Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam mới đây cho rằng, cán bộ tham nhũng bị xử lý cũng 'tâm phục, khẩu phục'. Ông Trọng phát biểu như vừa nêu tại buổi thông tin phiên họp 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... vào ngày 12/1/2023 vừa qua.

tamphuc1

Ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm 12/1/2023. Courtesy chinhphu.vn

Ông Trọng còn yêu cầu : "Cần có sự phối hợp rất nhịp nhàng ‘trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt’, phải giáo dục, phải có cách làm đặc biệt, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp càng cao, càng phải gương mẫu giữ mình trong sạch".

Yêu cầu của ông Trọng có đúng với thực tế ? Từ Nha Trang hôm 20/1/2023, Nhà báo Võ Văn Tạo, nhận xét :

"Chuyện tâm phục khẩu phục đấy là ông Trọng nói, còn thực chất thì chưa chắc những người bị xử lý đã tâm phục khẩu phục. Bởi vì theo thông tin rò rỉ cũng từ cán bộ cao cấp, qua vợ con bạn bè của họ thì không đơn giản như thế. Tức là khi cơ quan phòng chống tham nhũng do ông Trọng đứng đầu đưa ra hình thức thế này thế khác đối với 2 Phó Thủ tướng, chưa nói đến ông Phúc, mà chỉ với ông Đam và ông Minh thì tôi biết ông Vũ Đức Đam không phản ứng gì, nhưng ông Phạm Bình Minh không đơn giản như thế, ông không tâm phục khẩu phục. Quan sát dư luận người dân cũng như cán bộ đảng viên thì họ rất là ngạc nhiên, sao lại có chuyện hai ông đang làm bình thường ngon lành mà đùng một cái cho nghỉ, mà không nói rõ lý do. có chỗ nói bóng gió phải chịu trách nhiệm sai phạm yếu kém trong được dịch Covid-19 thông qua những chuyến bay giải cứu, rồi vắc-xin...".

Vì chỉ nói chung chung mà không nói một cách cụ thể ông Đam và ông Minh vi phạm khuyết điểm gì ? Đối chiếu quy định của đảng của pháp luật là như thế nào ? Nên Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết quyết định đó được nhiều người đánh giá là không thật công bằng và có phần vội vàng. Bởi vì không giải thích rõ nên theo ông Tạo, người dân thắc mắc là đương nhiên. Ông Tạo nói tiếp :

"Tình hình như thế thì làm sao có thể bảo đảm rằng họ tâm phục khẩu phục, tại vì đấy là những cán bộ của nhà nước, của Đảng cộng sản Việt Nam, mà chúng ta đều biết thể chế này sát máu, kỷ luật rất sát máu, ai mà có ý kiến ngược xuôi là lôi thôi lắm... Nên tôi biết có những người không tâm phục khẩu phục, nhưng họ phải đành chịu ngậm miệng thôi. Vì nói ra thì tai hại cho họ, họ có bài học từ những vụ khác nữa... Đối với người dân cũng thế, nhiều việc làm, chủ trương không đúng, nhưng người dân phải cam chịu. Tôi không nghĩ rằng tất cả mọi người đều tâm phục khẩu phục, mọi người đây là tôi nói những người bị xử lý, chưa nói đến dư luận nhân dân, và cán bộ đảng viên".

Trước đó, tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm 20/1/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã hô hào, rằng cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế để ‘không thể tham nhũng’.

Ông Trọng cho rằng phải hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng ; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập ; khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý đất đai, tài sản công... sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai...

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam trả lời RFA khi đó cho rằng để ngăn chặn nạn tham nhũng, Đảng và Chính phủ Hà Nội đưa ra rất nhiều biện pháp, nhưng ở Việt Nam biện pháp và pháp luật vẫn chưa được thực thi triệt để :

"So với Bộ Luật Hình sự của nhiều nước trên thế giới thì Bộ Luật Hình sự Việt Nam có mức phạt cao hơn nhiều, nhất là nhóm tội tham nhũng thì phạt rất nặng. Nhưng vấn đề là có chứng minh được tham nhũng không, thường tội gây thất thoát tài sản người ta nói do thiếu trách nhiệm, do cơ chế, thể chế, có chiếm đoạt hay không chiếm đoạt. Có chiếm đoạt thì mới dẫn đến những tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ thì lúc đó hình phạt mới nặng, có thể lên đến mức tử hình".

Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, việc phá được một vụ án tham nhũng không phải là chuyện đơn giản. Những vụ tham nhũng lớn dây chuyền, ‘dây mơ rễ má’ ăn chia với nhau nên việc bóc gỡ để xử lý phải có nhiều thời gian, công phu. Vì vậy ông Thuận cho rằng cần phải có cơ chế, thể chế thích hợp để người dân tham gia thì may ra mới làm tốt được.

Chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2013. Đến cuối tháng 6 năm 2022, Việt Nam đã tổng kết chiến dịch chống tham nhũng trong 10 năm qua. Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, hơn 2.700 tổ chức đảng và 168.000 đảng viên đã bị kỷ luật trong thập kỷ qua, trong đó có 7.390 đảng viên bị cáo buộc tham nhũng. Trong số này có 137 cán bộ cấp cao và 33 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trở lại với phát biểu của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nammới đây cho rằng, cán bộ tham nhũng bị xử lý cũng 'tâm phục, khẩu phục'. Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 20/1/2023 nhận định :

"Muốn tham nhũng cần có quyền lực, và những người tham nhũng vì vậy là các quan chức. Trong một thể chế độc đảng như Việt Nam, các quan chức cũng đồng thời là các đảng viên Đảng cộng sản. Việc chống tham nhũng ở Việt Nam trong tình hình hiện nay chủ yếu đến từ quyết định của giới lãnh đạo Đảng cộng sản, trong khi không có một sự độc lập nào từ nhánh tư pháp. Do đó, việc chống tham nhũng chỉ là một hình thức khác của việc xử lý nội bộ giữa các đảng viên với nhau. Sau khi mà mọi sự đã được dàn xếp xong xuôi thì phiên toà nếu cần chỉ là một hình thức để hợp thức hoá các thoả thuận xử lý. Vì vậy mà mới có chuyện "tâm phục, khẩu phục" như ông tổng bí thư nói, nghĩa là sự dàn xếp việc trừng phạt đó nó phải hợp lý giữa các đảng viên với nhau".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, sự việc này nói lên một điều, đó là trong xã hội tồn tại hai giai cấp. Giai cấp "đảng viên" sẽ được xử lý sao cho tình đồng chí giữa các đảng viên nó phải hợp tình, "tâm phục, khẩu phục". Còn giai cấp cần lao, một khi bị xử lý bởi người của giai cấp đảng viên thì cứ chiếu theo luật mà thi hành.

Reuters hôm 28/11/2022 đăng bài phân tích của tác giả Francesco Guarascio cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng cộng sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu.

Cuộc chiến chống tham nhũng theo kiểu Trung Quốc được phát động ở Việt Nam từ năm 2013 đến nay theo ông Francesco Guarascio, đã khiến nhiều quan chức cấp cao vào tù hoặc đang bị điều tra. Điều này khiến các quan chức Chính phủ khác lo ngại và không dám bật đèn xanh cho việc mua bán hàng hóa hay các khoản đầu tư vì sợ bị điều tra tham nhũng.

Bài báo cũng cho rằng một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên và rõ nét nhất là lĩnh vực dược phẩm với khoảng 65% các bệnh viện lớn đang lâm vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vì lãnh đạo không dám phê duyệt hợp đồng.

Nguồn : RFA, 20/01/2023

Published in Việt Nam