Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

JEBO muốn đầu tư 100% chi phí xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, Hồ Tây (RFA, 03/12/2019)

Thông báo của Tổ chức Xúc tiến thương mại-môi trường Nhật Bản (Japan Environment and Business Organisation - JEBO) được truyền thông trong nước đăng tải vào cùng ngày.

nhat1

Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà thị sát dự án tại hồ Tây. Courtesy of Zing.vn

Theo đó, JEBO trong thông báo cho biết sẽ đầu tư 100% chi phí xây dựng hệ thống xử lý ban đầu cho toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây bằng giải pháp xử lý nước thải tại chỗ từ các cống xả bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản. Nếu thành công, JEBO sẽ cho Hà Nội thuê, rồi chuyển giao cho Hà Nội quản lý và vận hành.

Các chuyên gia Nhật Bản đánh giá trước khi có công nghệ Nano-Bioreactor, ở Việt Nam chỉ nghĩ đến việc nạo vét sông, hồ và đợi đến khi nào có đủ tiềm lực tài chính mới có thể hoàn thiện toàn bộ hệ thống cống bao, thu gom, tách nước thải từ nguồn để đưa về các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Và như cách của Việt Nam sẽ mất 50 đến 100 năm mới hoàn thiện được hệ thống này.

Trước đó 1 ngày, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Lê Văn Dục nhận xét phương pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch của chuyên gia Nhật Bản chưa thực sự hiệu quả và Hà Nội đang phải tìm phương án khác để giải quyết vấn đề này.

Đáp trả nhận định này của giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong cùng ngày, Chủ tịch của JEBO – Tiến sĩ Tadashi Yamamura đã lên tiếng phản bác ý kiến của Hà Nội và cho rằng lời đó là lời nhận định "vô căn cứ, không hiểu mục tiêu".

Chủ tịch JEBO, trong thông báo còn nêu thắc mắc không hiểu căn cứ vào đâu mà ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội phát ngôn đánh giá rằng dự án thí điểm của JEBO thất bại ?

Tiến sĩ Tadashi Yamamura đồng thời khẳng định đại diện của Chính quyền Hà Nội không thể phát ngôn một cách vô trách nhiệm về dự án tài trợ thí điểm này mà Hà Nội chưa mất một đồng chi phí nào.

Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch được triển khai từ ngày 16/5. Theo kế hoạch ban đầu, đến giữa tháng 7, Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) công bố kết quả. Tuy nhiên, do sự cố xả nước hồ Tây bất ngờ ngày 9/7, toàn bộ kết quả thí điểm bị cuốn trôi. JVE phải triển khai lại và vừa kết thúc đợt thí điểm thứ 2 ngày 17/10. Toàn bộ hệ thống máy móc phục vụ thí điểm của đơn vị này cũng đã được tháo dỡ khỏi sông Tô Lịch.

*********************

Vì sao Hà Nội chê công nghệ của Nhật ? (RFA, 03/12/2019)

Thông báo của Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản (JEBO) ngày 3/12/2019 cho biết sẽ đầu tư 100% chi phí xây dựng hệ thống xử lý ban đầu cho toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây bằng giải pháp xử lý nước thải tại chỗ từ các cống xả bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản. Nếu thành công, JEBO sẽ cho Hà Nội thuê.

nhat2

Ảnh minh họa : Một khúc sông Tô Lịch. RFA

Trước đó, vào ngày 29/11, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Lê Văn Dục khi phát biểu với báo giới trong nước đã nhận xét phương pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch của chuyên gia Nhật Bản chưa thực sự hiệu quả và Hà Nội đang phải tìm phương án khác để giải quyết vấn đề này.

Nhận xét về phát biểu này, Thạc sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng :

"Tôi cho rằng công nghệ đó hoàn toàn có thể áp dụng được bởi vì đã qua thử nghiệm rồi. Nói không hiệu quả phải nói rõ không hiệu quả về cái gì chứ nói không hiệu quả về kỹ thuật là không đúng. Có thể không hiệu quả là vì mắc quá, lâu quá hay vì một lý do gì đó cần phải giải thích rõ. Tôi cho rằng phát ngôn như vậy nó không thận trọng".

Đáp trả nhận định của giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong cùng ngày, Chủ tịch của JEBO – Tiến sĩ Tadashi Yamamura lên tiếng cho rằng lời đó là lời nhận định "vô căn cứ, không hiểu mục tiêu".

