Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước khác trong khu vực tiếp tục bị tàu Trung Quốc xâm nhập

RFA, 27/07/2023

Theo dữ liệu AIS mà RFA và một số nhà quan sát tình hình Biển Đông ghi nhận được, cuối tháng 7, 2023, Trung Quốc tiếp tục các đợt xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương. 

dacquyen1

Vị trí của các đội tàu cá Trung Quốc ở vùng biển phía nam Việt Nam, tàu Shi Yan 6 khảo sát EEZ Việt Nam tuần trước và tàu Tan Suo Yi Hao ở phía đông Philippines – Marine Traffic / RFA

Hôm 26/7 ông Raymond Powell, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Biển Đông ở Đại học Stanford, thông báo trên Twitter : 

"Có 19 tàu của Trung Quốc, thuộc các đội tàu Gui Bei Yu, Yue Lian Yu & Gui Fang Yu, tiến hành đánh bắt cá trái phép ngoài khơi bờ biển phía nam của Việt Nam hôm nay. Tất cả đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng có khả năng các con tàu này không xin phép Chính phủ Hà Nội vì khu vực này nằm trong yêu sách đường 9 đoạn khổng lồ của Trung Quốc".

dacquyen2

Vị trí của 3 đội tàu cá Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp trong EEZ của Việt Nam, 27/7/2023 (Raymond Powell) 

Trả lời câu hỏi của RFA về khả năng sử dụng dữ liệu AIS để theo dõi hoạt động của lực lượng Kiểm Ngư Việt Nam kiểm soát hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc ở thời điểm cuối tháng 7 này, ông Raymond Powell cho biết : 

"Tôi không thể phát hiện ra sự tương tác hiện tại giữa các tàu cá Trung Quốc này và các tàu Kiểm ngư của Việt Nam. Trước đây, tôi đã từng thấy lực lượng giám sát nghề cá hoạt động gần các tàu cá Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng họ không tỏ ra cản trở hoạt động của các tàu cá này".

Một quan chức Việt Nam không muốn nêu tên nói tàu Kiểm ngư Việt Nam thường tắt tín hiệu định vị AIS để giữ bí mật, nhằm dễ dàng theo dõi tàu cá Trung Quốc. Tuy vậy, trước diễn biến 3 đội tàu đánh cá Gui Bei Yu, Yue Lian Yu và Gui Fang Yu đang hoạt động trong EEZ của Việt Nam hiện nay, sẽ khó hiểu vì sao tàu Kiểm ngư Việt Nam lại cần tắt tín hiệu để dễ dàng theo dõi tàu cá Trung Quốc ở đó. Ông Raymond Powell nêu phán đoán của mình với RFA :

"Tôi có cảm giác Việt Nam đã từ bỏ một phần ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao nếu chúng ta nhận được bình luận từ Chính phủ Việt Nam thì sẽ rất thú vị, bởi vì họ phải cho biết liệu họ có cho phép hoạt động đó hay không. Một lần nữa, tôi cho là Trung Quốc không xin phép Hà Nội, vì Trung Quốc tuyên bố vùng biển mà họ đang đánh bắt cá là của họ do nằm trong đường 9 đoạn, nên việc xin phép Việt Nam sẽ đi ngược lại yêu sách đó".Trong một diễn biến khác, đồng thời với hoạt động của 3 đội tàu đánh cá trong vùng EEZ của Việt Nam, tàu khảo sát của Trung Quốc Shi Yan 6 đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Philipines từ 7/7/2023. Con tàu này khảo sát ở đó và vùng biển nằm giữa Hoàng Sa và Trường Sa liên tục 10 ngày, rồi xâm nhập và khảo sát trong vùng EEZ của Việt Nam trong hai ngày 17 và 18 tháng 7, rồi quay trở lại vùng EEZ của Philippines.Hôm nay 27/7, con tàu này quay trở lại căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Song song với hoạt động của Shi Yan 6, tàu khảo sát Tan Suo Yi Hao cũng tiến hành khảo sát vùng biển các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. 

