Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Siết xe cá nhân để giảm ùn tắc : Khó đủ thứ !

RFA, 27/09/2023

Chính phủ vừa ra chỉ thị đốc thúc các thành phố lớn như Hà Nội và . phải nhanh chóng thúc đẩy chính sách hạn chế xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông. Một số người dân tỏ ra đồng tình với chủ trương trên nhưng yêu cầu Chính phủ phải có những giải pháp đi kèm.

untac1

Kẹt xe ở nội đô Hà Nội - Reuters

Sẽ ủng hộ, nếu…

Ông Thịnh, một người dân Hà Nội cho biết ông sẵn sàng sử dụng phương tiện công cộng nếu mạng lưới giao thông công cộng thuận tiện và an toàn cho hành khách :

"Nếu xe buýt mà thuận tiện thì tôi sẽ đi bằng xe buýt thì tội gì đi bằng xe nhà. Phương tiện công cộng tiết kiệm được tiền cho gia đình vừa khỏi lo lắng chuyện gửi xe vừa an toàn…".

Tuy nhiên, ông Thịnh nói, với thực trạng hệ thống xe công cộng như hiện nay mà Chính phủ vẫn quyết hạn chế xe cá nhân, sẽ khiến đời sống người dân khó khăn hơn rất nhiều. Ông giải thích :

"Hiện nay khi mà những phương tiện công cộng chưa đáứng được nhu cầu của người dân thì tôi đang rất băn khoăn là không biết vào thời gian tới khi mà người ta hạn chế phương tiện cá nhân thì tôi sẽ di chuyển đi làm kiểu gì, bằng phương tiện gì. Ví dụ hiện nay, muốn đến trạm xe buýt gần nhất tôi phải đi bộ từ một cây rưỡi đến hai cây số, nó không hề tiện cho người dân".

Do đó, theo ý kiến của một người dân thủ đô, ông Thịnh cho rằng việc hạn chế phương tiện cá nhân trong khi chưa có phương án thay thế rõ ràng là bất khả thi.

Bà L, hiện đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu được giấu danh tính, cũng cho biết đồng tình với quy định hạn chế xe cá nhân nhưng, hiện theo bà L. người dân chưa thể lựa chọn đi phương tiện công cộng vì rất bất tiện :

"Tàu điện thì chưa có, còn xe buýt thì không an toàn. Vệ sinh trên xe buýt rất kém, tệ nạn, chen lấn, móc túi nhiều xảy ra thường xuyên nên tôi cũng rất ngại mỗi lần đi buýt".

Ngoài ra, theo bà L, chính phủ cần phải có một lộ trình với những phương pháp phù hợp để hạn chế xe máy mà không ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là những người mưu sinh bằng phương tiện cá nhân như shipper, xe ôm…

Vào tháng 4/2022, Chính phủ đã yêu cầu năm thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế xe máy phù hợp hạ tầng và năng lực vận tải hành khách công cộng. Các thành phố này sẽ tiến tới hạn chế hoặc cấm hẳn xe máy ở một số quận nội đô sau năm 2030. 

Theo mạng báo VnExpress, Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện các loại, trong đó có 5,6 triệu xe máy, 600.000 ô tô, còn lại khoảng hai triệu phương tiện vãng lai.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ cấm xe máy ở một số quận nội đô sau năm 2025. Đến sau năm 2030, thủ đô sẽ dừng cho lưu thông xe máy ở khu vực nam sông Hồng và bắc sông Hồng.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, xe máy sẽ bị hạn chế ở các quận trung tâm vào năm 2025. Đến năm 2030 sẽ mở rộng ra các quận ngoại thành như Thủ Thiêm, quận 7…

untac2

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục chậm tiến độ. Ảnh : AFP

Hệ thống giao thông công cộng được nâng cấp

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam, cho rằng chủ trương giảm xe cá nhân là phù hợp với xu thế và lợi ích của người dân và đây là giải pháp hữu hiệu để giảm tình trạng ùn tắc, kẹt xe đang diễn ra rất nặng nề ở các thành phố lớn.

Tuy vậy, ông Hợp cho rằng, hệ thống giao thông công cộng hiện nay chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu đi lại của người dân, nên Chính phủ Việt Nam cần phải thực hiện một số giải pháp như nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, cải thiện năng lực quản lý hệ thông giao thông công cộng ; hoặc Chính phủ cũng có thể nâng các loại thuế phí liên quan đến phương tiện cá nhân để người dân bớt mua xe.

