Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ba luật sư vụ Thiền Am lên tiếng về ‘Thông báo truy tìm’ của Công an Long An

Diễm Thi, RFA, 15/2023

Trang Thông tin điện tử Công an tỉnh Long An hôm 11 tháng 6 năm 2023 đăng Thông báo truy tìm người trong mục "Truy nã - Truy tìm". Thông báo viết : "Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An thụ lý kiểm tra, xác minh tin báo trên và đã gửi Giấy triệu tập nhiều lần cho 03 đối tượng gồm : Nguyễn Văn Miếng ; Đào Kim Lân và Đặng Đình Mạnh nhưng các đối tượng không đến để làm việc và không có lý do vắng mặt. Qua công tác xác minh, Công an phường nơi các đối tượng cư trú và thân nhân xác nhận hiện các đối tượng không có mặt tại địa phương, đi đâu, làm gì không rõ và không liên lạc được.

luatsu1

Năm luật sư bào chữa trong vụ Tịnh Thất Bồng Lai gồm, từ trái qua : Luật sư Ngô Thị Hoàng Anh, Luật sư Đào Kim Lân, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Luật sư Nguyễn Văn Miếng, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc - Photo : RFA

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định truy tìm các đối tượng nêu trên để phục vụ công tác giải quyết tin báo về tội phạm (có các Quyết định truy tìm người kèm theo). Khi thấy các đối tượng truy tìm nêu trên, đề nghị thông báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An".

Quyết định gây nhiều phản ứng trong giới luật sư. Và bản thân ba luật sư có tên trong danh sách bị truy tìm nêu rõ quan điểm của họ đối với quyết định đó của Công an tỉnh Long An.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA :

"Tôi có biết về Quyết định truy tìm người của Công an tỉnh Long An đối với cá nhân tôi. Phải nói là qua quá trình làm việc với họ, kể cả tham khảo vụ án oan tày đình Hồ Duy Hải trước đây, nên tôi không hề bất ngờ gì cả vì rất hiểu về cách làm việc tùy tiện bất chấp pháp luật của họ. Về phương diện pháp lý, tôi thấy có ít nhất 4 vấn đề lưu ý về việc truy tìm người này.

Thứ nhất, tôi có thể khẳng định được ngay thủ tục truy tìm này là bất hợp pháp. Bởi lẽ căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự đang có hiệu lực thi hành thì không có một điều luật nào quy định về thủ tục này cả. Thế cái thủ tục họ dùng gọi là để truy tìm chúng tôi là từ đâu ? Nó không hề có một cơ sở pháp lý nào cả.

Tuy vậy, với tính cách tham khảo, tôi biết có một văn bản nằm trong Thông tư số 04/2022/BCA của Bộ Công An quy định điều này. Nhưng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, Thông tư số 04 là một văn bản lập quy, chỉ có giá trị để hướng dẫn thi hành một văn bản lập pháp mà thôi. Do đó, văn bản lập quy không thể quy định mở rộng hơn văn bản lập pháp là Bộ luật Tố tụng Hình sự được. Cho nên, việc công an tỉnh Long An ban hành quyết định truy tìm người đối với cá nhân tôi là hoàn toàn bất hợp pháp.

Thứ hai, việc triệu tập chúng tôi đến làm việc cũng bất hợp pháp. Cho đến thời điểm này, họ đã từng 4 lần gửi giấy triệu tập tôi đến làm việc trong vai trò là người bị tố giác hình sự. Thế nhưng, tương tự như trên, không có quy định nào cho phép cơ quan công an được quyền triệu tập, ban hành giấy triệu tập đối với tôi cả, trừ khi có vụ án hình sự đã được khởi tố. Việc triệu tập này hoàn toàn không có cơ sở pháp luật để buộc chúng tôi phải tuân thủ.

