Người dân phát hiện một công ty Trung Quốc đổ thải ra sông (RFA, 13/02/2017)
Nguồn nước thải đem ngòm, đặc quánh váng dầu mỡ chảy ra mương, ảnh minh họa. Courtesy of dantri.com.vn
Truyền thông Việt Nam hôm nay loan tin người dân địa phương tại xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương tố cáo nhà máy Công ty dệt Trung Quốc đầu tư tại địa phương lâu nay lén lút xả nước thải độc hại ra môi trường.
Tin cho biết từ tháng 12 năm ngoái, dân chúng sống gần Khu Công Nghiệp Lai Vu phải hứng chịu mùi hắc, hôi thối. Họ tự tìm hiểu và sau một tháng phát hiện nguồn nước thải có màu đen và hôi thối từ đường ống của công ty Pacific Crystal trong khu công nghiệp Lai Vu thải ra và báo với cơ quan chức năng.
Kết quả cho thấy chất thải của nhà máy dệt này thải ra môi trường có 5 thông số vượt qui chuẩn kỹ thuật.
Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Lai Vu cho báo giới biết trong khu vực từng xảy ra tình trạng cá chết nhưng không thể tiến hành kiểm tra được vì cấp xã không có thẩm quyền ; trong khi công ty xả thải lại là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Thông tin cho biết thêm, chất thải nhà máy công ty Pacific Crystal đổ ra Sông Rạng, đây là nơi cung cấp nước cho nhà máy nước phục vụ hằng ngàn hộ dân tại 3 xã Cộng Hòa, Lai Vu, Ái Quốc thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
********************
Dầu vón cục dạt vào bờ biển Quảng Nam (RFA, 13/02/2017)
Dầu vón cục dạt vào gần 7km bờ biển ở huyện Núi Thành, Quảng Nam - Photo tuoitre.vn
Bảy kilomet bờ biển tỉnh Quảng Nam bị ô nhiễm bởi dầu vón cục và chai lọ có chữ Trung Quốc.
Truyền thông trong nước trích dẫn báo cáo của Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Quảng Nam thuộc trung trung bộ Việt Nam cho biết từ ngày 6 tháng 2 vừa qua, cơ quan này nhận được thông báo dầu hắc ín dạt vào đầy bãi tắm từ xã Tam Quang đến xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành thuộc tỉnh này.
Dân chúng địa phương thì nói tình trạng này xảy ra từ trước tết âm lịch tức trong tháng giêng.
Cơ quan này đã đến tìm hiểu và nhận thấy dầu vón cục có màu đen với kích cỡ từ 0,5 đến 1 centimet xuất hiện dọc đoạn chiều dài bờ biển chừng 7 cây số. Số dầu vón cục như thế còn bám trên rác gồm bao ny long, chai lọ, hộp đồ uống… với chữ cho thấy xuất xứ từ Hong Kong, Trung Quốc.
Hôm nay chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Núi Thành, ông Nguyễn Văn Mau cho biết Phòng Tài nguyên- Môi trường của huyện đang phối hợp cùng Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Quảng Nam khảo sát khu vực bờ biển có dầu vón cục và rác thải tấp vào để đưa ra biện pháp thu gom.
***********************
Chính quyền thông báo biển miền Trung an toàn (RFA, 13/02/2217)
Làng chài Đại Lãnh hôm 19/3/2016. AFP photo
Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam vừa ra công văn yêu cầu ủy ban nhân dân 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế thông báo với người dân là môi trường biển đã an toàn.
Truyền thông trong nước loan tin cho biết hôm nay văn phòng ủy ban nhân dân 4 tỉnh vừa nêu nêu rõ chỉ thị nội dung Công Văn số 380 do ông thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký. Ông này là người chủ trì cuộc họp báo sau khi xảy ra thảm họa môi trường biển ở khu vực biển miền Trung Việt Nam và đưa ra nguyên nhân cá và hải sản chết là bởi thủy triều đỏ.
Mặc dù có thông báo của cơ quan phụ trách môi trường từ trung ương đến địa phương khẳng định môi trường biển đã sạch ; tuy nhiên nhiều người dân địa phương vẫn lo ngại khi tiêu thụ hải sản. Giá cả mặt hàng này giảm sút đáng kể khiến đời sống ngư dân bị ảnh hưởng nặng nề.
