Ông Đinh La Thăng đề nghị tòa ‘tuyên vô tội’ (Người Việt, 22/06/2018)
Ông Đinh La Thăng đề nghị Viện Kiểm Sát xem xét tuyên ông không có tội. Trong khi đó, Viện Kiểm Sát để nghị Hội Đồng Xét Xử giữ nguyên án sơ thẩm tuyên ông 18 năm tù.
Ông Đinh La Thăng tại tòa. (Hình : Tuổi Trẻ)
Theo báo Tuổi Trẻ, trong phiên xét xử bị cáo Đinh La Thăng – cựu chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) – và đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" vào sáng 22 tháng Sáu tại Hà Nội, ông Thăng bị Viện Kiểm Sát đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm 18 năm tù.
Trong phần tranh luận của phiên xét xử này vào chiều cùng ngày, ông Thăng đề nghị Hội Đồng Xét Xử, Viện Kiểm Sát "xem xét tuyên mình không có tội. Bởi theo bị cáo, thực tế ông không cố ý làm trái, không vi phạm pháp luật, đầu tư đúng chủ trương, hiệu quả. Việc OceanBank bị mua 0 đồng, PVN mất vốn không phải là trách nhiệm của ông vì thời điểm 2015, ông đã chuyển công tác được vài năm", báo Tuổi Trẻ cho hay.
Không những bị Viện Kiểm Sát đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm 18 năm tù, mà ông Thăng còn bị buộc bồi thường 600 tỷ đồng (hơn 26,5 triệu USD) cho PVN.
Báo VnExpress dẫn lời ông Thăng tại tòa : "Xin tòa xem xét lại tội danh, hình phạt cũng như trách nhiệm dân sự bồi thường 600 tỷ đồng mà tôi phải gánh chịu một cách bất công, vô lý. Trong thời tiết 40 độ C, tôi phải nằm trong bốn bức tường bê tông nên mong Hội Đồng Xét Xử thông cảm".
Ông Thăng cũng được ghi nhận nói thêm : "Tôi rất mong muốn được chấp hành đúng. Nhưng cũng vì chấp hành đúng mà tôi đã phải chịu một mức án 18 năm tù, rất bất công và vô lý. Nếu cứ hỏi thế này thì chỉ tìm những căn cứ buộc tội tôi mà không có căn cứ gỡ tội. Nếu công bằng, khách quan thì tôi đã không phải ra tòa lần này".
Đáng lưu ý, trong những ngày phiên xử phúc thẩm đang diễn ra tại Hà Nội, người ta thấy các luật sư bào chữa cho ông Thăng và các nhà báo mấy tháng trước còn lên tiếng bênh vực ông nay đã không còn bày tỏ sự ủng hộ với cựu bí thư Sài Gòn trên mạng xã hội.
Đến nay, sau hai phiên tòa diễn ra liên tiếp tại Hà Nội, ông Thăng bị tuyên tổng cộng 31 năm tù giam.
Việc ông Thăng sẽ bồi thường khoản tiền 600 tỷ đồng thế nào cũng được công luận quan tâm vì ông này không bị kê biên tài sản như trường hợp các bị cáo bị buộc tội "gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng" khác. Theo VnExpress, việc chưa kê biên tài sản của ông Thăng "có thể sẽ gây khó khăn trong công tác thi hành án". Theo luật pháp Việt Nam, nếu người bị kết tội không tự nguyện bồi thường thì trách nhiệm xác minh, kê biên tài sản sau này thuộc về cơ quan thi hành án.
Việc tuyên phạt bị cáo phải bồi thường hàng trăm tỷ đồng trong các vụ "tham ô", "cố ý làm trái" được xem là chiêu thức của cơ quan tố tụng để công luận thấy mức độ sai phạm nghiêm trọng của bị cáo, chứ ít có hiệu quả trên thực tế.
Truyền thông Việt Nam ghi nhận, hai năm sau bản án phúc thẩm hồi tháng Tám, 2012, tuyên cựu chủ tịch Tập Đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình cùng tám "đồng phạm" phải bồi thường hơn 1,100 tỷ đồng (hơn 48 triệu USD), riêng ông Bình phải thi hành án hơn 500 tỷ đồng (hơn 21,8 triệu USD), cơ quan thi hành án mới thu được 2,4 tỷ đồng (hơn 104.805 USD).
Trong một phiên tòa khác, ông Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) và đồng phạm bị tuyên bồi thường hơn 360 tỷ đồng (hơn 15,7 triệu USD), song đến tháng Hai, 2016, cơ quan thi hành án được ghi nhận mới thu được hơn 19 tỷ đồng (hơn 829.707 USD). (T.K.)
**********************
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị giữ nguyên mức án (RFA, 22/06/2018)
Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao Hà Nội ngày 22 tháng 6 đề nghị Tòa phúc thẩm giữ nguyên mức án đối với ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên/Hội Đồng Quản Trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong vụ góp 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương Oceanbank.