Thứ ba, chúng tôi cho rằng, việc giao cho cơ quan công an tỉnh Long An điều tra đối với chúng tôi là hoàn toàn không bảo đảm tính khách quan. Vì lẽ, khi chúng tôi thực hiện quyền bào chữa của chúng tôi trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai, qua đó chúng tôi phát hiện ra hàng vài chục vấn đề vi phạm pháp luật một cách hết sức nghiêm trọng của các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh Long An. Nào là làm sai lệch hồ sơ vụ án hình sự, nào là tạo dựng ra những chứng cứ giả, nào là thu thập chứng cứ một cách bất hợp pháp không tuân thủ theo bất kỳ một quy định nào có liên quan, việc thu thập chứng cứ ADN một cách hết sức bừa bãi không bảo đảm tính khoa học. Không bảo đảm tính riêng biệt trong việc xét nghiệm này để cho ra kết quả chính xác…

Với hàng chục vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng như thế, nhóm 5 luật sư chúng tôi đã có đơn tố cáo công an tỉnh Long An đến các cơ quan trung ương. Ngay sau đó, chúng tôi lãnh hậu quả là Bộ Công an giao lại cho công an tỉnh Long An điều tra ngược lại chúng tôi và cho rằng chúng tôi có những hành vi vi phạm pháp luật. Thế thì, người bị tố cáo lại trở thành người điều tra thì chắc chắn sẽ không bảo đảm được tính khách quan và vô tư của cuộc điều tra. Do vậy, chúng tôi không tin vào việc điều tra do cơ quan công an tỉnh Long An thực hiện.

Và cuối cùng là vấn đề giữ quyền im lặng của chúng tôi. Việc chúng tôi không đến cơ quan điều tra để làm việc qua những lần nhận giấy triệu tập, thực ra đó là một cách chúng tôi thực hiện quyền giữ im lặng của mình, người đang bị điều tra mà thôi. Và trong trường hợp chúng tôi giữ quyền im lặng thì công an điều tra, chính họ, lại có trách nhiệm chứng minh hành vi của chúng tôi là có vi phạm pháp luật. Chứ không phải căn cứ vào lời khai để chứng minh.

Như thế, qua ít nhất 4 điểm về phương diện pháp lý vừa nêu, tôi có thể khẳng định rẳng, việc họ ban hành quyết định truy tìm chúng tôi là hết sức vô lý, không có cơ sở pháp luật mà chúng tôi có thể tóm gọn trong 3 từ : bất hợp pháp !

Và đến thời điểm hiện nay, khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật kết tội tôi, thì trước pháp luật, tôi vẫn là người vô tội. Việc công an tỉnh Long An phát hành Quyết định truy tìm tôi công khai, chính thức như là một tội phạm, thậm chí, trong văn bản gọi tôi là "đối tượng" là xúc phạm danh dự cá nhân tôi một cách rõ ràng, cụ thể.

Như đã nói từ đầu, sự lợi dụng luật pháp của công an tỉnh Long An một cách vô pháp, tùy tiện đã mang tính truyền thống và được dung dưỡng từ lâu, ít nhất từ vụ án oan Hồ Duy Hải".

Luật Sư Nguyễn Văn Miếng nêu ra những căn cứ luật pháp để phản bác quyết định truy tìm của Công an tỉnh Long An :

"Theo Điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Vì lẽ đó chúng tôi đã không đến cơ quan công an theo Giấy triệu tập.

Giả như chúng tôi có đến, theo kinh nghiệm của chúng tôi trong những vụ án tương tự, thì khả năng bị tạm giữ, tạm giam và hợp pháp hóa chứng cứ buộc tội rất cao. Đối với chúng tôi, bị chính Bộ Công an tố giác về các hành vi đưa thông tin vụ án có liên quan đến các cơ quan tiến hành tố tụng, thì không bị bắt mới là chuyện lạ.

Việc này gây ảnh hưởng lớn đến công việc của chúng tôi. Nếu đang tác nghiệp xa nhà, không có mặt tại nơi cư trú, "Quyết định truy tìm người" được truyền thông đồng loạt "dội bom", làm cho chúng tôi không thuê được khách sạn, không thể tiếp xúc với khách hàng, không thể đến các cơ quan nhà nước liên hệ công việc và không thể mua vé máy bay về lại thành phố. Không lẽ chúng tôi phải ra cơ quan công an trình diện và bị dẫn giải về Long An như một tội phạm ? !

