Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Công an, an ninh Việt Nam : Lực lượng "hành" dân ? (RFA, 18/05/2018)

Qua vụ việc hai ‘hiệp sĩ đường phố’ ở Thành Phố Hồ Chí Minh bị đâm chết trong khi tham gia một vụ vây bắt nhóm trộm xe máy, dự luận dấy lên thắc mắc rằng công an ở đâu mà không thực hiện trách nhiệm bảo vệ dân chúng ? Trong cùng thời điểm, cũng có những thông tin tố cáo lực lượng công an, an ninh ngày càng gia tăng sách nhiễu người dân bằng nhiều hình thức.

congan1

Sinh viên Trần Hoàng Phúc, thành viên Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (AYLF-ASEAN Young Leaders Forum)

Sách nhiễu, hành hung

Hội Sinh viên Nhân quyền vừa công bố một clip ghi lại hình ảnh của sinh viên Trần Hoàng Phúc, vào sáng sớm ngày 8 tháng 5 năm 2016 bị an ninh mặc đồ dân sự cản đường và giật điện thoại, khi anh Phúc vừa rời khỏi nhà để tham gia làm giáo khảo xét duyệt tài trợ một số dự án của tổ chức phi lợi nhuận tư nhân tài trợ các dự án xã hội, văn hóa, môi trường, y tế và giáo dục.

congan2

Sinh viên Trần Hoàng Phúc bị an ninh cản đường và giật điện thoại ngày 08/05/16. Courtesy : Ảnh chụp màn hình clip của hoisinhviennhanquyen.org

Trần Hoàng Phúc hiện là tù nhân lương tâm, bị tuyên án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước", theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, hồi cuối tháng Giêng năm 2018.

Trao đổi với RFA liên quan clip vừa được công bố trên mạng xã hội, cô giáo Huỳnh Thị Út, mẹ của Trần Hoàng Phúc cho biết con trai của bà bị công an, an ninh sách nhiễu, hành hung thường xuyên cho đến khi bị bắt. Cô Huỳnh Thị Út gọi lần Phúc và người bạn tên Phát bị nhóm an ninh bắt cóc ở bến xe Ba Đồn, Quảng Bình vào ngày 12 tháng 3 năm 2017 là việc làm của lực lượng hành pháp vô nhân tính. Mẹ của Trần Hoàng Phúc kể lại hai bạn trẻ sinh viên bị trùm đầu bằng áo khoác, bị trói tay và bị hành hung dã man vào đầu, vào cột sống và hạ bộ và bị lột sạch quần áo. Trần Hoàng Phúc sau đó nói với mẹ về sự nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân và người bạn, sau khi nhóm an ninh bỏ lại hai người tại con đường mòn trên núi giữa rừng Trường Sơn. Cô Huỳnh Thị Út thuật lại lời của con trai :

"Hai đứa tự tháo cho nhau, rồi mở khăn trùm đầu ra. Chỗ Phúc nằm chỉ cách bờ vực khoảng 1, 2 mét thôi. Nếu lúc họ cố tình đánh mạnh thêm chút nữa, đánh đau thêm chút nữa và lâu thêm một chút nữa thì con chịu không nỗi và con sẽ lăn, thế nào con sẽ bị lọt xuống vực thẳm luôn. Vực thẳm này mà con rót xuống thì sẽ không thấy xác đâu hết".

Việc an ninh bắt cóc, hành hung Trần Hoàng Phúc và người bạn tại Quảng Bình được cho biết nhằm để tra hỏi mật mã điện thoại, ipad và laptop của Phúc.

Đài RFA ghi nhận không chỉ riêng tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc bị công an, an ninh sách nhiễu, hành hung mà hầu hết những người dân thể hiện tiếng nói đối lập với Chính phủ Việt Nam một cách ôn hòa hay các nhà hoạt động vì môi trường, xã hội và dân chủ đều lọt vào "tầm ngắm" của lực lượng công an, an ninh. Lực lượng này bị tố cáo thực hiện các hành vi sách nhiễu, hành hung, khủng bố và thậm chí triệt tiêu sinh kế của những người dân như thế.

