Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam nhất thế giới về gia tăng uống bia rượu (Người Việt, 12/05/2019)

Việt Nam tuy là nước nghèo nhưng là nước có tỉ lệ lượng bia rượu tiêu thụ gia tăng nhanh nhất trên thế giới, theo bản nghiên cứu của một tổ chức y khoa Anh quốc.

bia1

Một cuộc thi uống bia được các công ty sản xuất tổ chức tại Hà Nội để quảng cáo sản phẩm. (Hình : AFP/Getty Images)

Tạp chí y khoa Lancet ở Anh Quốc mới đưa ra bản nghiên cứu và được một số báo chí quốc tế như Asia Times, Forbes thuật lại, cho hay tình trạng tiêu thụ bia rượu trên thế giới đang trên đà gia tăng. Đứng đầu một biểu đồ về tỉ lệ gia tăng tiêu thụ bia rượu của Lancer là Việt Nam rồi mới đến Ấn Độ và Nhật Bản.

Theo Lancet, năm 2017, người Việt Nam tiêu thụ 8.9 lít rượu, gia tăng 89,4% so với năm 2010. Người Ấn Độ tiêu thụ 5,9 lít, gia tăng 37,2% trong khi người Nhật uống 7,9 lít một năm nhưng chỉ gia tăng 11,3% bởi truyền thống uống bia rượu nhiều những năm trước đó.

Hôm Chủ Nhật 12/5/2019, chính phủ Hà Nội tổ chức rầm rộ một cuộc diễn hành đi bộ tại Hà Nội với hàng ngàn người tham gia, có những lời kêu gọi như "Đã uống rượu, bia – không lái xe" hoặc "Đã lái không uống, đã uống không lái", hay "Tuổi trẻ nói không với rượu bia"…

Thật ra, những con số do Lancet đưa ra khác xa so với các con số về lượng bia rượu người ở Việt Nam tiêu thụ. Nhiều phần, cách nghiên cứu của họ đã gộp cả bia và rượu mạnh và quy đổi thành tiêu thụ rượu nguyên chất (Alcohol consumption) nên mới nói là người Việt Nam tiêu thụ 8,9 lít rượu vào năm 2017.

bia2

Việt Nam tiêu thụ bia rượu gia tăng nhanh nhất thế giới. (Hình : NV crop biểu đồ của Lancet)

Theo các con số do Tổ Chức Y Tế Thế giới (WHO) đưa ra, lượng rượu nguyên chất mà người Việt Nam tiêu thụ trung bình năm 2016 là 8,3 lít, chiếm hạng 64 trên 196 nước được thống kê. Nhưng nếu chỉ kể riêng nam giới trên 15 tuổi vào năm 2010, trung bình một người tại Việt Nam tiêu thụ 27,4 lít rượu nguyên chất/năm, đứng thứ nhì khu vực Đông Nam Á và thứ 29 thế giới. Thống kê cũng nói vào năm 2017, người Việt Nam chi gần $4 tỉ để uống chất cồn.

Trong một bản tường trình trước đây, WHO cho hay, năm 2015, có 80,3% nam và 11,6% nữ giới trên 15 tuổi ở Việt Nam có uống rượu, bia. Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á sau Nhật Bản và Trung Quốc về mức tiêu thụ bia hằng năm. Trung bình, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia.

Vào dịp tết Kỷ Hợi vừa qua, một du khách người Anh có mặt ở Hà Nội nói với một nhà báo trong nước rằng người Việt Nam uống quá nhiều rượu trong dịp Tết mà không hề nghĩ đến hậu quả tai hại của nó.

"Có lần tôi về quê một người bạn, gia đình họ chào đón rất niềm nở, thân thiện. Tuy nhiên, Tết ở Việt Nam cũng đáng sợ, người ta uống rượu quá nhiều mà không quan tâm đến sự an toàn của bản thân hay không". Ông Ad Peacock, nhiếp ảnh gia người Anh, nói với một phóng viên của tờ Kiến Thức khi gặp ông ta ở khu phố cổ Hà Nội.

Tháng 11/2018, tờ Lao Động cho biết một dự luật có tên "Phòng chống tác hại của rượu, bia" sẽ được đưa ra quốc hội và đưa ra thảo luận. Giải thích cho việc đưa ra dự luật, cơ quan y tế Việt Nam nêu "những vấn đề "nóng" liên quan tới tác hại của rượu, bia" từ nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh đến nguyên nhân trực tiếp của 30 loại bệnh bên cạnh tai nạn xe cộ chết người dồn dập. Trong đó không ít những vụ do say rượu lái xe.

"Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi từ 15-49 tuổi. Tại nạn giao thông liên quan tới rượu, bia ở Việt Nam ước tính chiếm khoảng 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới", tờ Lao Động thuật lại.

Trước đó, bản tin trên mạng của đài VTV ngày 5 tháng Chín, 2018 thuật thống kê của Tổng cục Quản lý Đường bộ cho thấy "hơn 40% số vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia". (TN) 

****************

Hải Phòng : Sông bốc mùi hôi thối vì xác lợn chết, chính quyền bất lực (Người Việt, 11/05/2019)

Từ giữa tháng Tư đến nay, mỗi ngày có hơn chục xác lợn (heo) chết đã bị phân hủy trôi về vùng sông Hóa gây ô nhiễm nặng, nhưng chính quyền huyện Vĩnh Bảo bất lực không thể ngăn chặn, tiêu hủy.

bia3

Nhiều bao xác lợn chết gây mùi hôi thối. (Hình : VnExpress)

Ngày 10/5/2019, người dân huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) nói với báo chí, khu vực cầu phao sông Hóa, đoạn qua xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo) có rất nhiều xác lợn chết, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Theo báo VnExpress, tại khu vực trên có nhiều xác lợn chứa trong bao tải hoặc không cần bao bọc gì vứt thẳng xuống sông, nổi lềnh bềnh, trôi theo dòng nước chảy từ thượng nguồn đổ ra cửa biển Thái Bình, nhưng đến đoạn cầu phao sông Hóa thì bị chặn lại, lẫn cùng các loại rác thải khác, ruồi nhặng bám đầy phía trên.

"Mỗi khi qua cầu phao sông Hóa, tôi phải phóng xe thật nhanh để tránh mùi hôi thối đến phát ói. Xác lợn trôi dạt về ngày càng nhiều nhưng không có giới hữu trách thu gom", một người dân địa phương nói.

Giải thích với báo VnExpress, ông Nguyễn Văn Nhưỡng, chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo, cho rằng sông Hóa chảy qua bốn tỉnh, thành là Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình và Hải Phòng và từ giữa tháng Tư đến nay, một số gia đình chăn nuôi ở thượng nguồn có lợn chết do dịch tả heo Châu Phi, không ý thức đã ném hàng trăm xác lợn chết xuống sông.

"Tất cả số lợn chết trôi về tụ tại cầu phao sông Hóa. Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo đã chi cả trăm triệu đồng để khử trùng thu gom, tiêu hủy số lợn này. Tuy nhiên, xác lợn chết trôi về ngày càng nhiều, huyện vớt không xuể", ông Nhưỡng nói.

Ông Đào Nguyên Linh, chủ tịch xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo) xác nhận với báo Gia Đình và Xã Hội : "Mỗi ngày có khoảng hơn chục con lợn chết trôi sông. Tính đến thời điểm này, xã đã phối hợp với các phòng ban của huyện tiêu hủy hàng trăm con".

Chiều cùng ngày, trả lời báo chí Việt Nam, ông Phạm Văn Lập, giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Hải Phòng, chỉ nói "sẽ cử các đơn vị chuyên môn về phối hợp với huyện Vĩnh Bảo tìm phương án xử lý số lợn chết trôi trên sông Hóa". (Tr.N)

***************

Bắt đường dây buôn ma túy tổng hợp lớn có người Trung Quốc tham gia (RFA, 12/05/2019)

Công An thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/5 thu giữ 500 kg ma túy tổng hợp Ketamin với trị giá hơn 500 tỷ đồng, tương đương hơn 21 triệu đô la và bắt giữ 4 người trong đó có 1 người Trung Quốc và hai người Đài Loan. Đây là vụ bắt giữ ma túy tổng hợp lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay, theo truyền thông trong nước.

bia4

Tang vật thu giữ từ vụ buôn ma túy ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/5/2019 - Courtesy of congthuong.vn

Theo truyền thông trong nước, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ hai người Đài Loan là Liu Ming Yang, 34 tuổi, Jhu Minh Jyun, 31 tuổi, và Su Jia Mei, 33 tuổi.