Ông Đinh La Thăng tại Tòa án Nhân dân Hà Nội hôm 29/3/2018. Reuters
Theo đại diện cơ quan công tố, ông Thăng giữ vai trò chính trong việc đưa ra chủ trương làm trái và chỉ đạo các bị cáo khác phạm tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Viện Kiểm sát cũng cho rằng mọi tình tiết giảm nhẹ tội như đóng góp của ông Thăng cho xã hội, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, đều đã được áp dụng nên không thể giảm án cho ông Thăng được nữa.
Về phần mình, ông Đinh La Thăng cho rằng những sai phạm xảy ra là có phần lỗi của chính phủ. Theo ông, việc PVN đầu tư vào Oceanbank đã được chính phủ đồng ý, sau đó PVN muốn thoái vốn và đã có đối tác muốn mua nhưng Chính phủ không cho phép dẫn tới thua lỗ.
Phiên xử sơ thẩm vụ án vừa nêu diễn ra vào tháng ba vừa qua đã tuyên ông Đinh La Thăng 18 năm tù giam và bồi thường 600 tỷ đồng.
Trong một phiên tòa khác diễn ra vào tháng 1/2018, ông Thăng khai rằng những quyết định của ông khi còn đứng đầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam là do đường lối của Bộ Chính trị, trong đó có quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Đó là vụ án ‘cố ý làm trái qui định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng, và ‘tham ô tài sản’ xảy ra tại Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ Phần Xây Dựng Dầu Khí Việt Nam (PVC). Trong vụ này ông Đinh La Thăng bị tuyên án 13 năm tù.
********************
Chương trình truyền hình bikini đầu tiên của Việt Nam gây ‘bão mạng’ (VOA, 22/06/2018)
Hàng triệu fan hâm mộ bóng đá Việt Nam đã bị "sốc" nặng khi một MC nữ diện hai mảnh bikini xuất hiện trong một chương trình truyền hình mới dự đoán kết quả các trận đấu World Cup.
MC Thu Hằng trong chương trình "Tiên tri nước Nga" trên kênh K+
Chương trình có tên "Tiên tri nước Nga" phát trên kênh K+ và livestream trên Fanpage đã gây ra làn sóng tranh cãi dữ dội trên các trang mạng khi hình ảnh MC Thu Hằng mặc bikini và quấn một chiếc khăn "mỏng tang" bên dưới xuất hiện cùng với một chú hải cầu được gọi là "nhà tiên tri Molly" để dự đoán kết quả các trận đấu sắp diễn ra.
Bất chấp mục tiêu là dự đoán kết quả các trận đấu, các ý kiến bình luận cho chương trình chỉ tập trung về chuyện mặc bikini của nữ MC.
"Chương trình không ai xem hay sao mà đến đài truyền hình giờ cũng phải để MC mặc đồ lót dẫn chương trình ?", "Trông phản cảm quá !", "Thà là bỏ đi hết chớ quấn thêm chiếc khăn mỏng ở phần dưới chỉ gợi thêm trí tưởng tượng về... những trận đấu ở đâu còn lâu mới nói"…, một số ý kiến trên mạng bày tỏ.
K+ là một dịch vụ truyền hình vệ tinh của công ty TNHH truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV), liên doanh đầu tiên giữa hai hãng truyền thông đứng đầu Việt Nam VTV/VCTV và tập đoàn truyền thông Pháp Canal+/Canal Overseas.
Trước làn sóng phản ứng dữ dội về hình ảnh MC mặc bikini, đại diện của K+ trả lời với Tuổi Trẻ Online rằng : "Chương trình này được quay ở hồ bơi, MC có thể phải nhảy xuống hồ để làm quen với cá heo, hải cẩu trong quá trình ghi hình... nên mặc đồ bơi để phù hợp với bối cảnh quay. Và các trang phục áo tắm thay đổi theo từng số...".
MC mặc bikini lên truyền hình là sự kiện đình đám thứ hai liên quan đến bộ đồ tắm hai mảnh này tại Việt Nam. Trước đó, hãng hàng không giá rẻ VietJet cũng đã "gây sốt" cả thế giới với dàn tiếp viên nữ mặc bikini trên máy bay. Sau "tiếng vang" này, nữ giám đốc của VietJet đã trở thành nữ triệu phú đôla đầu tiên tại Việt Nam.
Trước đó, kênh truyền hình nhà nước Việt Nam (VTV) cũng gây tranh cãi trong dư luận khi một dàn 32 "hot girl" mà đài này đưa lên để dẫn các chương trình tường thuật bóng đá đã có những bình luận "ngớ ngẩn" và lộ rõ lỗ hổng kiến thức. Người hâm mộ cho rằng đây là một "chiêu trò" để "câu view" rẻ tiền và "lợi dụng thân thể phụ nữ".
https://www.voatiengviet.com/097f22ff-c174-4ef8-b3d3-a5c002e05a14