Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Công an truy nã bảy cựu lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB đang bỏ trốn

RFA, 29/10/2023

Bộ Công an Việt Nam vào ngày 29/10 ra thông báo  truy nã bảy người là các cựu lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) trong một vụ án đã được khởi tố từ tháng 10 năm 2022 và đang được mở rộng điều tra.

scb1

Người dân là những nhà đầu tư trái phiếu được Ngân hàng SCB giới thiệu mua biểu tình đòi tiền, yêu cầu nhà nước cứu hôm 20/11/2022 – Facebook/SCB Bắc Trung Nam

Theo thông báo, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đang điều tra vụ án "Tham ô tài sản ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ; Rửa tiền ; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan. 

Trước khi lệnh truy nã được công bố, vào ngày 25/10 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bảy bị can nhưng các bị can đã bỏ trốn hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu, theo thông tin từ trang web của Bộ Công an.

Bảy người bị truy nã đang bỏ trốn gồm : Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB), Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó tổng giám đốc SCB), 

Trầm Thích Tồn (cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB), Sun Henry Ka Ziang (thành viên Hội đồng quản trị SCB, quốc tịch Trung Quốc) ; Lam Lee George (cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó giám đốc chi nhánh Bến Thành SCB).

Vào ngày 30/9 vừa qua, Bộ Công an phát thông báo tìm những ai là bị hại trong vụ án lừa đảo Vạn Thịnh Phát và các tổ chức, đơn vị liên quan. Theo Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), kết quả điều tra từ năm 2018 đến năm 2020 xác định những người có liên quan tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Đầy tư Quang Thuận, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương Mại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Đầu tư & Phát triển Sunny World và các tổ chức khác đã gian dối, làm trái quy định của pháp luật khi tạo lập 25 gói trái phiếu và 20 mã số hiệu với tổng trị giá 30.000 tỷ đồng để bán cho các trái chủ, huy động tiền và chiếm đoạt. Có 42.000 người là nạn nhân của vụ lừa đảo này.

Sau khi tin truy nã được công bố rộng rãi, trên các nhóm mạng xã hội quy tụ những người đã mất tiền vì mua trái phiếu và gửi tiền tiết kiệm vào SCB, nhiều người lên tiếng bất bình vì cho rằng việc khởi tố và truy nã diễn ra chậm sau một năm, đủ thời gian để người bị truy nã "cao chạy xa bay" và những nạn nhân mất tiền không còn hy vọng lấy lại chút nào.

Liên quan đến vụ án ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, công an đã khởi tố hai vụ án và 27 bị can. Trong số những bị can bị bắt giữ có bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Trương Huệ Vân – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor ; Hồ Bửu Phương – nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP chứng khoán Tân Việt, nguyên phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Nguồn : RFA, 29/10/2023

************************

Vụ người dân phản đối cảng Long Sơn : Công an khám xét nhà một người dân, triệu tập một số người

RFA, 29/10/2023

Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa vừa khám xét nhà bà Cao Thị Lĩnh, 32 tuổi, người tham gia phản đối việc xây dựng cảng container Long Sơn ở địa phương.

scb2

Bờ biển khu vực Dự án cảng container Long Sơn – Facebook Mai Dung

Truyền thông Nhà nước hôm 28/10 dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết việc khám xét đã thu giữ được một số tài liệu liên quan đến việc tổ chức, kích động đông người chống đối xây dựng cảng container Long Sơn.

Công an đồng thời cũng triệu tập bà Lĩnh và một số người khác lên trụ sở công an làm việc để phục vụ điều tra vụ án "gây rối trật tự công cộng".

Vào sáng ngày 23/10, khoảng 300 người dân đã tập trung tại nơi chuẩn bị thi công cảng Long Sơn để phản đối việc xây dựng cảng này.

Vào chiều cùng ngày, Công an thị xã Nghi Sơn khởi tố vụ án hình sự "gây rối trật tự công cộng" xảy ra tại xã Hải Hà.

