Bộ Nội vụ Việt Nam đang thu thập thông tin từ cả 63 tỉnh thành về ‘làn sóng’ thôi việc nhà nước.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - ảnh minh họa
Các báo Việt Nam trong tháng 8 năm nay đưa tin Bộ Nội vụ nước này "mỗi ngày đều nhận được 1-2 báo cáo của các tỉnh, thành gửi về" liên quan đến số cán bộ, viên chức, công chức tự nguyện xin thôi việc.
"Tình trạng nhiều địa phương báo cáo về việc cán bộ công chức, viên chức xin thôi việc đang cho thấy nhiều lo ngại", tờ Đại Đoàn Kết cho hay.
Tin nổi bật nhất là "làn sóng bỏ việc" ở đô thị 11 triệu dân, Thành phố Hồ Chí Minh.
"Trong văn bản gửi Bộ Nội vụ báo cáo tình hình cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022, cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng là 6.177 người".
"Viên chức thôi việc nhiều nhất là trong khối giáo dục với 2.436 trường hợp, y tế là 2.145 trường hợp ; trong khi các lĩnh vực sự nghiệp khác chỉ có 920 trường hợp".
Có ba nguyên nhân chính là chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ ; cơ hội thăng tiến và áp lực công việc, theo nguồn tin này.
Trang VTCNews hôm 18/08 có bài giải thích hiện tượng này, nêu một ví dụ công chức đã thôi việc với ý kiến rằng "hai lý do cơ bản nhất là lương không đủ sống, môi trường không phù hợp hoặc thấy mình không được coi trọng".
Tuy thế, bài viết kết luận :
"Thôi việc trong Nhà nước ra ngoài làm, nhìn ở khía cạnh nào đó, cũng là sự vận hành phù hợp với cơ chế thị trường, vì ai cũng muốn hướng tới công việc và môi trường làm việc tốt hơn, không "an phận thủ thường" như trước nữa".
Trang truyền hình Quốc hội Việt Nam còn có riêng một phóng sự nêu khá đầy đủ các về nguyên nhân bỏ việc, với đa số viên chức được hỏi nói đến thu nhập thấp.
Theo báo Lao Động (07/2022), Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam quyết định tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 là 2,234 triệu.
Tuy nhiên bài báo không nói cụ thể con số này có gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hay không. Một số trang web khác khi nhắc đến con số công chức, viên chức đã ghi rằng tổng số biên chế công chức Việt Nam "không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã".
Hồi 2016, một số báo Việt Nam trích chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách thì "con số này lên tới 11 triệu người" ở Việt Nam.
Sang năm 2017, báo Việt Nam tiếp tục viết, "11 triệu người hưởng lương từ ngân sách, bao gồm cả các đối tượng chính sách cho thấy gánh nặng chi lương là rất lớn. Việc giảm chi cho bộ máy đã từng bước được thực hiện song kết quả còn khá khiêm tốn".
Hiện tượng nhân viên khu vực công bỏ việc xảy ra sau dịch Covid không phải là chuyện đặc thù của Việt Nam, mà có cả ở Anh, EU và các nước khác.
Công chức không phải là nhóm nghề nghiệp duy nhất bị tác động bởi lạm phát và bão giá tại Việt Nam, mà người lao động bình thường, dân tự do còn gặp khó khăn hơn về kinh tế.
Tháng 6 vừa qua, chính phủ Việt Nam có tổ chức cầu truyền hình trực tuyến với hàng nghìn công nhân phía Bắc để lắng nghe nguyện vọng của họ, chủ yếu về tiền lương.
Một số chính sách về thu nhập của công nhân đã được ban hành nhằm giúp họ chống đỡ với bão giá, nhưng các nhà quan sát cho là vẫn chưa đủ.
Nguồn : BBC, 19/08/2022