Trả lời câu hỏi của RFA về khu vực tàu Shi Yan 6 khảo sát ở vùng biển nằm giữa Hoàng Sa và Trường Sa, một khu vực hiếm khi Trung Quốc khảo sát trước đây, ông Raymond Powell ở Đại học Stanford nói ông cần tham khảo thêm các chuyên gia khảo sát thủy văn để hiểu về hoạt động lường và mô tả các đặc điểm vật lý của các vùng nước và các vùng đất tiếp giáp với các vùng nước đó. Về hoạt động của tàu Tau Suo Yi Hao đang khảo sát phía đông Philippines, ở vùng biển các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, diễn ra đồng thời với hoạt động của Shi Yan 6 và các đội tàu đánh cá Trung Quốc trong EEZ Việt Nam, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á ở Trung tâm CSIS, nhận xét : 

"Khó có thể nói điều gì nếu chỉ căn cứ trên những hoạt động này. Tuy vậy, các tàu khảo sát của Trung Quốc đã dành nhiều thời gian để tiến hành các cuộc khảo sát đáy biển ở phía đông Philippines trong những năm gần đây. Có lẽ họ muốn hiểu rõ hơn về các điểm đi ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất. Đó là khu vực họ hi vọng sẽ cho lực lượng tàu ngầm hoạt động". 

RFA từng đọc được một số bản tin trên truyền thông nhà nước về việc lực lượng biên phòng Việt Nam bắt giữ tàu cá Trung Quốc đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Ví dụ, năm 2016 có bản tin "trong chuyến tuần tra 17 ngày, biên phòng Hải Phòng đã xua đuổi 112 lượt tàu cá Trung Quốc, đồng thời lập biên bản cảnh cáo, phóng thích đối với 22 tàu cá vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam", năm 2020, có tin Quảng Ninh bắt giữ tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không thấy có những bản tin như vậy. 

Nguồn : RFA, 27/07/2023

***********************

Việt Nam xây dựng thêm nhiều cơ sở trên quần đảo Trường Sa

RFA, 27/07/2023

Việt Nam đang tiến hành xây thêm trên những cơ sở tại hai đảo do nước này quản lý thuộc quần đảo Trường Sa.

dacquyen3

Lính hải quân Việt Nam tại đảo Trường Sa (minh hoạ) - Reuters

Mạng báo Manila Times của Philippines loan tin ngày 27/7 dẫn tài liệu có được, đó là công văn "Kế hoạch các dự án xây dựng trên đảo Phan Vinh và Tiên Nữ ở Trường Sa" do Phó Đô đốc Trần Thanh Nghiêm - Tư lệnh Hải quân Việt Nam ký ngày 27/7.

Nội dung công văn nêu rõ Việt Nam đang xây dựng thêm cơ sở quân sự và nhà ở dân sự trên hai đảo vừa nêu. Đảo Phan Vinh thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam vào năm 1978 và Tiên Nữ vào năm 1988.

Lý do xây dựng cũng được cho biết nhằm tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ đảo, tăng cường niềm tin cho chiến sĩ, viên chức và người dân trên đảo, bảo vệ vùng dầu khí phía nam, thềm lục địa của Việt Nam. Thông qua việc mở rộng tại đảo Phan Vinh và Tiên Nữ, việc xây dựng nhóm chiến đấu, Việt Nam có thể phát triển khả năng tấn công… Công tác này mang tầm quan trọng chiến lược lâu dài bởi lẽ giúp tăng cường việc kiểm soát được tuyến đường biển và gia tăng áp lực quân sự lên đối với những nước láng giềng.

Tổng kinh phí cho công tác xây dựng các dự án mở rộng tại hai đảo Phan Vinh và Tiên Nữ như vừa nêu là 6.425 tỷ đồng ; trong đó Phan Vinh là 3.745 tỷ và Tiên Nữ là 2.680 tỷ đồng.

Manila gọi Biển Đông là Biển Tây Philippines, và là một trong sáu quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên và có tuyến đường biển quan trọng này.

Nguồn : RFA, 27/07/2023

Published in Việt Nam