Xuất khẩu Việt Nam hơn 200 tỷ USD có gì đáng ‘phấn khởi’ ? (CaliToday, 10/02/2018)
Kết thúc năm 2017, kinh tế Việt Nam đã "thắng lợi vẻ vang" trên mặt trận xuất khẩu hàng hóa và được toàn bộ hệ thống báo đảng tung hô. Nhưng thực chất của câu chuyện này có đáng phấn khởi đến thế ?
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đến nay đã chính thức vượt 200 tỷ USD khi đạt xấp xỉ 204 tỷ USD - Ảnh minh họa
Bảng thành tích luôn được tô hồng của chế độc độc đảng cho biết "kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đến nay đã chính thức vượt 200 tỷ USD khi đạt xấp xỉ 204 tỷ USD, vượt mục tiêu xuất khẩu năm nay 16 tỷ USD và cao gấp 4,2 lần kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO".
Cần công nhận rằng những con số trên là một thực tế, phù hợp với giá trị xuất siêu của Việt Nam lên đến gần 30 tỷ USD vào thị trường Hoa Kỳ và đến 25 tỷ USD và thị trường Liên Hiệp Châu Âu.
Tuy nhiên, thực chất của câu chuyện "xuất khẩu vượt chỉ tiêu đề ra" ở Việt Nam là 70% giá trị xuất khẩu có nguồn gốc từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ còn lại 30% giá trị do các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy trong 10 năm từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006, khối FDI đã gia tăng tỷ lệ giá trị xuất khẩu từ 37% lên đến 70%, trong khi khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân lại bị sụt giảm mạnh giá trị xuất khẩu theo tỷ lệ ngược lại.
Chính xác hơn, khối doanh nghiệp nhà nước đã trở nên bết bát nhất sau 10 năm Việt Nam tham gia WTO. Đây cũng là khối doanh nghiệp đặc trưng cho "thành tích" tham nhũng nhiều nhất, lãng phí nhiều nhất và lỗ lã cao nhất. Hệ quả của chuỗi "thành tích" này đã khiến phát sinh chiến dịch "chống tham nhũng" trong khối nhà nước và dắt dây hàng ngàn quan chức phải vướng vòng lao lý trong những năm qua.
Chính một chuyên gia nhà nước cũng phải thừa nhận : "Lâu rồi chúng ta mới xuất siêu trở lại. Nhưng phân tích kỹ thì thấy xuất khẩu vẫn chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp FDI, tăng đến 22% và cũng chỉ tập trung vào số ít doanh nghiệp. Nói thẳng ra, con số điện thoại và linh kiện tăng 23,6% và xuất siêu 328 triệu USD trong 9 tháng qua có đóng góp đáng kể của Samsung, đặc biệt là sự kiện ra đời Galaxy Note 8. Trong khi đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, truyền thống của Việt Nam mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp trong nước, góp phần nâng cao đời sống cho hàng chục triệu nông dân là gạo, cà phê, tiêu… đang giảm đến mức báo động. Như vậy việc xuất siêu hiện nay chưa thể nói là ổn định và nỗi lo thâm hụt thương mại ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá vẫn thường trực…".
2017 không chỉ là "tin vui" cho xuất khẩu Việt Nam, mà còn có cả nhiều tin buồn.
Vào giữa năm 2017, một tin buồn đã xảy đến đối với ngành xuất khẩu tôm Việt : Bộ Thương mại Mỹ chính thức tăng thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam.
Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Mỹ đã từng là thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, Nhật Bản giờ đã trở thành nhà nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất. Như vậy, tôm là mặt hàng xuất khẩu thứ hai của Việt Nam bị "đánh", sau gạo.
Vào năm 2016, nền kinh tế vẫn thường tự hào là "một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới" đã bị giáng một cú điếng người do thói ăn xổi ở thì.
Khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 chỉ đạt gần 4,9 triệu tấn với trị giá 2,2 tỉ USD, giảm đến 26% về khối lượng và giảm đến 21% về giá trị so với năm 2015.
Nhiều thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh trong năm 2016 như Philippines (giảm 65%), Malaysia (giảm 48%), Mỹ (giảm 33%), Singapore, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Hong Kong đều đồng loạt giảm tiêu thụ gạo Việt trong năm 2016.
Một số lô gạo Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã bị trả về, khiến nhiều chuyên gia trong ngành lo lắng về nguy cơ gạo Việt bị liên lụy khi xuất khẩu vào Mỹ, thậm chí có nguy cơ bị cấm nhập khẩu.
Được biết, một trong những nguyên nhân khiến Mỹ chính thức tăng thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam rất có thể là do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Gần cuối năm 2017, kinh tế và thể chế chính trị Việt Nam còn phải nhận thêm một tin buồn nữa khi Liên Hiệp Châu Âu chính thức "giơ thẻ vàng" đối hàng hải sản Việt Nam. Điều đó có nghĩa là ngay từ giai đoạn "thẻ vàng", hàng hải sản Việt Nam vào EU sẽ bị hạn chế, đặc biệt khâu kiểm định. Còn nếu sau 6 tháng mà không khắc phục được tình trạng ngư dân Việt Nam "đánh bắt xa bờ", tức đánh bắt cá tôm trong vùng hải phận các nước khác như Indonesia, Philippines…, Việt Nam sẽ bị EU chính thức áp dụng "thẻ đỏ" và sẽ mang lại rất nhiều phiền toái cho xuất khẩu hải sản của quốc gia này.
"Dấu ấn" còn lại là kết thúc năm 2017, mặc dù giá trị xuất khẩu vượt hơn 200 tỷ USD nhưng giá trị xuất siêu của Việt Nam chỉ có khoảng 3 tỷ USD. Đây chính là hậu quả của căn bệnh nhập siêu ồ ạt từ Trung Quốc, lên đến khoảng 30 tỷ USD theo đường chính ngạch và 20 tỷ USD theo đường tiểu ngạch vào những năm trước mà cho đến giờ mới chỉ thuyên giảm được đôi chút.
Đó là chưa kể đến việc Mỹ – thị trường phải nhập siêu lớn từ Việt Nam – đang có kế hoạch điều chỉnh đáng kể về cân bằng thương mại – theo những quyết tâm của Tổng thống Trump. Vào năm 2017, Trump đã chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ làm việc với Chính phủ Việt Nam về việc này, thậm chí còn đưa Việt Nam vào danh sách 16 nước bị Trump coi là làm tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ.
Do vậy có khả năng trong năm 2018, hàng rào thuế quan và kiểm định của Mỹ sẽ dựng cao hơn đối với hàng xuất khẩu Việt Nam và sẽ hạn chế giá trị xuất siêu của Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Vào cuối năm 2017, Mỹ đã chính thức đánh thuế thép Việt Nam (có nguồn gốc từ Trung Quốc) lên đến 531%.
Thiền Lâm
********************
Chiêu ‘mua rễ hồ tiêu’ của thương lái Trung Quốc tái xuất tại Việt Nam (VOA, 10/02/2018)
Trong báo cáo gửi UBND huyện Chư Pưh, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết "Thời gian gần đây trên địa bàn thị trấn Nhơn Hoa diễn ra hoạt động thu gom, mua gốc rễ hồ tiêu với số lượng lớn khoảng 500 kg".
Nông dân trồng tiêu ở Gia Lai.
Phá hoại
Báo Thanh Niên trích dẫn văn bản này cho biết thêm rằng "Việc thu gom gốc rễ hồ tiêu mục đích không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường sẽ gây nên tình trạng người dân phá bỏ vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu để bán, gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự an ninh nông thôn và phát triển kinh tế xã hội địa bàn tỉnh".
Tin cho hay gần đây huyện Chư Pưh bắt gặp một thương lái Trung Quốc đến thu mua rễ cây tiêu từ một nông dân trong huyện. Thương lái này đã bỏ đi khi cơ quan chức năng đến, trong khi chủ hộ nông dân nói họ thu gom rễ để ủ làm phân bón chứ không phải để bán cho thương lái Trung Quốc.
Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chư Pưh cảnh báo đây có thể là hành vi phá hoại tái diễn của thương lái Trung Quốc đối với cây loại cây mang tính chiến lược kinh tế của địa phương này.
Năm 2013, thương lái Trung Quốc cũng đến huyện Chư Pưh và một số nơi khác ở Tây Nguyên để thu mua rễ tiêu với giá 40.000 đồng/kg. Nông dân Việt Nam đã đổ xô đào cây tiêu lên để lấy rễ bán. Hậu quả là cả một khu vực rộng lớn trồng tiêu bị phá hủy.
Trước đó, năm 2012, các thương lái Trung Quốc cũng đã "dùng tay người Việt" triệt hạ nhiều khu rừng khi người dân đổ xô vào rừng hái lá kim cương để bán cho thương lái Trung Quốc, khiến loại dược liệu quý này rơi vào nguy cơ cạn kiệt.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, từng nhiều lần lên tiếng về các chiêu thu mua của các thương lái Trung Quốc mang tính chất "phá hoại" nền kinh tế Việt Nam. Bà nói với VOA :
"Những sản phẩm nông nghiệp rất kỳ quặc mà Trung Quốc mua ở Việt Nam qua một số thương lái Trung Quốc mang tính chất phá hoại đối với kinh tế [Việt Nam]. Ví dụ như mua rễ cây, mua sừng móng trâu, hay quả cau non… Không rõ để làm gì, nhưng họ làm như vậy là phá hoại cả một nền sản xuất của Việt Nam".
Lũng đoạn
Tháng 8 vừa qua, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam ra cảnh báo về tình trạng "lũng đoạn" của doanh nghiệp Trung Quốc đối với thị trường hồ tiêu Việt Nam.
Hiệp hội này nói có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang điều khiển thị trường hồ tiêu bằng cách cho nhiều doanh nghiệp đến ký hợp đồng mua tiêu với bất kỳ giá nào, sau đó hối thúc thực hiện hợp đồng để các doanh nghiệp Việt Nam phải gấp rút đi gom hàng, nhưng lại khất lần việc thanh toán tiền với lý do "ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ".
Trong thời gian các công ty Việt Nam lo gấp rút gom tiêu để bán thì nhóm người Trung Quốc này lại tỏa đi các địa phương để thu mua tiêu và hứa hẹn bán cho các đại lý với giá thấp hơn giá thị trường. Các đại lý thấy lợi nên mua để bán lại cho các nhà xuất khẩu. Đến lúc này, người Trung Quốc bắt đầu giam hàng, không bán cho đại lý nữa, viện lý do không có hàng, khiến giá tiêu trên thị trường bị đẩy lên rất cao. Lúc này, họ tung hàng ra bán cho đại lý kiếm lời.
Đến khi các doanh nghiệp Việt Nam thu gom đủ tiêu để bán theo hợp đồng, thì tất cả các thương lái Trung Quốc đều "không liên lạc được", trong khi tiền hợp đồng thì chưa thanh toán.
Hiệp hội Hồ tiêu cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam phải "thận trọng" khi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc. Hiệp hội này nói các thương lái Trung Quốc cố tình tạo biến động trồi sụt giá cả, khiến thương lái trong nước không dám mua bán, từ đó thu lợi từ việc "làm giá" theo ý đồ của họ.
Theo nhận định của bà Phạm Chi Lan, xét về khía cạnh đầu tư nước ngoài, "Trung Quốc hoàn toàn không phải là một nhà đầu tư lớn".
Bà nói : "Họ không bỏ bao nhiêu vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, mà chủ yếu vào Việt Nam qua các kênh khác, về thương mại, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam, thắng thầu các công trình, dự án tại Việt Nam".
Cả trong nhập khẩu lẫn xuất khẩu, Trung Quốc đều có những mô thức kinh doanh, sản phẩm mang tính "chèn ép", khiến các ngành nông nghiệp, công nghiệp Việt Nam không phát triển được. Chính những ảnh hưởng tiêu cực này đã dẫn tới làn sóng "thoát Trung" mà nhiều người dân Việt Nam cổ vũ, theo bà Phạm Chi Lan.
Khánh An