Virus corona : Việt Nam xác định giai đoạn cao điểm chống dịch cho đến ngày 15/04 (RFI, 27/03/2020)
Việt Nam thắt chặt công tác kiểm soát dịch Covid-19 trong bối cảnh có 153 ca dương tính với virus corona tính đến ngày 27/03/2020 và 1.729 ca nghi nhiễm. Hai biện pháp quan trọng được chính phủ đưa ra là dừng mọi cuộc tụ tập trên 20 người và hạn chế việc di chuyển của người dân.
Một góc phố Hà Nội trong giao đoạn cao điểm dịch virus corona, ngày 26/03/2020. Reuters- KHAM
Theo trang Thông tin Chính phủ, từ ngày 28/03 đến hết 15/04, tạm ngừng mọi hoạt động hội họp, các sự kiện (tôn giáo, văn hóa, thể thao, giải trí) tập trung trên 20 người, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Lãnh đạo các chính quyền địa phương sẽ bị kỷ luật nếu để xảy ra các vi phạm.
Ngoài ra, mọi hoạt động kinh doanh, trừ dịch vụ thiết yếu, cũng bị ngừng họt động. Người dân sẽ bị hạn chế đi lại với việc giảm các chuyến bay nội địa, cắt giảm giao thông công cộng. Thành phố Hà Nội quyết định giảm 80% lượt xe buýt, bắt đầu từ ngày 27/03 đến hết ngày 05/04. Trước đó, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng để phòng chống dịch Covid-19.
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, kể từ ngày 27/03, người dân ra đường phải đeo khẩu trang. Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh : "Việc này không còn bắt buộc nữa mà phải cưỡng chế". Người vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm.
Thu Hằng
*******************
Việt Nam ‘quyết tâm không có đến 1.000 ca nhiễm Covid-19’ (VOA, 27/03/2020)
Việt Nam đang nhắm mục tiêu giữ cho số lượng ca nhiễm virus corona dưới 1.000 trong khi số ca dương tính với Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này đã vượt qua con số 150 hôm 27/3.
Một cảnh sát đeo khẩu trang chống khuẩn đứng gác bên ngoài khu cách ly người nhiễm virus corona ở Hà Nội hôm 13/3. Chính phủ Việt Nam quyết tâm giữ cho số ca nhiễm Covid-19 dưới mức 1.000.
"Chúng ta đã và đang kiểm soát tốt các điểm được tạm gọi là ổ dịch, thậm chí tiếp cận những điểm bị coi là ổ dịch tiềm năng để khoanh vùng, dập dịch ngay… và phải quyết tâm để không có đến 1.000 ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được truyền thông trong nước trích lời cho biết trong một cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) hôm 27/3 tại Hà Nội.
Phó thủ tướng cho biết theo thống kê trên thế giới, thời gian trung bình để số ca nhiễm Covid-19 từ 100 lên 1.000 là 9 ngày (riêng Nhật Bản là 28 ngày), theo VietnamNet và Zing. Chiếu theo quy luật đó đó, đến hết ngày 31/3, Việt Nam sẽ có khả năng đạt 1.000 ca nhiễm.
Nhưng ông Đam khẳng định "Việt Nam sẽ không đạt 1.000 ca nhiễm như trên ghế giới, bởi Việt Nam đã có nhiều giải pháp và đến nay, các giải pháp đó là rất hiệu quả".
Việt Nam sẽ hạn chế số lượng các chuyến bay nội địa và ngừng các sự kiện tụ tập công chúng trong hai tuần kể từ ngày 29/3 để nhằm hạn chế sự lây lan của virus.
Đầu tuần này, Việt Nam cũng đã quyết định cấm các du khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, tạm ngừng các chuyến bay quốc tế và đưa đi cách ly hàng chục nghìn người.
Tính đến ngày 26/3, đã có 44.955 người bị cách ly, với gần một nửa trong số đó đang được cách ly tại các doanh trại quân đội giữa lúc làn sóng người Việt ở nước ngoài trở về quê hương để trốn dịch virus corona đang bùng phát ở Châu Âu và Mỹ, theo Reuters.