Một trường hợp tố cáo mới nhất của gia đình tù nhân lương tâm Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trong ngày 17 tháng 5 vừa qua, một nhóm an ninh đông đảo bao vây ngôi nhà trong nhiều giờ liền. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, thân mẫu của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho RFA biết kể từ sau khi con gái bị bắt và bị tuyên án 10 năm tù giam, bà và hai đứa cháu nhỏ, con của Blogger Mẹ Nấm phải sống trong hoàn cảnh bị khủng bố tinh thần liên tục. Bà Tuyết Lan nhớ lại một lần mà bà cho là kinh khủng nhất :

"Trong chuyến tới Việt Nam của ông John MacCain thì lần đó thiệt là kinh khủng. Họ huy động hơn 100 người ; bao gồm cảnh sát cơ động, cảnh sát chống khủng bố, an ninh, dân phòng…Họ làm hàng xóm náo động. Đây không phải lần đầu tiên. Nhiều lần rồi. Cứ mỗi lần có sự kiện nào liên quan có người nước ngoài tới, thì tôi là nạn nhân của sự khủng bố tinh thần".

Gia tăng "hành" dân

Qua thông tin mạng xã hội, hình ảnh của lực lượng công an, an ninh mà dân chúng ghi lại và đăng tải cho thấy lực lượng hành pháp này được Nhà nước sử dụng như một công cụ để trấn áp người dân, mà nhiều người gọi đó là "thể chế công an trị" tại Việt Nam. Không những vậy, lực lượng hành pháp này còn lạm dụng quyền lực trong việc dùng côn đồ để phục vụ cho họ. Luật sư Lê Công Định khẳng định với RFA rằng việc làm này đang xảy ra và ngày càng gia tăng.

Linh mục Phan Văn Lợi còn lưu ý những tổ chức quần chúng tự phát, được sự hỗ trợ của công an, an ninh như Hội Cờ Đỏ góp phần không nhỏ trong việc tấn công nhắm vào những sinh hoạt tôn giáo của người dân. Linh mục Phan Văn Lợi nhấn mạnh các lực lượng hành pháp tăng cường kiểm soát dân chúng qua chính sách mới :

"Bây giờ tại Việt Nam, tất cả các công ty điện thoại Viettel, Mobile, Vina bắt người dân mua sim phải đăng ký tên tuổi và phải chụp hình. Đó là một cách thức để hù dọa, trấn áp người dân và kiểm soát ngay từ cái điện thoại di động. Đây là một phương tiện để hành động trên người dân".

Các tổ chức nhân quyền trên thế giới lên tiếng phản đối hành động ngày càng lạm dụng của Chính phủ Hà Nội dùng lực lượng công an, an ninh để trấn áp người dân Việt Nam, gọi đó là hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng ; đồng thời kêu gọi phải cải thiện tình trạng này. Những người dân trong nước mà chúng tôi tiếp xúc bày tỏ sự hy vọng lực lượng công an, an ninh cần nhanh chóng phục hồi chức năng và nhiệm vụ của họ là bảo vệ người dân và bảo vệ quốc gia, như chia sẻ của thân mẫu Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lặp đi lặp lại mỗi lần họ xuất hiện xung quanh căn nhà của bà ở Nha Trang, Khánh Hòa rằng :

"Đừng có bóp cổ những người dân lành chúng tôi bằng những chuyện vô lý. Người dân đóng thuế qua xăng, qua gạo, qua nước…để họ làm những chuyện vô lý như vậy. Trong khi đất nước đang lâm nguy, hãy đi ra làm những việc bảo vệ đất nước".

