Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đinh La Thăng ra tòa lần 2, đổ tội cho Nguyễn Tấn Dũng (Người Việt, 20/03/2018)

Cựu ủy viên Bộ chính trị cộng sản Việt Nam Đinh La Thăng đổ hết tội cho cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ra tòa lần thứ hai về sự thất thoát 800 tỉ đồng khi ông Thăng còn cầm đầu PVN.

dlt1

Cựu ủy viên Bộ chính trị cộng sản Việt Nam ra tòa ở Hà Nội ngày 19 tháng Ba, 2018, về sự thất thoát 800 tỉ đồng khi ông còn là chủ tịch Petro Vietnam. (Hình : VNA/AFP/Getty Images)

Hôm 19 và 20 tháng Ba, 2018, ông Đinh La Thăng ra tòa lần thứ hai về vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước và quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).

Hồi tháng Giêng, 2018, ông Thăng đã bị kết án sơ thẩm 13 năm tù trong vụ án "Cố ý làm trái và tham ô tài sản" xảy ra tại Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC). Trong vụ này, ông Trịnh Xuân Thanh bị kết án chung thân, 20 người khác bị các bản án nhẹ hơn từ án treo đến 14 năm tù giam. Sau đó ông Thăng đã kháng án và muốn được đổi tội danh.

Theo sự tường thuật của nhiều báo trong nước, trong phiên xử ngày 19/03/2018, ông Đinh La Thăng nhìn nhận rằng việc góp vốn vào ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) là quyết định của ông nhưng đã được cấp trên, tức ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận. Nói khác, người chịu trách nhiệm trên ông về việc đổ 800 tỉ đồng (hay khoảng 35 triệu USD) vào Ocean Bank mua 20% cổ phần không phải là quyết định của cá nhân ông mà ông chỉ là kẻ thừa lệnh.

Ngân hàng này thua lỗ, tổng số công nợ và nợ xấu kéo dài nhiều hơn vốn sở hữu, khó có cơ hội phục hồi nên đã bị Ngân Hàng Nhà Nước mua với giá zero đồng, làm số tiền góp vốn của Petro Vietnam vào Ocean Bank hoàn toàn "mất trắng".

Cuộc điều tra về việc góp vốn được các báo tại Việt Nam khai thác khá chi tiết về những phiên tòa trước đây cho thấy Ocean Bank qua Chủ tịch Hội đồng quản trị Hà Văn Thắm và Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn (nguyên là Tổng Giám đốc của Petro Vietnam được biệt phái sang) đã chi những số tiền rất lớn, gọi là "lãi ngoài" hối lộ cho các ông trong tập đoàn dầu khí quốc doanh Petro VietNam. Cả công ty mẹ và các công ty con của Petro Vietnam đều bị ép phải dùng hệ thống ngân hàng Ocean Bank.

Trong phiên xử hôm 19 tháng Ba, ông Nguyễn Xuân Sơn khai đã đưa cho ông Ninh Văn Quỳnh, kế toán trưởng của PVN số tiền 180 tỉ đồng để các sếp chia nhau, nhưng ông Quỳnh tuy không chối mà chỉ nhìn nhận có 20 tỉ đồng.

Dưới đây là đoạn đối đáp tại phiên tòa được tờ Thanh Niên thuật lại về phiên xử hôm 20 tháng Ba, trong đó, ông Đinh La Thăng nói về việc PVN đầu tư vào Ocean Bank với sự chấp thuận của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

"Được hỏi ‘khi làm chủ tịch Hội đồng quản trị PVN, bị cáo ký quyết định 7289 ngày 1/10/2008 góp vốn vào PVN có xin ý kiến thủ tướng chưa ?", bị cáo Thăng trả lời : 7289 không phải quyết định đầu tư mà chỉ là quyết định xin chủ trương đầu tư ra ngoài công ty mẹ PVN, góp vốn vào OceanBank. Sau khi thủ tướng đồng ý thì PVN mới tiếp tục các khâu còn lại, như ra quyết định đầu tư và thực hiện. "Nghị Quyết 7289 chỉ có giá trị khi thực hiện. Và nghị quyết này đã được thủ tướng đồng ý thì PVN sau đó mới quyết định mua cổ phần".

Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, đây bản chất là nghị quyết đầu tư để PVN góp vốn vào Oceanbank. Cụ thể, ngày 1/10/2008, bị cáo Đinh La Thăng đã ký ban hành, trong khi sau đó, thủ tướng mới có ý kiến về nghị quyết.

Đáp lại, bị cáo Thăng vẫn khẳng định Hội đồng quản trị chỉ thống nhất về việc báo cáo thủ tướng xin mua cổ phần của OceanBank. Sau khi thủ tướng đồng ý thì tập đoàn mới thực hiện.

Chỉ sau khi thủ tướng đồng ý thì tập đoàn mới ra quyết định đầu tư".

Các cuộc tường thuật phiên tòa không thấy có chi tiết nào nói ông Thăng hoặc luật sư của ông ta, hoặc phía công tố đòi hỏi đưa ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới tòa ít nhất trong tư cách nhân chứng. Nếu quyết định ném 800 tỉ đồng vào Ocean Bank mà ông Dũng phải chịu trách nhiệm trên cùng thì phải lôi ông ta ra tòa, một chuyện khó thấy xảy ra khi hệ thống tư pháp tại Việt Nam chỉ là công cụ của đảng.

Với tội danh đang bị xét xử, ông Đinh La Thăng có thể bị thêm bản án tới 20 năm tù. Ông Nguyễn Tấn Dũng từng bị nêu tên trong các vụ án tham nhũng và thất thoát vốn của nhà nước tại tập đoàn "quả đấm thép" Vinashin và tổng công ty Vinalines trước đây nhưng cũng đều bình yên. (TN)

***********************

Bị xử ép, Đinh La Thăng lôi cả Nguyễn Tấn Dũng vào vụ án (CaliToday, 20/03/2018)

Trong phiên tòa sáng ngày 20/3, ông Đinh La Thăng đã lôi cả cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào trong vụ án như một người có liên quan gián tiếp. Theo những gì mà ông Thăng khai, việc rút vốn hay chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) đều phải do thủ tướng Chính phủ thời đó quyết định.

dlt2

Đinh La Thăng tại phiên tòa sáng ngày 20/3. Ảnh : Tuổi Trẻ

Đây là ngày thứ hai trong phiên xét xử vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước và quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tàn sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) lúc ông Đinh La Thăng còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN. Theo như cáo trạng, ông Đinh La Thăng cũng những người khác, như: Ninh Văn Quỳnh (kế toán trưởng), Nguyễn Xuân Sơn (phó tổng giám đốc)… đã gây thiệt hại cho PVN số tiền lên đến 800 tỷ đồng khi đầu tư vào Ngân hàng Đại Dương.

Theo Viện kiểm sát, ông Thăng đã ký thỏa thuận góp 20% vốn vào ngân hàng Đại Dương khi chưa thông qua Hội đồng quản trị PVN. Sau đó, thỏa thuận góp vốn cũng đã được Hội đồng quản trị thông qua. Tuy nhiên, việc làm này đã không được thủ tướng chính phủ thời điểm đó là ông Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận. Cùng với đó, đến đầu năm 2011, trước thời điểm được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Thăng cùng các thành viên khác ký Nghị quyết để PVN góp thêm 100 tỷ đồng vào ngân hàng Đại Dương. Từ những quyết định trên đã gây ra việc PVN thiệt hại 800 tỷ đồng.

Phản đối cáo buộc trên, ông Thăng lập luận rằng, việc ông ký thỏa thuận trước, rồi Hội đồng quản trị đồng ý sau là việc rất bình thường trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Sau đó, để tiền được rót vào ngân hàng Đại Dương thì phải có phê chuẩn của thủ tướng Chính phủ thời điểm đó. Nếu không có phê chuẩn này thì Nghị quyết mà ông cùng với các thành viên khác đưa ra cũng không có giá trị. Việc PVN góp 100 tỷ vào đầu năm 2011 là thực hiện đúng chủ trương trước đó, nhằm giữ nguyên 20% cổ phần tại ngân hàng Đại Dương. Việc này cũng tùy thuộc vào sự chấp thuận của thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng. Không có sự đồng ý của ông Nguyễn Tấn Dũng thì PVN cũng không được giảm tỷ lệ này. Ông Thăng cũng cho biết đã từng định bán cổ phẩn cho một doanh nghiệp nước ngoài nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng không đồng ý.

