‘Làm sạch tận gốc’ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ? (BBC, 01/11/2017)
14 cá nhân là ủy viên Hội đồng thành viên, tổng giám đốc của PetroVietnam (PVN) qua các thời kỳ từ 2006 đến 2015 đã bị xử lý kỷ luật.
Ông Đỗ Văn Hậu từng là Tổng Giám đốc PVN từ tháng 11/2011 - 10/2014, bị cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015
Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh thông báo như vậy cho Quốc hội trong báo cáo về xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp của ngành công thương.
Ngoài ra, tất cả thành viên Hội đồng quản trị của tổng công ty Dệt May Việt Nam (Vinatex) qua các thời kỳ từ 2008 đến 2014 bị "phê bình nghiêm khắc và kiểm điểm rút kinh nghiệm".
Bộ Công Thương nhận định các nguyên lãnh đạo của PVN, Vinatex phải chịu trách nhiệm về những khuyết điểm, sai phạm liên quan đến các dự án thua lỗ.
Tại PVN, báo cáo cho biết có 1 người diện thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý về mặt kỷ luật Đảng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và 1 người đang bị tạm giam để điều tra nên chưa xem xét trách nhiệm về mặt hành chính.
2 người khác đã bị cảnh cáo và 10 người bị khiển trách.
Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tập đoàn PVN, bị Đảng cảnh cáo
Bộ Công Thương nhắc lại quyết định của Ủy ban Kiểm tra trung ương cách chức bí thư và phó bí thư Đảng ủy PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu.
Cơ quan kỷ luật Đảng cũng đã khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Sơn và cảnh cáo đối với ông Nguyễn Quốc Khánh - đều là nguyên bí thư Đảng ủy, chủ tịch tập đoàn PVN.
Trước đó, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tập đoàn PVN, bị Đảng cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.
Bộ Công Thương nói họ đang "khẩn trương" xem xét thi hành kỷ luật về mặt hành chính đối với các tập thể và cá nhân của tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Ban Bí thư Đảng Cộng sản, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hồi tháng Chín, đã cách tất cả các chức vụ trong Đảng của ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem.
Theo chính phủ Việt Nam, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án bị điều tra là gần 43,7 nghìn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên hơn 63,6 nghìn tỷ đồng (tăng 45,65%).
Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm hết 2016 là hơn 16,12 nghìn tỷ đồng.
Hồi tháng Sáu, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đã họp để xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các dự án này.
12 dự án nghìn tỷ thua lỗ
Ông Nguyễn Xuân Sơn bị khai trừ Đảng
Cuối tháng 12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thành lập Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Từ 5 dự án ban đầu báo cáo ra Quốc hội, Ban này sau đó xác định 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả.
(1) Nhóm 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón : Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai
(2) Nhóm 3 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học : Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước.
(3) Nhóm 2 dự án đầu tư sản xuất thép : Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên
(4) Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex)
(5) Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS)
(6) Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.
******************
Vụ Khaisilk : Giới chức chịu trách nhiệm đến đâu ? (BBC, 01/11/2017)
Liên quan cuộc điều tra cáo buộc Khaisilk bán khăn lụa 'Made in China', cơ quan chức năng nhiều năm qua đã "thiếu trách nhiệm hay có sự thông đồng", hai nhà quan sát ở Thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi.
Cơ quan chức năng thu giữ sản phẩm tại cửa hàng Khaisilk ở Thành phố Hồ Chí Minh
Hôm 1/11, trả lời BBC, ông Nguyễn Việt Khoa, giảng viên khoa Luật, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, nói : "Tôi cho rằng việc mở rộng điều tra, khả năng sắp tới là khởi tố vụ án, khởi tố bị can (nếu có) trong vụ Khải Silk là cần thiết".
Theo báo Tuổi Trẻ hôm 1/11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công ty Khải Đức, chủ thương hiệu Khaisilk.
Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Công an, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Khoa học - Công nghệ, Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng và Hiệp hội Dệt may.
Trước đó, hôm 31/10, đội Quản lý thị trường quận 1, thuộc Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, đã thu giữ hơn 1.000 sản phẩm tại cửa hàng Khaisilk trên đường Đồng Khởi ở Thành phố Hồ Chí Minh.
"Trong vụ việc này, có thể nói trách nhiệm của quản lý thị trường đã quá rõ ràng, việc để hành vi vi phạm của Khaisilk diễn ra trong một thời gian dài. Ở đây, cần làm rõ trách nhiệm của các lãnh đạo, cá nhân Cục quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương và Chi cục Quản lý thị trường của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là do thiếu trách nhiệm hay là có sự thông đồng giữa cơ quan này với đơn vị kinh doanh ?", ông Nguyễn Việt Khoa đặt câu hỏi.