*********************
Mức chi bảo vệ môi trường quá thấp so với mức thu (RFA, 13/02/2017)
Công nhân môi trường đô thị sử dụng hóa chất để làm sạch một hồ nước bị ô nhiễm ở Hà Nội hôm 19/5/2016. AFP photo
Khoản thu từ nguồn thuế bảo vệ môi trường tăng gấp 4 lần trong 5 năm qua ; thế nhưng mức chi cho việc bảo vệ môi trường tăng chưa đến 1,4 lần.
Đây là thông tin do Bộ Tài Chính Hà Nội loan đi trong báo cáo về tình hình thực hiện Luật Thuế Bảo vệ Môi trường trong năm năm qua ở Việt Nam.
Theo báo cáo thì vào năm 2012, số thu từ thuế bảo vệ môi trường là hơn 11 ngàn tỷ đồng ; đến năm ngoái tăng lên mức hơn 42 ngàn tỷ đồng ; tức tương đương tăng 4 lần trong vòng 5 năm.
Trong khi đó số chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường vào năm 2012 là 9 ngàn tỷ ; đến năm 2016 số này là hơn 12 ngàn tỷ.
Vừa qua Bộ Tài Chính còn đề nghị tăng thuế môi trường đánh vào các mặt hàng xăng tăng thêm từ 3 ngàn đến 8 ngàn đồng một lít. Đề nghị này bị chính các bộ khác gồm tư pháp, ngoại giao phản đối với lý do sẽ tác động mạnh đến doanh giới và nền kinh tế vào thời điểm được đánh giá là khó khăn hiện nay.
**********************
Giáo dân Song Ngọc tiếp tục kiện Formosa (RFA, 13/02/2017)
Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc. Photo courtesy of vnnew.net
Nạn nhân thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh gây nên và cũng là giáo dân xứ Song Ngọc, thuộc địa bàn 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào ngày mai sẽ tiếp tục đến cơ quan chức năng nộp đơn kiện thủ phạm xả hóa chất độc hại làm ô nhiễm biển khiến nguồn sống của ngư dân và nhiều thành phần khác bị tác động nghiêm trọng.
Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc cho biết như vừa nêu. Ông còn nói thêm bản thân ông sẽ đồng hành cùng hơn 600 hộ dân thuộc giáo xứ mà ông đang phụ trách đi nộp đơn kiện.
Vào tháng 10 năm ngoái, giáo dân xứ Song Ngọc đã có đơn gửi đến chính phủ, quốc hội, ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu về việc bồi thường thiệt hại cho những đối tượng chịu tác động ; thế nhưng cho đến nay các cấp từ trung ương đến địa phương đều chưa phản hồi đơn mà giáo dân kiện hồi tháng 10 năm ngoái.
Nhà máy thép của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại Vũng Áng thừa nhận xả hóa chất ra biển khiến cá, hải sản chết hằng loạt kể từ đầu tháng tư năm ngoái. Công ty này bồi thường 500 triệu đô la và giao cho nhà cầm quyền Việt Nam để chi trả cho nạn nhân và khắc phục môi trường.
Tuy nhiên theo quyết định của nhà cầm quyền Việt Nam thì chỉ có 7 đối tượng tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế được bồi thường ; tuy nhiên nhiều người ở Nghệ An giáp với Hà Tĩnh cho biết họ chịu tác động nặng nề và mất kế mưu sinh nên yêu cầu phải được bồi thường.
Chị Nguyễn Thị Thái Lai bị hành hung. Photo : facebook
Một người tham gia lên tiếng về thảm họa môi trường do Formosa gây nên tại khu vực miền trung Việt Nam lại bị hành hung.
