Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Những ngày qua dư luận Việt Nam xôn xao về một vệt nước đỏ xuất hiện ở khu vực cầu cảng Formosa, Hà Tĩnh. Dễ hiểu cho sự quan tâm này của người dân sau những gì đã xảy ra gần 1 năm qua liên quan đến thảm họa cá chết.

do1

Dải nước màu đỏ xuất hiện ven biển Vũng Áng

Tuy nhiên, dường như chưa rút được kinh nghiệm gì từ khủng hoảng truyền thông lần trước, giới chức hữu quan lại tiếp tục đưa ra những nhận định bất nhất. Ban đầu họ cho rằng đây là hiện tượng tự nhiên bình thường, sau lại giải thích rằng chất thải hữu cơ từ sinh hoạt của con người mới là nguyên nhân chính. 

Giáo sư Lê Huy Bá, chuyên gia độc học môi trường hàng đầu Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt ngữ đã phản đối giải thích của chính quyền thị xã Kỳ Anh về vệt nước đỏ là do "ô nhiễm hữu cơ, do con người sinh hoạt xả thải".

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Giáo sư Bá tin rằng màu đỏ của vệt nước là do oxit sắt 3 và có hai nguyên nhân khả dĩ nhất cho hiện tượng này. Một là bởi "đất nhiệt đới có mầu đỏ vì chứa nhiều chất sắt, sau khi mưa nước chảy ra biển mang màu đỏ". Hai là "do sản phẩm của chất xả thải công nghiệp".

Tuy nhiên, ông chỉ có thể tiếp cận thông tin qua báo chí rồi đưa ra nhận định, chứ không có điều kiện tìm hiểu sự thật, vì như ông trả lời BBC : "Bản thân chúng tôi [các nhà khoa học] rất được muốn biết để hiểu được thực chất của vấn đề một cách khách quan nhưng có được xem [kết quả xét nghiệm nước biển] đâu"

Giáo sư Bá từng được biết đến với những bình luận mang tính chuyên môn về thảm họa cá chết năm ngoái. Nổi bật trong số đó là việc phủ nhận nguyên nhân "thủy triều đỏ" ngay sau khi lý giải này được Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra.

Ông cũng là người tỏ ra không hài lòng với buổi họp báo của Chính phủ công bố thủ phạm Formosa ở chỗ Chính phủ đã không đề cập đến khả năng biển miền Trung nhiễm kim loại nặng.

Phần chia sẻ sau cùng của Giáo sư Bá gợi ý một nguyên nhân quan trọng khiến dư âm của thảm họa Formosa sẽ còn kéo dài. Đó là thiếu vắng sự tham gia của các nhóm dân sự độc lập, bao gồm cả các tổ chức nghiên cứu có chuyên môn sâu về vấn đề môi trường - nơi niềm tin công chúng có thể dựa vào, trong bối cảnh các kết luận/lý giải từ phía chính quyền càng lúc càng tỏ ra thiếu thuyết phục sau hàng loạt hành xử tiền hậu bất nhất của họ.

Đòi hỏi cấp bách này, đến lượt nó, bị ách lại bởi tư duy không chấp nhận bất kỳ hình thức tổ chức độc lập nào từ phía những người nắm quyền, thể hiện qua việc trì hoãn ban hành Luật Hội trong hàng chục năm vừa rồi.

Thế là, trong lúc ở Đài Loan không khó tìm ra những giáo sư và các nhóm môi trường độc lập theo đuổi Formosa trong hàng chục năm, thị sát nhà máy hàng chục lần, làm hàng chục nghiên cứu, ra hàng chục báo cáo độc lập, dựng các trạm quan trắc đối chiếu với số liệu của Formosa và chính phủ, thì ở Việt Nam, những người hoạt động vẫn luôn trong tư thế chuẩn bị cho việc bị bắt giữ, đánh đập, giam cầm trước khi quyết định vào Vũng Áng, còn một giáo sư đầu ngành độc học môi trường thì chỉ có thể tiếp cận thông tin qua báo chí.

Để rồi một vệt nước đỏ có thể làm xáo trộn cả một quốc gia.

