Đây không phải lần đầu tiên một quan chức cấp cao ở Việt Nam được đầu tư những công trình hoành tráng sau khi chết, với mục đích được nói là để tưởng nhớ công ơn của họ với đất nước.
Khu đền thờ của gia đình ông Trần Đại Quang (có hình mặt cười) và khu đất xây mộ của ông Trần Đại Quang (hình chữ nhật) bên cạnh - Courtesy FB Đỗ Nam Trung
Ngay sau khi những thông tin về khu an táng ông chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa qua đời được truyền thông chính thức loan đi, cư dân mạng và công luận nhanh chóng chia sẻ và bình luận. Rất nhiều người tỏ ý không tán thành việc xây dựng một công trình lăng mộ nguy nga như vậy cho một người quá cố. Có những ý kiến còn mỉa mai rằng "May nhờ ông chủ tịch mất mà dân có con đường đẹp để đi" hay "giá mà các dự án giao thông của Việt Nam được 1% nhanh như vậy",…
Trước phản ứng của dư luận, Truyền thông trong nước đồng loạt rút tất cả các bài viết về lăng mộ của ông Quang.
GS. Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nhận định về việc xây lăng mộ hàng chục ngàn mét vuông cho nhà lãnh đạo quá cố :
Tôi thấy đây là vấn đề rất phản cảm mà dư luận đã có ý kiến. Người ta cho rằng đây là kiểu thức vua chúa phong kiến, chứ không phải ở thời đại văn hóa, văn minh hiện đại. Dẫu người ta nói mảnh đất đó có thể do gia đình, bạn bè, thân hữu góp tiền mua. Nhưng vấn đề không phải ai bỏ tiền ra mua mà vấn đề là làm một khu lăng mộ rộng như vậy cho một người từng là chủ tịch nước là phản cảm, trong khi dân chúng đói nghèo, một tấc đất cắm dùi không có. Nhiều người bị tước đoạt cả đất đai, nhà ở, kêu than hàng chục năm trời. Một bên là lăng mộ mênh mông hoành tráng, một bên là sự mất đất đẩy đến tận cùng của số kiếp con người.
Nhà báo tự do Nguyễn An Dân cũng có quan điểm tương tự :
Nhà nước đã có riêng một nghĩa trang quốc gia cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhưng theo thôi, có lẽ các qu an chức cũng không muốn nằm ở đó, đặc biệt người Bắc người ta có câu sống cái nhà chết cái mồ.
Tôi thì thấy nó hơi phản cảm ở chỗ nếu như ông ý thức rằng ông phục vụ cho quốc gia và ông chết trên cương vị lãnh đạo Nhà nước thì thôi để quốc gia chi phí cho ông trong nghĩa trang quốc gia đi. Hoặc là đưa về chôn một cách bình dị.
Tại Hà Nội có nghĩa trang Mai Dịch, là nơi Nhà nước dành riêng để chôn cất các nhà lãnh đạo chóp bu hay những người có công với chế độ. Tuy nhiên nghĩa trang này hiện cũng đang ở trong tình trạng quá tải. Khu đất xây lăng mộ cho ông Trần Đại Quang rộng hơn diện tích cả nghĩa trang Mai Dịch.
Hiện chưa có một con số chính thức về việc chi tiêu cho tang lễ và nơi an táng của ông Trần Đại Quang nhưng dư luận ước tính khoảng 20 tỷ đồng. Trong khi đó mức chi ngân sách nhà nước cho một tang lễ tối đa là 800 triệu đồng. Báo chí cũng không đưa tin lăng mộ cho ông Quang là do gia đình hay Nhà nước chi trả.
Từ hơn chục năm về trước, Việt Nam đã đưa ra công văn khuyến khích người dân không tổ chức tang lễ long trọng, lãng phí và vận động nhân dân hỏa táng, điện táng để dần dần bãi bỏ địa táng. Tuy nhiên dư luận cho rằng tang lễ của người đứng đầu Nhà nước mà không làm gương thì làm sao người dân noi theo ?
Có thể nhận định Việt Nam luôn sẵn sàng chi một khoản tiền khổng lồ để xây những công trình bề thế cho người có công với chế độ khi họ qua đời. Bằng chứng là những lăng mộ rộng lớn như của ông cựu Thủ tướng Phan Văn Khải hay ông Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những tượng đài hàng ngàn tỷ đồng mọc lên như nấm khắp mọi miền đất nước.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nêu quan điểm về tình trạng này :
Nó chỉ báo rằng những người lãnh đạo Cộng sản hiện nay trí tuệ rất thấp, nhân cách văn hóa không có gì nên mới hành xử như vậy. Không chỉ riêng vụ ông Trần Đại Quang, mà chế độ này, cái nền văn hóa cộng sản này nó thúc đẩy người ta càng đi tới cái siêu phong kiến. Càng lên ngôi cao thì càng muốn biến mình thành vua thành chúa như ngày xưa. Điều này để lại tiếng xấu, gieo vào trong lòng người hình ảnh xấu. Đấy là một trong những sự thất bại của chủ nghĩa Cộng sản ở VN. Nó không tạo dựng được những con người của văn hóa, văn minh, hiện đại, dân chủ mà nó đưa con người đi tới thụt lùi, thoái hóa, trở về với vua chúa phong kiến độc tài độc quyền, tàn ác ngày xưa.