Mặc dù vậy, theo ông Hợp, để thực hiện được những giải pháp trên, không dễ. Ông nói tiếp :

"Người ta chỉ hạn chế khoảng 20% thôi, chứ cao hơn như 50% hay 70% là không hạn chế được.

Thế nhưng nó sẽ rất khó, ở chỗ là thứ nhất lấy đâu ra nhiều tiền để đầu tư. Thứ hai là làm sao để xây dựng được một hệ thống quản lý giao thông công cộng đô thị tốt là rất khó. Thứ ba là phải nâng cao nhận thức của từng người dân, từng cá nhân để người ta tự nguyện hạn chế đi lại bằng phương tiện cá nhân".

Bộ Giao thông vận tải hiện cũng đang yêu cầu các địa phương phải xúc tiến nhanh các dự án giao thông đô thị, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt, cần chú trọng đẩy nhanh hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, khuyến khích nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phù hợp với điều kiện của từng địa phương…

Với các phương án trên, ông Thịnh – người con thủ đô Hà Nội - tỏ ra không mấy lạc quan, vì :

"Tôi từng chứng kiến rất nhiều dự án hạ tầng giao thông ở Hà Nội đắp chiếu nhiều năm.

Như đường sắt trên cao hơn chục năm mới xong đúng một tuyến đường Cát Linh - Hà Đông ; rồi dự án xe buýt nhanh BRT giờ cũng phá sản luôn rồi.

Tôi nghĩ rằng dự án đó đề án đó chỉ là mục tiêu đề ra để báo cáo lấy thành tích mà thô, còn việc thực thi trên thực tế được hay không là một câu chuyện khác".

Nguồn : RFA, 27/09/202

*************************

Có cần đổi bằng lái xe cấp trước năm 2012 ?

RFA, 27/09/2023

Mới đây, Bộ Công an đề xuất những giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.

untac3

Một người dân điều khiển xe gắn máy ở Hà Nội - AFP

Hệ thống sai, bắt dân lãnh

Theo công an Thành phố Hồ Chí Minh, một số bằng lái xe cũ, loại mẫu giấy phép lái xe giấy, khó tích hợp vào tài khoản định danh điện tử VneID. Nguyên nhân có thể do thông tin cá nhân khi được cấp bằng lái xe và thông tin cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện có sai lệch.

Theo quy định hiện hành, người dân có thể đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe trực tiếp tại cơ quan cấp phép (Cục Đường bộ Việt Nam hay sở giao thông vận tải các địa phương) hoặc đăng ký trực tuyến qua cổng dịch vụ công. Mức lệ phí cho một lần đổi giấy phép lái xe là 135.000 đồng.

Với con số khoảng 22 triệu giấy phép lái xe cấp trước 2012 phải đổi, số tiền dân phải bỏ ra không nhỏ. Ông Quang, một người dân Quảng Nam nói với RFA sáng 27/9/2023 :

"Đâu cần thiết phải đổi bằng lái. Người ta cứ nhân danh cái định danh thể hiện trong chip điện tử căn cước công dân nên phải cấp bằng lái xe mới. Tôi thấy thay vì đổi bằng lái mới thì cứ nhập số giấy phép lái xe vào hệ thống là có dữ liệu. Cần gì phải làm lại bằng lái cho tốn kém và mất thời gian. Mỗi người chỉ 135 ngàn nhưng 20 triệu bằng lái là con số rất lớn. Tôi nghĩ đây là cách làm ăn của ngành giao thông, của ngành công an. Nay vẽ cái này, mai vẽ cái khác gây tốn kém cho dân, cho xã hội".

Tại buổi tọa đàm trao đổi về các dự án Luật Căn cước, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì hôm 26/9/2023, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng Phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông Cục Cảnh sát giao thông cho hay, sở dĩ phải chọn mốc ngày 1/7/2012 vì những giấy phép lái xe được cấp từ ngày này trở về trước dùng giấy bìa, ép plastic và chưa sử dụng PET, do vậy không cập nhật lên được hệ thống do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, không cập nhật được lên dữ liệu quốc gia, tích hợp vào định danh điện tử, VNeID…

Bác sĩ Đinh Đức Long ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận định :

"Lý do họ nêu ra là để tích hợp với căn cước công dân và dữ liệu dân cư nên phải đổi bằng nhựa để mã hóa. Mục đích là tốt nhưng cách làm thì tốn kém. Về mặt kỹ thuật thì làm được hết mà không cần đổi bằng lái khác. Dữ liệu dân cư anh có rồi. Anh có tàng thư lưu rồi. Cứ việc nhập dữ liệu vào là xong. Cái này là về mặt kỹ thuật thôi. Dân đâu thể ‘chạy’ theo các anh được. Nếu cần làm thì phải làm miễn phí cho dân.

Cách làm sao cho tiết kiệm, hợp lòng dân và không xáo trộn cuộc sống người dân. Dân không phải bỏ thời gian đi xếp hàng để làm. Bây giờ qua internet hết, dữ liệu chuyển lên nhập vào là có. Tại sao việc dễ lại biến thành khó ? Có phải nghĩ ra để có cớ tiêu xài ngân sách hay không ?"

Đổi hay phủ nhận tính pháp lý của giấy phép lái xe ?

Quy trình cấp giấy phép lái xe hiện liên quan đến nhiều cơ quan chức năng. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý về sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước ; Vụ Quản lý phương tiện và Người lái là tổ chức tham mưu giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe ; Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ; Phòng được giao nhiệm vụ quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là tổ chức tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14, Chính phủ lại đề xuất giao Bộ Công an quản lý Nhà nước về sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

untac4

Người dân có giấy phép lái xe vô thời hạn được cấp trước 1/7/2012 phải đổi giấy phép lái xe mới - Ảnh minh họa

Ông Tùng ở Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA sáng 27/9/2023 :

"Cái bằng lái không có thời hạn hồi xưa do Bộ Nội vụ cấp. Sau này đổi qua Bộ Giao thông Vận tải cấp có thời hạn. Rồi sau này nữa là Bộ Công an cấp không thời hạn. Xét về mặt kỹ thuật thì chuyện đổi là tốt. Nhưng về mặt luật pháp, bằng lái ngày xưa không thời hạn lại bị đổi thì khác nào phủ nhận tính pháp lý của giấy phép cũ. Thế cho nên nếu đổi thì phải làm miễn phí cho dân vì người không vi phạm gì cả".

Ngoài chuyện người dân có giấy phép lái xe vô thời hạn được cấp trước 1/7/2012 phải đổi giấy phép lái xe mới, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an còn có đề xuất quy định : Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe.

Quy định này khiến người ta nhớ lại quy định do Bộ Y tế đưa ra năm 2008 bị dư luận phản đối gay gắt. Theo đó, người thấp bé, nhẹ cân (chiều cao đứng dưới 1,45 m, trọng lượng dưới 40 kg) không được đi xe máy trên 50 cc ; người có vòng đo ngực trung bình dưới 72 cm không được cấp bằng lái hạng A1, tức cũng không được đi xe trên 50 cc.

Lần này, đề xuất khám sức khoẻ định kỳ đối với mọi người lái xe cũng đang nhận nhiều phản hồi từ công chúng.

Ông Bằng ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA :

"Kiểm tra sức khỏe ở thời điểm đổi, cấp bằng lái thôi thì hợp lý. Tức là người xin cấp bằng lái phải chứng minh mình đủ sức khỏe lái xe. Tôi nghĩ đây là dịp để họ lọc lại. Đâu thể tự nhiên kêu người ta lên khám sức khỏe. Mà ngày xưa chỉ cần đưa tiền là có tờ giấy khám sức khỏe đạt yêu cầu. Bây giờ họ không dám đâu nên họ phải bày ra vậy để có tiền".

"Theo tôi, ra quy định đó để các cơ quan chức năng có lý do để hạch họe, làm khó người dân để bắt dân phải chi tiền ra. Sức khỏe nào cũng lái xe được hết, kể cả người tàn tật. Nếu có kiểm tra sức khỏe thì chỉ nên kiểm tra thị lực mà thôi".

Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng, một khi có quy định rõ ràng thì công an giao thông có quyền kiểm tra. Kiểm tra bảo hiểm xe đã là điều vô lý. Nay lại thêm kiểm tra sức khỏe. Ông nói :

"Nếu anh lái xe gắn máy thì không cần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Còn nếu lái xe taxi hay xe cho doanh nghiệp nào đó thì hàng năm đã có khám sức khỏe. Đó không phải là việc của ngành công an hay giao thông".

Nguồn : RFA, 27/09/2023

Published in Việt Nam