"Ngoài Bộ Công thương, Cảnh sát kinh tế cần điều tra làm rõ để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật hay truy cứu trách nhiệm hình sự các cán bộ công chức đã và đang làm việc trong thời gian công ty này vì phạm".
"Trước mắt, lãnh đạo có thẩm quyền cần ra quyết định đình chỉ ngay chức vụ của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để làm rõ trách nhiệm, qua đó thể hiện quyết tâm trong việc xử lý cán bộ sai phạm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần chỉ đạo xem xét một cách đầy đủ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Công thương qua các thời kỳ cũng như trách nhiệm của các cơ quan thuế, hải quan thuộc Bộ tài chính (nếu có) trong việc để công ty này vi phạm trong một thời gian dài".
Vụ Khaisilk bán khăn lụa vỡ lở từ một cửa hàng ở Hà Nội
'Che đậy rất kỹ càng'
Theo ông Khoa, hành vi vi phạm của Khaisilk có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng theo Điều 162 Bộ luật Hình sự 1999.
Tuy nhiên, hành vi này cũng có đủ yếu tố cấu thành tội mua bán hàng giả theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009). Đây thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nên mức phạt tù cao nhất có thể đến 15 năm.
Vì vậy, việc xử lý tội danh nào tùy thuộc vào việc xem xét và đánh giá đầy đủ chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ông Khoa nói thêm : "Theo tôi, cần phải xử lý tội buôn bán hàng giả để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, nhằm răn đe các hành vi tương tự trong tương lai".
"Có thể nói đây là một sự lừa dối khách hàng thuộc loại lớn nhất lịch sử của Việt Nam đã kéo dài qua hơn hai thập kỷ, hành vi được che đậy rất kỹ càng và chỉ được phát hiện vì một sơ suất nhỏ, nếu vụ việc không được phát hiện bởi một người mua hàng thì có thể nói Khaisilk tiếp tục lừa dối người tiêu dùng, điều nguy hiểm của vụ việc này là việc thu lợi bất chính rất lớn dựa trên niềm tự hào dân tộc đối với hàng Việt Nam".
"Lòng tin bị đánh sập"
Cũng trong hôm 1/11, nhà báo Võ Đức Phúc nói với BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh : "Theo tôi, vụ Khaisilk không dừng lại ở câu chuyện về đạo đức kinh doanh của một doanh nghiệp trong nước nữa mà còn là câu chuyện lòng tin danh hiệu về một sản phẩm của một quốc gia. Lòng tin đó đang bị đánh sập".
"Khaisilk đã lừa dối cả xã hội, lừa dối chính phủ, lừa dối cả bạn bè các nước và chính khách đến Việt Nam khi họ nhận được món quà tặng là tấm khăn choàng mang dáng dấp một sản phẩm đầy tự hào của dân tộc".
"Rõ ràng Khaisilk đã không có đạo đức kinh doanh và vi phạm pháp luật khi làm giả nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, gian dối trong kinh doanh, lừa bịp khách hàng trong suốt một thời gian dài 30 năm qua".
Bên cạnh đó, nhà báo Võ Đức Phúc cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của giới chức trong việc để tình trạng gian dối kéo dài.
"Một thương hiệu lớn như thế mà chủ thương hiệu đã gian dối 30 năm không bị phát hiện. Lực lượng chức năng đã ở đâu trong câu chuyện này ?"
"Câu hỏi này lẽ ra phải được trả lời sớm chứ không phải bây giờ các cơ quan chức năng mới tình cờ phát hiện. Chuyện này không trách được những nghi ngờ của dư luận là có sự "bảo kê" cho hoạt động của Khaisilk".
"Dù muộn còn hơn không. Những ngày vừa qua, lực lượng quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra các địa điểm bán hàng của Khaisilk, Bộ Công thương cũng đã lên tiếng đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra, thậm chí đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng.~
"Sự vào cuộc nhanh chóng đó cũng đã phần nào lấy lại uy tín cho nhiều thương hiệu sản phẩm trong nước khác đang bị giảm sút nghiêm trọng qua vụ Khaisilk. Bởi người tiêu dùng đang nghĩ đến sự tệ hại về giá trị của những danh hiệu khác hiện nay, nó có vẻ thật dễ dàng có được, chỉ cần doanh nghiệp có tiền và "mua" nó", ông Phúc nói thêm, và "dường như chính phủ đang nỗ lực dẹp bỏ những nghi ngờ đó".
Ông Phúc cũng đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Việt Khoa, rằng cần phải làm rõ những hành vi sai trái trong vụ này. "Vụ việc sẽ phải đi đến tận cùng. Đó là cần khởi tố vụ án để làm rõ đúng sai trong hoạt động kinh doanh của Khaisilk".