Tối hôm qua 12/02, chị Nguyễn Thị Thái Lai bị 4 người đàn ông lao vào hành hung đến ngất đi khi chị đang đi ăn cùng một người bạn tại khu vực phường Vạn Thạnh (Nha Trang - Khánh Hòa). Vào chiều hôm nay 13 tháng 2 chị cho Đài Á Châu Tự Do biết :
Chị bây giờ vẫn còn đau, bị nó đá nó đấm từ trên mặt nó đá xuống người, cho nên bây giờ vẫn con đau và ê ẩm. Đây không phải là lần đầu tiên, năm ngoái chị cũng bị tụi nó đạp xe rồi. Bị triệu tập ra đồn chỉ có vấn đề là vì chị phản đối Trung Quốc và phản đối Formosa, chị xuống đường và viết bài. Bất kỳ ai ở xa tới mà chị đi gặp thì người ta sẽ đi theo và gây khó dễ. Bây giờ mình chỉ có tố cáo cái tội ác của họ cho công chúng thôi, còn họ bao che cho nhau, chị gọi điện trực tiếp cho công an tỉnh thì họ nó họ không biết và không làm việc này.
Sau khi sự việc xảy ra, chị có đến trụ sở công an phường Vạn Thạnh để trình báo thì nhìn thấy những người đánh đập chị đang đi lại trong ở và nói chuyện trao đổi gì đó với những người mặc trang phục công an. Chị Thái Lai cũng cho đài RFA biết đây là lần thứ 4 chị bị côn đồ hành hung.
Chị Nguyễn Thị Thái Lai là một trong những người tại Nha Trang đã cùng blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lên tiếng phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc và yêu cầu đóng cửa Formosa, nhà máy xả hóa chất độc hại xuống biển khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh Bắc Trung bộ, làm người dân địa phương mất sinh kế.
*********************
Cá lại chết tại Hà Tĩnh, người dân biểu tình phản đối Fomosa (RFA, 13/02/2017)
Cá lại chết hàng loạt trên một con sông là sông Quyền ở tĩnh Hà Tĩnh, miền Bắc Trung Bộ Việt Nam. Courtesy of antoangiaothong.gov.vn
Theo những thông tin được truyền đi trên mạng xã hội mà chúng tôi chưa có điều kiện kiểm chứng thì vào chiều 12/2 có khoảng 30 ngư dân mang cá chết đi biểu tình trước ủy ban phường Kỳ Thịnh, thị xã kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Những ngư dân này cho rằng chính công ty gang thép Formosa đóng tại Vũng Áng, Hà Tĩnh đã xả chất độc làm cá bị chết trên sông Quyền.
Nhưng theo trang báo điện tử của tỉnh Hà Tĩnh thì các viên chức địa phương nói rằng nguyên nhân làm cá chết trên sông Quyền có thể là do người dân tháo nước từ trong ruộng lúa ra sông. Trang báo mạng này cũng nói là sông Quyền không chảy ngang qua khu vực nhà máy thép Formosa, và tất cả hệ thống xả nước thải của Formosa không chảy ra sông Quyền.
Xin nhắc lại là nhà máy thép Formosa do người Đài Loan làm chủ đóng tại Vũng Áng, thị xã Hà Tĩnh đã xả nước thải ra biển hồi tháng tư năm ngoái làm cá biển chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung : Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Formosa đã thừa nhận mình là thủ phạm và đồng ý đền bù một món tiền là 500 triệu đô la Mỹ. Đây được xem là một thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử phát triển kinh tế tại Việt Nam.
***********************
Người dân xã Nhân Thọ xuống đường biểu tình (RFA, 11/02/2017)
Người dân xã Nhân Thọ xuống đường biểu tình đòi bồi thường thiệt hại trong vụ Formosa xả thải
Vào khoảng 9 giờ sáng hôm nay 11 tháng 2 năm 2017 bà con giáo dân giáo xứ Nhân Thọ thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình đã kéo nhau xuống quốc lộ biểu tình nhằm tỏ thái độ trước việc nhà nước không chi trả tiền bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra.
Chính quyền và công an tại địa phương đã có mặt nhằm giải tỏa những yêu cầu của giáo dân nhưng phía người biểu tình không nhượng bộ và giáo dân vẫn tiếp tục đội mưa bày tỏ quyết tâm của họ.
Đã có hàng chục vụ biểu tình diễn ra trong hai tháng qua khi chính quyền chi trả tiền của Formosa nộp cho chính phủ để bồi thường thiệt hại cho nạn nhân 4 tỉnh miền Trung một cách tùy tiện và rất nhiều hộ tuy thiệt hại trong công việc lẫn sức khỏe nhưng không được chính quyền bồi thường thỏa đáng như lời hứa.