"Quyết định truy tìm người" được Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Long An ký ngày 31/5/2023, nhưng mãi đến tối Chúa nhật 11/6/2023, Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Long An mới đăng một mẩu tin khiêm tốn "Thông báo truy tìm người" đính kèm 3 Quyết định truy tìm người nêu trên trong mục "Truy nã - Truy tìm".

Với một khoảng thời gian "Quyết định nằm trong ngăn kéo" hơn 10 ngày như vậy, dường như Cơ quan Cảnh sát Điều tra vừa mới nghĩ ra việc truy tìm, sau đó đã có dấu hiệu ký lùi ngày để hợp thức hóa hồ sơ. Tôi tin là như vậy, khi mà chúng tôi có trong tay Thư mời của Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh mời làm việc về tin báo tội phạm này vào đúng ngày 31/5/2023 để phục vụ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An (nhưng chúng tôi ở xa không về kịp).

Việc tống đạt Giấy triệu tập và đăng thông tin "Quyết định truy tìm người" của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An là nghiệp vụ của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên đối với trường hợp của chúng tôi, sự việc này mang tính chất khủng bố, bạo lực và làm nhục.

Thứ nhất là khủng bố. Tôi liên tục bị cảnh sát khu vực đến Văn phòng luật sư tống đạt Giấy triệu tập. Riêng lần cuối, đích thân cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An kết hợp với Công an thành phố Hồ Chí Minh, Công an phường, cảnh sát khu vực cùng một nhóm công an và dân quân, dân phòng trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ đến tận văn phòng, đứng đầy ngoài cổng, ngoài đường giống như đi bắt tội phạm. Trong khi ngay trước văn phòng tôi, một camera an ninh chĩa thẳng vào theo dõi 24/24, tôi đi đâu, làm gì tiếp xúc ai, ngày giờ nào họ đều biết hết.

Thứ hai là bạo lực. Việc "dội bom" thông báo truy tìm người trên truyền thông giống như bạo lực. Bạo lực ở đây, như Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A nói, không phải chỉ là dùng súng ống, mà kể cả là sự đàn áp bằng tinh thần, gây dư luận. Người dân không phải ai cũng phân biệt được "truy nã" với "truy tìm", ngay sáng 12/6/2023 đã có Fan ủng hộ Thiền Am lên Youtube báo hung tin, khi đọc thông báo truy tìm người đã thốt lên : "Quyết định truy tìm gì mà giống Quyết định truy nã vậy trời !".

Thứ ba là làm nhục. Chúng tôi bị làm nhục bởi chúng tôi là luật sư luôn giữ thanh danh của mình, nay với "chiến thuật biển người", các luật sư chúng tôi trở thành những người xấu xí. "Quyết định truy tìm người" được đăng trên báo, phát trên đài và mạng xã hội, gửi tới các cơ quan công an cả nước, dán ở các trụ sở, cơ quan hành chánh, với đầy đủ hình ảnh, danh tính, căn cước và lý lịch cá nhân, ngoài mục đích truy tìm còn có mục đích làm nhục chúng tôi.

Và như vậy từ nay trở đi, các luật sư khác sẽ phải cân nhắc rất kỹ khi quyết định nhận bào chữa cho những vụ án mang tính chất chính trị, tôn giáo như vụ án "Thiền Am bên bờ vũ trụ" mà chúng tôi đã tham gia".

Luật sư Đào Kim Lân, người gửi đơn kêu cứu đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam, sau khi ông Lân nhận được thông báo của Công an tỉnh Long An vào cuối tháng 2 năm 2023, nêu quan điểm của ông :

"Theo tôi nghĩ, việc truy tìm là bình thường không có gì sai. Nhưng trong trường hợp này, tôi cho rằng đây là hành vi bức hại các luật sư. Tụi tôi là những người đi tố cáo các vi phạm của họ. Việc tố cáo này là hết sức bình thường. Khi luật sư phát hiện có những vi phạm tố tụng thì có quyền kiến nghị hoặc khiếu nại hoặc tố cáo. Khi đó phải có phiên điều trần để giải quyết. Chưa chắc gì tố cáo đúng, cũng không có gì xác định là sai nhưng cơ quan được thực thi là cơ quan điều tra Viện kiểm sát tối cao. Họ phải là người xem xét.