Theo VietnamNet, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sẽ quản lý chặt chẽ tuyến biên giới phía nam vì dự kiến trong thời gian tới công dân Việt Nam từ Lào và Campuchia về sẽ tiếp tục tăng. Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cách ly họ khi trở về Việt Nam.
********************
Bệnh viện Bạch Mai thành ‘ổ dịch Covid-19,’ với 5.000 người phải xét nghiệm Người Việt, 26/03/2020)
Bệnh viện Bạch Mai hiện đang cách ly 495 người, chuẩn bị xét nghiệm sàng lọc virus Covid-19 cho gần 4.000 y bác sĩ và gần 1.000 bệnh nhân, theo báo Dân Trí hôm 26/3.
Chốt kiểm tra thân nhiệt tại bệnh viện Bạch Mai. (Hình : Việt Dũng/Tuổi Trẻ)
Tờ Tuổi Trẻ cùng ngày cho hay Bộ Y tế vừa gấp rút thành lập tổ công tác tại "ổ dịch Covid-19 đáng lo ngại ở bệnh viện Bạch Mai".
Bệnh viện Bạch Mai là một trong các cơ sở y tế tuyến đầu của Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo các báo nhà nước, hiện đã ghi nhận ba bệnh nhân nhiễm virus Covid-19 liên quan đến bệnh viện Bạch Mai, trong số đó người thứ 86 và 87 là hai nữ điều dưỡng. Trường hợp thứ ba là bệnh nhân 133, nhập viện tại khoa Thần Kinh từ ngày 29/2, sau đó chuyển tuyến điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu và xác định nhiễm Covid-19 vào ngày 23/3. Liên quan ba ca bệnh này, đang có hơn 400 người là nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải cách ly.
Để ứng phó trước "ổ dịch Bạch Mai", nhà chức trách thiết lập danh sách những người từng đến khám bệnh tại bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3 đến nay. Trong số này chỉ tính riêng ở Hải Phòng đã có 380 người.
Bên cạnh đó, bệnh viện Bạch Mai phải dừng nhiều hoạt động, đóng cửa nhà tang lễ, giảm tối đa lượng người có mặt trong khuôn viên.
Theo truyền thông nhà nước, trước khi có dịch, có khoảng 30.000 người là bệnh nhân nội ngoại trú, người nhà, học sinh, nhân viên y tế, người thăm bệnh… lui tới bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày.
Tình hình ở bệnh viện Bạch Mai khiến ngay cả những người trong giới y tế cũng phải lo ngại.
Trung tâm Bệnh Nhiệt Đới của bệnh viện Bạch Mai. (Hình : Việt Dũng/Tuổi Trẻ)
Bác sĩ Võ Xuân Sơn, Phòng Khám quốc tế EXSON bình luận trên trang cá nhân : "Đây cũng là một yếu kém của y tế Việt Nam. Một bệnh viện mà khám ngoại trú 5.000, thậm chí 6.000 bệnh nhân một ngày. Chẳng có nơi nào trên thế giới này như vậy cả. Người ta chỉ đi khám ban đầu ở bác sĩ gia đình, và khi nào cần thì mới vô bệnh viện. Nhưng ở đây, bệnh viện tuyến cuối lại làm luôn công việc của bác sĩ gia đình, nên bệnh nhân tập trung đông như vậy".
Đề cập vụ bệnh viện tư nhân Hồng Ngọc ở Hà Nội vừa bị đóng cửa một thời gian vì cô Nguyễn Hồng Nhung đến khám bệnh trước khi bị công bố là người thứ 17 nhiễm Covid-19, Bác sĩ Sơn cảnh báo hệ lụy từ chuyện nhà chức trách cấp phép cho loại hình phòng khám, bệnh viện tư nhân được đặt tại các khu chúng cư, tòa cao ốc văn phòng. Ông lập luận rằng "bất cứ cơ sở y tế nào, dù nhỏ, dù lớn, dù khám bệnh lây nhiễm hay không, cũng là ổ lây nhiễm tiềm năng, không thể để nó chung với nơi ở của các gia đình được".
