Xử lý quan chức kiểu "dê tế thần" liệu có đủ ? (RFA, 07/04/2017)
Cựu chủ tịch và bí thư tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự, nhân vật được cho là đã có nhiều sai phạm liên quan đến thảm họa môi trường Formosa, bị Đảng ủy khối cơ quan trung ương bỏ phiếu đề nghị cách chức ngày 4 tháng 4 vừa qua.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) trao đổi với ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội khóa XI Hà Nội ngày 20 tháng 5 năm 2014. AFP photo
Vì sao đến một năm sau mới có quyết định ? Điều này có làm nhẹ đi những bức xúc của người dân cả nước hay không ?
Không chỉ một người
Cuối cùng, ông Võ Kim Cự, hiện là Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cựu chủ tịch và bí thư tỉnh Hà Tĩnh, bị Đảng ủy khối cơ quan trung ương bỏ phiếu đề nghị kỷ luật cách chức ngày 4 tháng 4, 2017. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng có phiếu đồng thuận với đề nghị trên. Lý do vì những sai phạm của ông này trong vụ việc nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng hình phạt cách chức ông Võ Kim Cự được đề nghị sau một năm thảm hoạ Formosa là mang tính chất rất bình thường, vì liên quan đến nhiều người.
"Cái này tôi thấy nó cũng bình thường, vì chuyện này là chuyện cũ, mà chuyện cũ cũng nhiều người chịu trách nhiệm chứ không phải một người. Cho nên bóc tách đường dây khuyết điểm để xử lý kỷ luật là chuyện phải có thời gian. Nói lâu thì cũng có cái lý".
Nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh, một trong những người lên tiếng mạnh mẽ kêu gọi nhà máy gang thép Formosa phải rời khỏi Việt Nam kiên quyết cho rằng ai có lỗi trong việc đưa Formosa vào và để Formosa xả thải chất độc làm chết biển miền Trung thì những người đó cần phải được xử lý.
Và ông khẳng định thêm, một cá nhân thì chưa đủ.
"Không chỉ riêng ông Võ Kim Cự mà còn nhiều người nữa".
Đồng thuận với ý kiến trên là ông Trần Bang, nhà đấu tranh khởi đầu cho biểu ngữ "Formosa get out".
"Thế nhưng giả sử việc này được sự đồng thuận với cấp cao hơn thì sao ? Điều đó chúng tôi mới quan tâm. Chứ còn đưa ông Võ Kim Cự ra làm chốt thí thì cũng là bình thường. Không giải quyết được vấn đề".
Một vị đại biểu hiện đang tham gia hội nghị Đại biểu quốc hội chuyên trách tại Hà Nội, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng ý kiến với báo chí việc đề nghị cách chức ông Võ Kim Cự là bình thường.
Ngay từ khi tai hoạ ô nhiễm biển miền Trung do Formosa gây ra vào tháng 4 năm 2016, ông Võ Kim Cự, hiện là Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cựu chủ tịch và bí thư tỉnh Hà Tĩnh, là người đầu tiên lên tiếng với truyền thông báo giới trong nước.
Phát ngôn về việc cấp phép cho Formosa thuê đất 70 năm để làm nhà máy gang thép ở Khu Công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh "được tất cả các cấp, bộ ngành đồng ý" của ông từng gây chú ý cho dư luận cả nước. Trước đó đã có nhiều nhà quan sát khẳng định việc cấp phép cho Formosa vào Việt Nam bức tử môi trường biển thì không thể một mình ông Võ Kim Cự quyết định.
Chưa thể làm dịu dư luận
Người dân Hà Tĩnh tuần hành đánh dấu 1 năm thảm họa Formosa hôm 6/4/2017. RFA photo
Báo Lao Động trong nước ngày 2 tháng 8, 2016 từng đăng tải bài viết ký tên "Nhóm PV điều tra" phanh phui sự thật của vấn đề cấp phép cho Formosa là do "Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường ủy nhiệm bừa và… nhắm mắt ký". Danh tính của nhiều quan chức cấp cao và những con đường "bí ẩn" dẫn đến tờ giấy phép 70 năm hoạt động của nhà máy Formosa được trưng dẫn chi tiết từ khi Bộ Tài nguyên và môi trường chấp thuận vào tháng 6/2008.
Nổi bật trong đó là lời phát biểu của ông Bùi Cách Tuyến, cựu Thứ trưởng phụ trách Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, tuy ông ký quyết định cho phép Formosa xả thải ra biển, nhưng đó là quyết định tập thể của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên Môi trường gồm rất nhiều người.
Tuy trong cuộc gặp cử tri Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8 năm ngoái, chủ tịch nước Trần Đại Quang đã lên tiếng nói rằng sẽ xử lý nghiêm bất kỳ ai liên quan đến Formosa. Nhưng từ đó đến nay, ngoài khởi tố hình sự đối với ông Lê Quang Hoà, giám đốc Công ty Môi trường Kỳ Anh vì liên quan đến hợp đồng vận chuyển xử lý chất thải giữa Formosa và Công ty Cổ phần Xây dựng Quản lý Môi trường đô thị Kỳ Anh, thì hoàn toàn không có cá nhân nào hay ban ngành nào đứng ra chịu trách nhiệm đối với vấn nạn Formosa.