Cũng trong lập luận của mình, ông Đinh La Thăng cho biết rằng, đến năm 2011, lúc ông còn quản lý PVN thì ngân hàng Đại Dương vẫn có lãi và vẫn chia cổ tức. Việc Ngân hàng Đại Dương làm ăn thua lỗ, dẫn đến bị Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng vào năm 2015 không thuộc trách nhiệm của ông, vì ông đã không còn quản lý PVN. Đó là trách nhiệm của những lãnh đạo PVN và Ngân hàng Đại Dương sau này. Tóm lại, việc thiệt hại 800 tỷ ở Ngân hàng Đại Dương ông không hề liên quan.

Căn cứ vào những lập luận của ông Đinh La Thăng tại phiên tòa thì cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng dính vào tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước…" khi đã đồng ý cho PVN góp vốn vào ngân hàng Đại Dương nhưng lại không cho rút vốn để bán cho doanh nghiệp nước ngoài từ ngân hàng này.

Theo giới quan sát, bằng việc nêu cả cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra trước tòa và điều này lại còn được báo chí đăng tải phần nào cho thấy tấm lưới mà Nguyễn Phú Trọng tung ra ngày càng siết chặt lấy ông Dũng. Trong tất cả những vụ đại án gần đây, người ta đều thấy đích ngắm cuối cùng vẫn là chỉa vào Nguyễn Tấn Dũng.

Trước phiên tòa chỉ mấy ngày, trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG (Công ty Nghe nhìn toàn cầu) người ta thấy sự dính líu của Nguyễn Thanh Phượng, cô con gái cưng của Nguyễn Tấn Dũng. Bằng việc đứng đằng sau các công ty định giá, Phượng đã nâng khống giá trị thực của AVG từ 200 tỷ đồng, thổi lên thành 8.900 tỷ đồng để đục khoét tiền nhà nước.

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng được coi là phiên bản sao chép từ "đả hổ, diệt ruồi" bên Trung Quốc do Tập Cận Bình lập ra nhằm thâu tóm quyền lực, thanh trừng đối thủ chính trị. Mục đích của Nguyễn Phú Trọng sau cùng vẫn là Nguyễn Tấn Dũng, người đã khiến ông phải tức tưởi khóc tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 của Đại hội đảng lần thứ 11. Lần đó, ông Trọng muốn kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng nhưng Trung ương đảng đã không chấp thuận. Nguyên nhân khiến cho Nguyễn Phú Trọng đòi kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng là vì ông Dũng đã để cho con gái thao túng nền kinh tế, thâu tóm rất nhiều khu đất vàng.Theo giới quan sát, trong vụ án MobiFone mua AVG, ông Nguyễn Phú Trọng cùng bè phái sẵn sàng đem một số lãnh đạo cấp cao hiện nay, như: Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải… ra làm chốt thí, để mục đích cuối cùng là bắt cho bằng được Nguyễn Thanh Phượng. Một khi Phượng bị bắt, thành trì cuối cùng của Nguyễn Tấn Dũng ở Kiên Giang sẽ bị sụp đổ.

Nguyễn Thanh Phương dù chỉ sinh năm 1980 nhưng lại được giới chính trị đánh giá rất cao. Họ cho rằng trong ba người con của Nguyễn Tấn Dũng thì Phượng là người xuất sắc nhất. Cô thừa hưởng được sự tinh nhạy chính trị, khôn khéo của người cha. Trong khi người anh là Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang và người em là Nguyễn Minh Triết lại không được đánh giá cao cho lắm. Trong nhiều công điện từ Bộ Ngoại giao ở Việt Nam gởi về Hoa Thịnh Đốn đã được rò rỉ trong hồ sơ Wikileaks, giới Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đánh giá rất cao Nguyễn Thanh Phượng.

Ngay cả trong vụ án MobiFone mua AVG, Nguyễn Thanh Phượng không hề được nhắc tên đến trong kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ, cho dù cô là người đứng sau thương vụ định giá. Vậy mới thấy sự khôn khéo của người đàn bà này.

Người Quan Sát

Published in Việt Nam