Trong một diễn biến khác, tờ Tuổi Trẻ cho biết 53 cán bộ, thành viên ban giám đốc cùng nhiều lãnh đạo khoa phòng của bệnh viện huyện Bình Chánh ở Sài Gòn vừa bị cách ly do những người này tiếp xúc với người nhà của một ca dương tính với Covid-19 trong một đám tang. Người này được ghi nhận là du học sinh ở Mỹ nhập cảnh về Việt Nam ngày 10/3 và cháu ruột một bác sĩ phó khoa khám bệnh của bệnh viện huyện Bình Chánh. (N.H.K)
******************
Chờ đợi ngày 26 tháng Ba (VNTB, 26/03/2020)
Về tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong khu vực, Ban Chỉ đạo nhận định : nhìn chung trong giai đoạn 1, các quốc gia phòng, chống dịch bệnh tốt đều cố gắng kéo dài nhất thời gian dịch bệnh lây lan dưới mốc 100 ca nhiễm bệnh. Tương tự, khi dịch bệnh bước sang giai đoạn 2 phải cố gắng kéo dài nhất thời gian tiệm cận mốc 1.000 ca.
Cũng trong cuộc họp trực tuyến nói trên, Bộ Y tế thông báo đã hoàn thiện phác đồ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, dự kiến sẽ ban hành trong ngày 26/3 tới, sau đó sẽ tập huấn phổ biến cho các tuyến.
Rất đáng lo ngại với thông tin từ Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, "nếu tính theo tỉ lệ lây nhiễm trung bình trên thế giới thì trên địa bàn Hà Nội đang có hơn 20 người dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 hiện đang ‘lang thang’ trên địa bàn thành phố". Điều đó có nghĩa là phép tính cấp số nhân sẽ được áp dụng ở đây cho ẩn số 20 người ‘lang thang’ chưa tìm ra được đó của chính quyền địa phương. (2)
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định sắp tới số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng chắc chắc sẽ tăng. Đây cũng là dấu hiệu rất nguy hiểm trong thời gian tới.
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam, cập nhật lúc 19 giờ 30 tối 25/3, Việt Nam đã ghi nhận 141 ca mắc Covid-19. Đã có 17 trường hợp khỏi bệnh ; trong đó có 16 ca là khi dịch ở giai đoạn 1. Đến thời điểm này đã có 26 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 ; có 7 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 2 với Covid-19.
Nguyễn Nam
Chú thích :
*******************
Covid-19 : Việt Nam tuyên bố cần sẵn sàng cho kịch bản dịch bệnh bùng phát như ở Mỹ (RFI, 26/03/2020)
Theo báo chí trong nước, tính đến chiều nay, 26/03/2020, Việt Nam có tổng cộng 153 người nhiễm virus corona, thêm 12 người trong vòng 24 giờ qua. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẵn sàng đối phó với kịch bản dịch bệnh bùng phát như tại Mỹ trong hai tuần tới. Một loạt biện pháp mạnh hơn đã được ban bố nhằm ngăn chặn dịch bùng phát.
Chiến dịch chống Covid-19 : Phun thuốc khử khuẩn tại nhà một người vừa trở về từ Châu Âu, Hà Nội, ngày 22/03/2020. Reuters- JAMES PEARSON
Kể từ 0 giờ ngày 28/03, chính quyền Việt Nam yêu cầu ngừng toàn bộ các cuộc hội họp, tập hợp trên 20 người. Toàn bộ các hoạt động kinh doanh "không thiết yếu", như "mát-xa, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống…" được yêu cầu đóng cửa.
Chính phủ Việt Nam đặc biệt lo ngại dịch bệnh nghiêm trọng hơn tại các thành phố lớn, như Hà Nội, Sài Gòn, cũng như Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng. Tại các thành phố này, thủ tướng Việt Nam yêu cầu đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ, chỉ trừ các cơ sở cung cấp thực phẩm, dược phẩm và khám chữa bệnh.
