Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

66 tỉ đô la đầu tư vào Tiểu vùng sông Mekong (RFI, 31/03/2018)

Các nhà lãnh đạo sáu quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong hôm nay 31/03/2018 tại Hà Nội đã thông qua một kế hoạch đầu tư đầy tham vọng, với 227 dự án có tổng vốn 66 tỉ đô la cho năm năm tới. Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) đóng góp ít nhất 7 tỉ đô la, số còn lại từ các chính phủ và tư nhân.

mekong1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (G) và các đồng nhiệm Hun Sen (Cam Bốt), Thongloun Sisoulith (Lào) tại Hà Nội ngày 31/03/2018. Reuters/Kham/Pool

Kế hoạch này được đưa ra nhân Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ sáu họp tại Việt Nam, với sự tham dự của các thủ tướng Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam, phó tổng thống Miến Điện và ngoại trưởng Trung Quốc.

Chương trình Hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) được ADB khởi xướng từ năm 1992, đến nay đã huy động được 21 tỉ đô la, đa số dành cho các dự án hạ tầng.

Hãng tin AP dẫn phát biểu của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc : "GMS đang khởi đầu một kỷ nguyên phát triển mới, với những cơ hội và thách thức chưa từng có, đòi hỏi phải có phương cách sáng tạo với tầm nhìn toàn diện lâu dài, nhằm tận dụng sức mạnh của mỗi quốc gia (…) tạo sự cộng hưởng mạnh mẽ thông qua GMS để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, hài hòa với việc phát triển xã hội và bảo vệ môi trường".

Tiểu vùng sông Mê kông mở rộng gồm năm nước nằm dọc theo lưu vực con sông này cùng với tỉnh Vân Nam và khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc, có 340 triệu dân và tổng GDB 1,3 ngàn tỉ đô la, là một trong những khu vực có kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phúc nhận định việc hợp tác tiếp tục là động lực cho sự phát triển của khu vực.

Trung Quốc sẽ nhập 8.000 tỉ đô la hàng trong 5 năm tới

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay 31/0/2018 loan báo như trên, nhân hội nghị Tiểu vùng sông Mekong tổ chức tại Việt Nam. Bên cạnh đó sẽ thu hút 600 tỉ đô la đầu tư ngoại quốc, đồng thời đầu tư 750 tỉ đô la vào các nước khác. Ông Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh ủng hộ "hệ thống thương mại đa phương, cổ vũ cho toàn cầu hóa kinh tế một cách rộng mở và thăng bằng (…), kiên quyết phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch".

Thụy My

*****************

Chính phủ Campuchia phủ nhận lệnh cấm xuất khẩu gỗ (RFA, 30/03/2018)

Chính phủ Campuchia đã từ chối trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu gỗ ra nước ngoài chủ yếu vào Việt Nam.

CAMBODIA-LOGGING

Vận chuyển gỗ từ Campuchia sang Việt Nam. (Hình minh họa) - AFP

Bản báo cáo mới nhất được công bố vào đầu tháng 3 cho thấy số liệu thống kê của Cục Hải quan và Thuế của Campuchia trong ba tháng cuối năm 2017 tổng giá trị xuất khẩu gỗ xẻ của Campuchia đạt 780.000 đô la Mỹ. Gỗ xẻ, thành phần xuất khẩu chủ yếu gỗ của Campuchia năm ngoái đạt khoảng hơn 5 triệu đô la.

Báo cáo của Tổ chức phi chính phủ Lâm Nghiệp (Forest Trends) của Campuchia cho rằng, con số này trái ngược với giá trị xuất khẩu gỗ xẻ vào Việt Nam năm 2017 đạt 173 triệu đô la Mỹ. Bộ Môi trường Campuchia đã phản đối các con số thống kê này vì cho rằng các con số không chính thức từ Chính phủ Việt Nam, mặc dù bản thống kê này theo Forest Trends, được cung cấp từ nguồn của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Môi trường Campuchia, ông Sao Sopheap đã yêu cầu các câu hỏi phải được chuyển về Bộ Nông nghiệp. Tuy nhiên các cuộc gọi đến Bộ Nông nghiệp đều không có trả lời.

Theo ông Jago Wadley, một nhà vận động rừng cấp cao của Tổ chức Điều tra Môi trường (EIA), có thể chính phủ Campuchia đã cấm xuất khẩu gỗ xẻ toàn bộ. Theo ông vẫn có thể có xuất khẩu gỗ hợp pháp sang các nước khác nhưng không phải sang Việt Nam.

Một chuyên gia phân tích của Forest Trends cho biết việc hợp tác hiện nay giữa tổ chức này với chính phủ Lào và Việt Nam đã đạt được những tích cực trong việc ngăn chặn việc buôn bán gỗ bất hợp pháp.

Published in Việt Nam