Nguyễn Anh Tuấn

Published in Việt Nam

Lý do gây vệt nước đỏ Vũng Áng là gì ? (BBC, 20/02/2017)

Việc nói dải nước màu đỏ xuất hiện tại vùng biển Vũng Áng "là do ô nhiễm hữu cơ, do con người sinh hoạt xả thải", như giải thích của UBND thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là "không thuyết phục", một chuyên gia độc học môi trường Việt Nam bình luận với BBC.

Bas du formulaire

vungang1

Vệt nước màu hồng dạt vào kè chắn sóng ở cảng Vũng Áng được người dân chụp lại.

 Trả lời BBC Tiếng Việt, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá từ Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cho biết ô nhiễm hữu cơ "không bao giờ là màu đỏ" mà thường có màu đen hay màu xanh đen. "Màu đỏ là màu của oxit sắt 3".

Hai hiện tượng dải nước đỏ

Một vệt nước đỏ dài khoảng 100 m đã xuất hiện tại bờ kè chắn sóng cảng Vũng Áng vào 19/1, truyền thông trong nước đưa tin.

Trong những ngày qua, dư luận xôn xao về hiện tượng một dải nước màu đỏ đục xuất hiện vào sáng 18/2 tại khu vực cảng Sơn Dương thuộc công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Sau đó, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh đã đến kiểm tra và lấy mẫu nước đi phân tích.

Đồng thời, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip quay dòng nước màu đỏ chảy ra từ một miệng cống xuống biển.

Phó Chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh được trang tin VietnamNet dẫn lời, nói hôm 19/2 về kết quả phân tích nước biển có váng đỏ xảy ra hồi tháng Một ở Vũng Áng : "Theo kết quả phân tích, dải nước màu đỏ ở biển là do ô nhiễm hữu cơ, co con người sinh hoạt, xả thải". Đây cũng là kết quả được Viện Công nghệ và Môi trường gửi cho Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Tĩnh.

Một lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nói "hiện tượng vệt nước đỏ xuất hiện ngày 17/2 tại cảng Sơn Dương và Vũng Áng không có gì nguy hiểm", và "hải sản tại khu vực đó vẫn phát triển bình thường", báo Lao động đưa tin.

Hôm 20/2, BBC đã liên hệ qua điện thoại với ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Tĩnh đồng thời là Trưởng ban Khu kinh tế Hà Tĩnh, nhưng ông từ chối bình luận.

vungang2

Vệt nước đỏ xuất hiện ở bờ biển Vũng Áng Hà Tĩnh - Ảnh : VĂN ĐỊNH

Nguyên nhân hiện tượng dải nước đỏ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nước biển đỏ, Giáo sư Lê Huy Bá nói với BBC.

Chẳng hạn như hiện tượng này có thể xảy ra khi "đất nhiệt đới có mầu đỏ vì chứa nhiều chất sắt, sau khi mưa nước chảy ra biển mang màu đỏ", và trường hợp này, theo ông Bá, là "không đáng ngại".

Một hiện tượng tự nhiên khác có thể khiến nước biển chuyển màu đó là hiện tượng thủy triều đỏ (tảo biển nở hoa). Tuy nhiên, giáo sư Bá khẳng định hiện tượng này thường chỉ xảy ra vào tháng 8, tháng 9 chứ "không vào thời kỳ này".

Một nguyên nhân khác có thể có, là do sản phẩm của chất xả thải công nghiệp, nhưng muốn khẳng định được nguyên nhân của hiện tượng này, các nhà khoa học phải được "tận mắt tận tay quan sát", Giáo sư Bá nói.

Ông Lê Xuân Thế, một ngư dân sống cách vùng biển Vũng Áng 3km, nói với BBC ông đi biển tới nay đã hơn 50 năm nhưng "chưa bao giờ thấy hiện tượng dải nước đỏ trên biển".

Chi tiết kết quả xét nghiệm nước biển mà Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh nói đến dường như không được công bố một cách chính thức và rộng rãi.