Tại Việt Nam, số lượng ca nhiễm, theo thống kế chính thức, dù có gia tăng nhưng không đáng kể so với tình hình dịch bệnh bùng phát tại nhiều quốc gia láng giềng và một số tâm dịch trên thế giới. Chính phủ Việt Nam thừa nhận khả năng đã có rất nhiều người nhiễm virus nhưng không được hệ thống y tế phát hiện. Trong cuộc họp chính phủ hôm nay về chủ đề phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Xuân Phúc so sánh tình hình nước Mỹ đầu/3 với Việt Nam : Tại hai quốc gia, vào thời điểm đó, theo số liệu chính thức chỉ có khoảng trên dưới 100 người nhiễm virus, nhưng hiện tại Hoa Kỳ đã trở thành một tâm dịch của thế giới.
Từ ít ngày trở lại đây, chính phủ Việt Nam yêu cầu tăng cường xét nghiệm virus corona mới. Nhiều chuyên gia phê phán tình trạng xét nghiệm không đủ mức của chính phủ, khiến cho giới y tế thiếu phương tiện để đánh giá thực trạng dịch bệnh, cũng như có các phương sách đối phó kịp thời. Trong những ngày tới, chính quyền yêu cầu "các tỉnh, thành phố cần tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ xét nghiệm, tiến hành xét nghiệm trên diện rộng".
Số tử vong ở Indonesia cao nhất Đông Nam Á
Theo hãng tin Reuters, hôm nay, 26/03/2020, bộ trưởng Y tế Indonesia xác nhận có thêm 103 ca lây nhiễm virus corona, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 893. Tổng số ca tử vong ở Indonesia nay đã lên tới 78, sau khi có thêm 20 người chết vì dịch Covid-19. Như vậy, Indonesia hiện có số tử vong cao nhất Đông Nam Á.
Malaysia hôm nay cũng thông báo có thêm 235 ca lây nhiễm, nâng tổng số ca bệnh Covid-19 ở nước này lên 2.031. Hiện giờ, theo bộ Y tế Malaysia, nước này đã có 23 ca tử vong.
Trong khi đó tại Philippines, theo thông báo của một hiệp hội y tế hôm nay, đã có 9 bác sĩ chết do virus corona, khiến giới y tế lo ngại là tổng số tử vong trên thực tế cao hơn con số thông báo chính thức. Các bệnh viện của nước này đang bị quá tải, các nhân viên y tế thiếu nhiều trang thiết bị bảo hộ. Philippines có gần 2.000 người nhiễm virus corona.
Còn tại Thái Lan, nơi đã có hơn 1.000 ca lây nhiễm, tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực, chính quyền đã dựng các chốt kiểm soát trên những trục lộ chính giữa các tỉnh.
Trọng Thành, Thanh Phương
*****************
Việt Nam cách ly hàng chục nghìn người trong các doanh trại quân đội (VOA, 26/03/2020)
Việt Nam đã đưa hàng chục nghìn người vào các trại cách ly giữa lúc làn sóng người Việt ở nước ngoài trở về quê hương để trốn dịch virus corona đang bùng phát ở Châu Âu và Mỹ.
Một người lính Việt Nam đứng gác bên ngoài khu cách ly của một doanh trại quân đội ở tỉnh Lạng Sơn. Hàng chục nghìn người đang bị cách ly trong lúc làn sóng người Việt trở về từ nước ngoài giữa dịch bệnh Covid-19.
Tính đến ngày 26/3, đã có 44.955 người bị cách ly, với gần một nửa trong số đó đang được cách ly tại các doanh trại quân đội. Dữ liệu chính thức cho thấy con số này giảm khoảng 15% so với con số được đưa ra hôm 22/3, vì nhiều trong số những người đầu tiên trở về Việt Nam vào đầu/3 đã được ra khỏi trại.
Theo một quan chức y tế tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội cho Reuters biết, tất cả các hành khách đều qua thủ tục kiểm tra nhanh.
"Những người có triệu chứng được đưa đến bệnh viện và những người còn lại được đưa đến các trại cách ly, nơi họ sẽ ở chung phòng với 10 đến 20 người khác trên cùng chuyến bay", theo quan chức mà Reuters không nêu tên vì không được phép nói chuyện với truyền thông.