Thêm vào đó là hàng loạt vụ bắt bớ, đánh đập, bắt giam những ai lên tiếng đòi minh bạch cho môi trường biển và đền bù cho người dân. Những cuộc biểu tình, tuần hành ngày càng nhiều hơn với quy mô lớn hơn.
Qua những điều đó, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh không nghĩ rằng kỷ luật cách chức ông Võ Kim Cự là động thái có thể làm dịu như bức xúc của người dân.
"Vấn đề không phải chỉ là xử lý những quan chức đưa đến các sai trái, mà phải đền bù thiệt hại cho người dân. Formosa gây ra thiệt hại đó thì Formosa phải đền bù thoả đáng cho người dân".
Với ông Huỳnh Ngọc Chênh nói rằng, số tiền 500 triệu USD do Formosa đền bù là không thể bù đắp cho thiệt hại của ngư dân cả nước.
"Muốn kỷ luật ai thì kỷ luật, vấn đề cuối cùng phải là đền bù, bởi vì người dân đang chịu rất nhiều khó khăn. Khi cá chết, du lịch không phát triển được, người dân không có kế sinh nhai".
Theo quan sát của ông Nguyễn Minh Nhị, ông nhận thấy tương lai sẽ còn nhiều người bị kỷ luật.
"Chuyện này có gây ra cái không hài lòng, bức xúc trong người dân. Nhưng chuyện xử lý này, như tôi đã nói, chỉ là một trong nhiều người thôi. Tôi nghĩ có thể còn nhiều người nữa. Người dân sẽ thấy từng bước có giải quyết và họ cũng đang chờ đợi".
Chưa biết được dự đoán ông Nguyễn Minh Nhị có thành sự thật hay không, nhưng có một ý kiến được nhiều người quan tâm trong những ngày vừa qua, đó là chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng trên trang cá nhân của ông : "Cách xử lý tốt hơn hết là đàm phán trực tiếp với dân !"
Cát Linh, phóng viên RFA
*******************
Việt Nam : Biểu tình ở nhiều nơi đánh dấu một năm thảm họa Formosa (RFI, 07/04/2017)
Theo hãng tin Reuters, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ngày 06/04/2017 tại một số nơi dọc theo bờ biển Việt Nam để đánh dấu một năm thảm họa Formosa, khi một nhà máy thép của Việt Nam xả chất thải độc hại ra biển gây tổn hại khủng khiếp cho mội trường và sinh kế của người dân.
Một phụ nữ thu cá trên bãi biển ở làng Đông Yên, gần nhà máy Formosa, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam, ngày 31/03/2017. REUTERS/Kham
Theo Reuters, nhiều người dân ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, dưới sự hướng dẫn của các nhóm Công Giáo, đã tổ chức các cuộc biểu tình trên đất liền và trên thuyền nhằm bày tỏ thái độ phẫn nộ trước cách giải quyết vụ việc của tập đoàn Formosa và chính quyền Việt Nam.
Nhiều bức ảnh và video đăng trên Facebook cho thấy những người biểu tình mang theo các biểu ngữ với các nội dung như "Ai đã rước Formosa về đây để đầu độc Việt Nam ?", hay là "Chính phủ lấy tiền, người dân lãnh họa".
Theo một nhà hoạt động được Reuters trích dẫn, thì tại một khu vực, ngư dân đã đưa thuyền ra biển để tổ chức một cuộc biểu tinh để không bị chính quyền địa phương trấn áp. Tuy nhiên, theo nhân chứng này, đã không có nhóm phản đối nào bị cảnh sát làm khó dễ.
Chính quyền hai tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra một hôm sau khi bộ Môi Trường Việt Nam kết luận rằng nhà máy thép Formosa đã khắc phục được 52 trên 53 sai phạm về môi trường, cho nên đã hội đủ điều kiện để vận hành. Tuy nhiên, Formosa phải chờ đèn xanh chính thức của chính phủ Việt Nam trước khi chạy thử.
Kết luận trên đây của bộ Môi Trường đã khiến giới bảo vệ mội trường hết sức hoài nghi. Cách đây một năm, nhà máy trị giá 11 tỷ đô la ở Hà Tĩnh đã thải nước độc hại ra biển, gây ô nhiễm dọc theo hơn 200 km bờ biển miền Trung, dẫn đến thiệt hại to lớn về mặt kinh tế và du lịch cho vùng.
Việc khôi phục lại sinh hoạt mất rất nhiều thời gian và người dân hiện vẫn rất tức giận không chỉ về hậu quả ô nhiễm mà còn về cách chính quyền xử lý vấn đề.
Trọng Nghĩa
**********************
Dân chờ 7 năm chưa được bồi thường (RFA, 07/04/2017)
Đường điện thoại 768 đưa vào sử dụng từ năm 2014 nhưng người dân nơi đây vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Courtesy of viettoday.vn
Hàng ngàn người dân của hơn 1500 hộ tại huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai vẫn chưa được nhận tiền bồi thường thu hồi đất để làm đường ĐT 768 suốt 7 năm qua.
Mạng báo Pháp luật cho biết tin như vừa nêu vào ngày 7/4, trích dẫn lời một số người dân cho biết họ đã kêu cứu, khiếu nại, tố cáo khắp nơi nhưng các cơ quan chức năng chỉ hứa hẹn rồi không thấy thực hiện.
Hội đồng nhân dân huyện Vĩnh Cửu yêu cầu UBND huyện này phải bồi thường cho người dân, nhưng nhiều người dân cho biết đến nay vẫn chỉ là bồi thường trên giấy tờ.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, phó giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Vĩnh Cửu cho biết tổng kinh phí bồi thường cho người dân huyện Vĩnh Cửu khoảng 66 tỷ đồng. Tuy nhiên trong quá trình bồi thường gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách bồi thường, việc thay đổi giá đất vật kiến trúc hàng năm đã kéo dài thời gian bồi thường cho dân.
Ông này cũng cho biết thêm rằng hiện tại cơ quan chức năng đã lập phương án bồi thường cho hơn ngàn hộ dân này để trình lên cấp tỉnh phê duyệt. Theo ông Phương, nhanh nhất thì cũng phải trong quý II năm 2017 mới làm xong.
Tin cho biết từ cuối năm 2009, Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Đồng Nai và Công ty Cổ Phần Sonadezi Châu Đức ký hợp đồng triển khai dự án đường DT 768 theo hình thức BOT ( Xây dựng- Vận hành- Chuyển giao)
Đoạn qua huyện Vĩnh gần 77 ngàn mét vuông của hơn 1500 hộ dân bị thu hồi. Vào thời điểm đó chính quyền vận động người dân cứ bàn giao mặt bằng trước, việc bồi thường sẽ tiến hành sau. Chủ đầu tư đưa con đường vào sử dụng và thu phí gần 4 năm qua.
******************
Cá nuôi bè ở Vũng Tàu chết hàng loạt (RFA, 07/04/2017)
Cá chết hàng loạt ở Việt Nam hôm 3/10/2016. AFP photo
Hiện tượng cá chết hàng loạt lại xảy ra đối với các lồng cá bè nuôi trên sông Chà Và, xã Sơn Long, thành phố Vũng Tàu.
Tin loan đi ngày 7 tháng tư cho hay trong 5 ngày qua cá nuôi trong lồng bè tại hộ của ông Nguyễn Văn Lợi đã chết trắng với số lượng 30.000 con. Đặc biết đây là những loại cá giống vừa được thả trong một vài tháng. Ông Lợi còn cho biết không chỉ cá mà tôm nuôi cũng chết với số lượng lớn. Những bè nuôi cá lồng sát với bè ông Lợi cũng xảy ra chuyện cá chết bất ngờ hàng loạt.
Người dân địa phương báo cáo nguyên nhân cá chết là do nước thải từ cống số 6 chảy ra sông Chà Và và gây ô nhiễm nguồn nước. Hôm 6 tháng tư, Chi Cục Thủy Sản tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, đến kiểm tra và thống kê, cho biết khoảng 45.000 con cá giống đã chết.
Trước đó báo chí trong nước từng đưa tin về việc nguồn nước tại hồ chứa nước thải ở khu vực cống số 6 chuyển màu và bốc mùi hôi thối. Người dân tin rằng dòng nước bị ô nhiễm này chảy thoát ra nước sông Chà Và khiến hàng trăm hộ dân nuôi cá ở đây bị tác động.
Lãnh đạo địa phương đang cam kết làm rõ và xử lý việc này.
Trong khi đó thì hiện tượng ca chết trắng trên sông Bồ ở Thừa Thiên, Huế được cơ quan chức năng giải thích là do nuôi lồng quá dày.
Đó là kết luận ban đầu của Chi Cục Thú Y tỉnh Thừa Thiên, Huế, nói rằng cá chết hàng loạt là do được thả quá nhiều trong lúc dòng chảy không có, thiếu lượng oxy trong nước và lượng thức ăn lại dư thừa.
Vẫn theo nhận định của Chi Cục Thú Y Thừa Thiên Huế thì phân tích mẫu nước cho thấy cá chết không phải vì dịch bệnh mà do môi trường nuôi thả không bảo đảm đúng phương cách.
Người dân nuôi cá lồng trên sông Bồ được khuyến cáo không nên thả thêm cá giống vào lúc này, nới rộng khoảng cách giữa các lồng cá và bơm thêm không khí vào các lồng nuôi.
Tình trạng cá chết tại Sông Bồ trong những ngày qua được người nuôi cho biết khiến họ phải lâm cảnh nợ nần.