Cô giáo Huỳnh Thị Út thì cho rằng việc làm vô cớ hành hung, đánh đập, trấn áp người dân của công an và an ninh cần được pháp luật xử lý, vì có như vậy Chính quyền mới tỏ rõ cho dân chúng thấy được sự thượng tôn pháp luật ở Việt Nam. Không ít người dân nói rằng nếu như chính sách "công an trị" được duy trì mà không sớm thay đổi, thì viễn ảnh sẽ giống như nhận định của Linh mục Phan Văn Lợi :

"Người dân bị dồn vào bước đường cùng, chắc chắn họ sẽ phản ứng. Trường hợp này như chúng ta đã thấy từng xảy ra ở xã hội Cộng Sản các nước Đông Âu trước đây vậy".

Hòa Ái

********************

Dân sống lạc hậu suốt 30 năm, xã vẫn đạt ‘nông thôn mới’ (Người Việt, 18/05/2018)

Sau ba năm "về đích nông thôn mới", nhưng hàng chục nhà dân ở hai ấp Trường Ninh và Trường Ninh A của xã Trường Long, huyện Phong Điền, vẫn đang phải sống cảnh "ba không" là không điện, không đường đi, không nước sạch, như hồi 30 năm trước.

congan3

Bà Nguyễn Thị Chi lau chùi những chiếc đèn dầu thắp sáng hằng đêm. (Hình : Cần Thơ)

Hôm 17 tháng Năm, để vào được ở hai ấp Trường Ninh và Trường Ninh A dài gần 3 cây số ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, nơi gần 30 nhà dân đang sống cảnh "ba không", phóng viên báo Lao Động phải đi bộ men theo con đường đất dọc rạch Rau Mui và rồi phải đành thuê người dân dùng ghe chở vào, do đi được nửa đường thì không thể tiếp tục vì lối đi quá hẹp, cây cối um tùm chắn ngang. Trong nhiều năm qua, tuyến rạch này không có đường đi, người dân chỉ đi tạm trên phần đất vườn của các nhà dân.

Ông Trung Ký Đạt (trú ấp Trường Ninh) cho biết : "Năm 1996, gia đình tôi được cha mẹ cho phần đất cất nhà sinh sống. Hơn 20 năm qua, người dân nơi đây sống như ở cồn hay cù lao, đi lại bằng ghe, xuồng, vì không có đường đi".

Ông Võ Thành Sang (70 tuổi) buồn bã nói về tình hình đời sống : "Khổ lắm ! Tôi ở đây từ năm 1979 mà đang phải sống cảnh ‘ba không.’ Dùng đèn dầu mãi rồi, hai năm trước, tui phải sắm cái bình ắc quy này để thắp sáng. Có khi hết điện chưa đi sạc kịp lại phải đưa đèn dầu ra mà dùng".

Nói về nước tiêu dùng, ông Sang cho hay hằng ngày, gia đình phải hứng nước mưa tích trữ. Hết nước mưa thì phải múc nước kênh đục ngầu lên lắng lọc để dùng.

congan4

Ông Võ Thành Sang bên chiếc bình ắc quy vừa sắm để cải tiến thay vì đã dùng đèn dầu 30 năm nay. (Hình : Lao Động)

Liền bên cạnh là nhà bà Nguyễn Thị Chín (64 tuổi) cũng sống trong tình cảnh tương tự. Bà Chín cho biết, gia đình bà đã sống ở đây từ năm 1994. Đất nhà đã có "sổ đỏ" (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) từ lâu.

Nói với báo Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Chi (48 tuổi) cho biết : "Gia đình tôi đã sinh sống 30 năm ở tuyến rạch Rau Mui. Là người dân của huyện nông thôn mới, của thành phố trực thuộc trung ương, nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhưng chưa cơ quan nào giải quyết".

Quá khổ, cuối năm ngoái, bà phải "cải tiến" mua cái bình ắc quy về thắp sáng cho con học bài. Còn việc xem ti vi, nghe đài là xa vời, thành ra cứ mù tịt thông tin.