Bộ Y tế cho biết, Việt Nam chỉ ghi nhận 148 trường hợp nhiễm bệnh và không có trường hợp tử vong nào. Tỷ lệ lây nhiễm đã được chứng minh của Việt Nam thấp hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực trừ Myanmar và Lào, nơi bị hạn chế về xét nghiệm.
Số liệu chính thức cho thấy Việt Nam đã xét nhiệm hơn 30.000 người.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là giai đoạn quyết định trong cuộc chiến chống virus Covid-19, một nỗ lực mà trong các tuyên bố của Chính phủ được mô tả là "cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 2020".
Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận có bài bản trong chiến lược ứng phó sớm, dựa trên kinh nghiệm của quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc bị dịch SARS năm 2003, theo ông Todd Pollack, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Harvard cho biết.
"Cách ly những cá nhân có tiếp xúc với một trường hợp bị nhiễm hoặc đến từ một vùng có nguy cơ cao chắc chắn là một chiến lược quan trọng ; đặc biệt là khi những người nhiễm bệnh dường như có thể lây nhiễm ngay khi bắt đầu có triệu chứng", theo ông Pollack, người đang làm việc cho Tổ chức Hợp tác vì sự phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN), một liên kết của Đại học Y Harvard tại Hà Nội.
Theo Reuters
****************
Nhật ‘hỗ trợ khẩn’, giúp Việt Nam phòng chống virus Corona (VOA, 26/03/2020)
Nhật Bản mới trao tặng lô hàng với tổng trị giá khoảng 20 triệu yên (gần 180 nghìn đôla) để giúp thực hiện các xét nghiệm phát hiện nhanh chủng virus Corona mới (Covid-19) ở Việt Nam, vốn cũng đã nằm trong các nước nhận 37 triệu đôla của Mỹ.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho VOA Việt Ngữ biết rằng nhiều loại sinh phẩm đã được phía Nhật chuyển cho phía Việt Nam, sau khi nhận được "đề nghị hỗ trợ khẩn cấp từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương".
Cơ sở y tế này, nơi có lắp đặt phòng xét nghiệm an toàn sinh học nhờ nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Nhật, đã được Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 tại khu vực miền Bắc.
JICA cho hay rằng phía Việt Nam đã đánh giá cao "hành động tức thời" của Nhật Bản nhằm giúp ngăn chặn Covid-19.
Tin cho hay, trước khi chủng virus Corona mới bùng phát, hai chuyên gia Nhật Bản đã được cử tới làm việc dài hạn tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để nâng cao năng lực xét nghiệm không chỉ ở Viện này mà còn cả Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và các trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh.
JICA nói rằng "bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của người dân Việt Nam là điều quan trọng đối với Nhật Bản, vì sự tương tác giữa người dân hai nước đang ngày càng trở nên thường xuyên và tích cực hơn".
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cũng bày tỏ hy vọng với VOA Việt Ngữ rằng thông qua viện trợ khẩn cấp lần này, JICA "hy vọng rằng sự hợp tác và mối quan hệ giữa hai nước sẽ được thúc đẩy vượt ra khỏi lĩnh vực y tế".
Cùng với Nhật, mới đây, chính phủ Mỹ thông báo cung cấp hỗ trợ khẩn cấp trị giá 37 triệu đôla để giúp Việt Nam và hơn 20 nước đối phó với sự lây lan của Covid-19.
Đây là một phần của khoản ngân quỹ lên tới 100 triệu đôla mà Mỹ cam kết trong tháng Hai nhằm khống chế và ngăn chặn sự lây lan của virus Corona tại 25 nước Hoa Kỳ nói là "ưu tiên" trên thế giới.
Trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, kêu gọi "người có tiền góp tiền, người có vật góp vật, người có sức góp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ‘thương người như thể thương thân’, ‘lá lành đùm lá rách’ của cả dân tộc".
Tính tới ngày 26/3, Bộ Y tế Việt Nam đã ghi nhận ít nhất 148 ca nhiễm virus đang gây quan ngại trên toàn thế giới. Theo chính quyền trong nước, chưa có ai tử vong ở Việt Nam.