Ở đây họ xem xét xong họ chuyển về Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An là cái nơi giám sát việc thực thi pháp luật để bên đây đi giám sát, kiểm tra. Sau đó báo cáo cho họ. Nhưng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An im ru luôn. Sự việc này đã diễn ra cả năm nay rồi chứ không phải mới.

Bây giờ họ ra cái hành vi bức hại đó (truy tìm - NV) là họ muốn bịt miệng các luật sư, ngăn cản quyền hành nghề vì các luật sư đã tố cáo họ. Như vậy sẽ tạo tiền lệ là từ nay về sau, các luật sư đến cơ quan tố tụng hoặc bất cứ cơ quan nào mà thấy sai trái cũng không dám nói, vì nói sẽ "dính". Đó là thủ đoạn bịt miệng gây sợ hãi cho người dân, cho luật sư và cản trở quyền hành nghề của các luật sư.

Chưa bao giờ có tình trạng như vậy. Chỉ có ý kiến đưa lên không được xem xét hoặc không được chấp nhận mà thôi. Có thể họ giải trình chưa thỏa đáng thì mình khiếu nại tiếp. Đó là việc bình thường. Tôi nhắc lại, đó là việc bình thường, chứ không phải là việc gây ra thù oán giữa luật sư và cơ quan tố tụng. Đó là luật miễn trừ.

Bây giờ các luật sư khi phát hiện sai phạm thì tố cáo nhưng tố cáo rơi vào quên lãng chẳng ai trả lời. Nếu có điều gì mình bức xúc, mình thiếu kiềm chế mà họ cho là mình vi phạm đạo đức, thí dụ vậy, và bị mời ra khỏi tòa như trường hợp Ls Ngô Anh Tuấn vừa rồi. Còn chúng tôi rất bình tĩnh. Chúng tôi không làm gì sai mà chỉ đều đặn gởi đơn tố cáo thôi. Ngay cả khi nhận được Giấy mời, tôi cũng là người trả lời trên báo chí, trình bày sự việc lên cấp trên. Nhưng họ không xém xét mà cứ âm thầm leo thang trong hành động của họ. Như vậy sau này sẽ không ai tố cáo những sai phạm của cơ quan tố tụng nữa vì họ cho rằng làm như thế là vô ích.

Họ chụp mũ chúng tôi là vi phạm. Họ truy bức các luật sư và bao che sai phạm của họ bởi vì trên lý thuyết, nếu tôi có sai đi chăng nữa thì họ cũng phải xử lý cái sai tồn tại trước của họ rồi mới xử lý tôi chứ. Ở đây họ cố tạo ra một cái sai mới hoặc là ngụy tạo một cái sai mới để người ta tập trung váo cái sai đó mà quên đi cái sai ban đầu của họ. Cuối cùng là ‘chìm xuồng’ à ?

Bây giờ phải giải quyết đơn tố cáo cảu chúng tôi đã. Trả lời coi việc đó đã làm tới đâu. Đó là trách nhiệm của Viện kiểm sát. Và trả lời cho cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Tôi chỉ biết họ phải đi theo trình tự pháp luật như vậy. Họ lấy cớ để bịt miệng tôi thì tôi cho rằng họ không có tư cách để mời nên tôi không đến theo Giấy mời, Giấy triệu tập chứ không phải tôi né họ.

Những luật sư khác thì tôi không biết, nhưng với tôi, khi họ mời thì tôi có văn bản trả lời đồng thời gởi văn bản lên các cơ quan khác trình bày rõ lý do. Tôi cho rằng, giữa Bộ công an hoặc Công an thành phố là nơi tôi đang cư ngụ mới có quyền. Bây giờ họ làm vậy là cản trở quyền hành nghề luật sư của chúng tôi, họ gieo rắc sự sợ hãi và hăm dọa luôn những luật sư khác. Một cách hăm dọa là thấy sai cũng đừng nói, vì nói ra sẽ bị giống tụi tôi. Cốt lõi vấn đề là như vậy. Điều này sẽ tạo tiền lệ là các luật sư sẽ bị bịt miệng. Họ tước quyền tự do của luật sư.