Nhà nghiên cứu xã hội học Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đánh giá vấn đề này từ góc độ xã hội :
Truyền thống của Việt Nam từ xưa không chỉ vua chúa hay nhà quan mà nói chung những người giàu có, có quyền thế đều có truyền thống xây lăng mộ. Truyền thống đó đã ăn sâu vào văn hóa của người Việt Nam rồi thành ra trong tâm tưởng của mỗi người dân đều nghĩ khi mình chết hay bố mẹ mình mất đi thì muốn xây một ngôi mộ thật to đẹp. Đó là một văn hóa bình thường. Tuy nhiên đời sống hiện đại và văn hóa phương tây đến thì người ta sẽ nhìn nhận rằng đó không phải là một điều quá quan trọng. Điều quan trọng là mỗi con người đem lại được những gì cho xã hội, cho cộng đồng. Tuy nhiên đó là một giá trị mới, nhưng giá trị cũ ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại rất nặng nề.
Vị giáo sư cổ súy tự do dân chủ Nguyễn Khắc Mai cho rằng đây là một nghịch lý trong xã hội Việt Nam hiện nay. Một bên thì lãnh đạo, những người tự nhận là "đầy tớ của nhân dân" nhưng lại chễm chệ như vua chúa, còn một bên là số đông người dân vẫn còn nghèo khổ, không đủ ăn, và trẻ em nhiều nơi không được tới trường.
*****************
Đá gà, đánh bạc, cho vay nặng lãi đến mức không thể nặng hơn, có lúc lãi suất lên đến 300%, trấn áp, dùng luật rừng, nhốt, bắt cóc người đòi tiền chuộc… Tất cả mọi thức rùng rợn nhất đều có thể diễn ra ở nơi đây, vùng biên giới Vĩnh Ngươn – Tà Mâu, một vùng đất cờ bạc khét tiếng Việt Nam và cũng là khét tiếng bán đảo Đông Dương về luật chơi. Thế nhưng đây cùng là vùng đất như có bùa mê khiến cho không biết bao nhiêu gia đình tán gia bại sản. Và lạ nhất là vùng biến giới Tà Mâu – Vĩnh Ngươn chỉ cách thành phố Châu Đốc chưa đầy 5km mà có cảm giác nơi đây hoàn toàn không có pháp luật và không có an ninh.
Casino ở Tà Mâu, Campuchia nhìn từ Tà Ngươn - TTVN
Cái lạ đầu tiên khi đến Vĩnh Ngươn là hầu hết chỉ đi và đi, không được nhìn ngắm lung tung, nếu có máy ảnh thì chịu khó cất vào chứ không được mang ra chụp. Nếu lỡ vô tình chụp một tấm hình cánh đồng lúa, nơi có con đường dẫn sang Tà Mâu thì liền sau đó sẽ có vài thanh niên to con, bặm trợn, đến yêu cầu đưa máy ảnh và họ lấy luôn. Trong trường hợp kháng cự, không chịu đưa máy ảnh, rất có thể chủ máy sẽ phải nằm bệnh viện nếu may mắn, trường hợp không may mắn thì rất khó nói sẽ đi đến đâu.
Bà Dương Thị Út, một người dân sống ở Vĩnh Ngươn, Châu Đốc An Giang chia sẻ : "Làm ruộng không à, ăn chơi toàn xứ lạ tới chơi không à. Mở casino toàn dân xứ lạ tới chơi không à chứ xã này hiếm có ai chơi vụ cờ bạc lắm, có đi chuyển đồ biên giới kiếm sống thì có, nước lên thì giăng lưới, chứ không ăn chơi. Toàn Cân Thơ, Long Xuyên… mấy cái miệt ở xứ xa tới, đi toàn xe hơi lên không à".
Anh Lâm Hoàng Huy, một người có thâm niên nhiều năm đưa khách từ Vĩnh Ngươn sang Tà Mâu để đánh bạc, chia sẻ :"Khu biên giới Vĩnh Ngươn này thì người từ Cần Thơ, Long Xuyên, Sóc Trăng, Vĩnh Long… qua đây chơi không à. Thắng thua thì thấy toàn thua không à, thua nhiều hơn ăn, lúc nào lên cũng thấy thua hơn nhiều. Bên đó cũng có nhiều người cho vay lắm, quen biết thì họ cho mình vay, mà họ đòi bên đó thôi à chứ về bên đây thì họ không có qua".