Một số người dân phản đối cảng Long Sơn cho RFA biết họ không đồng tình với dự án vì cho rằng cảng mới sẽ cản trở việc đánh bắt cá là nguồn mưu sinh bao đời nay của họ.

Xã Hải Hà có gần 3.000 hộ dân với gần 11.000 nhân khẩu mà phần đông là những người làm nghề đi biển.

Những người dân ở đây cho RFA biết, tại xã hiện có bốn dự án công nghiệp bao xung quanh là Nhà máy xi măng và Cảng than ở phía bắc, phía tây là nhà máy nhiệt điện, phía nam là nhà máy gang thép, và phía đông là Dự án Cảng container Long Sơn. Họ cho biết các dự án công nghiệp đã khiến người dân trong xã phải gánh chịu ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Dự án Cảng container Long Sơn, nằm ở phần ven biển của xã Hải Hà, do Công ty trách nhiệm hữu hạn Long Sơn đầu tư, dự kiến đầu tư bến cảng trị giá hơn 750 tỷ đồng, trên diện tích mặt nước khoảng 15 ha, chiều dài bến cảng 250 m, dự kiến khai thác vào năm 2025.

Nguồn : RFA, 29/10/2023

***********************

Việt Nam còn dư gần 1.000 tỷ đồng quỹ phòng, chống dịch Covid-19 được huy động từ dân

RFA, 29/10/2023

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới đây cho biết tổ chức này hiện còn 932 tỷ đồng trong quỹ phòng, chống dịch Covid-19 được huy động từ các nguồn lực xã hội, đề nghị trung ương cho ý kiến về việc sử dụng nguồn quỹ này.

scb3

Biển cổ động phòng, chống Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 4/12/2021 - AFP

Truyền thông Nhà nước cho biết, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào sáng ngày 29/10, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó chủ tịch, tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cho biết thông tin này.

Bà Hà nói, kể từ khi đại dịch xuất hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động, huy động các nguồn lực xã hội. Kết quả, tổng số tiền mặt và hiện vật ủng hộ kinh phí phòng, chống dịch trị giá khoảng 2.900 tỷ đồng từ cấp trung ương, tại địa phương huy động được trên 15.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bà Hà cho biết vì bối cảnh đại dịch lần đầu, chưa có kinh nghiệm, trong khi phải chống dịch phải nhanh chóng, do đó quá trình vận động, quản lý, phân bổ nguồn lực cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt các căn cứ pháp lý.

Người đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đề nghị Thủ tướng cho phép các khoản địa phương đã chi từ nguồn vận động của địa phương không phải thu hồi để nộp về quỹ vắc xin ; nguồn kinh phí phòng, chống dịch còn dư (ở trung ương còn dư 118 tỉ đồng, ở địa phương còn dư 814 tỉ), đề nghị Thủ tướng theo hướng rà soát, nếu không còn nội dung hỗ trợ thì chuyển toàn bộ kinh phí này về trung ương theo quy định.

Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 ở Việt Nam và đến đầu năm 2023 về cơ bản đã được kiểm soát. Đến tháng 6/2023, Bộ Y tế Việt Nam quyết định chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B.

Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Chính phủ Việt Nam hôm 28/10 cũng ra một nghị quyết mới bãi bỏ chín nghị quyết và một phần trong bốn nghị quyết được ban hành thời đại dịch.

Đã có hai vụ án tham nhũng lớn liên quan đến các quan chức Chính phủ xảy ra trong giai đoạn này là vụ "các chuyến bay giải cứu" (đưa công dân từ nước ngoài về nước) và vụ các bộ xét nghiệm Covid-19 của công ty Việt Á.

Ngoài hai vụ tham nhũng lớn do Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương theo dõi và chỉ đạo, mới đây, Bộ Công an cho biết, tổng kết giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, công an các cấp ở Việt Nam đã khởi tố 37 vụ với 104 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 220 vụ, 222 đối tượng với số tiền gần ba tỷ đồng.

Nguồn : RFA, 29/10/2023

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam