Việt Nam đang có hoạt động nâng cấp vùng biển của mình ở Biển Đông trong lúc Trung Quốc tiếp tục cải tạo để duy trì các căn cứ không quân và hải quân của mình ở các khu vực đang có tranh chấp trên biển này, hãng Bloomberg đưa tin hôm 17/12.
Hình ảnh DigitalGlobe cho rằng Việt Nam xây ụ cạn ở khu Đá Tây
Hãng tin này dẫn hình ảnh do vệ tinh DigitalGlobe chụp hồi tháng Chín cho thấy một số cơ sở mới, trong đó có một ụ cạn ở khu Đá Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 680 km về hướng đông nam, có thể cho phép tàu thuyền ghé qua để bảo dưỡng và tuần tra trong thời gian dài hơn.
Mới hồi tháng 11, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hai ngày của Chủ tịch Tập Cận Bình, các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý sẽ tăng cường hợp tác trên biển và phấn đấu cùng nhau giữ gìn hòa bình, ổn định.
Tuyên bố chung của hai bên nói sẽ "kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, không mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
Quy mô bồi đắp
Tuy quy mô rất nhỏ nếu so với những gì Trung Quốc đang làm, điều này cho thấy Hà Nội muốn giữ đất ở tuyến đường thủy đang trong vòng tranh chấp, ngay cả khi điều đó có nguy cơ làm phật lòng Bắc Kinh, vẫn theo Bloomberg.
Việt Nam đã bồi đắp khoảng 120 mẫu Anh trên 10 đảo nhỏ kể từ năm 2014, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á có trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ.
Việt Nam đã kéo dài đường băng và tăng cường khả năng về radar và tuần tra.
Để so sánh, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 3.200 mẫu Anh trên bảy điểm ở quần đảo Trường Sa, xây dựng các cảng, hải đăng và đường băng mà họ nói chủ yếu phục vụ mục đích dân sự hoặc phòng thủ.
Trung Quốc đòi chủ quyền với hơn 80% Biển Đông, nơi có lượng thương mại toàn cầu trị giá khoảng 3,4 nghìn tỷ đôla qua lại.
Tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền vùng biển này chồng lấn với Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, và Đài Loan. Trong năm qua, Hà Nội đã trở thành nước có tiếng nói mạnh nhất chống lại các tuyên bố của Trung Quốc.
Mâu thuẫn tiềm tàng
Bloomberg trích lời Bill Hayton, một nhà nghiên cứu tại Viện Chatham, London, nói hoạt động nâng cấp mới nhất của Việt Nam ở Đá Tây diễn ra sau khi tin cho hay Trung Quốc đã gây áp lực, buộc Việt Nam phải ngừng khoan tại khu vực tranh chấp mà Việt Nam đã cho Repsol SA của Tây Ban Nha thuê.
Một điều khác cũng gây mâu thuẫn tiềm tàng giữa Hà Nội và Bắc Kinh là cuộc đàm phán được nối lại về Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên.
Mặc dù đã thông qua văn kiện khung dài một trang hồi tháng Tám, trong đó kêu gọi các bên cam kết thực hiện các nguyên tắc của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Trung Quốc muốn bộ quy tắc này có tính tự nguyện, trong khi Việt Nam lại muốn nó có tính ràng buộc pháp lý.
Trong bài viết trên Tạp chí Forbes hôm 19/12, ông Peter Pham, Giám đốc điều hành của hãng Phoenix Capital cho rằng mối lo của các nước láng giềng rằng Bắc Kinh muốn làm chủ vùng biển này, cũng như các nguồn lợi và các tuyến giao thương, không phải là không có cơ sở.
"Ngoài chuyện "quân sự hóa" các bãi đá, Trung Quốc cũng nói đến chuyện thành lập 'Vùng nhận dạng phòng không' trên vùng biển này, buộc bất kỳ máy bay nào bay qua vùng biển phải xin phép Trung Quốc trước khi bay", ông Pham viết.
Tình hình hiện nay ở Biển Đông không dễ cho các nước nhỏ. Dù nhiều nước đang tìm sự ủng hộ quân sự của Mỹ, Trung Quốc có sức mạnh kinh tế nổi bật không thể chối cãi ở khắp nơi trong khu vực Đông Nam Á.
Các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Phillipines buộc phải cân nhắc kỹ làm thế nào để khẳng định chủ quyền mà không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của mình, theo ông Peter Pham.