Luật sư hơn người khác ở chỗ được quyền nói vì họ biết nội dung vụ án, họ rành về luật pháp. Từ đó họ có quyền tố giác những sai trái của cơ quan tố tụng. Một khi tòa chưa kết tội thì người ta vẫn vô tội và luật sư phải tìm mọi cách bào chữa cho họ nếu bị kết tội. Không thể cản trở quyền bào chữa của luật sư.

Bây giờ họ kết tội ông Lê Tùng Vân và những người Thiền Am, chúng tôi bảo vệ họ thì chúng tôi thành có tội. Họ đặt ngược lại vấn đề. Đó là điều nguy hiểm nhất trong hệ thống tư pháp hiện nay.

Chúng tôi là những luật sư hành nghề lâu năm, có địa vị xã hội, có cuộc sống ổn định. Tự nhiên thành tội phạm rồi trôi nổi như thề là cả một vấn đề. Chính vì tôi vẫn tin vào công lý nên tôi ra trung ương làm việc (sau khi nhận Giấy mời). Bây giờ họ không giải quyết được thì còn gì là công lý nữa.

Không phải tôi sai mà tôi không đến. Tôi muốn giành lại cái sự đúng của mình nhưng ở Việt Nam thì họ "ăn dùa thua giựt" chứ có bao giờ có công lý đâu. Luật sư chúng tôi muốn công lý công bằng cho mọi người.

Bây giờ luật sư không bảo vệ được cho mình thì bảo vệ cho ai ? Nếu luật sư thấy sai phạm đi tố cáo mà bị xử lý ngược lại như vậy thì trong nước Việt Nam này không ai dám tố cáo cái sai của cơ quan tố tụng. Nếu thế thì họ dẹp luôn nghề luật sư đi, để làm gì nữa !"

Một số luật sư mà RFA trò chuyện cho hay, nếu Công an tỉnh Long An không đủ chứng cứ để bắt các luật sư này thì họ sẽ "kiếm tội" khác, mà phổ biến nhất là tội danh "Trốn thuế".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 15/06/2023

****************************

Vì sao công an 'truy tìm' ba luật sư nhân quyền bào chữa vụ Thiền Am ?

Công an tỉnh Long An ra quyết định truy tìm ba luật sư từng tham gia bào chữa vụ "tịnh thất Bồng Lai", sau khi mời nhiều lần nhưng vắng mặt.

truytim1

Luật sư Nguyễn Văn Miếng (trái) và luật sư Đặng Đình Mạnh (phải) là hai trong số ba luật sư đang bị công an Long An truy tìm

Ba luật sư đang bị Công an tỉnh Long An truy tìm là Luật sư Nguyễn Văn Miếng (57 tuổi), Luật sư Đào Kim Lân (56 tuổi), Luật sư Đặng Đình Mạnh (55 tuổi), cũng là những người từng tham gia bào chữa vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.

Vụ án xảy ra ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự. Nay các luật sư bào chữa cho vụ án cũng bị điều tra theo Điều 331 này.

Báo Tuổi Trẻ viết, đầu tháng 3, Công an tỉnh Long An đã tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an.

Theo đó, các luật sư có dấu hiệu tội phạm "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" bằng hành vi đăng tải hình ảnh, có những phát ngôn, bài viết lên mạng thông qua các video.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An nói đã gửi giấy triệu tập nhiều lần cho ba luật sư nhưng họ đều không đến làm việc và không có lý do vắng mặt. Vì vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định truy tìm ba luật sư nói trên.

Ngày 12/4, báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn thông tin từ Công an Long An cho hay Luật sư Đặng Đình Mạnh bị cơ quan này triệu tập lần hai nhưng vẫn vắng mặt. Trước đó, ngày 21/3, ông Mạnh cũng đã bị triệu tập.

Báo Tuổi trẻ cũng thông tin thêm, công an phường xác nhận các luật sư "không có mặt tại địa phương" và "không liên lạc được".

Bình luận với BBC News tiếng Việt ngày 13/6 về việc công an phát lệnh truy tìm ba luật sư, phát ngôn viên của Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) cho rằng, thay vì chấm dứt các điều tra hình sự sai trái nhắm vào các luật sư nhân quyền, nhà cầm quyền Việt Nam lại gia tăng sách nhiễu bằng việc ra quyết định truy tìm họ.

