Cựu tù chính trị Vương Văn Thả bị tuyên án tù theo điều 88 (RFA, 23/01/2018)
Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang vào sáng ngày 23 tháng Một đã tuyên án 12 năm tù đối với một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy là ông Vương Văn Thả, với cáo buộc theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, "Tuyên truyền chống Nhà nước". Một facebooker có liên hệ chặt chẽ với gia đình ông Thả cho đài Á Châu Tự Do biết tin này vào chiều ngày 23/1. Nhưng vì lý do an toàn cho gia đình ông Thả và nguồn tin mà người này không thể nêu danh tính người đưa tin.
Công an bắt ông Vương Văn Thả hôm 18/5/2017 - Courtesy : chantroimoimedia.com
Facebooker có tên Công Lý Dân Tộc cho đài ACTD biết như sau :
"Phiên tòa diễn tiến trong tinh thần phản kháng của anh Thả. Anh Thả phản kháng dữ dội lắm do anh Thả không thấy con của ảnh đâu. Anh Thả cũng hỏi rằng tại sao tòa án nhân dân mà không cho nhân dân vô ? Anh Thả kêu gọi phải có luật sư. Luật sư của anh Thả không nhìn thấy ở đâu hết. Anh Thả kêu gọi phải có luật sư quốc tế, phải được xử công bằng thì mới chấp nhận xét xử. Anh Thả la lối, chống lại và bị khống chế bằng bạo lực rồi bị đem vô phòng riêng. Trong phòng riêng thì họ tuyên án. Trong lúc anh Thả bị khống chế, thì hai đứa cháu bức xúc quá và đã đập đầu rất mạnh xuống bàn đòi tự tử, yêu cầu buông anh Thả ra. Sự việc như vậy đó. Kết quả là anh Vương Văn Thả bị tuyên 12 năm tù. Con trai Vương Thanh Thuận bị tuyên 7 năm. Hai người cháu là Nguyễn Văn Thượng bị tuyên 6 năm và Nguyễn Nhật Trường cũng bị tuyên 6 năm".
Bốn bị cáo trong vụ án này bao gồm ông Vương Văn Thả (sinh năm 1969), Vương Thanh Thuận (sinh năm 1990, là con trai ông Thả) cùng hai người cháu ông Thả là Nguyễn Nhật Trường (sinh năm 1985) và Nguyễn Văn Thượng (sinh năm 1985).
Luật sư Nguyễn Khả Thành, người được Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang cấp giấy chấp thuận là luật sư bào chữa cho bị cáo Vương Văn Thả, nhưng vì lý do cá nhân nên ông không thể tham dự phiên tòa.
Vào khoảng 18g30 chiều ngày 23 tháng Một, Đài RFA liên lạc với Luật sư Nguyễn Khả Thành và được cho biết ông không nhận được tin tức nào liên quan đến phiên tòa dự kiến diễn ra trong cùng ngày và ông cũng không thể liên lạc với vợ và con gái của bị cáo Vương Văn Thả. Luật sư Nguyễn Khả Thành nói :
"Sau phiên tòa, tôi có gọi điện thoại cho chị Lê Thị Lệ Hà và cô Vương Ngọc Thảo thì cả hai người đều không có bắt máy. Không liên lạc được".
Luật sư Nguyễn Khả Thành còn cho biết theo hồ sơ của cáo trạng thì có 3 luật sư, thuộc luật sư đoàn tỉnh An Giang bào chữa cho vụ án này. Luật sư Trần Ngọc Bản bào chữa cho bị cáo Vương Văn Thuận (bị cáo có trình độ học vấn 7/12). Luật sư Trần Quang Anh bào chữa cho hai bị cáo Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng (2 bị cáo đều không biết chữ). Luật sư Nguyễn Khả Thành không thể đến dự phiên tòa nên bị cáo Vương Văn Thả (bị cáo có trình độ học vấn 1/12) không có luật sư bào chữa.
Vào tối cùng ngày phiên tòa diễn ra, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với gia đình của 4 bị cáo, nhưng không thể gặp được họ.
Ông Vương Văn Thả, cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, ngụ tại tỉnh An Giang, là một cựu tù nhân lương tâm. Ông Thả từng bị kết án 3 năm tù hồi năm 2012 với cáo buộc "Lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, công dân", theo Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam, và mãn án vào hồi đầu tháng 10 năm 2015.
Vào dịp Tết Nguyên Đán năm Đinh Dậu, ông Vương Văn Thả bắt đầu lên tiếng trên mạng xã hội về hoàn cảnh và chính kiến của ông đối với chế độ Cộng sản tại Việt Nam. Cả gia đình ông Vương Văn Thả, gồm 9 người bị lực lượng công an, cảnh sát cơ động…bao vây cô lập trong thời gian gần hai tháng, cho đến ngày 18 tháng 5 năm 2017, ông Vương Văn Thả cùng người con trai và hai người cháu song sinh bị bắt.
********************
Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang sẽ tiến hành phiên sơ thẩm vụ án Vương Văn Thả với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" vào sáng ngày 23 tháng Giêng. Và, Tòa án huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An sẽ đưa nhà hoạt động xã hội Hoàng Đức Bình và anh Nguyễn Nam Phong ra xét xử vào ngày 25 tháng Giêng tới đây.
Nhà hoạt động xã hội Hoàng Đức Bình (phải) - Courtesy : Facebook Bạch Hồng Quyền
Vào ngày 22 tháng Giêng, thân nhân ông Vương Văn Thả, nói với RFA trong hai lần thăm gặp kể từ khi ông Thả bị bắt hồi ngày 18 tháng 5 năm 2017, đều được cho biết ông bị tra tấn trong tù. Con gái ông Vương Văn Thả, tên Vương Ngọc Thảo kể lại với chúng tôi ông Thả bị ép ký tên vào văn bản trong lúc điều tra lấy lời khai :
"Tía nói khi nào đọc được thì mới ký, còn như không thì tía không ký. Cán bộ đánh tía em, đánh vô cạnh hàm rồi móc cổ, đánh cho tía em xỉu để cán bộ lấy mực lăn tay, mà tía em không xỉu. Lần thăm thứ hai, tía cũng nói bị đánh và bị đá. Hai lần thăm tía đều kể bị đánh, nhưng cán bộ không cho tía nói. Cán bộ nói rằng chỉ được nói về tình trạng sức khỏe, còn bị đánh đập hoặc ở trong tù như thế nào thì không cho kể".
Ông Vương Văn Thả, cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, ngụ tại tỉnh An Giang, là một cựu tù nhân lương tâm. Ông Thả bị kết án 3 năm tù hồi năm 2012 với cáo buộc "Lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, công dân", theo Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam, và mãn án vào hồi đầu tháng 10 năm 2015.
Cô Vương Ngọc Thảo chia sẻ ông Vương Văn Thả bị đánh đập và bị bỏ đói trong thời gian thụ án 3 năm tù giam. Sau khi ra tù, ông luôn bị theo dõi và gây trở ngại trong cuộc sống cũng như trong việc đi lại :
"Lúc ba ở tù về là ba muốn nói lên sự thật để cho mọi người biết là chế độ này không có công bằng. Ba em bị oan, bị áp bức nhiều quá, bị đối xử một cách cô lập, đàn áp gia đình em".
Vào dịp Tết Nguyên Đán năm Đinh Dậu, ông Vương Văn Thả bắt đầu lên tiếng trên mạng xã hội về hoàn cảnh và chính kiến của ông đối với chế độ Cộng sản tại Việt Nam. Cả gia đình ông Vương Văn Thả, gồm 9 người bị lực lượng công an, cảnh sát cơ động…bao vây cô lập trong thời gian gần hai tháng, cho đến ngày 18 tháng 5 năm 2017, ông Vương Văn Thả bị bắt.
Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang ra thông báo sẽ xét xử vụ án Vương Văn Thả theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, "Tuyên truyền chống Nhà nước" đối với 4 bị cáo, bao gồm ông Vương Văn Thả (sinh năm 1969), Vương Thanh Thuận (sinh năm 1990, là con trai ông Thả) cùng hai người cháu ông Thả là Nguyễn Nhật Trường (sinh năm 1985) và Nguyễn Văn Thượng (sinh năm 1985).
Điều đáng lưu ý trong vụ án này là trình độ văn hóa của 4 bị cáo, trong đó ông Thả có trình độ lớp 1/12, con trai ông Thả với trình độ lớp 7/12, còn hai người cháu trai của ông Thả đều không biết chữ.
Gia đình ông Vương Văn Thả cho biết thân nhân không được ở trong căn nhà nơi xảy ra vụ việc và vợ ông Thả bị chính quyền ép lăn tay để đập nhà do căn nhà xây dựng trái phép và là nơi gây án.
Con gái ông Thả, cô Vương Ngọc Thảo lên tiếng một ngày trước khi phiên tòa xử ba mình được dự kiến diễn ra vào 7 :30 giờ sáng ngày 23/01/2018 :
"Em nhờ cộng đồng cứu ba em. Em nhắn gửi các cô chú, anh chị là những người đấu tranh dân chủ giúp tía em và những người bị tù oan ức. Tù nhân lương tâm ở tù khổ lắm. Mong cộng đồng lên tiếng giúp giùm, giúp nhiều người, chứ không phải một mình tía em".
Đài RFA ghi nhận hồi hạ tuần tháng 9 năm 2017, Hội đồng Liên tôn Việt Nam ra kháng thư phản đối cơ quan chức năng đàn áp cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo Vương Văn Thả, cho rằng đã vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt của công dân được Hiến Pháp Việt Nam và Công pháp Quốc tế công nhận.
Mới đây, vào ngày 20 tháng Giêng, trên trang Facebook cá nhân, Luật sư Nguyễn Khả Thành, thuộc luật sư đoàn tỉnh Phú Yên cho biết ông đã đến Tòa án tỉnh An Giang làm các thủ tục để trở thành luật sư bào chữa cho vụ án Vương Văn Thả, nhưng ông chia sẻ vì một lý do khá đặc biệt mà ông không thể tham dự phiên tòa.
Cũng vào chiều ngày 22 tháng Giêng, Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, người từng làm đơn yêu cầu được làm chứng tại phiên xử hai anh Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong vào ngày 25 tháng Giêng tại Tòa Á Nhân dân tỉnh Nghệ An, nói ông nhận được giấy triệu tập từ Cảnh sát Điều tra tỉnh Nghệ An, yêu cầu đến làm việc vào ngày 23 tháng Giêng liên quan đơn của ông.
Tuy nhiên, vào tối cùng ngày, Linh mục Nguyễn Đình Thục cho RFA biết ông trả lời từ chối yêu cầu này. Linh mục Nguyễn Đình Thục nêu lên hai lý do ông từ chối :
"Thứ nhất là vào chiều ngày mai tôi có dâng thánh lễ đồng tế để cầu nguyện cho anh Hoàng Bình và anh Nam Phong cùng các linh mục về dâng lễ tại giáo xứ Song Ngọc. Thành ra, tôi không thể đi được. Thứ hai nữa, theo tôi hiểu, dù không biết có chính xác hay không, là hồ sơ của Hoàng Bình và Nam Phong đã gửi về cho tòa án huyện Diễn Châu rồi nên bây giờ chỉ có thể tòa án gặp để làm việc với tôi, chứ không phải bên Cảnh sát Điều tra vì họ đã làm xong nhiệm vụ điều tra của họ và đã chuyển hồ sơ qua tòa rồi. Cho nên tôi nghĩ họ làm như vậy là không đúng và họ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau mà thôi".
Linh mục Nguyễn Đình Thục còn cho biết trong ngày 22 tháng Giêng, giới chức chính quyền đến nhà các hộ dân địa phương để yêu cầu không được tham dự phiên tòa xét xử anh Hoàng Đức Bình và anh Nguyễn Nam Phong :
"Sáng hôm nay ở trên xã, trên huyện hay trên tỉnh gì đó có cử người về đến từng gia đình một trong giáo xứ, nói là đừng đến tham dự phiên tòa. Tuy họ không nói rằng nếu đến phiên tòa thì sẽ bắt người hay này nọ, nhưng việc họ đến từng nhà như vậy là một hình thức đe dọa, và chắc chắn việc này có tác động lớn đến người dân. Bởi vì ở Việt Nam, mỗi khi công an hay những vị làm việc ở trên xã, trên huyện đến căn dặn người dân điều gì đó thì khiến họ cảm thấy rất lo sợ, do họ nghĩ rằng đó là một mệnh lệnh".
Trả lời câu hỏi của chúng tôi gia đình của hai anh Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong được thăm gặp họ trước ngày phiên tòa sơ thẩm diễn ra hay không, Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết trong vòng 7 tháng qua, kể từ khi hai thanh niên này bị bắt giữ, gia đình không được phép thăm gặp họ. Tuy nhiên, Linh mục Nguyễn Đình Thục nhận được tin báo từ Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết được gặp hai anh vào sáng ngày 22 tháng Giêng, bảo rằng hai anh khỏe mạnh và tinh thần rất là bình an, vui vẻ đối với phiên tòa sắp diễn ra trong vài ngày tới.
Hòa Ái