Cảnh sát cũng bắt giữ một phũ nữ Việt là Nguyễn Thị Thu Vân, 36 tuổi, khi kiểm tra các kho hàng tại Bình Chánh, Tân Phú, quận Tân Bình. Thuốc Ketamin được giấu trong các máy in trong một xe 7 chỗ.

Người đứng đầu băng nhóm buôn thuốc Ketamin được xác định là Liu Ming Yang.

Thuốc được chuyển vào Việt Nam từ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái hôm 14/3.

Hồi tháng 3 vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ 3 vụ buôn ma túy lớn. Tất cả các trường hợp ma túy bị bắt giữ đều đến từ khu Tam Giác Vàng là khu vực sản xuất nhiều thuốc phiện thứ hai thế giới. Đây là khu vực trên biên giới giữa các nước Lào, Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan.

Bộ Công An Việt Nam cảnh báo thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành địa điểm chung chuyển thuốc phiện vì lý do cơ sở hạ tầng và hậu cần hiện có của thành phố này.

Việt Nam cũng là nước có luật chống buôn bán thuốc phiện khắc nghiệt nhất thế giới. Những người bị bắt giữ vận chuyển hoặc buôn bán hơn 600 gram thuốc heroin hay cocain hoặc 2.5 kg ma túy đã có thể bị tử hình. Việc buôn bán khoảng 100 gram heroin hoặc 300 gram các loại thuốc gây nghiện khác cũng bị tử hình.

*******************

Thêm một lượng lớn ma túy tổng hợp bị bắt giữ tại Sài Gòn (Người Việt, 12/05/2019)

Thêm một nhóm người ngoại quốc vận chuyển ma túy lậu tại Việt Nam vừa bị bắt giữ tại Sài Gòn với số lượng may túy trị giá ước lượng khoảng 22 triệu đô la.

bia5

11 nghi phạm, trong đó có 8 người Trung Quốc, 3 người Việt vận chuyển 300kg ma túy đá vừa bị công an Việt Nam bắt giữ hôm 20/3. (Hình : AFP)

Các báo tại Việt Nam hôm Chủ Nhật 12 tháng Năm, 2019 cho hay hàng trăm công an, cảnh sát của dưới sự điều động của Cục cảnh sát ma túy Bộ Công an (C04) chiều 11 tháng Năm đã khám xét các kho hàng tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) và các quận Tân Phú, Tân Bình, Sài Gòn. Kết quả là họ đã phát hiện một số lượng ma túy tổng hợp thuộc loại Ketamin lên hơn 500 kg cùng 4 máy ép, nhiều chiếc xe hơi để vận chuyển.

Nhóm người của đường dây buôn lậu ma túy vừa kể là Liu Ming Yang (34 tuổi) và hai người nữa cùng quốc tịch Trung Quốc đã bị bắt giữ. Yang được báo chí trong nước mô tả là "cầm đầu đường dây ma túy này, chỉ đạo đàn em nhập cảnh vào Việt Nam, thuê kho bãi ở huyện Bình Chánh để tập kết "hàng".

Theo mô tả trên VnExpress, sau khi ma túy được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam bằng xe hơi, nhóm người của Yang "đưa đến các kho cất giấu, nguỵ trang thành hàng hoá và đang chuẩn bị xuất đi nước thứ ba".

Từ tháng 3/2019 đến nay, nhiều vụ bắt giữ ma túy tổng hợp số lượng lớn đã bị bắt giữ tại nhiều địa phương từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Sài Gòn cho thấy Việt Nam đang thay Thái Lan trở thành trung tâm trung chuyển cho các tổ chức buôn lậu ma túy quốc tế làm ăn.

