên hàng chục năm ròng, chịu bao thống khổ nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng vì lý do hết sức nực cười "thất lạc bản đồ quy hoạch 1/5000".
Từ thực trạng trên, dư luận khắp nơi đang nghi ngờ về động cơ của việc thu hồi "lố" và giao đất Thủ Thiêm trái thẩm quyền của "Ủy ban thành phố Sài Gòn" mà sự thật bị che giấu suốt 20 năm qua. (Tr.N)