Trong khi đó tại Nhật Bản, con số người nhiễm và thiệt mạng cao hơn hẳn Việt Nam. Bộ Y tế xứ sở mặt trời mọc cho biết đã ghi nhận ít nhất 1.200 ca nhiễm Covid-19 và 43 ca tử vong.
Đại sứ Việt Nam tại Tokyo Vũ Hồng Nam mới đây đã kêu gọi người Việt ở Nhật Bản "bình tĩnh và có các ứng xử tích cực trước dịch bệnh", đồng thời cho biết rằng chính phủ Việt Nam "rất quan tâm tới sức khỏe cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới, trong đó có người Việt Nam tại Nhật Bản".
Theo JICA, sau khi Việt Nam phải đối phó với rất nhiều bệnh truyền nhiễm mà cơ quan này nói là nguy hiểm như đại dịch SARS năm 2003 và cúm gia cầm H5N1 năm 2004, từ năm 2006, chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ các dự án viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để "thiết lập phòng an toàn sinh học cấp 3, dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống phòng xét nghiệm y tế về an toàn sinh học và xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm".
**********************
Việt Nam lên tiếng về vụ 3 thủy thủ Mỹ nhiễm Covid-19 sau chuyến thăm Đà Nẵng (VOA, 26/03/2020)
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc 3 thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vừa được xác nhận dương tính với virus corona sau chuyến thăm Đà Nẵng hai tuần trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói "đang tìm hiểu thông tin này" và khẳng định chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ "kết thúc tốt đẹp".
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày đến Việt Nam vào đầu/3/2020. Photo : US Embassy Hanoi.
Trước đó, hôm 24/3, quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc đã xác nhận với các phóng viên về trường hợp 3 thủy thủ trên tàu sân bay Theodore Roosevelt xét nghiệm dương tính với virus corona.
Trả lời trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 26/3, người phát ngôn của Việt Nam nói : "Theo tôi được biết, phía Mỹ cũng đã có phát biểu về vấn đề này. Chuyến thăm của đội tàu USS Theodore Roosevelt đến Đà nẵng từ ngày 5 - 9/3 kết thúc tốt đẹp. Các thủy thủ thực hiện các hoạt động giao lưu theo kế hoạch", VTC dẫn lời bà Hằng nói.
Đô đốc Michael Gilday, chỉ huy các hoạt động hải quân Mỹ, cho báo chí biết hiện 3 thủy thủ này đã được đưa đến một bệnh viện quân sự trong khu vực Thái Bình Dương và ông không biết có bao nhiêu người trên tàu đã tiếp xúc với các thủy thủ trên và đang bị cô lập.
Có khoảng 5.000 người trên tàu USS Theodore Roosevelt, theo Đô đốc Gilday.
Hai tuần trước đó, hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đã có mặt tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, trong một chuyến thăm đánh dấu bước tiếp theo trong mối quan hệ Việt – Mỹ.
USS Theodore Roosevelt là tàu sân bay thứ hai của Mỹ thực hiện chuyến thăm Việt Nam kể từ sau năm 1975.
Bất chấp những nghi ngờ về mối liên hệ giữa sự kiện các thủy thủ nhiễm virus và chuyến thăm Việt Nam, Đô đốc Hoa Kỳ nói rằng có rất nhiều máy bay bay đến và bay đi từ tàu Roosevelt, nên việc xác định nhiễm virus từ đâu là "rất khó khăn".
Vào thời điểm diễn ra chuyến thăm của tàu Roosevelt vào đầu/3, Việt Nam chỉ có 16 ca nhiễm virus ở miền Bắc, nơi cách xa cảng Đà Nẵng hàng trăm cây số, truyền thông quốc tế dẫn lời ông Gilday nói, và quyết định cho phép thực hiện chuyến thăm được đưa ra bởi Đô đốc Phil Richardson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.
Tại cuộc họp báo ngày 26/3, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam "rất quan tâm" và "đang tìm hiểu thông tin" liên quan đến vụ việc này.
Tính đến ngày 25/3, hải quân Mỹ đã có 86 ca dương tính với virus corona, trong đó có 57 quân nhân, 13 lao động dân sự, 11 người thân và 5 nhân viên hợp đồng.