Theo VnExpress, ma túy tổng hợp Ketamin là loại hiếm và đắt nhất trên thị trường, có ảnh hưởng mạnh gấp nhiều lần so với các loại ma túy khác. Đây là lượng Ketamin lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện, ước lượng có giá hơn 500 tỷ đồng hay khoảng 22 triệu USD.

Cùng với vụ bắt giữ ma túy lớn ở Sài Gòn, các báo tại Việt Nam cũng cho hay một số vụ bắt giữ ma túy khác với số lượng nhỏ hơn nhiều cũng vừa xảy ra mấy ngày qua. Tại Huế, một phụ nữ bị bắt giữ với 51 gói cần sa. Hai người đàn ông vận chuyển 20 bánh heroin, tổng trọng lượng 7kg, bị bắt ở Hải Phòng. Một người đàn ông khác bị bắt ở Long An cũng với 20 bánh heroin, tương đương 7kg.

Hồi đầu tháng 5, các con số thông kê do Bộ Công an Hà Nội đưa ra cho thấy chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, số lượng ma túy các loại bị tịch thu tại Việt Nam lên hơn 6 tấn, con số nhiều hơn hẳn năm ngoái và gấp ba lần năm 2017. Chỉ khoảng 20% là bán cho các con nghiện trong nước và 80% được vận chuyển lậu sang các nước khác.

Liệt kê một số vụ nổi cộm như bắt giữ 300kg ma túy tổng hợp (methamphetamine) tại khu vực cửa khẩu Cầu Treo thuộc tỉnh Hà tĩnh vào tháng Hai, bắt 570kg methamphetamine ở Sài Gòn trong tháng Ba. Riêng trong tháng Tư, xảy ra vụ bắt 700kg methamphetamine ở huyện Quỳnh Lưu và 600kg ở thành phố Vinh, Nghệ An, trong khi thành phố Sài Gòn bắt 1,1 tấn methamphetamine.

Các đường dây buôn lậu ma túy lớn bị bắt giữ tại Việt Nam đều do nhóm người Trung Quốc, Đài Loan, cầm đầu trong khi những người Việt Nam cùng bị bắt giữ chỉ là những tay chân phụ thuộc được thuê mướn để vận chuyển, coi kho, thông dịch v.v….

Theo một bản phúc trình của cơ quan Ma Túy và Tội Phạm (UNODC) của Liên Hiệp Quốc ngày 11/3/2019, số lượng ma túy tổng hợp bị bắt giữ ở các nước phía đông Á châu và Đông Nam Á trong năm 2018 lên ít nhất đến 116 tấn, gia tăng gấp 3 lần so với năm 2013 và nhiều hơn số lượng 82 tấn bị bắt giữ vào năm 2017.

Mười ba quốc gia nêu tên trong phúc trình của Liên Hiệp Quốc gồm các nước ASEAN và cả Trung Quốc, Nhật Bản. Chỉ riêng năm ngoái, Thái Lan đã bắt giữ tới 517 triệu viên ma túy đá ( methamphetamine) gấp 17 lần so với một thập niên trước.

Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc về tình hình ma túy không coi Việt Nam là điểm trung chuyển của các đường dây buôn lậu ma túy quốc tế, nay với những gì đang diễn ra, tình hình diễn tiến khác hẳn.

Phần lớn những người chơi ma túy dạo sau này đã lựa chọn methamphetamine và các dạng ma túy tổng hợp khác, đa số phát xuất từ "Tam Giác Vàng" (nằm giữa 3 nước Thái Lan, Miến Điện và Lào) xưa nay vốn được coi là cái nôi của mọi loại sản xuất và buôn lậu ma túy, trước kia là thuốc phiện, rồi đến heroin và nay là các loại ma túy tổng hợp.

Những người "chơi" ma túy, thuốc lắc tập thể thấy bị bắt giữ rất nhiều trong các quán Karaokê hay vũ trường trên nhiều thành phố tại Việt Nam. Báo cáo của các cơ quan nhà nước thì nhìn nhận con nghiện tại Việt Nam "ngày càng trẻ hóa". (TN)

Published in Việt Nam