Tiến sĩ Tadashi Yamamura đồng thời khẳng định đại diện của Chính quyền Hà Nội không thể phát ngôn một cách vô trách nhiệm về dự án tài trợ thí điểm như thế khi mà Hà Nội chưa mất một đồng chi phí nào.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường cũng đồng ý với cách phản ứng của người đứng đầu JEBO :

"Không biết câu chuyện này nội tình như thế nào tức là có chỉ đạo hay một sự tự ý mà không có ý kiến của Ủy ban, sự tự ý của Sở Xây dựng sự thật mà nói tôi không có thông tin. Nên tôi nhìn vào hiện tượng mà bình luận đây là điều mà Việt Nam phải tự rà soát xem vấn đề nằm ở đâu mà lại để xảy ra hiện tượng không đẹp về mặt nỗ lực giải quyết những vấn đề về môi trường đô thị. Mặt thứ hai là không đẹp về quản lý, với thiện chí của những chuyên gia Nhật tôi đánh giá rất cao : không phải trả phí, họ đưa người sang, đưa vật liệu sang, thậm chí tôi thấy chuyên gia Nhật phải lội bì bõm ở sông Tô Lịch, một đoạn sông rất ô nhiễm. Nói thật là tôi rất cảm động".

Vào ngày 9/7 vừa qua, sự cố xả nước hồ Tây bất ngờ khiến toàn bộ kết quả thí điểm bị cuốn trôi, khiến Công ty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật-Việt phải triển khai lại và lùi hạn công bố kết quả đến ngày 17/10.

Dưới góc nhìn của một người dân, Thầy giáo Đỗ Việt Khoa hiện đang sinh sống tại Hà Nội nhận định :

"Qua theo dõi tôi thấy những khuất tất bất thường mà người dân mình ai cũng thấy. Phía Nhật Bản có kết quả khẳng định thành công mà phía mình lại bảo rằng không thành công. Phía Việt Nam mấy ông bà lãnh đạo liên quan muốn dành khoảng tiền để họ làm, không muốn số tiền đầu tư cho công ty nước ngoài, nhất là Nhật vì nếu Nhật làm thì hầu như họ không sơ múi được, không hưởng được lợi nhuận nào nên họ nghĩ ra cách để chiếm bằng được dự án".

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, Việt Nam cần phải rất nỗ lực để đưa các công nghệ mới của các nước tiên tiến vào để giải quyết vấn đề môi trường, đặc biệt môi trường đô thị. Tuy nhiên thực tế lại không như ông mong đợi :

"Qua việc Nhật Bản tài trợ miễn phí cho Việt Nam để thử nghiệm tẩy rửa sông Tô Lịch nhưng người ta đang thực hiện thì Việt Nam bơm nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch để phá kết quả thử nghiệm của những người Nhật, tôi cho rằng đấy là việc chúng ta phải xem lại cách tiếp cận của Việt Nam : muốn tiếp cận hay không muốn tiếp cận ? Việc vừa qua xảy ra tại Hà Nội tôi cho rằng hình như Việt Nam không muốn tiếp cận. Tôi cho rằng Việt Nam cần chấn chỉnh cách phối hợp thực hiện, cách tiếp nhận một dự án miễn phí của nước ngoài".

Các chuyên gia Nhật Bản đánh giá trước khi có công nghệ Nano - Bioreactor, ở Việt Nam chỉ nghĩ đến việc nạo vét sông, hồ và đợi đến khi nào có đủ tiềm lực tài chính mới có thể hoàn thiện toàn bộ hệ thống cống bao, thu gom, tách nước thải từ nguồn để đưa về các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Và như cách của Việt Nam sẽ mất 50 đến 100 năm mới hoàn thiện được hệ thống này.

Thạc sĩ Hồ Long Phi đồng ý giải pháp phía Nhật Bản đưa ra hoàn toàn có thể áp dụng được do phương pháp này có thể giải quyết được ô nhiễm hữu cơ. Trong khi đó, đa số ô nhiễm nước của Việt Nam là ô nhiễm hữu cơ vì nước từ nước thải dân dụng ra lắng xuống bùn. Tuy nhiên, cách giải quyết của công nghệ Nano – Bioreactor cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Ông giải thích :

"Thực ra mà nói cái hiệu quả nhất là ta phải tách nước từ nguồn giống các nước đang làm : nước thải riêng, nước mưa riêng. Nước thải phải được qua nhà máy xử lý chứ không nên thải xuống sông rồi từ đó có một giải pháp khác để xử lý lại, hiện nay trên thế giới không có nơi nào làm vậy hết. Hiện nay chẳng đặng đừng hệ thống cũ đang còn tồn tại mà mình chưa có tiền để cải tiến thì phải chấp nhận vậy. Thành ra không nên bàn nhiều về cái này. Đây chỉ là giai đoạn tạm bợ kéo dài 5, 10 năm, dần dần biến thành chính quy tách nước thải thu gom về nhà máy xử lý. Đó mới là cái cần bàn chứ những giải páp có xả nước sông hay có xử lý bùn tại chỗ thì cũng chỉ là giải pháp tạm bợ".

Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch được triển khai từ ngày 16/5.

Trong buổi trao đổi với báo giới ngày 29/11, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết chính quyền thành phố Hà Nội đã nghiên cứu 3 phương án làm sạch sông Tô Lịch.

Trong đó đầu tiên là thu gom tại chỗ tất cả các điểm xả thải, tuy nhiên phương án này không thực hiện được vì dọc bờ sông có quá nhiều điểm xả thải.

Phương án thứ hai là dùng công nghệ Nano - Bioreactor của công ty Việt Nhật mà theo lời người đứng đầu Sở Xây dựng Hà Nội là "đã thất bại".

Ngoài ra, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng thí điểm dùng hoá chất làm sạch sông Tô Lịch. Tuy nhiên, người đứng đầu Sở Xây dựng không nói đến kết quả việc thí điểm này.

********************

Nhật Bản phản bác Hà Nội về đánh giá dự án làm sạch nước sông Tô Lịch (RFA, 02/12/2019)

Tổ chức Xúc tiến thương mại-môi trường Nhật Bản (JEBO), vào ngày 1/12 lên tiếng phản bác cáo buộc của Chính quyền Hà Nội rằng dự án thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch theo công nghệ của Nhật Bản cho kết quả thất bại.

tolich1

Dự án thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch theo công nghệ của Nhật Bản - Ảnh minh họa

Truyền thông quốc nội trong cùng ngày loan tin JEBO gọi lời phát biểu của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Lê Văn Dục là "vô căn cứ, không hiểu mục tiêu" khi ông Dục nói rằng "kết quả thí điểm của công nghệ Nanno-Bioreactor Nhật Bản làm sạch nước sông Tô Lịch thất bại".

Báo giới dẫn lời của Tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch của JEBO trong một trong báo nhấn mạnh rằng phát biểu của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trái với kết luận của Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội nên JEBO buộc lòng phải phản bác để bảo vệ danh dự của công nghệ Nhật Bản và của JEBO liên quan dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch.

Chủ tịch JEBO, trong thông báo còn nêu thắc mắc không hiểu được động cơ và mục đích gì, cũng như căn cứ vào đâu mà ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội vượt thẩm quyền mà phát ngôn đánh giá rằng dự án thí điểm của JEBO thất bại ?

Tiến sĩ Tadashi Yamamura đồng thời khẳng định đại diện của Chính quyền Hà Nội không thể phát ngôn một cách vô trách nhiệm về dự án tài trợ thí điểm này mà Hà Nội chưa mất một đồng chi phí nào dù với bất cứ lý do gì.

Trong một diễn tiến khác liên quan các chương trình tài trợ của Nhật Bản, truyền thông trong nước vào ngày 2/12 cho biết Nhật Bản vừa cam kết cho vay và đầu tư 3 tỷ đô la Mỹ (USD) cho Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) để thúc đẩy phát triển tại các khu vực tăng trưởng nhanh.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, hôm 2/12 cho biết Cơ quan Hợp tác của Nhật Bản, thuộc Chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ 12,2 tỷ USD trong tổng số 3 tỷ USD theo cam kết.

*****************

Xử lý sông Tô Lịch : phía Nhật phản bác chính quyền Hà Nội (BBC, 02/12/2019)

Thông cáo của lãnh đạo Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản (JEBO) ngày 1/12 mô tả điều được gọi là phát biểu "vô căn cứ, không hiểu mục tiêu" của đại diện chính quyền Hà Nội liên quan tới dự án thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch.

tolich2

Tiến sĩ Tadashi Yamamura JEBO và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà (bên trái), ông Hà được cho là đã "đánh giá rất cao" về công nghệ này ngày 30/10 .

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, bị cáo buộc đã phát biểu rằng "kết quả thí điểm của công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản làm sạch nước sông Tô Lịch thất bại".

"Ông Giám đốc Sở Xây dựng là người đại diện cho chính quyền Hà Nội mà cố tình phát biểu vô căn cứ, không hiểu mục tiêu, trái kết luận của UBND Thành phố nên buộc chúng tôi phải lên tiếng để bảo vệ danh dự của công nghệ Nhật Bản, cũng như danh dự cá nhân của chúng tôi liên quan tới dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch", Tiến sĩ Tadashi Yamamura - Chủ tịch JEBO nói trong thông cáo.

Thông cáo mô tả ông Dụ "không có ý kiến đánh giá về kết quả không đạt hay thất bại" trong buổi họp đánh giá về kết quả dự do Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì ngày 29/10/2019.