"Bản thân chúng tôi [các nhà khoa học] rất được muốn biết để hiểu được thực chất của vấn đề một cách khách quan nhưng có được xem đâu", Giáo sư Lê Huy Bá nói, và cho biết mình cũng chỉ biết theo dõi tin trên báo chí.

Tuy nhiên, Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, bộ phận trắc quan của Bộ Tài Nguyên Môi trường và đại diện của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa đã kiểm tra các cống xả thải của Formosa và kết luận doanh nghiệp này "không có đường ống xả thải nào như clip phát tán trên mạng xã hội", trang tin Zing tường thuật.

Giới chức tới giờ chưa có bình luận nào về địa điểm có thể của cống xả thải quay trong video clip nói trên.

************************

Dải nước lạ màu đỏ ở cảng Vũng Áng : Tình tiết mới (Đất Việt, 22/02/2017)

Hà Tĩnh khẳng định, ống xả thải màu đỏ lan truyền trên mạng không phải của Formosa. Đặc biệt, nguyên nhân nước đỏ ngày 19/1 là do ô nhiễm hữu cơ.

Cống xả thải nước màu đỏ không phải của Formosa

Liên quan đến đoạn video quay cận cảnh cống nước xả ra dòng nước thải màu đỏ lan truyền trên mạng ngày 19/2 và một số người cho rằng đó là hệ thống xả thải của Formosa ở Hà Tĩnh, tối cùng ngày, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã thông tin cụ thể với báo chí.

Ông Tùng khẳng định, sau khi nắm được thông tin đơn vị này đã cho lực lượng kiểm tra ngay. Tuy nhiên kết quả cho thấy thông tin trên hoàn toàn sai sự thật.

"Đó là thông tin thất thiệt, bởi thực tế ở Dự án Formosa Hà Tĩnh không có cổng xả thải nào nhỏ giống như trong video xôn xao trên mạng", ông Tùng khẳng định với Dân trí.

vungang3

Hà Tĩnh khẳng định, ống xả thải màu đỏ lan truyền trên mạng không phải của Formosa.

Cũng trong tối 19/2, xác nhận với Infornet, ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, hiện tỉnh đã nắm được thông tin có video trên.

"Tôi là người trực tiếp cùng anh em các sở ban ngành đã đi kiểm tra, cho thấy ở dự án Formosa Hà Tĩnh không có cống xả thải nào nhỏ giống như trong video", ông Thắng khẳng định.

Ông Thắng cho biết thêm, sáng 20/2, một đoàn công tác của tỉnh cùng báo chí sẽ chứng thực các cống xả thải của Formosa để dư luận được rõ hơn, tránh hiểu nhầm. Đồng thời Tỉnh này sẽ xác minh về nguồn gốc, động cơ người tung video này để có hướng xử lí.

Trao đổi với PV Infonet chiều 20/2, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định : đoạn clip xả thải đăng tải trên trang mạng xã hội là thông tin hoàn toàn bịa đặt.

 

Nước biển đỏ ngày 19/1 : Do ô nhiễm hữu cơ

Trong một diễn biến có liên quan, chiều 19/2, xác nhận với Tuổi trẻ, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết Viện Khoa học công nghệ đã công bố kết quả hiện tượng dải nước biển đỏ ở khu cảng Vũng Áng ngày 19/1.

Theo đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được xác định là hiện tượng tự nhiên, do sứa vào mùa sinh sản tạo ra.

Ngoài ra, tại khu vực biển này nước ít luân chuyển nên bị ô nhiễm hữu cơ do các nhà hàng, bè nổi xả thải ra biển.

vungang4

Dải nước màu đỏ dài 50 m tại cảng Vũng Áng Hà Tĩnh đang khiến dư luận xôn xao

Trưa 19/2, trả lời báo chí, ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết đã có kết quả phân tích nước biển có váng đỏ xảy ra vào ngày 19/1 tại khu vực bè nổi mực nhảy ở Vũng Áng.

"Theo kết quả phân tích, dải nước màu đỏ ở biển là do ô nhiễm hữu cơ, do con người sinh hoạt, xả thải", tờ Vietnamnet dẫn lời ông Vĩnh cho biết.

Hà Nam (tổng hợp)

Published in Việt Nam