"Những cuộc điều tra hình sự phi lý này nhắm vào các luật sư nhằm làm suy yếu công việc của họ với tư cách là luật sư và việc họ thực hành quyền tự do ngôn luận vốn được luật nhân quyền quốc tế bảo vệ", người phát ngôn của ICJ nhận định.

Đồng thời ICJ cũng lên án Điều 331 của BLHS Việt Nam, cho rằng điều này có những lổ hỏng nghiêm trọng vì thiếu tính chính xác và rõ ràng, đã hạn chế hoạt động hợp pháp của các luật sư và những người bảo vệ nhân quyền.

truytim2

Quyết định truy tìm Luật sư Đặng Đình Mạnh của cơ quan Cảnh sát điều tra Công An tỉnh Long An

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực Châu Á nói với BBC ngày 13/6 về diễn biến "truy tìm" :

"Việt Nam đã thường xuyên không cho những người bị buộc tội dưới nhãn "an ninh quốc gia" quyền tiếp cận luật sư và thăm gặp người thân, nhưng điều đó là chưa đủ và bây giờ họ đang hình sự hóa cả các luật sư.

"Việc buộc tội các luật sư bào chữa cho thân chủ của họ hoàn toàn làm suy yếu tuyên bố của chính phủ Việt Nam rằng họ tôn trọng pháp quyền", ông Robertson kết luận.

Hồi tháng 3 và tháng 5, ICJ đã gửi thư tới Bộ Tư pháp Việt Nam (MOJ) và Bộ Công an (MPS) kêu gọi chấm dứt việc tiếp tục sách nhiễu và điều tra hình sự các luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng theo Điều 331 BLHS Việt Nam.

Trong hai thư ngỏ của ICJ gửi đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, ICJ nói rằng cuộc điều tra hình sự đối với Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn miếng dường như có liên quan đến việc của các luật sư đã bào chữa trong các vụ án có vẻ nhạy cảm, bao gồm cả vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.

Hiện Việt Nam có hơn 170 tù nhân chính trị đang thụ án, và khoảng 30 người khác đang bị giam giữ trước khi xét xử. Việt Nam cũng có số lượng tù nhân chính trị đứng sau song sắt cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Myanmar và Việt Nam dùng án tử với tỷ lệ cao hơn bất kỳ chính phủ nào khác trong ASEAN.

Chỉ trong vòng 10 năm, theo ông Phil Robertson, tình hình nhân quyền ở Việt Nam được cho là "đi từ tồi tệ đến tệ hại hơn rất nhiều" và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện xây dựng một vòng kềm tỏa không chỉ đối với các tổ chức phi chính phủ này mà còn cả nguồn tài trợ nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ địa phương.

Đại diện HRW nói rằng, Việt Nam đã "vũ khí hóa luật vi phạm nhân quyền", và "không có công lý, và không có sự độc lập trong ngành tư pháp của Việt Nam".

Báo cáo của Dự án 88 ra mắt hồi 25/4 mang tên The Vietnamese Four - "Bộ tứ Việt Nam".

Bộ tứ Việt Nam mà Dự án 88 nói đến là bốn nhà hoạt động Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương.

Bà Ngụy Thị Khanh được trả từ do hôm12/5, sớm hơn thời hạn là 5 tháng.

Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau đó, Việt Nam bắt giữ một Anh hùng Khí hậu là bà Hoàng Thị Minh Hồng, cũng với tội danh trốn thuế.

Chính phủ các nước như Mỹ, Đức và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc đã lên tiếng chỉ trích việc Hà Nội bắt giữ bà Hồng. Cơ quan đặc trách nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhắc lại bà Hồng là nhà hoạt động môi trường thứ 5 bị bắt về tội trốn thuế ở Việt Nam trong vòng hai năm qua.

Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đều cho rằng các vụ bắt giữ nói trên nằm trong xu hướng rộng hơn của chính quyền Việt Nam trấn áp xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam.

Nguồn : BBC, 13/06/2023

Additional Info

  • Author Diễm Thi, BBC tiếng Việt
Published in Việt Nam