"Chúng tôi không hiểu không hiểu động cơ, mục đích là gì, căn cứ vào Kết luận đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường hay UBND Thành phố mà ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội lại có thể vượt thẩm quyền và phát ngôn đánh giá rằng, kết quả Dự án chúng tôi là thất bại ?"

"Kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn Việt Nam cho thấy chất lượng nước ở khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và Hồ Tây đã có 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT ; Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, Hồ Tây giảm 30 lần… bùn sông Tô Lịch (trong khu xử lý) giảm nhiều nhất 76,3cm từ 91,3cm về 15cm, bùn Hồ Tây giảm nhiều nhất về 0cm. Ngoài ra, cá Koi và cá chép Việt Nam đã thả tại khu vực nước sau xử lý tại khu thí điểm đều sống và sinh trưởng tốt sau gần 2 tháng cho đến ngày chuyển sang Hồ Tây…

"Vậy căn cứ vào đâu mà ông Giám đốc Sở Xây dựng lại đánh giá kết quả dự án là thất bại", thông cáo đặt câu hỏi.

Lãnh đạo JEBO nói mặc dù Hà Nội chưa mất một đồng chi phí nào cho dự án tài trợ thí điểm này và có thể vì lý do này lý do khác chưa hoặc không muốn sử dụng công nghệ của Nhật Bản nhưng không nên và không thể phát ngôn một cách vô trách nhiệm như vậy.

Một chuyên gia người Việt có nhiều kinh nghiệm làm việc với các tổ chức của Nhật Bản về môi trường muốn ẩn danh nói với BBC News tiếng Việt rằng "lợi ích nhóm, tư duy cục bộ, các sở ban ngành [Việt Nam] không phối hợp, quan liêu và "thiếu phong bì" thì việc không thể chạy được".

tolich3

Chuyên gia Nhật Bản trong buổi công bố chất lượng nước sông Tô Lịch sau xử lý bằng công nghệ Nhật Bản

Thông cáo của JEBO đưa ra trong bối cảnh đang có một đề xuất gây tranh cãi theo đó "pha loãng" nước sông Tô Lịch, được mô tả là "chưa nước nào làm".

Đề án "hồi sinh" sông Tô Lịch của công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Thoát nước Hà Nội bằng cách bơm nước từ sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện sông Tô Lịch dư kiến tốn 150 tỷ đồng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

tolich4

Phía Nhật gửi thông cáo phản bác phát biểu của đại diện chính quyền Hà Nội ngay 1/12/2019

Theo Giáo sư Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, công nghệ & quản lý môi trường được dẫn lời nói rằng kế này là không khả thi và rằng "Việc đổ nước vào dòng sông "chết" như vậy để lan tỏa ra khắp nơi là "không thể chấp nhận được".

Vòng đời của dự án này tính trong 25 năm cũng sẽ ngốn hết thêm 200 tỷ tiền điện, chưa kể chi phí nhân công, chi phí vận hành khác.

tolich5

Bùn dưới đáy đã tích tụ dưới đáy sông Tô Lịch lưu cữu hàng chục năm qua.

Sáu mục tiêu dự án thí điểm của công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản

Mục tiêu 1 : Thứ nhất là chứng minh việc xử lý triệt để tận gốc mùi hôi thối (ở cấp độ phân tử), khu vực lắp đặt thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor mùi hôi thối gần như không còn.

Mục tiêu 2 : Thứ hai là chứng minh việc phân hủy tận gốc một phần bùn hữu cơ tồn đọng lâu năm dưới lòng sông tại khu vực thí điểm thành CO2, H2O mà không cần nạo vét cơ học.

Mục tiêu 3 : Thứ ba là chứng minh mô phỏng theo xử lý trong 24 giờ lượng nước thải chảy liên tục vào khu quây theo tỉ lệ thực tế trên sông Tô Lịch được xử lý bằng công nghệ Nhật Bản, đảm bảo chất lượng nước đạt quy chuẩn hiện hành của Việt Nam (QCVN 08-MT:2015/BTNMT).

Mục tiêu 4 : Thứ tư là bảo tồn hệ sinh thái, cá, thủy sinh phát triển tốt.

Mục tiêu 5 : Thứ năm là chứng minh nguyên lý kích hoạt vi sinh vật có lợi tăng, làm ức chế và giảm số lượng vi khuẩn có hại như Coliform, E.coli để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống cạnh khu thí điểm và cả dòng sông trong lương lai.

Mục tiêu 6 : Thứ sáu là hệ thống xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm thứ cấp (không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu, không nạo vét bùn mang đi nơi khác gây ô nhiễm tại khu vực đổ thải).

Phía Nhật mô tả họ đạt 6/6 mục tiêu.

Additional Info

  • Author Tổng hợp
Published in Việt Nam