Bà cũng cho hay : "Do không có tiền khoan cây nước, gia đình tôi canh những khi nước lớn để xách nước từ rạch lên lóng phèn sử dụng, kể cả nấu ăn và uống hằng ngày. Mặc dù biết nguồn nước dưới rạch Rau Mui không hợp vệ sinh nhưng vẫn phải sử dụng vì không có nguồn nước khác thay thế".

Ở đây, cũng có một số gia đình khá giả đầu tư kéo "điện câu đuôi" về sử dụng. Ông Đặng Văn Bảy nói : "Năm 2017, tôi mua dây điện để kéo điện ‘câu đuôi’ từ rạch Trà Ếch về đến rạch Rau Mui để tiêu dùng. Tuy nhiên, do đường điện quá xa nên điện năng hao hụt nhiều, vào giờ cao điểm là nguồn điện ‘chập chờn’ làm nhiều thiết bị điện bị hư hỏng".

Nhiều nhà dân khác ở ấp Trường Ninh này, và ở bên kia rạch Rau Mui là ấp Trường Ninh A cũng chung tình cảnh tương tự. Họ cho biết, đã nhiều cuộc họp, "tiếp xúc cử tri", đều có ý kiến. Sau đó, chính quyền cũng đã từng khảo sát và hứa chậm nhất đến cuối năm 2017 là có điện. Thế nhưng chờ mãi đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Nói về chuyện "ba không", ông Lê Văn Ảnh, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Trường Long, thừa nhận, đúng là xã đã "về đích nông thôn mới" từ năm 2016. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn hàng chục nhà dân của ấp Trường Ninh và Trường Ninh A đang phải sống cảnh "ba không". Rất nhiều cuộc họp, người dân đều có ý kiến, kiến nghị lên chính quyền, lãnh đạo các cấp.

Ông Ảnh cho biết, lãnh đạo huyện đã hứa chậm nhất là tháng Mười Hai, 2017, sẽ có điện cho dân. Song, đến nay vẫn chưa thực hiện được do đang phải chờ nguồn vốn từ trung ương và chủ đầu tư là Sở Công Thương Cần Thơ.

"Điện là cái cần thiết nhất, phải ưu tiên trước. Sau khi có điện rồi sẽ tính tiếp đến nước, đến đường đi. Khi có điện rồi, trước hết, dân có thể dùng tạm giếng khoan, sau đó tính đến nước sạch và đường đi", ông nói.

Trả lời về việc tại sao dân đang sống cảnh "ba không" mà vẫn được chấm "về đích nông thôn mới" từ ba năm trước, ông Ảnh nói : "Cái đó thì vẫn bảo đảm. Bởi trên đã biết chuyện này từ lâu rồi, không ảnh hưởng gì lắm đến chỉ tiêu về đích".

Còn ông Hoàng Chí Thanh, chánh văn phòng ủy ban huyện Phong Điền, cho biết : "Do ở xã Trường Long chỉ còn ít nhà dân chưa có điện nên ngành điện lực họ đang tính toán đến hiệu quả kinh tế khi đầu tư, kéo đường điện. Còn về vấn đề xã hội thì huyện đang bàn, đang tính kế hoạch để thực hiện. Tuy nhiên, do khó khăn nên cũng chưa thể trong ‘một sớm, một chiều’ mà làm được. Huyện sẽ cố gắng để triển khai được trong năm 2018 này".

Ông Thanh cũng cho hay, huyện Phong Điền đã đạt "nông thôn mới" từ năm 2015. Với câu hỏi, tại sao nhiều nhà dân xã Trường Long sống cảnh "ba không" mà xã và huyện vẫn đạt "nông thôn mới" được thì ông Thanh từ chối trả lời… (Tr.N)

Published in Việt Nam