Bà Út và anh Huy cho biết thêm là những con bạc sang Tà Mâu để đánh không phải là dân địa phương, bởi với mức thu nhập èo ọp quanh năm suốt tháng dựa vào mấy công ruộng, thậm chí ruộng thuê và thêm chút tiền đi làm mướn thì không có ai dám bén mảng đến Tà Mâu cả. Hơn nữa, dân Vĩnh Ngươn sống dựa vào hai nguồn chính, phân thành hai thành phần dân cư rõ rệt, đó là thành phần dân nghèo chiếm đại đa số trông vào hạt lúa và đi làm thuê. Còn một thành phần nữa, giàu có, khá giả, có số có má trong giang hồ thì sống dựa vào buôn lậu hàng qua biên giới và làm sới cho thuê đá gà. Số này chiếm rất ít nhưng khả năng và biên độ hoạt động là rất mạnh, rất rộng.
Anh Nethan Mauer, một người gốc Thái Lan, sống ở Việt Nam trên hai mươi năm, từng đôi lần sang Tà Mâu chơi bạc giải trí nhưng thực chất là đi tìm và thương lượng chuộc người giùm cho các gia đình có người bị bế thân do nợ vay nóng, chia sẻ : "Nó không có vé, mình qua đó có hai loại, một là casino sẽ tính tiền mặt trực tiếp, đánh bằng tiền mặt, một cái là nó thanh toán qua thẻ, mình mua thẻ, đánh thẻ rồi đổi tiền mặt với nó".
Khác với các Casino ở Hà Tiên, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Lạng Sơn với an ninh có phần ổn định và đảm bảo an toàn tính mạng cho người chơi, Casino Tà Mâu có thể được xếp vào diện phức tạp và đa dạng nhất. Vì lẽ, vay tiền để đánh bạc ở đây rất dễ và luật chơi cũng không liên quan đến luật pháp Việt Nam hay luật pháp Campuchia. Loại hình cờ bạc mở rộng, không chỉ ở các casino mới có đánh bạc mà người chơi có thể tìm các tụ điểm bên ngoài, tìm các sới đá gà trên đường vào casino.
Con đường mòn từ Vĩnh Ngươn, Châu Đốc (An Giang) sang Tà Mâu (Campuchia) TTVN
Thường thì người ta đi xe ôm qua casino vào mùa nắng và dùng xuồng đi qua cánh đồng đầy nước vào mùa nước nổi. Dịch vụ chở thuê bằng xe máy hay chở xuồng ở đây khá đắt đỏ. Với đoạn đường chưa đầy 1km nhưng giá cước xe ôm không dưới 100 ngàn đồng và giá xuồng dao động từ 300 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng. Người chở mướn tùy thuộc vào khách quen hay lạ mà hét giá. Các chủ thuyền hoặc người chạy xe ôm ở hai bên con đường đất eo óc sang Tà Mâu cũng là người đại diện an ninh ở đây, họ tự cho mình cái quyền tịch thu máy ảnh của người khác bất kì lúc nào.
Anh Nathan Mauer chia sẻ thêm :"Có giấy tờ tùy thân hoặc phương tiện để thế chấp với nó hoặc là giấy tờ doanh nghiệp. Mình kinh doanh mình sẽ lấy giấy tờ doanh nghiệp cầm cố, sau đó mình có mình sẽ chuộc hoặc là nó sẽ tính tiền lời mỗi ngày lên so với số tiền mình vay đó. Hoặc là nó giữ chân mình bên đó luôn, gọi điện cho người thân hoặc ai đó lên bảo lãnh cho mình về…"
Anh Nathan Mauer chia sẻ thêm rằng theo quan sát của anh thì sang Tà Mâu cũng chẳng khác nào đi đốt tiền. Hầu hết những người sang Tà Mâu trở về đều trắng tay và nợ nần, có người phải nhờ đến gia đình chuộc họ ra mới được về. Những con số mà báo chí trong nước đưa ra về các vụ bắt người đòi tiền chuộc hoặc giam giữ con nợ, đánh đập và xâm hại con nợ nữ giới chỉ gần với thực tế chứ không thể phản ánh hết được. Bởi báo chí rất khó tiếp cận khu vực này. Hơn nữa, luật chơi ở đây gần như vô chính phủ và một khi con bạc lâm nạn ở đây thì khó bề chạy thoát.
Có một điều mà những người chúng tôi gặp đều lấy làm lạ là casino Tà Mâu cũng như khu vực trường gà ở Vĩnh Ngươn nằm gần đồn biên phòng, gần công an và nằm dưới sự quản lý an ninh của cả hai phía nhưng mọi thứ đều dùng luật rừng để giải quyết. Nó nằm độc lập theo luật chơi của sòng bài và mọi hoạt động đỏ đen diễn ra theo ước định của chủ sòng và các con bạc.
Đứng ở Vĩnh Ngươn, Châu Đốc, Việt Nam nhìn sang Tà Mâu, Campuchia, nhìn sang con đường băng qua ruộng lúa, nơi hàng ngày không dưới vài trăm người đi và chỉ có vài chục người về sau khi qua các casino, có thể hình dung được vì sao sự xáo trộn và mất an ninh ngày càng trầm trọng hơn ở khu vực này.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam