…sau khi hai luật sư nhân quyền bị đoàn luật sư ruồng bỏ ?
Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra quyết định xóa tư cách thành viên của hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng, hai vị luật sư nổi tiếng thông qua việc bào chữa trong các vụ án chính trị ở Việt Nam.
Hệ quả của việc này đến nền tư pháp trong nước, cụ thể là đến các vụ án chính trị sẽ là như thế nào, đài RFA tổ chức cuộc hội luận với hai vị luật sư trong cuộc để cùng làm rõ.
Nguồn : RFA, 15/04/2024
Công an câu lưu 3 nhà hoạt động xã hội vì gặp phái đoàn EU (RFA, 17/11/2017)
Công an Hà Nội đã câu lưu 3 nhà hoạt động xã hội vào trưa ngày 16 tháng 11 sau khi những người này có cuộc gặp và trao đổi với đại diện Liên minh Châu Âu về vấn đề nhân quyền Việt Nam.
Blogger Phạm Đoan Trang - Courtesy Facebook Pham Doan Trang
Những người bị câu lưu bao gồm Blogger Phạm Đoan Trang, Tiến sĩ Nguyễn Quang A và cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng. Tiến sĩ Nguyễn Quang A và bà Bùi Thị Minh Hằng được thả ra sau đó vài tiếng.
Theo Luật Khoa tạp chí, một tạp chí do blogger Phạm Đoan Trang là người đồng sáng lập, công an đã áp tải Phạm Đoan Trang về nhà riêng của mình ở Hà Nội vào nửa đêm ngày 16/11 và cho người canh giữ cô. Công an cũng thu giữ những vật dụng riêng của Phạm Đoan Trang bao gồm máy tính, điện thoại. Trong quá trình bị tạm giữ cô không hề được liên hệ với bên ngoài.
Vào sáng ngày 17/11, bà Bùi Thị Minh Hằng cho đài Á Châu Tự Do biết về việc bắt giữ của công an đối với Phạm Đoan Trang như sau :
"Khi ở trong tòa nhà đi ra mọi người đều chủ quan thì chị và Đoan Trang đi về một hướng và chuẩn bị bước xuống tầng hầm kiếm gì ăn khi hai chị em khoác tay nhau đi ra, thi họ xô ra trên 20 người, họ đẩy vội chi lên xe mục đích tách rời chị với Đoan Trang ra, người họ muốn bắt chính là Đoan Trang, bởi vì trong thời gian qua phải nói đóng góp của Đoan Trang vào công việc này rất lớn, an ninh Việt Nam họ đang rất cay cú với Đoan Trang."
Tổng cộng có 4 nhà hoạt động xã hội đã tham gia cuộc gặp với đại diện EU. Người thứ 4 là anh Nguyễn Chí Tuyến. Anh Tuyến sau đó lên Facebook cá nhân và cho biết anh đã về nhà an toàn sau cuộc gặp.
Vào đầu tháng 12 tới, EU và Việt Nam sẽ cuộc đối thoại nhân quyền thường niên. Như thường lệ, trước các cuộc đối thoại nhân quyền, phía EU đều hỏi ý kiến của các nhà hoạt động dân sự tại Việt Nam về tình hình nhân quyền trong nước. Bà Bùi Thị Minh Hằng cho biết
"Nội dung họ cũng nói với mình là sắp tới, sẽ có phiên đối thoại nhân quyền của tháng 12 thường niên. Bao giờ trước phiên thường niên này thì họ cũng muốn gặp mặt một số những nhà hoạt động ở trong nước, thì bên khối EU họ cũng thông báo, họ soan ra các chương để sắp sửa họ có phiên đối thoại nhân quyền với cả phiá nhà cầm quyền cộng sản thì họ cũng muốn hỏi ý kiến của những nguời họat động trong nước để lấy ý kiến đa chiều thôi. Thì trong đó có một số vấn đề ví dụ như là về giam giữ tù nhân, về vai trò luật sư, về chế độ nhà tù về luật đất đai và tôn giáo".
Tại cuộc gặp lần này, blogger Phạm Đoan Trang đã trao cho phái đoàn EU báo cáo cập nhật về tình hình nhân quyền Việt Nam, báo cáo về thảm họa môi trường do Formosa gây ra và báo cáo mới đây về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà hoạt động dân sự của Việt Nam bị an ninh câu lưu, thẩm vấn sau các cuộc gặp với các phái đoàn nước ngoài về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng từng bị công an dẫn đi không cho gặp Tổng thống Obama khi ông đến Việt Nam hồi năm ngoái và muốn gặp các nhà hoạt động dân sự ở Việt Nam.
Thông cáo báo chí của Luật khoa Tạp chí hôm 17/11 lên án vụ bắt giữ, giam giữ tại gia của công an Hà Nội đối với blogger Phạm Đoan Trang, coi đây là những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, đặt Đoan Trang vào tình thế cực kỳ nguy hiểm vì sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của cô đã bị ảnh hưởng, nhất là khi cô đang phải trải qua quá trình điều trị với vết thương ở chân.
*******************
Xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm vào cuối tháng 11 (RFA, 15/11/2017)
Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ được xử phúc thẩm vào ngày 30 tháng 11 tới đây.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (trái) tại phiên tòa ở thành phố Nha Trang hôm 29/6/2017 - AFP
Chiều ngày 15 tháng 11, đài Á Châu Tự Do liên lạc với Văn phòng Luật sư Nguyễn Khả Thành tại Phú Yên, Luật sư Thành, người sẽ bào chữa cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết như sau :
"Mới hồi sáng nay văn phòng chúng tôi nhận được giấy triệu tập của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Đà Nẵng, họ báo rằng phiên tòa phúc thẩm sẽ được xử vào lúc 7g30 ngày 30/11/2017. Tòa án cấp cao ở Đà Nẵng sẽ vào xử tại Tòa án nhân dân cấp cao Tỉnh Khánh Hòa".
Ông nói thêm là ông hy vọng tòa án sẽ cho ít nhất là mẹ của bà Như Quỳnh là bà Nguyễn Thị Tuyết Lan tham dự phiên tòa. Ông cũng nói là ông hy vọng sẽ được gặp thân chủ trước phiên tòa phúc thẩm.
Khi được hỏi khả năng sẽ được giảm án hay không, Luật sư Thành nói rằng trong tình hình dư luận hiện nay cho rằng bản án 10 năm tù ở phiên sơ thẩm là quá nặng, cộng với áp lực quốc tế từ các tổ chức dân sự, bản án phúc thẩm có thể sẽ nhẹ hơn.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay blogger Mẹ Nấm bị bắt vào ngày 10 tháng 10, năm 2016 với cáo buộc phạm tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ luật hình sự Việt Nam.
Vào ngày 29 tháng Sáu năm nay, bà bị tòa án tỉnh Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù giam, và bà Như Quỳnh đã kháng án.
Các tổ chức dân sự, nhân quyền trong và ngoài nước phản đối bản án dành cho bà Quỳnh, nói rằng bà chỉ thực thi quyền biểu đạt ôn hòa của mình.
Blogger Mẹ Nấm là người thường tổ chức, tham gia các hoạt động biểu tình vì môi trường hay chống sự lấn lướt của Trung Quốc trên Biển Đông.
***********************
Công an bắt giữ 3 người phản đối cưỡng chế đất (RFA, 15/11/2017)
Công an huyện Cái Nước tỉnh Cà Mau ngày 15/11 đã bắt giữ 3 người về hành vi ‘gây rối trật tự công cộng’ và ‘chống người thi hành công vụ’. Một trong những người bị bắt được nêu danh tính là ông Ngô Đức Hạnh, ngụ tại thị trấn Cái nước.
Ông Hạnh (người mặc áo xám) và cơ quan chức năng tại hiện trường sự việc. Courtesy of Thanhnien
Truyền thông trong nước loan tin vào ngày 14/11, khi lực lượng chức năng đến bảo vệ việc thi công chợ thị trấn Cái Nước, ông Hạnh cùng một số người khác đã ngăn cản. Các video trên mạng xã hội cho thấy trong số những người ngăn cả có cả những phụ nữ và người lớn tuổi. Họ lên tiếng phản đối việc thi công chợ và nhất định không chịu ra khỏi khu vực thi công chợ.
Theo truyền thông trong nước, ông Ngô Đức Hạnh đã cầm 2 con dao đe dọa tấn công cơ quan chức năng buộc cảnh sat phải nổ súng chỉ thiên.
Tin cho biết thêm sau khi cảnh sát nổ súng, ông Hạnh đã về nhà cố thủ. Đến sáng ngày 15/11, ông Hạnh bị cảnh sát bắt giữ khi ra khỏi nhà. Trưởng công an huyện Cái Nước, Đại tá Phạm Minh Lũy cho báo chí biết lực lượng chức năng buộc phải nổ súng là do ông Hạnh quá manh động. Còn ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước thì nói rằng ông Hạnh phản đối việc xây chợ dù không liên quan gì đến khu đất được thu hồi.
******************
Việt Nam tiếp tục thi hành án tử hình trong tháng 11 (RFA, 15/11/2017)
Tử tù Nguyễn Hải Dương sẽ bị thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, trong ngày 17 tháng 11 tới đây.
Hình minh họa. Công an (giữa) đứng gác các tù nhân tại một buổi lễ công bố đặc xá của Chủ tịch nước ở một nhà tù ở ngoại thành Hà Nội hôm 31/8/2015. AFP
Thông tin vừa nêu được Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Hữu Trí cho biết vào ngày 14 tháng 11. Ông Trí cho biết thêm rằng sức khỏe của tử tù Nguyễn Hải Dương vẫn ổn định.
Theo cáo trạng, phạm nhân Nguyễn Hải Dương là một trong hai người gây ra vụ thảm sát 6 nạn nhân trong một gia đình ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước hồi năm 2015, bị tuyên án tử hình về các tội giết người và cướp tài sản. Đồng phạm trong vụ án là phạm nhân Vũ Văn Tiến, cũng bị tuyên án tử hình và hiện đã đệ đơn xin giảm án lên Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Vì đơn xin giảm án của phạm nhân Vũ Văn Tiến chưa được xét duyệt nên ngày thi hành án tử hình chưa được xác định.
Xin được nhắc lại, báo cáo gần đây nhất của Bộ Công An, công bố hồi tháng Hai năm 2017, cho biết Việt Nam đã tử hình tổng cộng 429 người từ tháng 8 năm 2013 đến tháng 6 năm 2016. Báo cáo cũng cho biết con số người bị tuyên án tử hình hàng năm tại Việt Nam vẫn không giảm. Điều này cho thấy sự bất lực của án tử hình trong việc giúp ngăn chặn tội phạm tại Việt Nam.
Ngay sau khi báo cáo của Bộ Công An Việt Nam được công bố, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, trụ sở tại Paris- Pháp, ra thông cáo xếp Việt Nam vào danh sách 5 nước tử hình nhiều người nhất thế giới.
**************
Thêm một trường hợp tử vong tại đồn công an (RFA, 17/11/2017)
Việt Nam có thêm một trường hợp được cho là người dân bị công an đánh chết trong thời gian tạm giữ.
Hình minh họa. Vợ con anh Nguyễn Hữu Tấn trong đám tang anh Tấn, một nạn nhân chết trong đồn công an Vĩnh Long hôm 3/5/2017 - Ảnh chụp từ Youtube 108TV Channel
Truyền thông trong nước hôm 17/11 cho biết vụ việc xảy ra ở xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, Đại tá Nguyễn Văn Tảo nói với báo giới rằng công an địa phương bắt giữ ông Nguyễn Ngọc Nhân, sinh năm 1988 vì trên người có tàng trữ chất ma túy, vào chiều ngày 16 tháng 11 và ông Nhân tử vong vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày với kết quả khám nghiệm tử thi là chết do nhồi máu cơ tim.
Gia đình của ông Nhân, vào 2 giờ chiều ngày 17 tháng 11 được thông báo đến Bệnh viện Đa Khoa huyện Tân Phú Đông nhận xác người thân. Gia đình mang xác nạn nhân về chôn cất vì được cho biết người thân chết do tai biến. Tuy nhiên, trong lúc tẩm liệm thì phát hiện có nhiều vết bầm tím ở lưng và các dấu tích bị còng xiết, bị chích điện.
Ông Nguyễn Ngọc Tân, cha của nạn nhân Nguyễn Ngọc Nhân đến công an huyện đề nghị trả lời về các vết thương trên người của con trai. Tuy nhiên yêu cầu của ông Tân không được giải đáp.
Gia đình làm đơn cầu cứu làm rõ nguyên nhân gây tử vong cho người thân và Công an tỉnh Tiền Giang cho biết sẽ tiến hành điều tra.
Hồi năm 2015, một báo cáo của Bộ Công An đưa ra số liệu từ năm 2011 đến 2014 có 226 người chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, nguyên nhân chủ yếu là do bệnh lý, do đối tượng tạm giữ tạm giam tự sát. Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền thế giới kêu gọi Việt Nam phải điều tra các trường hợp tử vong do bị công an dùng nhục hình tra tấn cũng như phải chấm dứt tình trạng này theo Công ước Quốc tế chống tra tấn mà Việt Nam đã ký kết.